Thứ Tư, 5/1/2022 | 08:09 GMT +7

Nghiệm thu đánh giá nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu, đánh giá giá trị vị trí, vai trò của di tích Thiên Long Uyển và khu vực Yên Đức trong tổng thể di tích chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 và đề xuất phương án bảo tồn, tôn tạo, kết nối di tích”

Chiều ngày 30/12/2021, tại thành phố Hạ Long, Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ninh đã tổ chức Hội đồng nghiệm thu đánh giá nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu, đánh giá giá trị vị trí, vai trò của di tích Thiên Long Uyển và khu vực Yên Đức trong tổng thể di tích chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 và đề xuất phương án bảo tồn, tôn tạo, kết nối di tích”

Chiều ngày 30/12/2021, tại thành phố Hạ Long, Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ninh đã tổ chức Hội đồng nghiệm thu đánh giá nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu, đánh giá giá trị vị trí, vai trò của di tích Thiên Long Uyển và khu vực Yên Đức trong tổng thể di tích chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 và đề xuất phương án bảo tồn, tôn tạo, kết nối di tích” do ThS. Nguyễn Duy Cường, Phó Trưởng phòng Công tác Chính trị, Quản lý và Hỗ trợ Sinh viên, Trường Đại học Hạ Long và PGS.TS. Vũ Văn Quân, Trưởng khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) làm đồng chủ nhiệm.

Thành phần Hội đồng nghiệm thu gồm có: Chủ tịch – ông Hoàng Vĩnh Khuyến, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ninh;  Phản biện 1 – GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội), Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam); Phản biện 2 – GS.TS. Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; các ủy viên: PGS.TS. Bùi Văn Liêm (Phó Chủ tịch Hội Khảo cổ Việt Nam), TS. Trịnh Đăng Thanh (Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh), ThS. Ninh Văn Thương (Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao), ThS. Phạm Văn Điệp (Trưởng phòng Khoa giáo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh), ThS. Vũ Anh Tuấn (Trưởng phòng Văn hóa, thị xã Đông Triều).

Đại diện Trường Đại học Hạ Long có TS. Phan Thị Huệ, Phó Hiệu trưởng và các thành viên trong nhóm nguyên cứu.

Nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu, đánh giá giá trị vị trí, vai trò của di tích Thiên Long Uyển và khu vực Yên Đức trong tổng thể di tích chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 và đề xuất phương án bảo tồn, tôn tạo, kết nối di tích” có 7 nội dung nghiên cứu:

Nội dung 1: Sưu tầm, tổng hợp, nghiên cứu đánh giá các nguồn tư liệu thư tịch có liên quan;

Nội dung2: Điều tra, khảo sát và nghiên cứu thực địa tại các khu vực nằm trong chiến trường Bạch Đằng năm 1288;

Nội dung 3: Xây dựng bản đồ GIS;

Nội dung 4: Thăm dò khảo cổ một số địa điểm tại Yên Đức và tại Thiên Long Uyển.

Nội dung 5: Khai quật, nghiên cứu đánh giá giá trị, vai trò và vị trí của di tích Thiên Long Uyển trong chiến thắng Bạch Đằng năm 1288;

Nội dung 6: Đề xuất phương án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trong sự kết nối với các di tích có liên quan khác;

Nội dung 7: Biên tập, xuất bản sách chuyên khảo kết quả nghiên cứu.

Tại buổi nghiệm thu, sau khi nghe nhóm nghiên cứu báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ, các thành viên Hội đồng tập trung trao đổi và đánh giá cao kết quả nhiệm vụ nghiên cứu đã thực hiện được, cụ thể:

1) Báo cáo kết quả sưu tầm, tổng hợp tư liệu;

2) Báo cáo điều tra, khảo sát tại các địa phương: Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh;

3) Bản đồ GIS và Bản đồ quy hoach;

4) Báo cáo kết quả khai quật di tích Thiên Long Uyển năm 2019;

5) Báo cáo kết quả khai quật di tích Thiên Long Uyển năm 2020;

6) Các kết quả phân tích mẫu vật: mẫu kim loại, mẫu vật liệu kiến trúc và mẫu gỗ;

7) Báo cáo đề xuất phương án quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Thiên Long Uyển;

8) Các bài viết, công trình đã công bố: 08 công trình nghiên cứu tại các Hội thảo quốc gia, Tạp chí Khảo cổ học, Tạp chí Phật học, Tạp chí khoa học Đại học Hạ Long… vào các năm 2019, 2020, 2021;

9) Sách chuyên khảo “Di tích Thiên Long Uyển (Đông Triều, Quảng Ninh)”.

Sau 26 tháng thực hiện, các kết quả của nhiệm vụ đã phản ánh đầy đủ, toàn diện, sâu sắc, rõ ràng nội dung nghiên cứu và đáp ứng mục tiêu đặt ra:

– Bước đầu làm rõ tính chất, niên đại của di tích Thiên Long Uyển và khu vực núi Thiên Liêu xưa thuộc xã Yên Đức, thị xã Đông Triều ngày nay;

– Bước đầu đưa ra những kiến giải về vị trí, vai trò của Thiên Long Uyển và khu vực núi Thiên Liêu trong chiến thắng Bạch Đằng năm 1288, theo đó Thiên Long Uyển là nơi các vua Trần đóng đại bản doanh, là vị trí quan trọng có tầm bao quát toàn bộ chiến trường;

– Là cơ sở khoa học đề xuất giải pháp quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị của di tích Thiên Long Uyển trong tổng thể Khu di tích và danh thắng Yên Đức, xã Yên Đức, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh, kết nối với Khu di tích chiến thắng Bạch Đằng 1288 ở thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh.

Sau một thời gian làm việc nghiêm túc, các thành viên Hội đồng nghiệm thu đã bỏ phiếu thông qua kết quả và thống nhất kết luận: Nhiệm vụ xếp loại xuất sắc. Đồng thời, Hội đồng cũng đề nghị các chủ nhiệm và thành viên nhiệm vụ chỉnh sửa, bổ sung các ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng để nhiệm vụ hoàn thiện hơn.

Những kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu, đánh giá giá trị vị trí, vai trò của di tích Thiên Long Uyển và khu vực Yên Đức trong tổng thể di tích chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 và đề xuất phương án bảo tồn, tôn tạo, kết nối di tích” là cơ sở để Trường Đại học Hạ Long đề xuất UBND tỉnh, các sở ngành về việc bảo tồn, phát huy giá trị của di tích Thiên Long Uyển; đóng góp luận cứ khoa học để Quảng Ninh phối hợp với các tỉnh Hải Phòng, Hải Dương xem xét xây dựng Hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng 1288 là di sản văn hóa thế giới; đồng thời mở ra hướng nghiên cứu tiếp theo khi kết quả khai quật khảo cổ học đã hé lộ những nội dung mới về một thời kỳ văn hóa Đông Sơn rực rỡ ẩn chứa dưới lớp trầm tích của vùng Yên Đức nói chung, khu vực núi Thiên Liêu và Thiên Long Uyển nói riêng.

Nguyễn Duy Cường

BÌNH LUẬN