Thứ Tư, 8/6/2022 | 15:05 GMT +7

NGHIỆM THU CẤP CƠ SỞ ĐỀ TÀI ĐỘC LẬP CẤP QUỐC GIA DO TRƯỜNG ĐẠI HỌC HẠ LONG CHỦ TRÌ THỰC HIỆN

Chiều ngày 05/6/2022, Trường Đại học Hạ Long tổ chức Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp cơ sở nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia “Nghiên cứu mô hình phát triển kinh tế biển khu vực ven bờ tỉnh Quảng Ninh và phụ cận”. Nhiệm vụ do Trường Đại học Hạ Long chủ trì, TS. Trần Trung Vỹ làm chủ nhiệm. GS.TSKH. Phạm Hoàng Hải, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Địa lý Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng.

GS.TSKH. Phạm Hoàng Hải, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Địa lý Việt Nam chủ trì Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở đề tài KH&CN cấp quốc gia

Đề tài “Nghiên cứu mô hình phát triển kinh tế biển khu vực ven bờ tỉnh Quảng Ninh và phụ cận”, mã số ĐTĐL.XH.01/19, do Trường Đại học Hạ Long chủ trì, TS. Trần Trung Vỹ làm chủ nhiệm, thực hiện trong thời gian 39 tháng từ 03/2019 đến 05/2022 với tổng kinh phí 4.800 triệu đồng. Đây là đề tài cấp quốc gia đầu tiên do Trường Đại học Hạ Long chủ trì thực hiện với sự cộng tác của Viện Địa lý, Viện Nghiên cứu bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng; Viện Môi trường và Phát triển bền vững; Viện Tài nguyên và Môi trường biển cùng nhiều sở, ngành liên quan. Đề tài thực hiện với mục tiêu: (1) Xác lập được luận cứ khoa học và thực tiễn cho mô hình phát triển kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh khu vực ven bờ tỉnh Quảng Ninh và phụ cận; (2) Xác lập được bộ tiêu chí cho mô hình phát triển kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh; (3) Xây dựng được mô hình định hướng và mô hình thử nghiệm phát triển kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh; (4) Đề xuất được giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi các mô hình.

Chủ nhiệm nhiệm vụ trình bày các nội dung nghiên cứu tại Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh.

Kết quả nghiên cứu mà nhiệm vụ đã xây dựng được đảm bảo các yêu cầu đặt ra theo Hợp đồng với Bộ KH&CN, cụ thể:

(1) Cơ sở khoa học và thực tiễn cho mô hình phát triển kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh khu vực Quảng Ninh và phụ cận, qua đó xác định rõ mối quan hệ giữa tăng trưởng xanh với phát triển bền vững; đồng thời xác định được các cấu phần tăng trưởng xanh trong các lĩnh vực (nông nghiệp, công nghiệp, du lịch) ở khu vực ven bờ Quảng Ninh và phụ cận;

(2) Bộ tiêu chí cho mô hình phát triển kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh vùng ven bờ tỉnh Quảng Ninh và phụ cận trên 3 bình diện:

– Bộ tiêu chí về kinh tế – xã hội gắn với các ngành kinh tế biển đã định hướng phát triển

– Bộ tiêu chí về tự nhiên, môi trường gắn với các ngành kinh tế biển đã định hướng phát triển

– Bộ tiêu chí về an ninh, quốc phòng, chủ quyền biển đảo liên quan đến các ngành kinh tế biển đã định hướng phát triển;

(3) Hệ thống thông tin các nguồn lực tự nhiên, thực trạng phát triển kinh tế – xã hội, điều kiện môi trường tỉnh Quảng Ninh và phụ cận đáp ứng cho các tiêu chí phát triển kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh;

(4) Các mô hình phát triển kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh vùng ven bờ tỉnh Quảng Ninh và phụ cận có ý nghĩa quan trọng trong định hướng quá trình sử dụng lợi thế tài nguyên vị thế của vùng ven bờ Quảng Ninh và phụ cận theo các tiêu chí tăng trưởng xanh phục vụ phát triển các ngành kinh tế biển. Đề tài đã đề xuất được 01 mô hình vĩ mô phát triển kinh tế biển cho vùng ven bở tỉnh Quảng Ninh và phụ cận dựa trên thế mạnh tiềm năng, bề dày phát triển và khả năng phối hợp các yếu phát triển và 03 mô hình lý thuyết; đưa ra định hướng chung cho phát triển mô hình kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh khu vực ven bờ Quảng Ninh và phụ cận: Liên kết phát triển du lịch – khu kinh tế – bảo tồn, xác định 03 yếu tố quan trọng trong liên kết phát triển, đề xuất phát triển 03 mô hình kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh khu vực ven bờ Quảng Ninh và phụ cận: (1) mô hình chuỗi liên kết giá trị du lịch biển trọng tâm: Di sản thiên nhiên Hạ Long – VQG Bái Tử Long – VQG Cát Bà gắn với các khu du lịch tâm linh, lịch sử, văn hóa, sinh thái vùng ven bờ Quảng Ninh và phụ cận theo hướng tăng trưởng xanh; (2) liên kết bảo tồn đa dạng sinh học, di tích lịch sử theo hướng tăng trưởng xanh; (3) chuỗi liên kết giá trị kinh tế trọng tâm: KKT Vân Đồn – KKT cửa khẩu Móng Cái – KKT ven biển Đình Vũ – Cát Hải gắn với các khu, cụm công nghiệp ven biển vùng ven bờ Quảng Ninh và phụ cận theo hướng tăng trưởng xanh;

(4) Mô hình thử nghiệm phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng gắn với bảo tồn trên đảo Quan Lạn – Minh Châu. Đây là mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng gắn với bảo tồn theo định hướng: Thiên nhiên – Lịch sử – Con người Quan Lạn Minh Châu với 04 sản phẩm du lịch được đề xuất, trong đó có 02 sản phẩm du lịch được lựa chọn thí điểm: sản phẩm du lịch tâm linh (Lịch sử hào hùng và văn hóa đảo Quan Lạn) nhằm khai thác giá trị văn hoá lịch sử của đảo và sản phẩm du lịch trải nghiệm (Một ngày làm ngư dân) nhằm trải nghiệm đời sống truyền thống thường nhật trên đảo Quan Lạn. Kết quả đạt được của mô hình thực nghiệm trên đảo Quan Lạn – Minh Châu góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân; khai thác hợp lí và bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học, văn hoá lịch sử;

(5) Hệ thống giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi mô hình khu vực ven biển tỉnh Quảng Ninh và phụ cận, mô hình thử nghiệm trên đảo Quan Lạn – Minh Châu, các giải pháp được phân loại thành một số nhóm: Giải pháp về cơ chế chính sách – quản lý; liên kết phát triển chuỗi các giá trị kinh tế; Giải pháp về nguồn nhân lực; giải pháp tích hợp liên kết phát triển các mô hình;

(6) Hệ thống các bản đồ khu vực nghiên cứu: Thành lập bản đồ hệ sinh thái khu vực ven bờ tỉnh Quảng Ninh và phụ cận tỷ lệ 1/100.000 (bản đồ tài nguyên và hiện trạng khai thác, bản đồ điều kiện tự nhiên, bản đồ phân vùng sử dụng không gian); Hệ thống bản đồ khu vực xây dựng mô hình thực nghiệm tỷ lệ 1/5.000 (bản đồ tài nguyên du lịch đảo Quan Lạn – Minh Châu, bản đồ cảnh quan đảo Quan Lạn – Minh Châu phục vụ khai thác phát triển du lịch, bản đồ bố trí, sử dụng không gian phát triển mô hình thử nghiệm tại đảo Quan Lạn – Minh Châu); Chuẩn hóa dữ liệu bản đồ các tỷ lệ trong GIS.

Nhiệm vụ cũng đã góp phần phát triển lý luận về phát triển mô hình kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh ở khu vực biển và đảo ven bờ, phát triển lý luận về xây dựng mô hình phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng gắn với bảo tồn cho khu vực cấp xã đảo thông qua 05 công trình được công bố ở trong và ngoài nước, đào tạo được 02 Thạc sỹ và hỗ trợ đào tạo 01 Nghiên cứu sinh có đề tài gắn với nội dung nghiên cứu của nhiệm vụ.

Hội đồng nhất trí nghiệm thu nhiệm vụ xếp loại Đạt. Nhiệm vụ đã hoàn thành đầy đủ nội dung, khối lượng và đưa ra được sản phẩm tương ứng đáp ứng được mục tiêu theo như đề cương đã được phê duyệt theo đúng tiến độ. Đồng thời, yêu cầu nhóm nghiên cứu tiếp thu các nội dung và chỉnh sửa cho phù hợp, cụ thể: bổ sung bảng biểu, chữ viết tắt, chi tiết hóa bộ tiêu chí; cụ thể các phương pháp nghiên cứu; bổ sung thích hợp và định hình cụ thể phạm vi vùng phụ cận; trình bày lại báo cáo một cách trọng tâm… đảm bảo hoàn thành các sản phẩm theo đúng yêu cầu của Hợp đồng và hồ sơ chuẩn bị cho Hội đồng nghiệm thu chính thức.

Trên cơ sở các ý kiến của Hội đồng, đồng chí Trần Trung Vỹ, Phó Hiệu trưởng điều hành – chủ nhiệm đề tài ghi nhận và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới. Đồng thời khẳng định quyết tâm thực hiện các công việc hoàn thiện hồ sơ đề tài đảm bảo chất lượng và hiệu quả.

Trần Thị Thu Trang – Phòng HTQT&QLKH

Ảnh: Giáp Lương Thụy

BÌNH LUẬN