Thứ Hai, 20/5/2019 | 11:14 GMT +7

NHÌN LẠI CUỘC THẢO LUẬN XUNG QUANH TẬP THƠ “TỪ ẤY” CỦA TỐ HỮU (1959-1960

“Từ ấy” (1937-1946) là tập thơ đầu tay của Tố Hữu viết trong hoàn cảnh đất nước còn nô lệ và phong trào Thơ Mới đã tiến hành xong một cuộc cách mạng trong thơ ca. Ngay từ khi ra đời, tập thơ đã được nhiều bạn đọc, nhiều nhà nghiên cứu phê bình quan tâm đặc biệt. Khởi đầu là bài phê bình của nhà thơ Xuân Diệu, sau đó là hàng loạt các bài phê bình khác của nhiều tác giả thảo luận xung quanh nội dung về mối quan hệ của Từ ấy và Thơ Mới. Nổi bật lên ba luồng ý kiến sau: phủ nhận hoàn toàn mối quan hệ này; “Từ ấy” có quan hệ với Thơ Mới những chỉ ở phương diện hình thức trên một vài khía cạnh rất hạn chế và Từ ấy với Thơ Mới có mối quan hệ nhiều mặt.

NHÌN LẠI CUỘC THẢO LUẬN XUNG QUANH TẬP THƠ “TỪ ẤY” CỦA TỐ HỮU (1959-1960)

                                                                                                        ThS. Nguyễn Thị Ngọc Lương

  1. Đặt vấn đề

Tập thơ Từ ấy (1937-1946) của Tố Hữu ghi lại chặng đường 10 năm thơ gắn liền 10 năm cách mạng. Tập thơ ra đời trong bối cảnh phong trào Thơ Mới đang ở thời kì đỉnh cao. Cả tập thơ có 71 bài, chia làm 3 phần: Máu lửa, Xiềng xíchĐấu tranh. Nó được in lần đầu tiên vào năm 1946 với tên “Thơ”, sau đó vào năm 1959 tập thơ được in lại lần 2 và đổi tên thành “Từ ấy”. Ngay khi Từ ấy ra đời, nó đã được công chúng bạn đọc và giới phê bình nghệ thuật thời đó đón nhận nồng nhiệt. Trong chưa đầy một năm đã có hơn 20 bài viết về Từ ấy đăng trên các báo và cũng dấy lên một cuộc thảo luận khá sôi nổi xung quanh tập thơ.

  1. Nội dung

2.1. Bài viết khơi mào đầu tiên cho cuộc thảo luận xung quanh tập thơ Từ ấy

Ngay sau khi tập thơ đầu tay của Tố Hữu đổi tên thành “Từ ấy”, Xuân Diệu đã quan tâm và viết bài tiểu luận phê bình về tập thơ đăng trên báo Văn nghệ, trong đó ông có nêu ra một nhận định của mình như sau: “Nếu ta tìm hiểu cho sâu sắc hơn nữa sự cấu tạo, sự kết thành của thơ Tố Hữu trước cách mạng, có lẽ ta có thể mạnh dạn giải thích rằng, trên nét lớn, thơ Tố Hữu trước cách mạng tức là sự thoát thai từ phòng trào Thơ Mới kết hợp với tinh thần, với tư tưởng cách mạng vô sản do Đảng của giai cấp công nhân đưa đến” [1]. Và chính cụm từ “Từ ấy thoát thai từ phong trào Thơ Mới” của Xuân Diệu đã châm ngòi nổ giữa giới phê bình nghệ thuật, tạo ra cuộc tranh luận khá sôi nổi bàn về mối quan hệ giữa Từ ấy và Thơ Mới. Xuân Diệu trong bài tiểu luận của mình đã cho rằng Tố Hữu có đem vào trong tập thơ Từ ấy “những yếu tố của phong trào Thơ Mới”, đó là “cái phong cách lãng mạn và “việc cá thể hóa”. Phong cách lãng mạn trong tập thơ theo nhà phê bình chính là sự tràn đầy cảm xúc, tràn đầy tình cảm, với điệu cảm xúc say mê. Còn tính cá thể hóa trong tập thơ theo ông được biểu hiện từ cách cảm, cách nghĩ và diễn tả sự vật cùng với lòng mình chứ “chưa vội uốn nắn nó mà cứ thể hiện nó theo lối chân…”

Trước những nhận định trên của Xuân Diệu khi bàn về tập thơ Từ ấy của Tố Hữu, đã có rất nhiều nhà phê bình văn học thời bấy giờ không tán thành với nhận định đó với những mức độ khác nhau, tập trung bởi ba luồng ý kiến sau:

2.2. Luồng ý kiến phủ nhận hoàn toàn mối quan hệ này

Các nhà nghiên cứu tiêu biểu cho ý kiến này là Hoàng Minh Châu, Hồ Ngọc Hương… cho rằng ý kiến của Xuân Diệu đã làm hạ thấp giá trị của tập thơ. Từ ấy của Tố Hữu không thể thoát thai hay có mối quan hệ gì với Thơ Mới. Căn cứ họ đưa ra dựa trên sự đối lập về hệ tư tưởng, thế giới quan, lập trường giai cấp của hai khuynh hướng thơ: thơ cách mạng vô sản và thơ lãng mạn tư sản. Nhà phê bình Hồ Ngọc Hương trong bài viết “Thơ Tố Hữu với phong trào “thơ mới” đã khẳng định Từ ấy không thể thoát thai trong dòng thơ lãng mạn tiêu cực. Lí do nhà phê bình đưa ra là “Thơ mới mang nặng thế giới của giai cấp tư sản… thơ Tố Hữu đứng về một phía thế giới quan của giai cấp vô sản tức là đối lập với thế giới quan của giai cấp tư sản” [3].

2.3. Luồng ý kiến cho rằng ‘Từ ấy’ có quan hệ với Thơ Mới những chỉ ở phương diện hình thức trên một vài khía cạnh rất hạn chế

Tiêu biểu cho ý kiến này là các tác giả Phan Cự Đệ, Vũ Đức Phúc… Trong bài viết “Một bông hoa tươi thắm nhất của vườn thơ cách mạng”, tác giả Phan Cự Đệ cho rằng Tố Hữu “phần nào có tiếp thu những thủ đoạn nghệ thuật, ngôn ngữ của thơ mới lãng mạn” nhưng ông khẳng định “Thơ Tố Hữu không thể kế thừa Thơ Mới về mặt tư tưởng, thế giới quan… Nhân sinh quan của thơ Tố Hữu là nhân sinh quan cộng sản… Thơ Tố Hữu mang tính Đảng rõ rệt”; “Thơ Tố Hữu ca ngợi những con người cách mạng chứ không phải “những con người vô dụng” hưởng lạc, thoát ly như trong Thơ Mới lãng mạn đương thời”; “Phong cách nhà thơ Tố Hữu không thể giống phong cách của các nhà thơ lãng mạn tiêu cực đương thời vì thế giới quan của Tố Hữu khác xa thế giới quan của họ. Càng không thể nói có một “phong cách lãng mạn” chung cho các nhà thơ lãng mạn tiêu cực và lãng mạn cách mạng” [2]. Ông cho rằng Từ ấy của Tố Hữu đúng ra là bắt nguồn, phát triển trong dòng thơ cách mạng và tiêu biểu cho dòng thơ ấy , nó là “bông hoa tươi thắm nhất của vườn thơ cách mạng”.

2.4. Luồng ý kiến cho rằng Từ ấy và Thơ Mới có mối quan hệ nhiều mặt

Đây cũng là luồng ý kiến được cho là đúng đắn hơn cả với các tác giả tiêu biểu như Lê Đình Kị, Huỳnh Lý. Ý kiến này chỉ ra mối quan hệ nhiều mặt giữa Thơ Mới và Từ ấy. Một mặt, các nhà nghiên cứu không chấp nhận mệnh đề của Xuân Diệu như nhiều nhà phê bình khác nhưng mặt khác họ cũng phải thừa nhận những ảnh hưởng của Thơ Mới với Từ ấy của Tố Hữu.

Trong bài viết “Nên xét thơ Tố Hữu như một thực thể động” của Huỳnh Lý, tác giả cho rằng “Trong Từ ấy còn rơi rớt tư tưởng tiểu tư sản… Phong trào Thơ Mới không thể đẻ nổi ra Từ ấy nhưng Từ ấy có dùng những thành tựu của Thơ Mới, có khi dùng cả cái không đắt nữa, những cái dở Từ ấy bỏ dần, cái hay Từ ấy luyện thêm mãi, đem phần sáng tạo của mình vào, đưa thơ lên trình độ là công cụ biểu hiện tư duy và tình cảm cách mạng” [4]. Cái “rơi rớt tư tưởng tiểu tư sản” mà Huỳnh Lý nói thể hiện rõ nhất trong những bài thơ đầu, trong tập đầu “Máu lửa” khi viết về những dân nghèo thành thị, với “lối cảm nghĩ, biểu hiện gần với nhà thơ lãng mạn trong phong trào Thơ Mới hơn là gần với nhà thơ cách mạng...”.

Một bài tiểu luận khác cũng đáng phải kể đến là “Từ ấy với phong trào Thơ Mới” của Lê Đình Kị. Trong bài phê bình, tác giả không đồng tình ý kiến của Xuân Diệu cho rằng “Từ ấy thoát thai từ phong trào Thơ Mới”. Ông khẳng định “Thơ Tố Hữu chính đã thoát thai từ phong trào cách mạng, trong hình thức thơ mới, kết hợp với phong cách lãng mạn đương thời trong phần lành mạnh của nó” [5]. Lê Đình Kị đồng tình với quan điểm của Phan Cự Đệ khi cho rằng Từ ấy có hình thức Thơ Mới khi “phần nào tiếp thu những thủ đoạn nghệ thuật, ngôn ngữ của Thơ Mới”, cả thể thơ Tố Hữu hay dùng trong Từ ấy cũng là thể loại hay dùng trong Thơ Mới như thơ 7 chữ, 8 chữ. Mặt khác, nhà nghiên cứu cho rằng “Tố Hữu đã sử dụng rộng rãi hình thức Thơ Mới… biến thơ mới thành là của mình, in dấu vết của tài năng và cá tính mình vào, góp phần làm phong phú thêm Thơ Mới” [5].

Lê Đình Kị không đồng tình với ý kiến của Phan Cự Đệ bằng một hệ thống lí luận Macxit rất khoa học. Nếu Phan Cự Đệ đồng nhất thế giới quan với phong cách nghệ thuật, thế giới quan quyết định phong cách nhà văn tức thế giới quan cách mạng thì nhà văn ấy phải có phong cách cách mạng, không thể có phong cách lãng mạn được. Nhà nghiên cứu phản hồi rằng “Sự thống nhất về thế giới quan đưa đến ở họ sự gần gũi về phong cách ở vài khía cạnh nhất định, nhưng đồng thời vẫn có rất nhiều khác biệt, mỗi người đều có phong cách của mình” [5]. Với ý kiến “không thể có một phong cách lãng mạn chung cho các nhà thơ lãng mạn tiêu cực và lãng mạn cách mạng” thì tác giả phản bác “Lãng mạn không thể hiểu như là một phong cách mà là một phương pháp nghệ thuật… từ một phương pháp “lãng mạn” có thể đẻ ra rất nhiều phong cách… Lãng mạn tích cực và lãng mạn tiêu cực là hai khuynh hướng cùng thuộc chung một phạm trù văn học là chủ nghĩa lãng mạn…Từ ấy nếu là lãng mạn thì đó là lãng mạn cách mạng, là một bộ phận khăng khít của hiện thực xã hội chủ nghĩa” [5].

Để chứng minh thơ Tố Hữu có phong cách lãng mạn cách mạng, Lê Đình Kị xem xét Từ ấy ở các phương diện sau:

Thứ nhất là, cảm hứng lãng mạn của cái “Tôi” trữ tình ngoài bản sắc riêng của Tố Hữu vẫn gắn với thơ mới lãng mạn đương thời ở “cảm hứng trữ tình, tưởng tượng, cảm giác, hệ thống hình tượng, nhạc điệu…” .

Thứ hai là, chủ đề, đề tài giang hồ, kĩ nữ, thiên nhiên… của Từ ấy cũng rất quen thuộc trong Thơ Mới.

Thứ ba là, lối dùng “cảm giác” để thể hiện tình cảm. Như trong bài thơ “Tranh đấu” Tố Hữu đã dùng đến các giác quan thính giác và xúc giác để thể hiện lòng căm hờn của mình.

Thứ tư là, giống như Xuân Diệu, nhà phê bình Lê Đình Kị cũng thấy trong Từ ấy của Tố Hữu có tình cá thể hóa nghĩa là tự biểu hiện, tự ca hát. Tố Hữu lấy cái tôi cá nhân cá thể của mình quy chiếu và chiếm lĩnh vạn vật. Tuy nhiên, tác giả bài phê bình còn thấy rằng “Ở Tố Hữu mặt yếu của nó là trong lúc tự biểu hiện, nhà thơ khi cần thiết để cái tôi của mình lấn át tất cả… thành thử khác với trong Việt Bắc, quần chúng trong Từ ấy thiếu thịt xương, thiếu cái cá thể nóng hổi của cuộc sống” [5].

Trên đây là ba luồng ý kiến khác nhau về mối quan hệ Từ ấy và Thơ Mới. Còn về phía Xuân Diệu, sau khi đón nhận những luồng ý kiến phản hồi đó, năm 1963, ông cũng viết thêm một bài mới “Dao có mài mới sắc”. Trên tinh thần phê bình và tự phê bình, Xuân Diệu đã thừa nhận mình dùng chữ “Từ ấy thoát thai từ phong trào Thơ Mới” là không thỏa đáng. Tuy nhiên Xuân Diệu cho rằng ông không làm giảm giá trị của Từ ấy và vẫn khẳng định mối liên quan giữa tập thơ với phong trào Thơ Mới: “Cái tinh thần toàn bài đọc Từ ấy của tôi là nhiệt liệt biểu dương văn học cách mạng… Tố Hữu đã không phủ nhận kinh nghiệm thơ mới, đã phê bình nó và dùng nó trong thơ cộng sản”.

Có thể nói dù nhận định trong bài viết đầu tiên của Xuân Diệu còn vài điểm sai sót nhưng ông vẫn rất tinh tế khi nhận ra ảnh hưởng của của Thơ Mới trong Từ ấy hay trong phong cách thơ Tố Hữu. Nhận định của ông không những không làm hạ thấp giá trị của Từ ấy mà một mặt vừa đánh giá đúng, khách quan giá trị cũng như ảnh hưởng nhất định của Thơ Mới, mặt khác vẫn chỉ ra được cái cốt cách cách mạng, cái tư tưởng thế giới quan vô sản của Tố Hữu trong tập thơ Từ ấy và chỉ ra được nét phong cách đặc biệt của Tố Hữu: phong cách lãng mạn cách mạn.

  1. Kết luận

Cuộc tranh luận sôi nổi của nhiều nhà phê bình xung quanh tập thơ Từ ấy của Tố Hữu năm 1959 đã cho ta thấy giá trị của tác phẩm Từ ấy đồng thời góp phần thúc đẩy hoạt động phê bình văn học thời bấy giờ phát triển. So sánh với nền phê bình văn học giai đoạn trước đó (trước năm 45) ở Việt nam còn thiên về cảm tính thì đến giai đoạn này, mở đầu bằng hai cuộc tranh luận về hai tập thơ của Tố Hữu đã thấy rõ: đây là lúc lý luận Xô Viết đặc biệt lý luận Macxit đã được giới văn học chúng ta tiếp nhận và sử dụng. Tuy nhiên sự vận dụng này nhiều khi còn khá thô thiển, quan niệm giản đơn và máy móc (tiêu biểu là quan niệm thế giới quan quyết định phương pháp sáng tác và phọng cách sáng tác…). Đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến sự bất đồng trong các ý kiến phê bình. Một nguyên nhân khác nữa là do thái độ đánh giá khác nhau đối với Thơ Mới. Phần lớn các ý kiến trong khi đề cao giá trị Từ ấy lại phủ nhận hoặc đánh giá thấp Thơ Mới. Chí ít người mới nhận ra ảnh hưởng tích cực của Thơ Mới với thời đại nói chung, với Từ ấy nói riêng như Xuân Diệu, Lê Đình Kị, Huỳnh Lý.

Nền phê bình văn học Việt Nam từ đây, bắt đầu đi theo phương pháp phê bình xã hội, dựa trên quan điểm Mác xit và mang tính giai cấp rất lớn. Các tác phẩm văn học nghệ thuật từ đây sẽ được đánh giá giá trị theo tiêu chí nội dung tư tưởng xã hội. Những tác phẩm hay phải là những tác phẩm có nội dung xã hội, phải phục vụ quần chúng, phục vụ sự nghiệp cách mạng của toàn dân tộc. Xét trong điều kiện xã hội lịch sử lúc bấy giờ, phương pháp phê bình này là rất phù hợp và đúng đắn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Xuân Diệu (1959), ‘Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ’, về tập ‘Từ ấy’ của Tố Hữu (1959), tạp chí Văn nghệ số 28, tháng 9.
  2. Phan Cự Đệ (1959), Một bông hoa tươi thắm nhất của vườn thơ cách mạng, Tạp chí Văn nghệsố 30, tháng 11.
  3. Hồ Ngọc Hương (1959), Thơ Tố Hữu với phong trào “thơ mới”, tạp chí Văn nghệsố 31, tháng 12.
  4. Huỳnh Lý (1959), Nên xét thơ Tố Hữu như một thực thể động, báo Văn họcsố 73, ngày 18 tháng 12.
  5. Lê Đình Kị (1959), Từ ấy với phong trào Thơ Mới, tạp chí Văn nghệ tháng 12.

 

 

 

 

 

BÌNH LUẬN