Thứ Hai, 18/3/2024 | 08:46 GMT +7

Tuổi trẻ Trường Đại học Hạ Long thăm và dâng hương tưởng niệm tại khu di tích lịch sử Pò Hèn (TP. Móng Cái)

Trong khuôn khổ chương trình học tập của lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng đợt II, năm 2024. Ngày 17/3/2024, Đoàn Thanh niên chủ trì tổ chức Chương trình thăm và dâng hương tưởng niệm tại khu di tích lịch sử Pò Hèn (Móng Cái - Quảng Ninh).

Tham gia Chương trình có đồng chí Trần Trung Vỹ (Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng thường trực Trường Đại học Hạ Long), đại diện lãnh đạo các đơn vị: phòng Công tác Chính trị, Quản lí và Hỗ trợ sinh viên, phòng Kế hoạch Tài chính, khoa Ngoại ngữ, khoa Sư phạm… Về phía Đoàn trường Đại học Hạ Long có đồng chí Nguyễn Văn Huỳnh (Bí thư Đoàn trường), các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đoàn trường và toàn thể học viên lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng đợt II, năm 2024.

Đây là hoạt động vô cùng ý nghĩa của tuổi trẻ Nhà trường để tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ đã xả thân chiến đấu trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc.

Đ/c Trần Trung Vỹ (Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long) cùng lãnh đạo các đơn vị và thành viên lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng đợt II, năm 2024 dâng hương tưởng niệm tại khu di tích lịch sử Pò Hèn

 Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Pò Hèn (Di tích Đồn Biên Phòng 209 – Pò Hèn) là một di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu của Thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh nói riêng và của cả nước nói chung. Di tích thuộc địa phận thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái.

Điểm di tích là nơi ghi dấu sự kiện lịch sử đã diễn ra tại đây (sự kiện biên giới ngày 17/2/1979); Chính vùng đất này đã thấm đẫm máu của biết bao chiến sĩ và đồng bào các dân tộc tỉnh Quảng Ninh sinh sống tại xã Hải Sơn; công tác tại Đồn Biên Phòng 209-Pò Hèn, và Lâm Trường Hải Sơn.

Trong cuộc chiến đấu ác liệt ngày 17/2/1979, tại đồn Pò Hèn đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng, quyết tâm, dũng cảm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ chủ quyền, biên giới Quốc gia. Đó là Trung Úy đồn phó Đỗ Sỹ Họa, tuy bị thương vẫn không rời trận địa, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng; Chiến sỹ Nông Văn Điều – Người đã phát hiện ra địch sớm nhất và tiên phong chiến đấu với quân địch khi chúng mới bắt đầu tấn công vào cổng đồn; Chiến sỹ Hoàng văn Túc đã kiên cường chiến đấu đến khi hết đạn lại đến chốt khác của đơn vị để chiến đấu và hi sinh trong tư thế đang chiến đấu; Hoàng Thị Hồng Chiêm – Cô Mậu dịch viên đã anh dũng cầm súng chiến đấu với địch, cuối cùng bị địch bắt và hi sinh… Cán bộ, chiến sỹ của đồn 209 đã đoàn kết một lòng, chiến đấu vô cùng anh dũng và lập được nhiều thành tích xuất sắc, làm thất bại âm mưu xâm lược của kẻ thù, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của quân và dân trong tỉnh đối với nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, biên giới thiêng liêng của Tổ quốc. Với những thành tích xuất sắc đó, ngày 19/12/1979, Đồn biên phòng 209 Pò Hèn đã được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

ĐVTN Trường Đại học Hạ Long được nghe các chiến sĩ đồn Biên phòng Pò Hèn ôn lại truyền thống lịch sử của khu di tích.

Sau chiến sự tháng 2/1979, Đồn 209 Công an nhân dân vũ trang chuyển đi xây dựng trụ sở ở địa điểm mới.Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Pò Hèn, được khởi công tôn tạo vào ngày 19/5/2010, nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh nhật của Bác và được khánh thành vào ngày 10/1/2011;  Là công trình được huy động xã hội hóa 100%, do Bộ chỉ huy BP Tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư, với sự hiến tặng kinh phí, cơ sở vật chất của các tập thể, đơn vị, cá nhân, gia đình, thân nhân các Liệt sĩ ở khắp mọi miền đất nước với tầm lòng tri ân sâu sắc; Tượng đài trong khu tưởng niệm quay mặt về hướng Bắc, với tổng diện tích khuôn viên là 86.304m2, gồm các hạng mục công trình chính là: đài tưởng niệm, đỉnh hương, nhà bia, sân khu tưởng niệm và vườn cây.

Công trình đài tưởng niệm cao 16 mét được xây dựng bằng chất liệu bê tông cốt thép, ốp đá trắng. Hai bên là hai nhà bia, bên trong có đặt một tấm bia làm bằng đá xanh nguyên khối khắc tên 86 liệt sỹ là bộ đội biên phòng Đồn 209 Pò Hèn, nhân viên thương nghiệp và công nhân lâm trường Hải Sơn. Với những nét kiến trúc hiện đại, khỏe khoắn trong không gian thiêng liêng, sâu lắng, khu tưởng niệm liệt sỹ Pò Hèn là minh chứng cho khí phách hào hùng của nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh và cán bộ, chiến sỹ bộ đội biên phòng vùng biên cương Đông Bắc của Tổ quốc. Đây cũng là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết chiến đấu anh dũng, bất khuất, không khuất phục trước kẻ thù của dân tộc ta qua hàng nghìn năm lịch sử.

Hàng năm, vào các dịp Lễ, Tết, ngày kỷ niệm, ngày truyền thống và nhân dịp tổ chức các sự kiện chính trị của địa phương, các hoạt động “Tri ân các anh hùng liệt sỹ” được tổ chức tại đây. Điểm Di tích ghi dấu sự kiện ngày 17/2/1979, tại trận địa này, không chỉ là bằng chứng lịch sử về tinh thần, ý chỉ quyết tâm, sự chiến đấu dũng cảm, ngoan cường quyết tâm bảo vệ chủ quyền từng tấc đát thiêng liêng nơi biên giới của tổ quốc, của tập thể cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên Phòng 209 Pò Hèn, của tập thể cán bộ, nhân viên Lâm Trường Hải Sơn và nhân dân nơi đây. Điểm di tích còn là nơi tổ chức các hoạt động tri ân các Liệt sĩ đã xả thân vì Tổ Quốc. Là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, yêu chuộng hòa bình – hữu nghị nơi biên giới vì sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc.

Dâng hương tại khu di tích Đền Xã Tắc (thành phố Móng Cái – Quảng Ninh)

 Cũng trong khuôn khổ của Chương trình, Tuổi trẻ Nhà trường cũng đến tham quan một số khu di tích lịch sử, danh thắng trên địa bàn thành phố Móng Cái – tỉnh Quảng Ninh. Thông qua chương trình, các đoàn viên thanh niên thuộc lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng đợt II, năm 2024 và toàn thể sinh viên Trường Đại học Hạ Long có thêm những hiểu biết về lịch sử dân tộc nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng, bên cạnh đó nâng cao nhận thức chính trị để tiếp tục phấn đấu đứng trong hàng ngũ của Đảng trong thời gian tới.

Chụp ảnh lưu niệm tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh (Quảng Ninh)

Trung Dũng (Ban Truyền thông)

BÌNH LUẬN