Thứ Hai, 20/11/2023 | 15:58 GMT +7

Khi giảng viên là văn nghệ sĩ

Không chỉ làm nhiệm vụ giảng dạy các bộ môn nghệ thuật, đội ngũ giảng viên của Khoa Nghệ thuật Trường Đại học Hạ Long còn là những văn nghệ sĩ tích cực tham gia sáng tác, biểu diễn văn học nghệ thuật và đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng khích lệ.

Nghệ sĩ Vùng mỏ Trịnh Thị Kim Oanh, Phó Trưởng Khoa Nghệ thuật, Trường Đại học Hạ Long trong một MV ca nhạc.

Thạc sĩ Trần Vũ Lâm, Trưởng Khoa Nghệ thuật Trường Đại học Hạ Long, cho biết: Hiện nay, Khoa có tổng số 31 giảng viên. Ngoài ra, còn có gần 10 giảng viên thuộc các đơn vị khác trong nhà trường. Họ là những người trực tiếp tham gia giảng dạy các hệ năng khiếu nghệ thuật trong toàn trường, bao gồm các lĩnh vực đào tạo: Thanh nhạc, biểu diễn nhạc cụ (gồm có nhạc cụ truyền thống và nhạc cụ phương Tây), biểu diễn múa, hội hoạ.

Hiện nay, Khoa Nghệ thuật đang đào tạo cao đẳng thanh nhạc, trung cấp thanh nhạc, trung cấp biểu diễn nhạc cụ truyền thống, trung cấp biểu diễn nhạc cụ phương Tây, trung cấp múa, trung cấp hội hoạ. Tuỳ theo yêu cầu chuyên môn mà thời gian đào tạo các ngành nghề có sự khác nhau. Có hệ đào tạo 3 năm, 4 năm, nhưng cũng có hệ đào tạo lên tới 6 năm. Và bình quân các năm học có khoảng trên dưới 50 học sinh cho mỗi một ngành học.

Nối tiếp chặng đường 52 năm trong lĩnh vực đào tạo tài năng nghệ thuật của tỉnh nhà, đến nay, Khoa đã có rất nhiều thế hệ học sinh, sinh viên trưởng thành và đạt được những thành công nhất định trong hoạt động nghệ thuật. Rất nhiều người trong số họ là những ca sĩ, nghệ sĩ Vùng mỏ, nghệ sĩ biểu diễn, nhạc sĩ, giáo viên giảng dạy nghệ thuật.

Bên cạnh nhiệm vụ đào tạo, các giảng viên ngành nghệ thuật của Trường Đại học Hạ Long nói chung và Khoa Nghệ thuật nói riêng, còn là lực lượng văn nghệ sĩ tiêu biểu, tham gia tích cực vào lĩnh vực sáng tác, biểu diễn nghệ thuật của tỉnh. Điều đó đã được khẳng định qua rất nhiều thành tích mà các thầy cô đã đạt được trong thời gian qua. Ví dụ như mới đây nhất, trong Cuộc thi sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh 30/10, Trường Đại học Hạ Long có 2 tác phẩm đạt giải thuộc lĩnh vực âm nhạc, 2 tác phẩm đạt giải thuộc lĩnh vực mỹ thuật. Đó có thể được xem là kết quả đáng khích lệ để các thầy cô vừa hoàn thành trọng trách của người đào tạo tài năng nghệ thuật, vừa tiếp tục theo đuổi niềm đam mê sáng tạo nghệ thuật.

Trong nhiều năm qua, tỉnh Quảng Ninh cũng đã quan tâm tới sự phát triển của lĩnh vực nghệ thuật, như: Chú trọng sự phát triển của hoạt động văn hoá, văn nghệ quần chúng trên toàn tỉnh; có chính sách ưu đãi đối với học sinh các ngành nghệ thuật đang theo học tại Khoa Nghệ thuật, Trường Đại học Hạ Long.

Triển lãm “Sắc màu thời gian” do các họa sĩ là giảng viên Khoa Nghệ thuật Trường Đại học Hạ Long tổ chức tại Bảo tàng Quảng Ninh.

Tuy nhiên, thạc sĩ Trần Vũ Lâm cũng thẳng thắn thừa nhận, thực tế hiện nay, mỗi lĩnh vực nghệ thuật có những hạn chế khác nhau, chẳng hạn như lĩnh vực sáng tác và biểu diễn đang thiếu về chiều sâu. Điều đó thể hiện qua việc chưa có nhiều tác giả, nghệ sĩ khẳng định được vị thế bằng những sản phẩm nghệ thuật có quy mô và chất lượng mang tính chuyên nghiệp cao.

Một lĩnh vực mà chúng ta thiếu cả về chiều rộng và chiều sâu, đó là lĩnh vực nghiên cứu, phê bình văn học nghệ thuật. Hiện nay ở Quảng Ninh, có rất ít các nhà nghiên cứu, phê bình văn học nghệ thuật (đặc biệt là nghiên cứu, phê bình nghệ thuật thì càng thiếu). Chính vì lẽ đó, việc làm sáng tỏ cho những ưu nhược điểm trong các sản phẩm sáng tác và biểu diễn hay sự xuất hiện của những đề tài, giải pháp, sản phẩm nghiên cứu… hầu như hoàn toàn vắng bóng.

Tuy nhiên, để phát triển hơn nữa (về cả số lượng và chất lượng) đội ngũ văn nghệ sĩ, những người làm văn học nghệ thuật, cần nghiên cứu xem xét xác định vai trò thiết yếu của lĩnh vực văn học nghệ thuật trong phát triển kinh tế và xã hội của toàn tỉnh. Từ đó xây dựng chính sách và sắp xếp hợp lý những cơ sở hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật mang tính chuyên sâu, rõ nét, thể hiện vị thế của văn học nghệ thuật trong sự phát triển chung. Đồng thời, cần có sự định hướng, chỉ đạo xuyên suốt xác định đâu là “yếu tố mũi nhọn” để đầu tư, phát triển, tạo thương hiệu bền vững về văn học nghệ thuật của tỉnh nhà.

“Song song với hoạt động văn hoá, văn nghệ quần chúng, cần xây dựng cơ chế khuyến khích hỗ trợ đủ sức hấp dẫn, để giúp phát triển hơn nữa các chương trình biểu diễn, các sản phẩm sáng tác có quy mô và chất lượng nghệ thuật mang tính chuyên nghiệp cao. Ngoài ra, cũng cần tăng cường thu hút hoặc liên kết với các nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực nghệ thuật, để từ đó có thêm những cơ hội, tạo sự đổi mới trong phát triển văn học nghệ thuật của tỉnh” – Thạc sĩ Trần Vũ Lâm đề xuất.

Huỳnh Đăng (Báo Quảng Ninh)

BÌNH LUẬN