Thứ Ba, 9/1/2024 | 15:18 GMT +7

Chân dung nữ thủ khoa Trường Đại học Hạ Long có hoàn cảnh đặc biệt

Với tổng điểm 26.62 khối D78, sinh viên Hứa Ban Mai lớp K9A – ngành Ngôn ngữ Trung Quốc đã trở thành thủ khoa đầu vào của Trường Đại học Hạ Long năm học 2023 – 2024. Không những vậy, nữ sinh viên này còn có hoàn cảnh gia đình vô cùng đặc biệt.

Chân dung sinh viên Hứa Ban Mai, ớp K9A – ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, Trường Đại học Hạ Long

Nhiều thành tích cao trong học tập

Với tổng điểm 26.62 điểm khối D78, nữ sinh viên Hứa Ban Mai (sinh năm 2005) đã trở thành thủ khoa đầu vào của Trường Đại học Hạ Long năm học 2023 – 2024. Cô nàng đã lựa chọn theo học nguyện vọng 1 – ngành Ngôn ngữ Trung Quốc thuộc khoa Ngoại ngữ, cũng là một trong số những ngành “hot” của trường.

Tân thủ khoa nhận Tuyên dương của Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long

Trước khi bước chân vào cánh cổng trường đại học, Ban Mai đã “gặt hái” được rất nhiều thành tích cao trong học tập liên tục trong 3 năm học, kể từ khi còn học THPT. Cụ thể:

  • Lớp 10: Đạt giải Khuyến khích cuộc thi “Đại sứ Văn hoá đọc tỉnh Quảng Ninh”.
  • Lớp 11: Đạt giải Khuyến khích kì thi Đội tuyển Học sinh giỏi cấp tỉnh môn Ngữ văn.
  • Lớp 12: Đạt giải Nhì kì thi Đội tuyển Học sinh giỏi cấp tỉnh môn Ngữ văn; Thủ khoa đầu ra Trường THPT Vũ Văn Hiếu (TP. Hạ Long, Quảng Ninh); Top 10 học sinh tiêu biểu có điểm tốt nghiệp THPT cao nhất thành phố Hạ Long.

Hứa Ban Mai (đứng ở giữa) nhận được nhiều bằng khen của tỉnh trong kì thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2023

Mặc dù đạt được nhiều thành tích nổi bật trong sự nghiệp học hành, Mai vẫn luôn tự nhủ phải cố gắng không ngừng nghỉ. Em đặt ra cho mình những kế hoạch và mục tiêu lớn lao, và một trong số đó là phấn đấu để chạm tay tới danh hiệu thủ khoa của trường. Em chia sẻ, một trong những kinh nghiệm để học tốt và đạt được điểm cao trong các kì thi đó là luôn chăm chú nghe thầy cô giảng bài và cố gắng tiếp thu hết kiến thức tại lớp. Hơn nữa, để ghi nhớ bài thật lâu, em tự tạo cho mình thói quen dậy từ sáng sớm để ôn bài.

Nữ thủ khoa đăng kí nguyện vọng xét tuyển ngành Ngôn ngữ Trung Quốc của Trường Đại học Hạ Long vì 3 lý do chính: Thứ nhất, ước mơ của em là được trở thành một phiên dịch viên. Thứ hai, em muốn lựa chọn một ngôi trường gần nhà, thuận tiện cho việc về thường xuyên chăm sóc bà nội và bà ngoại đã già yếu. Cuối cùng, em mong muốn sau khi tốt nghiệp có được cơ hội việc làm tại khu vực địa phương nơi em sinh sống.

Cô nàng là một trong những tấm gương tiêu biểu trong học tập và rèn luyện của nhà trường

Hoàn cảnh gia đình đặc biệt

Luôn nỗ lực phấn đấu trong học tập, thế nhưng ít ai biết đằng sau cô sinh viên nhỏ bé ấy là những câu chuyện cảm động về tuổi thơ và thời niên thiếu. Bố Mai mất từ khi em học lớp 1, đến năm em học lớp 4 thì mẹ mất vì bệnh hiểm nghèo. Kí ức của em về cha mẹ chỉ là những mảnh vụn vỡ, chớp nhoáng với những cuộc gặp ngắn ngủi giữa những cơn bạo bệnh.

Mồ côi cha mẹ từ nhỏ nên Mai sống cùng ông bà nội. Dù hoàn cảnh gia đình nghèo khó (lương hưu thấp) nhưng ông bà vẫn dành nhiều tình yêu thương và sự bảo bọc cho đứa cháu kém may mắn.

Ban Mai cùng ông nội khi ông còn sống

Đến khi Mai lên lớp 10 thì ông ngoại mất, ông nội em cũng qua đời trong năm 2023 vừa qua. Không những vậy, bà ngoại em còn bị bệnh tim triền miên trong nhiều năm, bà nội 75 tuổi cũng đã già yếu. Vậy là càng lớn, càng trưởng thành thì em lại càng phải chứng kiến những người thân yêu nhất lần lượt ra đi. Hiện tại, nữ thủ khoa cùng bà nội đang sống nương tựa vào nhau tại một căn nhà nhỏ ở thành phố Hạ Long.

Hoàn cảnh gia đình đặc biệt nên trong suốt quãng thời gian tuổi thơ, Mai rất tự ti và khó hoà nhập với bạn bè cùng trang lứa. Bởi xung quanh thế hệ “gen Z” đều được tiếp xúc với công nghệ 4.0, với những bộ phim hoạt hình và trò chơi đình đám… thì em lại như một “tờ giấy trắng”, có phần lạc hậu hơn các bạn.

Với Mai, việc học tập, rèn luyện chăm chỉ là con đường duy nhất dẫn tới thành công

Trở thành tân sinh viên năm nhất, Mai đã trưởng thành và tự lập nhiều hơn. Em tự đặt ra mục tiêu sẽ giành học bổng của trường và tìm kiếm những công việc làm thêm khác nhau để tự xoay xở học phí, đỡ đần cho bà nội. Hơn tất cả, bà nội chính là chỗ dựa tinh thần và động lực to lớn nhất của em trong những năm tháng khó khăn này.

Khánh Huyền (Ban Truyền thông)

BÌNH LUẬN