Thứ Bảy, 10/4/2021 | 14:51 GMT +7

Trường Đại học Hạ Long tổ chức chuyến đi tham quan, học tập thực tế cho lưu học sinh Lào K9

Trong hai ngày từ 7-8/4/2021, Khoa Sư phạm kết hợp với phòng Công tác chính trị, Quản lý và Hỗ trợ sinh viên đã tổ chức cho lưu học sinh Lào K9 đang học tập tiếng Việt tại Trường Đại học Hạ Long đi học tập thực tế tại chùa Cái Bầu, bảo tàng Quảng Ninh, Vịnh Hạ Long…

Đoàn tham quan tại Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm (chùa Cái Bầu) – Vân Đồn

Chuyến đi nhằm giúp lưu học sinh Lào có những kiến thức thực tế về các địa danh, điểm du lịch văn hóa nổi tiếng tại Quảng Ninh, rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, nhất là kĩ năng giao tiếp tiếng Việt. Đồng thời, thông qua các hoạt động giúp các em có thêm hiểu biết về những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, về đất nước vào con người Quảng Ninh nói riêng, đất nước con người Việt Nam nói chung, từ đó góp phần tô thắm thêm tình hữu nghị giữa hai đất nước Việt – Lào anh em.

Chụp ảnh lưu niệm tại Đền Cửa Ông

Trong chuyến đi thực tế này, các em lưu học sinh Lào K9 đã được đi tham quan những địa danh nổi tiếng tại Quảng Ninh như: Chùa Cái Bầu, Đền Cửa Ông, thư viện, bảo tàng Quảng Ninh… Đặc biệt, các em đã được đi du thuyền tham quan Vịnh Hạ Long, thăm các cảnh đẹp, các hang động đẹp nhất trên Vịnh. Tại những nơi đến, ngoài việc tìm hiểu các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam, các em được trực tiếp giao lưu, nói chuyện bằng tiếng Việt với du khách, với hướng dẫn viên du lịch một cách tự tin, trôi chảy. Điều này cho thấy chương trình dạy tiếng Việt của Trường Đại học Hạ Long có chất lượng tốt, sát thực tiễn, đảm bảo cho Lưu học sinh Lào sẵn sàng bước vào học chuyên ngành trong năm học 2021-2022 sắp tới.

 Trước thềm Bảo tàng Quảng Ninh – Hạ Long

Chuyến tham quan, học tập thực tế khép lại trong sự phấn khởi hiện rõ trên khuôn mặt của mỗi lưu học sinh Lào. Thông qua các hoạt động học tập, trải nghiệm thực tế này, các em được trau dồi thêm kiến thức thực tiễn về văn hóa, xã hội, văn học và lịch sử Việt Nam, đặc biệt tăng cường kỹ năng sử dụng tiếng Việt trong học tập và sinh hoạt tại Việt Nam, đồng thời cũng giúp chất lượng đào tạo của Nhà trường ngày càng được nâng cao theo định hướng ứng dụng.

Nguyễn Hữu Tới – Khoa Sư phạm

BÌNH LUẬN