Thứ Sáu, 10/4/2020 | 10:49 GMT +7

Giới thiệu Khoa Sư phạm

Chức năng: Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiểu học trình độ đại học, giáo viên mầm non trình độ cao đẳng và trình độ đại học; cử nhân văn học báo chí và truyền thông; đào tạo Tiếng Việt cho người nước ngoài; đào tạo lại, đào tạo nâng chuẩn và nâng cao cho đội ngũ giáo viên trong và ngoài tỉnh; tổ chức thực hiện hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ em từ ba tuổi đến sáu tuổi theo chương trình giáo dục mầm non do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

1. Giới thiệu chung

  • Địa chỉ: Tầng 6, Nhà Hiệu bộ, Trường Đại học Hạ Long – Cơ sở 1
  • Điện thoại: 0941209075
  • Email: khoasupham@daihochalong.edu.vn

2. Lịch sử hình thành

Trước đây, Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trình độ cao đẳng và một số ngành đào tạo, bồi dưỡng khác. Ngày 13/10/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1869/QĐ-TTg về việc thành lập Trường Đại học Hạ Long trên cơ sở hai trường cao đẳng: Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh và Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long. Từ đó, các khoa đào tạo của Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh trở thành 3 khoa sư phạm của Trường Đại học Hạ Long: Khoa Sư phạm Trung học, khoa Sư phạm Tiểu học, khoa Sư phạm Mầm non.

Đến tháng 3 năm 2020, khoa Sư phạm được thành lập, trên cơ sở sáp nhập 3 khoa sư phạm nói trên, theo Quyết định số 177/QĐ-ĐHHL ngày 26 tháng 2 năm 2020 của Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long.

3. Chức năng nhiệm vụ

Chức năng: Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiểu học trình độ đại học, giáo viên mầm non trình độ cao đẳng và trình độ đại học; cử nhân văn học báo chí và truyền thông; đào tạo Tiếng Việt cho người nước ngoài; đào tạo lại, đào tạo nâng chuẩn và nâng cao cho đội ngũ giáo viên trong và ngoài tỉnh; tổ chức thực hiện hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ em từ ba tuổi đến sáu tuổi theo chương trình giáo dục mầm non do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Nhiệm vụ: Khoa Sư phạm có các nhiệm vụ theo quy định tại Điều 15 mục 2 chương II của Điều lệ Trường Đại học:

  • Quản lý giảng viên, nhân viên và người học thuộc khoa theo phân cấp;
  • Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục đào tạo theo kế hoạch chung của trường;
  • Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế; hợp tác với các tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở sản xuất, kinh doanh liên quan đến ngành nghề đào tạo và huy động sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình đào tạo của khoa;
  • Xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ giảng viên, ngành nghề đào tạo và cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo và nghiên cứu khoa học, tăng cường điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo;
  • Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho giảng viên, nhân viên và người học; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên và nhân viên thuộc khoa;
  • Tổ chức đánh giá cán bộ quản lý, giảng viên trong khoa và tham gia đánh giá cán bộ quản lý trong trường theo quy định của nhà trường.

Ngoài ra khoa Sư phạm còn có nhiệm vụ bồi dưỡng và bồi dưỡng lại lực lượng giáo viên các cấp học: Sư phạm Mầm non, Sư phạm tiểu học, Sư phạm Trung học trên địa bàn tỉnh theo yêu cầu thực tế hằng năm.

4. Công tác đào tạo

Trong suốt quá trình phát triển của mình, đội ngũ cán bộ, giảng viên các thế hệ của Khoa Sư phạm đã và đang cố gắng trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị mà nhà trường, ngành giáo dục giao cho nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội. Để làm được điều này, Khoa luôn luôn chủ động trong việc xây dựng kế hoạch công tác (theo năm học, học kì, theo tháng) và cụ thể hóa kế hoạch công tác đó thành các nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ, nhóm chuyên môn và từng cán bộ giảng viên. Mặt khác, Khoa còn chú trọng tổ chức các hội thảo khoa học nhằm nâng cao chất lượng dạy học, rèn nghề; tăng cường công tác thao giảng của giảng viên; đổi mới cách thức đánh giá chất lượng sinh viên; duy trì tốt nề nếp dạy học; tăng cường công tác quản lý học sinh, sinh viên thông qua giáo viên chủ nhiệm, ban Cán sự lớp, ban Chấp hành chi đoàn, đội Tự quản, trợ lí…

Trong quá trình đào tạo, HSSV của Khoa được các giảng viên giàu kinh nghiệm giảng dạy, hướng dẫn tận tình, được học tập trong môi trường sư phạm chuẩn mực, hiện đại, sáng tạo, chú trọng rèn đức, luyện tài. Bên cạnh đó, sinh viên còn thực hành, thực tập tại các trường Tiểu học và các trường Mầm non , các lớp thực hành mầm non đạt chuẩn ở địa bàn TP Uông Bí, TP Hạ Long. Khoa Sư phạm luôn chú trọng rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp theo hướng hiện đại ngay từ học kỳ đầu tiên của khóa học. – coi đây là nhiệm trọng tâm để xây dựng một thế hệ giáo viên tương lai đủ năng lực đáp ứng yêu cầu giáo dục của xã hội trong thời kì đổi mới. Vì vậy công tác đào tạo (nói chung), công tác thực hành rèn nghề của HSSV của Khoa nói chung đạt kết quả tốt và ổn định trong các năm:

  • 100% học sinh, sinh viên có kết quả thực hành, thực tập đạt khá, giỏi.
  • Trên 90% học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường.

Sau khi tốt nghiệp ra trường, HSSV của Khoa đã nhanh chóng hòa nhập vào công tác giáo dục của các địa phương, trong đó có nhiều HSSV của khoa nhiều năm đạt danh hiệu Giáo viên giỏi các cấp, sau một vài năm công tác đã phấn đấu trở thành cán bộ quản lý, chiến sĩ thi đua cấp huyện, cấp tỉnh.

4. Hoạt động của các tổ chức, đoàn thể

Để thực hiện tốt nhiệm vụ chính là đào tạo được giao, Khoa Sư phạm đã chú trọng phát huy vai trò và tăng cường các hoạt động của Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, Hội Chữ thập đỏ. Bởi thế Khoa đã phối kết hợp chặt chẽ với các tổ chức quần chúng trong việc động viên, đôn đốc kiểm tra các thành viên thực hiện công việc được giao; chỉ đạo các đoàn thể tổ chức các hoạt động nhân những ngày lễ lớn như câu lạc bộ 20/10, câu lạc bộ 8/3, hội diễn văn nghệ chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20/11; khuyến khích HSSV tham gia các hoạt động nhân đạo như hiến máu tình nguyện, đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ người nghèo, ủng hộ đồng bào bão lụt…để tạo sân chơi lành mạnh cho HSSV, qua đó HSSV được rèn nghề, tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp.

Với những cố gắng, nỗ lực của nhiều thế hệ giáo viên trong công tác đào tạo, công với sự đoàn kết sáng tạo tất cả sẽ tạo thành động lực để Khoa Sư phạm bước tiếp những bước vững chắc vào chặng đường mới với những thành công mới, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi các ngành Sư phạm được trả lại vị trí nền tảng trong hệ thống giáo dục quốc dân và đã được nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng của Nhà nước.

BÌNH LUẬN