Thứ Tư, 10/5/2023 | 07:58 GMT +7

Khoa Sư Phạm tổ chức chương trình Giáo dục phòng chống xâm hại cho các bé Mẫu giáo tại các trường Mầm non huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh)

Được sự đồng ý của phòng Giáo dục huyện đảo Cô Tô tỉnh Quảng Ninh, thầy trò khoa Sư phạm trường Đại học Hạ Long đã tổ chức một chuỗi các chương trình giáo dục thuộc dự án phòng chống xâm hại cho các bé mẫu giáo tại trường mầm non thị trấn Cô Tô, trường mầm non Thanh Lân

Dự án phòng chống xâm hại cho trẻ mẫu giáo của thày và trò khoa Sư phạm trường Đại học Hạ Long mong muốn tạo cơ hội cho các bé mẫu giáo đang sinh sống và học tập tại các trường Mầm non tại các huyện đảo của tỉnh Quảng Ninh như Cô Tô có cơ hội được tiếp cận với những kiến thức và kỹ năng phòng chống xâm hại. Phòng chống xâm hại được xem là một trong những nội dung giáo dục vô cùng cần thiết và quan trọng đối với trẻ mầm non hiện nay vì ngoài việc trang bị cho trẻ những kiến thức và kỹ năng giúp trẻ phòng ngừa, bảo vệ và giải quyết những vấn đề trong những tình huống có nguy cơ bị xâm hại thì lĩnh vực này còn hướng tới mục tiêu giáo dục toàn diện cho trẻ.

Các nhóm trẻ mẫu giáo ở các lứa tuổi khác nhau ở huyện đảo Cô Tô đã được tham gia các hoạt động giáo dục phòng chống xâm hại với những nỗi dung cụ thể như nhận biết những vùng khác nhau trên cơ thể, nguy cơ bị xâm hại, nguy cơ bị bạo hành về thể chất và tinh thần, cách phòng ngừa và thoát hiểm khi bị bắt cóc, sao nhãng ….. Các hoạt động giáo dục được tổ chức với các hoạt động đơn giản, hiệu quả, lý thú, phù hợp với trình độ nhận thức và đặc điểm tâm lý của trẻ mầm non. Khép lại chuỗi hoạt động giáo dục, trẻ được trải nghiệm trò chơi “Rung chuông vàng”, trò chơi tổng hợp những kiến thức và kỹ năng nhằm giúp trẻ nhận biết và lựa chọn những phương án giải quyết phù hợp nhất trước mỗi tình huống cụ thể đưa ra.

Chuỗi hoạt động giáo dục phòng chống xâm hại cho trẻ mầm non tại huyện đảo Cô Tô cũng góp phần khẳng định sứ mệnh đào tạo của khoa Sư phạm trường Đại học Hạ Long trong việc kết nối các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học với thực tiễn giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông. Đây còn được xem là môi trường rèn luyện  kỹ năng nghiệp vụ vô cùng cần thiết và bổ ích cho sinh viên đang học tập và rèn luyện của khoa, giúp các em hiện thực hóa ước mơ trở thành người thày giáo tốt trong tương lai ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học.

Th.S Nguyễn Thị Thương – khoa Sư phạm

BÌNH LUẬN