Trường Đại học Hạ Long là cơ sở giáo dục đại học có truyền thống và kinh nghiệm đào tạo các ngành sư phạm. Nhà trường tóm tắt các điều kiện mở ngành Giáo dục Mầm non trình độ tại học tại trường.
- Sự cần thiết mở ngành Giáo dục Mầm non
Quảng Ninh là tỉnh miền núi, biên giới phía Đông Bắc của Tổ quốc, với diện tích tự nhiên (phần đất liền) hơn 6.100 km2, đứng thứ 21/63 tỉnh thành của Việt Nam; có 118 km đường biên giới đất liền với Trung Quốc và 250 km bờ biển. Dân số Quảng Ninh có gần 1,2 triệu người, đứng thứ 33/63 tỉnh thành; có 22 dân tộc anh em cùng sinh sống (dân tộc thiểu số chiếm xấp xỉ 10%), có 14 đơn vị hành chính (04 thành phố, 02 thị xã, 08 huyện).
Trong những năm gần đây, ngành giáo dục tỉnh Quảng Ninh đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, các cấp chính quyền địa phương tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục và đào tạo, đặc biệt về giáo dục mầm non. Theo đó, cơ sở vật chất, thiết bị được quan tâm đầu tư; chế độ chính sách đối với đội ngũ giáo viên, nhân viên và trẻ em từng bước được cải thiện; quy mô, mạng lưới trường, lớp, tỉ lệ huy động trẻ ra lớp không ngừng phát triển; công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi được duy trì vững chắc; chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non trên địa bàn tỉnh từng bước được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu gửi trẻ của nhân dân, chuẩn bị tốt cho trẻ bước vào bậc học tiểu học.
Tính đến năm học 2018 – 2019, toàn tỉnh có 100% xã, phường, thị trấn có cơ sở giáo dục mầm non với tổng số 217 trường (công lập: 193, ngoài công lập: 24); 3.290 nhóm, lớp (công lập: 2.321, ngoài công lập: 969); huy động được 83.206 trẻ mầm non ra lớp (công lập: 63.080, ngoài công lập: 20.126); tỉ lệ trẻ nhà trẻ ra lớp đạt 28,1% (công lập: 18,7%, ngoài công lập: 9,4%) trẻ mẫu giáo đạt 89,9% (công lập: 69,7%, ngoài công lập: 20,2%); 186/186 đơn vị cấp xã, 14/14 đơn vị cấp huyện duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục mầm non năm tuổi; 100% cơ sở giáo dục mầm non thực hiện chương trình giáo dục mầm non; không xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm, dịch bệnh và tai nạn thương tích trong các cơ sở giáo dục mầm non; tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thấp còi thấp hơn nhiều lần so với toàn quốc. Tỉ lệ giáo viên trong biên chế nhà nước chiếm: 46,4%; tỉ lệ giáo viên/nhóm trẻ: 1,78; lớp mẫu giáo: 1,90; lớp mẫu giáo 5 tuổi: 1,88. Giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên: 99,7%. Tỉ lệ trường chuẩn quốc gia mầm non đạt 81,6%. Giáo viên, nhân viên và trẻ em được hưởng các chính sách theo quy định bao gồm cả chính sách của Trung ương và Tỉnh (Nguồn: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh, 2018).
- Giới thiệu khái quát Trường Đại học Hạ Long
Quá trình thành lập, xây dựng và phát triển
Trường Đại học Hạ Long được thành lập theo Quyết định số 1869/QĐ-TTg ngày 13 tháng 10 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trường Đại học Hạ Long trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh và Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long.
Trường Đại học Hạ Long là trường đại học công lập trực thuộc Tỉnh, mô hình đào tạo đa ngành, đa cấp, có trụ sở chính tại Thành phố Uông Bí.
Thực hiện chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Nhà trường đã đầu tư cơ sở vật chất; xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính nội bộ; xây dựng chương trình đào tạo trình độ đại học; bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ, tuyển dụng giảng viên trình độ cao, đáp ứng các điều kiện đào tạo trình độ đại học về công tác tại trường theo chế độ thu hút đặc biệt của tỉnh. Năm 2015, Trường Đại học Hạ Long đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo 05 ngành trình độ đại học năm học 2015-2016, 09 ngành năm học 2016 – 2017 và 2017 – 2018, 11 ngành năm học 2018 – 2019 và 2019 – 2020. Cho tới thời điểm hiện tại, Nhà trường đã tuyển sinh các khoá đạt 2878 sinh viên trình độ đại học. Nhà trường đã có 02 khoá sinh viên trình độ đại học tốt nghiệp với tổng số 539 sinh viên.
Đến nay, bộ máy tổ chức, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ giảng viên cơ hữu của nhà trường đã đáp ứng được yêu cầu đào tạo trình độ đại học ở một số ngành (trong đó có ngành Giáo dục Mầm non), chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của nhà trường được củng cố, nâng cao. Kế thừa từ truyền thống và đội ngũ cán bộ giảng viên của trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh, trường Đại học Hạ Long có Khoa Sư phạm Mầm non (nay là Khoa Sư phạm) thành lập ngày 01/01/2015 theo Quyết định số 17/QĐ-ĐHHL. Hiện nay, khoa Sư phạm Trường Đại học Hạ Long có 13 cán bộ, giảng viên, trong đó có 02 tiến sĩ, 11 thạc sĩ có kinh nghiệm nhiều năm đào tạo các ngành sư phạm).
Các ngành, trình độ và hình thức đang đào tạo
Bảng 5. Các ngành và trình độ đào tạo tại Trường Đại học Hạ Long
TT | Ngành | Mã ngành | Hình thức đào tạo |
I | Hệ đại học | ||
1 | Khoa học máy tính | 7480101 | Chính quy tập trung |
2 | Quản lý văn hóa | 7229042 | Chính quy tập trung |
3 | Ngôn ngữ Trung Quốc | 7220204 | Chính quy tập trung |
4 | Ngôn ngữ Anh | 7220201 | Chính quy tập trung |
5 | Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành | 7810103 | Chính quy tập trung |
6 | Quản lí Tài nguyên và Môi trường | 7850101 | Chính quy tập trung |
7 | Nuôi trồng Thủy sản | 7620301 | Chính quy tập trung |
8 | Ngôn ngữ Nhật | 7220209 | Chính quy tập trung |
9 | Quản trị Khách sạn | 7810201 | Chính quy tập trung |
10 | Quản trị Nhà hàng và Dịch vụ Ăn uống | 7810202 | Chính quy tập trung |
11 | Ngôn ngữ Hàn Quốc | 7220210 | Chính quy tập trung |
II | Hệ cao đẳng | ||
6 | Giáo dục Mầm non | C140201 | Chính quy tập trung |
7 | Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống | 6810205 | Chính quy tập trung |
8 | Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành | 6810101 | Chính quy tập trung |
9 | Việt Nam học (CN Hướng dẫn du lịch) | 6810103 | Chính quy tập trung |
10 | Thanh nhạc | 6210225 | Chính quy tập trung |
11 | Hội họa | 6210103 | Chính quy tập trung |
Đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lí
Hiện nay, Trường Đại học Hạ Long có 239 giảng viên cơ hữu (33 tiến sĩ, 166 thạc sĩ).
Bên cạnh đó, Nhà trường có quan hệ hợp tác đào tạo, giao lưu trao đổi kinh nghiệm giáo dục và đào tạo với nhiều trường đại học, cao đẳng trong và ngoài nước như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Đại học Thái Nguyên, Đại học Hà Tĩnh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Công nghệ Aukland (NewZealand), Đại học Sư phạm Quảng Tây (Trung Quốc), Đại học Osaka (Nhật bản)… . Nhà trường cũng tập hợp được các nhà khoa học, các giảng viên ưu tú từ các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ quan tổ chức… tới tham gia giảng dạy, hợp tác đào tạo.
Quy mô đào tạo các trình độ, hình thức đào tạo
Với 11 mã ngành đào tạo trình độ đại học và 20 mã ngành đào tạo trình độ cao đẳng đang được phép đào tạo thuộc các lĩnh vực: Công nghệ Thông tin (Khoa học Máy tính), Ngôn ngữ (Anh, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), Quản lí Tài nguyên và Môi trường, Nuôi trồng Thủy sản, Sư phạm (Giáo dục trung học, Giáo dục Mầm non, Giáo dục tiểu học, Tiếng Anh); Tiếng Anh thương mại; Du lịch (Quản trị Khách sạn, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị Nhà hàng và Dịch vụ Ăn uống); Văn hóa (Quản lí văn hóa), Nghệ thuật (Thanh nhạc, nhạc cụ, mỹ thuật, múa)…, quy mô đào tạo của trường hiện nay là trên 4000 học sinh, sinh viên (không thống kê các lớp đào tạo ngắn hạn, ngoài trường và liên kết đại học), trong đó đào tạo đại học chính quy trên 2250 sinh viên, cao đẳng chính quy chiếm gần 1400 sinh viên, còn lại là trung cấp chuyên nghiệp và học sinh phổ thông (học sinh trường Thực hành sư phạm thuộc trường).
Cơ sở vật chất, thiết bị, phòng thí nghiệm thực hành, thư viện, giáo trình
– Về diện tích đất đai: Nhà trường đang sở hữu 2 cơ sở với tổng diện tích 9,8 ha (cơ sở 1: 7,7 ha; cơ sở 2: 2,1 ha) (2 cơ sở đều đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).
– Về công trình phục vụ đào tạo:
+ Cơ sở 1 (tại TP. Uông Bí):
Giảng đường: có 5 tòa giảng đường với diện tích 7.334m2 với 50 phòng học lí thuyết. Công suất đáp ứng tối đa cùng một lúc cho 1830 sinh viên;
Phòng thí nghiệm, thực hành: có 22 phòng thí nghiệm, thực hành các bộ môn Môi trường, Thủy sản, Hóa – Sinh, Lí – KTCN, Tin học, Ngoại ngữ với diện tích xây dựng 1.718m2, đáp ứng nhu cầu cho 520 sinh viên cùng một lúc;
Trường thực hành sư phạm với 14 phòng học lí thuyết, tổng diện tích 1.048 m2 và 7 phòng bộ môn 1.023 m2 đủ năng lực đáp ứng cho 760 học sinh;
Kí túc xá: 02 tòa nhà 4 tầng, diện tích 2.280 m2, 98 phòng, đáp ứng nhu cầu cho khoảng 800 HSSV. Ngoài ra còn có khu nhà khách phục vụ cho lưu học sinh quốc tế và giáo viên;
Nhà ăn sinh viên: 840 m2, đáp ứng nhu cầu phục vụ 400 người cùng một lúc.
+ Cơ sở 2 (TP. Hạ Long)
01 tòa nhà 5 tầng (cơ sở 2A) có khu giảng đường với diện tích 1028 m2 với 22 phòng, diện tích phòng thực hành 578 m2 với 17 phòng; các khu chức năng khác có diện tích 510 m2 (gồm hội trường, sân khấu, nhà ăn, phòng khách, phòng văn thư và nhà kho);
01 tòa nhà 7 tầng (cơ sở 2B) gồm giảng đường với 19 phòng học lí thuyết với tổng diện tích 906 m2; phòng thí nghiệm, thực hành với 30 phòng thực hành các bộ môn nghiệp vụ du lịch với tổng diện tích xây dựng 1.461 m2; khu hiệu bộ với 17 phòng, diện tích 522 m2, ngoài ra còn có các văn phòng khoa, phòng chờ giáo viên tại các giảng đường;
Như vậy, tại cả 2 cơ sở, toàn trường hiện có 136 phòng học lí thuyết (không tính hệ thống phòng học của Trường Thực hành sư phạm) với tổng diện tích 9268 m2, đủ chỗ học tập cùng lúc cho 4500 sinh viên (chưa tính đến việc sử dụng ngoài giờ). Phòng thí nghiệm, thực hành với tổng diện tích là 3757 m2, đáp ứng nhu cầu thực hành cùng lúc cho khoảng 2000 sinh viên.
Hiện nay, nhà trường đang nghiệm thu và chuẩn bị đưa vào sử dụng đầu năm học 2020 – 2021 toà nhà 20 tầng với thiết bị đồng bộ, phục vụ dạy lý thuyết, thực hành và các phòng học chuyên dụng theo các bộ môn.
Về thư viện, sách giáo trình, tài liệu tham khảo
Với 2 cơ sở, 3 khu (cơ sở 2 có 2 khu, gồm khu 2A và khu 2B), Nhà trường có 03 thư viện với tổng số lượng sách gần 75.000 cuốn sách, giáo trình, tài liệu phục vụ dạy học (chưa tính báo, tạp chí các loại). Thư viện truyền thống với 04 phòng đọc, 23 máy vi tính phục vụ công tác tra cứu, công năng phục vụ 1.440 lượt sinh viên/tháng.
Đặc biệt, hệ thống thư viên điện tử cùa trường tại địa chỉ: http://tvs.daihochalong.edu.vn/ với hơn 1.4 triệu đầu sách và được kết nối với nguồn học liệu từ hơn 100 trường đại học trong nước.
Bên cạnh đó, các giảng viên của nhà trường đã và đang tiếp tục nghiên cứu, biên soạn các tài liệu giảng dạy, bài giảng… để phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập của giảng viên, sinh viên phù hợp với điều kiện của trường.
- Về ngành đào tạo và chương trình đào tạo
Ngành đào tạo: Giáo dục Mầm non;
Mã số : 7140201;
Tên chương trình: Giáo dục Mầm non;
Trình độ đào tạo: Đại học;
Loại hình đào tạo: Chính quy;
Thời gian đào tạo: 4 năm.
Chương trình được thiết kế theo cấu trúc đơn ngành, xây dựng trên cơ sở vận dụng chương trình khung giáo dục đại học, hệ chính quy, bậc đại học ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm theo Thông tư số 37/2010/TT–BGD&ĐT ngày 21 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường Đại học Hạ Long có đủ năng lực (đội ngũ cán bộ giảng viên, giáo trình, tài liệu, cơ sở vật chất trang thiết bị…) để thực hiện tốt chương trình đào tạo mà trường đã xây dựng.
Tóm tắt về chương trình đào tạo: Tổng khối lượng kiến thức toàn khóa 127 tín chỉ (chưa kể Giáo dục thể chất và Giáo dục quốc phòng); thời gian đào tạo: 4 năm, trong đó:
Bảng 7. Khối lượng kiến thức toàn khóa
STT | Khối kiến thức | Số tín chỉ |
1 | Kiến thức giáo dục đại cương | 24 |
+ Bắt buộc | 22 | |
+ Tự chọn | 02 | |
2 | Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp | 87 |
2.1 | Kiến thức cơ sở ngành | 22 |
+ Bắt buộc | 18 | |
+ Tự chọn | 4 | |
2.2 | Kiến thức ngành | 53 |
+ Bắt buộc | 47 | |
+ Tự chọn | 6 | |
2.3 | Kiến thức Nghiệp vụ (NVSP, kiến tập thực hành) | 12 |
+ Bắt buộc | 12 | |
+ Tự chọn | 0 | |
3 | Thực tập và tốt nghiệp | 16 |
Thực tập | 8 | |
Tốt nghiệp | 8 | |
Tổng số: | 127 |
Đối tượng và điều kiện tuyển sinh: Đối tượng tuyển sinh là học sinh đã tốt nghiệp Trung học phổ thông hoặc tương đương, điều kiện tuyển sinh theo Quy chế tuyển sinh hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Dự kiến tuyển sinh trong 03 năm đầu:
Năm 2021: 50 chỉ tiêu;
Năm 2022: 100 chỉ tiêu;
Năm 2023: 100 chỉ tiêu.
Quá trình xây dựng chương trình đào tạo: Trường Đại học Hạ Long đã thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình trong việc xây dựng chương trình đào tạo.
- Tóm tắt khả năng đáp ứng của Trường Đại học Hạ Long trong việc thực hiện đào tạo ngành Giáo dục Mầm non
Về đội ngũ giảng viên tham gia đào tạo ngành Giáo dục Mầm non
– Số lượng giảng viên có trình độ Tiến sĩ tham gia đào tạo: 04 người.
– Số lượng giảng viên có trình độ Thạc sĩ chuyên ngành: 20 người.
Hiện tại đội ngũ giảng viên cơ hữu tại trường đảm nhận được 100% khối lượng chương trình đào tạo.
Về cơ sở vật chất phục vụ đào tạo
Trường có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm đáp ứng yêu cầu đào tạo của ngành Giáo dục Mầm non, cụ thể:
– Hệ thống phòng học lý thuyết: sử dụng chung hệ thống giảng đường sẵn có của trường (tổng diện tích mặt bằng: 98.460,2 m2, trong đó diện tích xây dựng: 18.497,32 m2. Tổng số phòng học hiện có: 136 phòng, tổng diện tích các phòng học: 8.965,7 m2, trong đó số phòng giảng dạy tích hợp: 108 phòng; số phòng học ngoại ngữ: 5 phòng). Riêng số phòng dành cho Khoa Sư phạm Mầm non cố định ở các lớp là 12 phòng (tầng 4, tầng 5 của dãy nhà A, mỗi phòng trang bị đủ máy tính tính, máy chiếu).
– Các hạ tầng cơ sở vật chất khác sử dụng chung với các ngành đào tạo khác của nhà trường (theo Mục 2. Giới thiệu khái quát về Trường ĐHHL).
– Trường Đại học Hạ Long có trường Thực hành Sư phạm từ cấp Mầm non, Tiểu học tới cấp Tr với tổng số 14 phòng học lý thuyết (tổng diện tích 1.048 m2 và 7 phòng bộ môn 1.023 m2 đủ năng lực đáp ứng cho 760 học sinh). Đây là một trong các địa điểm rèn nghề cho sinh viên ngành Giáo dục Mầm non của nhà trường.
Về học liệu, nguồn thông tin tư liệu
Số đầu sách phục vụ đào tạo ngành Sư phạm Mầm non hiện có trên 300 đầu sách, giáo trình, tài liệu tham khảo, trong đó có 08 tập bài giảng lưu hành nội bộ do đội ngũ giảng viên khoa Giáo dục Mầm non xây dựng và hiện đang được tiến hành thẩm định để xuất bản.
Hệ thống thư viện điện tử của trường được kết nối với hơn 100 trường đại học trên cả nước là một nguồn tư liệu phong phú phục vụ cho giảng viên và người học.
Chương trình đào tạo
Chương trình đào tạo được biên soạn và thẩm định theo đúng quy định của Thông tư 07/2015/TT-BGDĐT ngày 16/4/2015 ban hành Quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học phải đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo của giáo dục đại học và quy trình xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Hội đồng thẩm định đã thông qua chương trình đào tạo của nhà trường và các điều kiện đảm bảo thực hiện chất lượng chương trình đào tạo. Nhà trường đã ban hành chương trình đào tạo và giao Phòng Đào tạo – đơn vị quản lý chuyên trách tổ chức quản lí và triển khai, cập nhật, đánh giá chương trình đào tạo theo đúng các quy chế, quy định đào tạo trình độ đại học đã ban hành của nhà trường.
- Kết luận
Căn cứ Thông tư 07/2015 ngày 16/4/2015 Ban hành Quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học phải đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo của giáo dục đại học và quy trình xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; Căn cứ Thông tư 22/2017/TT-BGDĐT quy định điều kiện, hồ sơ, quy trình mở ngành đào tạo, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học, trình độ cao đẳng, Trường Đại học Hạ Long xác định đã chuẩn bị đủ điều kiện và khả năng đào tạo ngành Giáo dục Mầm non trình độ đại học phục vụ nhu cầu giáo dục của địa phương và khu vực.