Thứ Hai, 11/3/2019 | 21:48 GMT +7

Chức năng, nhiệm vụ của Phòng Tổ chức, Hành chính, Thanh tra và Pháp chế

Chức năng nhiệm vụ của Phòng Tổ chức, Hành chính, Thanh tra và Pháp chế được quy định tại Quyết định số 146/QĐ-ĐHHL ngày 26/02/2021 của Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long.

CHỨC NĂNG:

Phòng Tổ chức, Hành chính, Thanh tra và Pháp chế có chức năng tham mưu cho Hiệu trưởng trong việc quản lí, tổng hợp, thực hiện các công việc về tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, quản lí viên chức và lao động, thi đua – khen thưởng, cải cách hành chính, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ quan, dân vận chính quyền, thanh tra nội bộ, pháp chế, hành chính và tổng hợp.

NHIỆM VỤ:

1. Công tác tổ chức cán bộ:

a) Tham mưu cho Hiệu trưởng trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy; ban hành văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của các tổ chức và cá nhân trong Trường, đồng thời theo dõi và đôn đốc các đơn vị thực hiện chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác đã quy định.

b) Tham mưu cho Hiệu trưởng trong công tác cán bộ: Thực hiện quy trình xây dựng, rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lí; thực hiện quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cho từ chức, luân chuyển, điều động, biệt phái, xử lý kỷ luật đối với cán bộ lãnh đạo, quản lí theo thẩm quyền.

c) Tham mưu cho Hiệu trưởng trong việc xây dựng kế hoạch biên chế, xác định vị trí việc làm, cơ cấu viên chức, tinh giản biên chế.

d) Tham mưu cho Hiệu trưởng trong việc quản lí cán bộ, viên chức và lao động, bao gồm:

– Trình Hiệu trưởng ban hành các văn bản quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý và thực hiện chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, viên chức, lao động theo quy định của pháp luật; Hướng dẫn thực hiện các quy định của Nhà nước, của Tỉnh về tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức;

– Tham mưu cho Hiệu trưởng trong việc tuyển dụng, tiếp nhận, cho thôi việc, bố trí, sử dụng, điều động, đánh giá viên chức và lao động;

– Xây dựng quy hoạch và kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng viên chức và lao động; thực hiện các thủ tục cử người đi đào tạo và bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, lí luận chính trị, quốc phòng an ninh, dự các lớp tập huấn, hội thảo;

– Tham mưu cho Hiệu trưởng trong việc thực hiện nâng bậc lương, phụ cấp, bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, thay đổi chức danh nghề nghiệp, chế độ bảo hiểm xã hội và các chế độ, chính sách khác đối với cán bộ, viên chức, lao động.

– Lập, lưu trữ và quản lí hồ sơ của viên chức và lao động theo quy định;

– Thống kê và báo cáo về đội ngũ viên chức thuộc Trường cho cơ quan quản lí viên chức cấp trên theo quy định.

đ) Tham mưu cho Hiệu trưởng tổ chức phong trào thi đua trong cán bộ, viên chức, lao động và các đơn vị trong Trường; hướng dẫn, theo dõi thực hiện, bình xét, đánh giá, tôn vinh điển hình, sơ kết, tổng kết thi đua…; làm nhiệm vụ Thường trực Hội đồng thi đua, khen thưởng của Trường.

2. Công tác cải cách hành chính:

a) Tham mưu giúp Hiệu trưởng quyết định các chủ trương, biện pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, chính quyền điện tử, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các đơn vị trong trường.

b) Giúp Hiệu trưởng chỉ đạo và triển khai thực hiện cải cách hành chính.

c) Xây dựng kế hoạch, chương trình, biện pháp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính và tổ chức thực hiện khi được phê duyệt.

3. Công tác pháp chế:

a) Giúp Hiệu trưởng về những vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động của Trường, đảm bảo cho nhà trường hoạt động tuân theo pháp luật và thực hiện nguyên tắc pháp chế.

b) Giúp Hiệu trưởng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Trường, của cán bộ, giảng viên, nhân viên và học sinh, sinh viên trong trường.

c) Phối hợp với một số phòng chức năng trong trường kiểm tra việc thực hiện pháp luật, nội quy, quy chế và kiến nghị những biện pháp xử lý vi phạm.

d) Giúp Hiệu trưởng chuẩn bị ý kiến góp ý cho dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước gửi xin ý kiến; kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật.

đ) Tham gia ý kiến về mặt pháp lý đối với văn bản do các đơn vị của trường soạn thảo trước khi trình Hiệu trưởng.

e) Phối hợp với phòng Công tác chính trị, Quản lí và Hỗ trợ sinh viên (bộ phận Công tác chính trị) trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nội quy, quy chế của trường cho cán bộ, giảng viên, nhân viên, học sinh, sinh viên.

4. Công tác dân vận chính quyền

a) Tham mưu giúp Hiệu trưởng quyết định các chủ trương, biện pháp thực hiện công tác dân vận chính quyền.

b) Xây dựng kế hoạch, chương trình, biện pháp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về dân vận chính quyền và tổ chức thực hiện khi được phê duyệt.

c) Chủ trì phối hợp với các đơn vị, tổ chức, đoàn thể trong trường triển khai thực hiện công tác dân vận chính quyền.

d) Thực hiện báo cáo định kì và đột xuất về công tác dân vận chính quyền.

5. Công tác thanh tra

a) Xây dựng kế hoạch thanh tra trình Hiệu trưởng phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch đó theo quy định của pháp luật;

b) Thanh tra việc thực hiện pháp luật, nhiệm vụ được giao đối với tổ chức, đơn vị và cá nhân thuộc quyền quản lý của Hiệu trưởng;

c) Giúp Hiệu trưởng thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo;

d) Giúp Hiệu trưởng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng;

đ) Làm đầu mối giúp Hiệu trưởng phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan về công tác thanh tra;

e) Báo cáo, tổng kết kinh nghiệm về công tác thanh tra; công tác tiếp dân, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác phòng, chống tham nhũng của trường theo yêu cầu của Hiệu trưởng và Thanh tra cấp trên; kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung các chính sách và quy định của Nhà nước về giáo dục;

g) Thực hiện thanh tra đột xuất, thanh tra theo chuyên đề theo yêu cầu của Hiệu trưởng;

h) Phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn Trường hướng dẫn nghiệp vụ công tác thanh tra cho Ban Thanh tra nhân dân của trường theo quy định của pháp luật.

6. Công tác hành chính:

a) Là đầu mối đón tiếp và tổ chức làm việc với các tổ chức, cá nhân ngoài trường đến quan hệ công tác với nhà trường (trừ các tổ chức, cá nhân thuộc lĩnh vực hợp tác quốc tế).

b) Chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất cần thiết cho công việc hàng ngày của lãnh đạo Trường.

c) Thực hiện công tác văn thư, lưu trữ tài liệu của toàn trường đảm bảo đúng yêu cầu quy định của Nhà nước. Tổ chức in ấn, điện thoại, liên lạc, giao dịch…

d) Quản lí và phát hành các loại công văn đi, công văn đến và các loại văn bản lưu hành nội bộ; tiếp nhận và phân phối báo chí, bưu phẩm phục vụ hoạt động của trường. Quản lí con dấu của nhà trường.

đ) Quản lí và điều phối ô tô phục vụ công tác của Trường.

e) Cấp và chứng nhận các loại giấy tờ: Giấy giới thiệu, giấy đi công tác, làm Căn cước công dân…

g) Chủ trì việc trang trí, khánh tiết các cuộc hội họp, hội nghị, lễ, tết, các sự kiện, chúc mừng các cơ quan, đơn vị ngày kỷ niệm, thành lập… Tổ chức và tiến hành những công việc xã hội của trường đối với địa phương như tham dự họp, bầu cử, lao động nghĩa vụ, lao động giúp dân…

h) Tổ chức và chủ trì các cuộc thăm hỏi, chúc mừng, xã giao, hiếu hỉ… có liên quan đến nhà trường.

g) Quản lí việc đăng kí hộ khẩu, lập hộ tịch, theo dõi tạm trú, tạm vắng đối với viên chức, lao động ở trong Trường.

7. Công tác tổng hợp:

a) Lập lịch công tác hàng tuần, tổng hợp kế hoạch chung của toàn trường, giúp Hiệu trưởng đôn đốc các đơn vị thực hiện kế hoạch công tác trong tuần, thàng, quý, năm. Theo dõi và tổng hợp việc thực hiện kế hoạch của các đơn vị, nhận xét đánh giá kết quả công việc của các đơn vị trong toàn trường.

b) Tổ chức các cuộc họp, hội nghị, giao ban tuần, tháng và các hội nghị khác theo chỉ đạo của Hiệu trưởng.

c) Soạn thảo các văn bản có tính chất tổng hợp: Báo cáo tổng kết, sơ kết hàng quý, năm, cung cấp số liệu thống kê tổng hợp.

d) Chủ trì phối hợp với các đơn vị trong việc soạn thảo các báo cáo tổng hợp theo yêu cầu của cấp trên và các cơ quan hữu quan.

đ) Chủ trì triển khai, rà soát, đề xuất chỉnh sửa Chiến lược phát triển của Trường./.

BÌNH LUẬN