Thứ Năm, 9/5/2019 | 15:05 GMT +7

Bỏng –một tai nạn thường gặp ở trẻ, cô giáo Mầm non cần biết để phòng ngừa

Trẻ Mầm non rất hiếu động, trẻ dễ bị tai nạn như bỏng, té ngã, điện giật, hóc sặc, côn trùng chích,...Trong đó, bỏng là một trong những tai nạn thường gặp ở trẻ mầm non. Với trẻ mầm non, bỏng có thể gây hậu quả nghiêm trọng như sẹo, co kéo cơ, tàn phế suốt đời, thậm chí khiến trẻ tử vong. Bỏng có thể là bỏng nóng hoặc bỏng lạnh tùy nguyên nhân gây bỏng. Người ta phân loại bỏng theo mức độ bị tổn thương hoặc diện tích bị tổn thương. Tùy theo mức độ bị bỏng và nguyên nhân gây bỏng, người ta có cách giải quyết khác nhau để hạn chế tối đa những hậu quả khi bị bỏng, đồng thời đưa ra những biện pháp phòng tránh bỏng cho trẻ em.

Bỏng –một tai nạn thường gặp ở trẻ, cô giáo Mầm non cần biết để phòng ngừa

                                                                         Thạc sĩ: Nguyễn Thị Mến, Khoa Sư phạm Mầm non

  1. Đặt vấn đề

Theo thống kê của tổ chức Y tế thế giới (WHO), hằng năm, trên thế giới, tai nạn bỏng chiếm hàng đầu trong những loại tai nạn  xảy ra ở trẻ em và là nguyên nhân đứng hàng thứ hai gây tử vong cho trẻ. Bỏng ở trẻ em, dù diện tích nhỏ nhưng cũng có thể gây mất nước, huyết tương, muối…dẫn đến tình trạng sốc, nhiễm khuẩn, nhiễm độc và tử vong. Thương tích do bỏng gây đau đớn, làm trẻ em hoảng sợ và có thể bị sốc, thậm chí khiến trẻ rối loạn tính cách, suy giảm khả năng đề kháng, tạo nên tâm lý không thích tiếp xúc. Tại Việt Nam, Khoa Bỏng, bệnh viện Saint Paul, Hà Nội cho biết, bỏng trẻ em chiếm 52,09% tổng bệnh nhân bị bỏng. Lứa tuổi hay gặp bỏng là trẻ em 1-3 tuổi (54,5%). Trẻ em nam bị bỏng (55,7%) nhiều hơn trẻ em nữ (44,3%) [13]. Cô giáo Mầm non, người mẹ thứ hai của trẻ cần nhận biết được trẻ có thể bị bỏng do những nguyên nhân nào, khi trẻ bị bỏng cô cần làm gì và đặc biệt là cần biết đươc các biện pháp phòng tránh bỏng cho trẻ.

  1. Nội dung

2.1. Nguyên nhân gây bỏng

Không phải chỉ trẻ em mà chúng ta cũng có thể bị bỏng. Vậy chúng ta có thể bị bỏng do những nguyên nhân nào? Người ta phân loại thành hai dạng bỏng là bỏng lạnh và bỏng nóng. Bỏng lạnh chủ yếu do tiếp xúc trong thời gian dài với nhiệt độ lạnh dưới 0 độ C, làm việc trong phòng đông lạnh, tiếp xúc với nitơ hóa lỏng,…Nhưng ở đây chủ yếu chúng ta quan tâm đến bỏng nóng. Bỏng nóng do nhiều nguyên nhân. Trước hết, có thể do nhiệt độ cao như tiếp xúc với lửa, nước sôi, thức ăn nóng, dầu mỡ sôi, hơi nước nóng,…hoặc bỏng do điện như luồng điện, sét đánh,…bỏng do tia bức xạ…Ngoài ra, người ta còn bị bỏng do hóa chất như tiếp xúc với axit, kiềm mạnh.

Trẻ em có thể bị bỏng do tiếp xúc với siêu nước sôi, chậu nước nóng, phích nước sôi vô ý đổ vào; ngã vào chậu nước sôi, nước gội đầu, nồi canh vừa nấu, nồi cháo, nồi cám lợn còn nóng; Ngã vào bếp lửa, nghịch lửa diêm, nghịch lửa nơi có xăng dầu; để đèn trong màn hoặc gần màn, trong khi ngủ quên tắt đèn, lửa bén vào màn (thường bỏng cả mẹ lẫn con); Để quạt điện trong màn, cánh quạt vướng vào màn không quay làm quạt cháy; Chạy nghịch ngã vào hố vôi tôi nóng; Chơi nghịch các đồ điện, đụng chạm các nút, phích điện, dây điện đang dẫn điện [6].

2.2. Phân loại bỏng

Khi bị bỏng, chúng ta cần xác định tình trạng vết bỏng để có cách xử lý phù hợp. Người ta phân loại viết bỏng theo hai cách: Một là theo mức độ bị tổn thương, hai là theo diện tích bị tổn thương . Trước hết, theo mức độ bị tổn thương [1], [2]:

Mức độ bỏng Đặc điểm vết bỏng Ghi chú
Bỏng độ 1 Bỏng nóng ở biểu bì, vùng da bị bỏng đỏ, tím, rát, đau.
Bỏng độ 2 Bỏng sâu ở biểu bì và chân bì, vùng da bị bỏng đỏ nổi phồng nư­­ớc.
Bỏng độ 3 Bỏng sâu, da bị tuột, có khi qua lớp mỡ vào xư­­ơng, da trắng bợt hoặc đen và đau đớn.

Theo diện tích da bị tổn thương [2]:

Mức độ bỏng

Đặc điểm vết bỏng

Ghi chú

Bỏng nhẹ Bỏng độ 1, độ 2 dư­­ới 10% diện tích da, hoặc bỏng độ 3 dư­­ới 2% diện tích da cơ thể bị bỏng.
Bỏng vừa Bỏng độ 1, độ 2 từ 10% – 20% diện tích da cơ thể hoặc bỏng sâu độ 3 d­­ưới 10% diện tích da cơ thể bị bỏng.
Bỏng nặng Bỏng độ 2 trên 20% diện tích da hay bỏng sâu trên 10% diện tích cơ thể hoặc bỏng ở phần đầu mặt, cổ, sinh dục, tổn thư­­ơng niêm mạc khi hít phải chất bỏng, hoặc bỏng có gãy xư­­ơng.

2.3. Cách xử lý khi trẻ bị bỏng

Sau khi xác định tình trạng vết bỏng, cô giáo Mầm non cần phải làm gì? Cô cần xác định nguyên nhân gây bỏng và có cách xử lý phù hợp nhất.

Nếu bỏng do hoá chất phải rửa vết bỏng bằng n­­ước hoặc chất trung hoà. Có thể trung hoà axít còn dư trên da bằng xà phòng hoặc kem đánh răng, bằng cách xoa nhẹ xà phòng hoặc kem đánh răng cho sủi bọt và ngấm sâu vào da rồi rửa sạch.

Nếu bỏng do điện, cần cắt bỏ luồng điện, tháo bỏ cầu chì (ngắt atomat), dùng que gỗ khô gỡ dây điện ra khỏi ngư­­ời bị nạn, tìm cách kéo (túm vào tóc, quần áo) người bị nạn  ra khỏi vùng nguy hiểm [2].

Nếu bỏng do nước sôi, thức ăn nóng hoặc dầu mỡ đang sôi, cô cần nhanh chóng làm mát vết bỏng, tránh cho da bị rộp bằng cách mở vòi nước cho chảy chầm chậm lên vết bỏng khoảng 15 – 20 phút. Nước sạch vừa có tác dụng giảm nhiệt, giảm đau rát, giảm phù nề, viêm nhiễm, giảm độ sâu của vết thương. Sau đó, cô nhẹ nhàng tháo bỏ những vật cứng trên vùng bỏng như giầy, dép, vòng, nhẫn,… trước khi vết bỏng sưng nề [7], [8].

Nếu bỏng do lửa, cô cần bình tĩnh, nhanh chóng dập tắt lửa trên ng­­ười nạn nhân bằng  cách phun nước hoặc trùm chăn hoặc vải ướt lên người nạn nhân. Xé (cắt) bỏ quần áo đang cháy âm ỉ, tháo bỏ nhẫn, vòng,…Dội, phun hoặc ngâm n­­ước lạnh vùng bỏng đến khi nạn nhân cảm thấy đỡ đau rát [1].

Chú ý, trong khi làm mát vết bỏng, cô không dùng nước lạnh, nước đá (trong tủ lạnh) để làm mát da cho trẻ. Không ngâm toàn bộ cơ thể trong nước. Không được sờ tay vào vết bỏng [1].

Sau khi làm mát vết bỏng, cô cần che phủ vùng bỏng bằng gạc vô khuẩn. Nếu không có gạc có thể dùng vải sạch. Băng ép vừa phải vùng bỏng để hạn chế phù nề và thoát huyết tương. Cô an ủi, cho trẻ uống nước và đặt trẻ ở tư thế nằm. Nếu vết bỏng nhẹ, diện tích da bị bỏng nhỏ, tổn thương có thể tự liền nhờ quá trình biểu mô hóa, thì sau khi sơ cứu có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu nặng hơn thì ngay sau khi sơ cứu cần chuyển trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ điều trị kịp thời.

Chú ý: Tuyệt đối không được dùng nước mắm, kem đánh răng,…hoặc các loại tuốc mỡ bôi để đắp lên vết bỏng nếu bỏng do nhiệt. Chất kem đánh răng có chất kiềm nhẹ, khi bôi lên vết bỏng sẽ làm tăng đau đớn. Cũng không nên dùng mỡ trăn hoặc dầu cá vì nhiều lọ mỡ trăn không được tiệt trùng nên hầu hết bị ôi thiu do nhiễm vi sinh vật. Do đó, vết bỏng bị nhiễm khuẩn rất nhanh. Còn dầu cá có mùi tanh, khi bôi lên sẽ bị hôi tanh và gọi ruồi đến. Thực ra mỡ trăn và dầu cá đều có thể chữa bỏng nhưng phải dùng đúng lúc. Chất Vitamin A trong dầu cá và mỡ trăn có tác dụng kích thích sự tái tạo tế bào biểu mô. Không dùng mỡ trăn và dầu cá vào việc sơ cứu.

Người ta có một số kinh nghiệm dân gian để xử lý vết bỏng. Ví dụ, dùng thân cây chuối non. Thân cây chuối non bóc bỏ bẹ, lấy lõi rồi vắt lấy nước bôi vào vết bỏng giúp tránh hình thành nốt phỏng và nếu có nốt phỏng thì sẽ làm đỡ rát và tạo điều kiện cho vết thương mau lành. Có thể dùng lá cây sống đời (lá cây thuốc bỏng). Dùng 3-4 lá rửa thật sạch, giã nát rồi đắp lên vết bỏng. Có thể kết hợp với các loại lá như lá mướp non, lá khoai lang, lá mít non. Hoặc dùng lá trầu không hoặc lá xương sông lượng vừa đủ, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước rồi bôi lên vết bỏng. Lá cây khoai nước rửa sạch, giã nát đắp vào vết bỏng. Người ta cũng có thể mỡ rắn, mỡ trăn (nếu được mỡ trăn “mặt hổ” hay trăn đất là tốt nhất) hoặc mỡ rùa hoặc mỡ cá mập đã rán thành dầu bôi nhiều lần lên vết bỏng. Dùng mật ong hoặc dầu cá hoặc dầu vừng bôi vào vết bỏng. Các bài thuốc trên đây chỉ dùng để sơ cứu ngay sau khi bị bỏng và đối với bỏng độ I (bỏng nhẹ, đỏ rát ngoài da, không gây nốt phỏng), độ II (có nốt phỏng da nhưng diện tích nhỏ ở vị trí thông thường, không dùng cho vùng nguy hiểm như mắt, tầng sinh môn) [11], [12]

2.4. Biện pháp phòng tránh bỏng

Bỏng không được chữa trị kịp thời và đúng cách có thể gây hậu quả nghiêm trọng như sẹo, co kéo cơ, tàn phế suốt đời, thậm chí khiến trẻ tử vong. Vậy tốt nhất cần làm gì để phòng tránh bỏng và đặc biệt là phòng tránh bỏng cho trẻ em?

Trước hết, bỏng có thể do điện giật. Vì vậy, để phòng ngừa bỏng do điện cần chú ý bằng cách lắp các thiết bị điện đúng quy tắc an toàn, sử dụng các ổ cắm điện có nắp đậy, có rơ le tự ngắt điện khi có sự cố chập điện; phải lắp đặt các ổ điện ở trên cao ngoài tầm tay với đến của trẻ. Cơ quan điện lực phải tôn trọng nội quy các cột điện, trạm biến thế của các đường dây điện cao thế. Người lớn không nên vi phạm hành lang an toàn lưới điện và dạy bảo trẻ em cần tránh xa nơi dây điện bị đứt. Không cho trẻ chơi gần đường dây dẫn điện và không cho trẻ trèo lên các cột điện; người lớn không phơi quần áo lên dây dẫn điện để tránh nguy hiểm cho trẻ. Thường xuyên kiểm tra đường dây dẫn điện, đồ dùng bằng điện như nồi cơm điện, bàn là điện, quát máy… để phát hiện chuột cắn làm hở mạch hay rò rỉ điện. Không cho trẻ nhỏ nghịch các dụng cụ điện hoặc thao tác cắm điện, sửa chữa điện và phải cất kín những dụng cụ điện [5], [6], [9].

Ngoài ra, bỏng có thể do nhiệt,..Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản gây bỏng cho trẻ. Để trẻ không bị bỏng, ngay khi xây dựng trường lớp, người thiết kế đã cần tính đến bố trí bếp và nơi nấu ăn hợp lý. Nên đặt bếp ở trên nền phẳng, cao để trẻ không với tới hoặc có vách ngăn không cho trẻ tới gần; Phòng bếp, phòng tắm và phòng khách là những căn phòng trẻ dành nhiều thời gian sinh hoạt và cũng là nơi có nhiều cơ hội hơn để trẻ tiếp xúc với vật nóng dễ gây bỏng. Hơn nữa trong quá trình chăm sóc trẻ cô cần thường xuyện quan tâm đến trẻ. Đối với trẻ dưới 2 tuổi, luôn trông chừng trẻ mọi lúc, mọi nơi là cách tốt nhất để phòng tránh tất cả các loại bỏng cho trẻ. Khi bé đủ lớn để hiểu, hãy dạy cho bé biết từ “nóng” và giải thích rằng cần phải tránh xa. Bên cạnh đó, cô cũng cần chú ý khi dựng xe máy, phải quay ống bô xả của xe máy đang còn nóng vào sát tường; để phích nước sôi, thức ăn mới nấu, bàn là đang nóng, diêm, bật lửa, ga, xăng, cồn đèn, chai lọ đựng hóa chất tẩy rửa, a xít,…ở nơi trẻ không thể sờ hoặc với tới như để trên giá cao, trong tủ có khóa an toàn. Không bế, ẵm trẻ khi đang nấu ăn hoặc đang cầm đồ vật nóng; Khi nấu ăn luôn quay tay cầm, cán xoong chảo vào phía trong; Khi bê nước nóng, thức ăn mới nấu luôn quan sát tránh xa trẻ để tránh va đụng. Kiểm tra nhiệt độ của thức ăn, đồ uống trước khi cho trẻ sử dụng; Kiểm tra nhiệt độ nước trước khi tắm cho trẻ, không để trẻ tự tắm, rửa với vòi nước nóng lạnh [5], [6], [9]…

  1. Kết luận

Như vậy, chúng ta thấy có rất nhiều nguyên nhân gây bỏng, đặc biệt là gây bỏng cho trẻ em. Trẻ rất dễ bị bỏng và khi bị bỏng dễ gây hậu quả nghiêm trọng vì chiều dày của da trẻ mỏng hơn da người lớn 2,5 lần, lớp tế bào có hạt sừng và sừng hóa rất mỏng, còn lớp mầm lại dày. Nên cô giáo mầm non cần đặc biệt quan tâm để phòng tránh bỏng cho trẻ. Trên đây là một số công việc mà chúng ta cần biết để phòng tránh tai nạn bỏng cho trẻ, đặc biệt với cô giáo mầm non cần chú ý trong phòng tai nạn bỏng cho trẻ ở trướng mầm non. Nếu có trẻ bị bỏng, cô cần chú ý  xử lý kịp thời, phù hợp tránh những tai biến đáng tiếc. Mời các bạn tham khảo bài báo để chúng ta cùng chung tay giảm tai nạn bỏng cho trẻ em!

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Trần Trọng Thủy, Trần Quỵ, giáo trình Giải phẫu sinh lý vệ sinh phòng bệnh trẻ em, NXB Giáo dục, 1998

[2]. Lại Kim Thúy, giáo trình Phòng bệnh trẻ em, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001.

[3] Lê Thị Mai Hoa (chủ biên) – Trần Văn Dần, giáo trình Phòng bệnh và đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non,  NXB Giáo dục, 2008.

[4] Phan Sinh Phúc, Chăm sóc sức khoẻ trẻ em tại nhà, NXB Y học, 2009.

[5]  httPS://tuoitre.vn/phong-tranh-tai-nan-bong-cho-tre-em 20180302135702273.htm

[6] httPS://tuoitre.vn/phong-tranh-tai-nan-bong-cho-tre-em 20171227105723471.htm

[7]https://hongngochopital.vn/phong-ngua-tai-nan-bong-o-tre-em/

[8] https://medshop.vn/blogs/xu-ly-khan-cap/phong-tranh-bong-o- tre-em/

[9] https://suc-khoe-doi-song.vn/phong-tranh-tai-nan-bong-o-tre-n46125.html

[10]benhviennhitrunguong.org.vn/bong-nuoc-soi-o-tre-em-tai-nan-trong-chop-mat.html

[11] https://thaythuoccuaban.com/thuoc-chua-benh-viem-dau/baithamkhao/kinh-nghiem-dan-gian-so-cuu-bong.html

[12] ngaymoionlie.com.vn/suc-khoe/kinh-nghiem-dan-gian-chua-bong-nhiet.htm1091.html

[13]. Tapchi.vienbongquocgia.vn/Portal.aspx?MaAbstract=3046

 

 

 

 

 

 

BÌNH LUẬN