Thứ Hai, 10/6/2019 | 16:16 GMT +7

TÌM HIỂU VỀ NGHỀ ĐIÊU KHẮC THAN MĨ NGHỆ TẠI QUẢNG NINH

Hiện nay, nghề Điêu khắc than mĩ nghệ đã tồn tại và phát triển ở Quảng Ninh trên 70 năm. Nghề điêu khắc có từ thời Pháp và là một nghề độc đáo, duy nhất tồn tại ở vùng đất Quảng Ninh. Các sản phẩm từ than rất tinh xảo, đẹp mắt và được khách hàng yêu thích. Tuy nhiên, nghề điêu khắc than cũng gặp phải một số khó khăn trong việc truyền nghề, mở rộng sản xuất và quảng bá sản phẩm.

Lê Thanh Hoa, giảng viên khoa Văn hóa.

  1. Đặt vấn đề

Nói tới Quảng Ninh, mỗi chúng ta đều ngưỡng mộ trước vẻ đẹp lung linh do đất trời ban tặng cho vùng đất này. Quảng Ninh không chỉ nổi tiếng bởi thiên nhiên, cảnh sắc tươi đẹp mà vùng biển Đông Bắc tổ quốc còn được biết đến với nhiều giá trị văn hóa độc đáo và đặc sắc. Trong đó, các giá trị văn hóa làng nghề và nghề truyền thống là những yếu tố vô cùng hấp dẫn. Hiện nay, một nghề truyền thống vẫn đang tồn tại ở Quảng Ninh, hội tụ sự sáng tạo, tính thẩm mĩ, độc đáo, đó chính là nghề Điêu khắc than mĩ nghệ. Nghề này đã hình thành từ lâu đời, nó gắn liền với nguồn tài nguyên than đá ở địa phương. Khi nói tới nguồn nguyên liệu này, chúng ta chủ yếu nhắc đến hiệu quả sử dụng trong việc đun nấu hoặc sản xuất, tuy nhiên, bằng sự khéo léo của đôi tay người thợ, những viên than sù sì đã biến thành các tác phẩm nghệ thuật tinh xảo và đẹp mắt. Chính vì vậy, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về quy trình sản xuất để thấy được sự sáng tạo, độc đáo trong mỗi sản phẩm.

  1. Nội dung

Nghề Điêu khắc than mĩ nghệ tại Quảng Ninh có từ thời Pháp và tính đến thời điểm hiện nay đã được hơn 70 năm. Người Pháp đã hướng dẫn, dạy nghề cho một số lao động ở mỏ than, trong đó có cụ Nguyễn Đức Thuận, là một người thợ có tài năng khéo léo đã biết làm ra rất nhiều sản phẩm đẹp. Ban đầu, cụ Thuận làm thợ nguội cho chủ mỏ người Pháp có tên là Subretty ở Mông Dương. Một lần, cụ tỷ mẩn dùng thanh thép đục, đẽo, gọt mẩu than thành cái tẩu hút thuốc lào. Chủ mỏ đi qua nhìn thấy tẩu đang hình thành thì tỏ vẻ thích thú, hắn ngồi xuống bên cạnh ngắm nghía và sờ sờ chiếc tẩu, lấy điếu thuốc lá Cotap nhét vào tẩu, châm lửa. Hắn muốn xin nhưng cụ bảo để đánh bóng cho đẹp sẽ mang lên văn phòng biếu. Thấy cụ khéo tay, làm đẹp nên hắn cho cụ lên văn phòng làm mỗi việc là khắc các sản phẩm than đá và tạo điều kiện để cụ có thể làm nhiều sản phẩm to đẹp hơn. Mô hình sa bàn mỏ Mông Dương là do tay cụ Thuận làm, còn được chủ Pháp mang về dự triển lãm và tác phẩm đã đạt thưởng Mề Đay của Chính phủ Pháp.

Khi mới hình thành, công việc này chỉ tồn tại trong một vài hộ dân nhỏ nhưng đến những năm 1969-1986, nghề điêu khắc than đá mĩ nghệ được thành lập hợp tác xã, với tên gọi “Hợp tác xã Mĩ nghệ Quảng Ninh” trực thuộc ty Văn hóa – Thông tin Quảng Ninh. Trong những năm phát triển, hợp tác xã đã tạo công ăn việc làm, thu nhập cho hơn 240 lao động, xuất khẩu một số container hàng sang Nhật và nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc nổi tiếng từ Trung ương về giảng dạy. Con trai của cụ Thuận là ông Nguyễn Tuấn Lợi là một trong những giảng viên đầu tiên giảng dạy nghề điêu khắc than đá mĩ nghệ.

Sau năm 1986, Hợp tác xã Mĩ nghệ Quảng Ninh làm ăn không phát triển, lúc này, tỉnh đã tiến hành sáp nhập với công ty Nhiếp ảnh nhưng cuối cùng, cả hai tổ chức đều làm ăn thua lỗ và giải thể. Các hộ dân làm nghề than mĩ nghệ cũng giảm dần, tuy nhiên với tình yêu, sự tâm huyết với nghề nên vẫn còn khoảng 20 hộ dân tiếp tục duy trì, tìm hướng phát triển sản phẩm tới khách hàng.

Để tạo ra sản phẩm than, trước hết chúng ta cần nói tới nguồn nguyên liệu. Nguồn nguyên liệu chính ở đây là các khối than được lấy trong mỏ, tuy nhiên không phải loại than nào cũng có thể đáp ứng yêu cầu sản xuất vì vậy, than để chế tác ra sản phẩm đòi hỏi phải già, than không có vỉa, không lẫn sít, không giòn…Với đặc tính này, nguồn than chính cho các hộ gia đình sản xuất được mua chủ yếu tại mỏ than Cao Sơn, Đèo Nai hoặc Cọc 6, còn các mỏ khác đều không phù hợp.

Tiếp đến là khâu tạo hình cho sản phẩm. Khi đã chọn được than tốt, người thợ sẽ cưa chúng theo kích thước mong muốn, phác thảo hình dáng cần chế tác, sau đó tiến hành đục, đẽo, mài, đánh ráp và đánh bóng. Do đặc thù trong quá trình chế tác, than  rất giòn, dễ vỡ nên các dụng cụ làm nghề vô cùng đặc biệt. Dụng cụ chế tác chủ yếu là cưa, đục, dũa, máy mài…tuy nhiên, nó đều được chế lại theo cách riêng để có thể đưa vào sử dụng. Hiện nay, hỗ trợ cho khâu sản xuất đã có thêm một số máy cưa, máy mài hiện đại nhưng khi mua về thì người thợ cũng vẫn phải chế lại theo mục đích sử dụng. Quá trình chế tác than rất bụi bặm, vất vả, tiếc nhất là khi than vỡ sẽ phải bỏ, không thể tận dụng được. Nếu quan sát quá trình làm việc của thợ chế tác thì chúng ta sẽ rất khâm phục tính kiên trì, bền bỉ của họ khi biến những khối than sù sì thành sản phẩm bóng, đẹp. Để làm được nghề này, đòi hỏi người thợ phải tâm huyết với nghề, có sự khéo léo, tỉ mỉ, óc sáng tạo như một nghệ sĩ mới đủ tài thổi hồn để biến những viên than thô ráp trở nên đẹp lung linh, tinh xảo. Một số sản phẩm đặc trưng của nghề điêu khắc than đá thường làm là: tượng người, lọ, lục bình, phong cảnh Vịnh Hạ Long, đồ trang trí, vòng đeo tay…

Do những thăng trầm trong nghề chế tác than, ban đầu có hơn 20 hộ gia đình làm nghề nhưng đến hiện nay, chỉ còn lại mỗi gia đình anh chị Quyết Bình còn tiếp tục duy trì công việc. Anh Nguyễn Văn Quyết là cháu của cụ Nguyễn Đức Thuận, anh được truyền nghề từ năm 16 tuổi và tính đến thời điểm này, gia đình anh đã có ba đời làm nghề chế tác than mĩ nghệ. Có duyên với nghề, vợ anh là chị Bình cũng chăm chỉ học hỏi, tập làm và trở nên tâm huyết trong công việc với chồng. Anh chị chia sẻ, mỗi một sản phẩm bán ra thị trường có giá dao động từ vài chục cho đến hàng trăm triệu đồng. Sản phẩm nhỏ nhất là hòn gà chọi, cao 7cm, có thể bán được khoảng 80 ngàn đồng; còn lớn nhất là đôi lục bình cao 1,73m, nặng 2 tạ 55kg bán tới hơn 200 triệu một đôi. Trung bình mỗi tháng, anh chị cũng thu nhập được tầm 5-6 triệu đồng/1 người.

Có thể thấy, nghề điêu khắc than mĩ nghệ cho đến nay chỉ duy nhất tồn tại và phát triển ở tỉnh Quảng Ninh, cũng bởi lý do Quảng Ninh là một tỉnh có nguồn than dồi dào, chất lượng, phù hợp để chế tác. Một số quốc gia trên thế giới cũng khá phong phú về tài nguyên than nhưng hiện nay đều chưa thấy xuất hiện và tồn tại nghề điêu khắc độc đáo này. Đến ngay như Trung Quốc, một quốc gia rộng lớn với nguồn tài nguyên than vô cùng phong phú cũng không thể chế tác được sản phẩm từ than nguyên khối, chủ yếu họ sử dụng công nghệ ép than để tạo ra các sản phẩm. Tuy nhiên, cách làm này chỉ tạo nên sự đa dạng mẫu mã hàng hóa chứ không tạo nên độ bóng, đẹp, sự khác biệt và cái hồn của sản phẩm. Chính vì vậy, sản phẩm than mĩ nghệ của Quảng Ninh vẫn nổi tiếng cả nước và được tiêu thụ hầu hết tại nhiều đại lý trong các tỉnh thành. Ngoài ra, nó còn được tiêu thụ ở thị trường châu Á như Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc…; châu Âu như Đức, Pháp, Canada…

Trải qua thời gian hơn 70 năm phát triển tại Quảng Ninh, có thể thấy nghề điêu khắc than mĩ nghệ đã đủ lớn để công nhận là một nghề truyền thống của tỉnh. Hiện nay, anh chị Quyết Bình cũng đã lập hồ sơ gửi tỉnh để được công nhận đây là một nghề truyền thống của gia đình. Cơ bản, nghề điêu khắc than đá tạo công việc và thu nhập ổn định cho gia đình anh chị. Tuy nhiên, điều lo lắng nhất của gia đình không phải là băn khoăn về khâu tiêu thụ, mà vấn đề cần thiết nhất lúc này là việc truyền nghề, quảng bá và phát triển quy mô sản xuất. Cách đây vài năm, anh chị từng hào hứng với việc truyền nghề cho hàng chục bạn trẻ đến học việc, nhưng đến thời điểm hiện tại, chỉ còn duy nhất hai anh chị làm nghề. Và có thêm một thợ làm cùng đang sống ở khu vực cột 3, phường Hồng Hải, Thành phố Hạ Long. Chị Bình cũng nhận định, hầu hết các bạn trẻ hiện nay đều ngại với nghề bởi vì nó rất vất vả, bụi bặm và trên địa bàn Hạ Long có nhiều công việc, dễ kiếm nên các em đều thờ ơ với nghề.

Một trong những vấn đề khó khăn nữa cho gia đình anh Quyết là việc vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất. Hiện nay, gia đình có nhu cầu vay hơn 1 tỉ đồng để đầu tư nhà xưởng và thiết bị máy móc, tuy nhiên với khối tài sản đang có, anh chỉ có thể thế chấp vay được vài trăm triệu đồng nên gia đình cũng không biết cách nào để huy động được nguồn tài chính hợp lý, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất.

Bên cạnh đó, các công đoạn chế tác than đều phải làm thủ công hoàn toàn, khó ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại để tăng năng suất lao động. Vì vậy, hiệu quả công việc chưa cao, dẫn đến một số đơn hàng của khách đôi khi cũng không đáp ứng kịp thời. Và việc thiếu thợ làm nghề nên số lượng sản phẩm còn hạn chế. Hơn nữa, khâu tiêu thụ hàng hóa chủ yếu đến từ những khách quen của gia đình, yếu tố công nghệ hay các phương tiện hỗ trợ quảng bá, bán hàng hầu như anh Quyết đều không thông thạo. Đây là một vấn đề làm hạn chế việc phát triển sản phẩm và quảng bá được nét độc đáo, tinh tế của điêu khắc than mĩ nghệ Quảng Ninh tới khách hàng và bạn bè quốc tế.

Có thể nhận thấy, nghề điêu khắc than mĩ nghệ ở Quảng Ninh là một nghề truyền thống độc đáo, đặc sắc của địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Vì vậy, việc gắn liền mục tiêu phát triển nghề với mục tiêu phát triển kinh tế từ “nâu sang xanh” của tỉnh là một hướng đi cần thiết và hợp lý. Sự kết hợp này tạo nên sự đa dạng, phong phú cho các sản phẩm truyền thống của địa phương, đồng thời có thể quảng bá, giới thiệu với du khách bốn phương biết tới sự khéo léo, tài hoa của con người Quảng Ninh. So với các sản phẩm trưng bày hiện có bán tại các khu du lịch như gốm sứ, ngọc trai, mây tre đan, thực phẩm… thì mặt hàng điêu khắc than mĩ nghệ có được sự khác biệt hơn cả. Nó không chỉ đẹp mắt, tinh xảo với nhiều cách thể hiện, mẫu mã hấp dẫn mà còn hội tụ được nét tinh hoa, đặc trưng của mảnh đất “vàng đen” nổi tiếng.

  1. Kết luận

Qua những tìm hiểu trên, chúng ta nhận thấy nghề truyền thống hiện nay đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức để tồn tại và phát triển. Đặc biệt, với xu hướng hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa văn hóa mạnh mẽ thì việc gìn giữ những yếu tố, giá trị truyền thống của địa phương và dân tộc lại càng vất vả, gian nan hơn. Vì vậy, đứng trước thực tế này, nghề điêu khắc than truyền thống tại Quảng Ninh rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các nhà lãnh đạo, nhà quản lý; sự hiểu biết, chung tay của cộng đồng, các doanh nghiệp để có thể tiếp tục truyền lửa giữ nghề; bảo tồn, phát huy và phát triển được nghề điêu khắc than mĩ nghệ.

* Tài liệu tham khảo:

  1. Nguyễn Văn Dân (2006), Văn hóa và phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
  2. Mai Thế Hởn (2003), Bảo tồn và phát triển làng nghề trong công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa, Nxb Quốc gia.
  3. Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về: Phát triển ngành nghề nông thôn.
  4. Báo Quảng Ninh (2016), Hướng đi nào cho bảo tồn và phát huy giá trị các làng nghề truyền thống, http://baoquangninh.com.vn, truy cập ngày 10/4/2019.
  5. Bùi Văn Vượng (2002), Làng nghề truyền thống Việt Nam, Nxb Văn hóa thông tin.

 

 

 

BÌNH LUẬN