Thứ Hai, 20/5/2019 | 15:04 GMT +7

NHÂN VẬT TRỮ TÌNH TRONG BÀI THƠ “LÁ DIÊU BÔNG” CỦA HOÀNG CẦM

“Lá Diêu Bông” là một bài thơ tiêu biểu được rút ra trong tập thơ “Về Kinh Bắc” của Hoàng Cầm. Nhân vật trữ tình trong bài thơ là một nhân tố quan trọng góp phần  nên thành công của bài thơ nói riêng cũng như tập thơ nói chung, trở thành nhân vật huyền thoại của bao mối tình dang dở. Nhân vật trữ tình của bài thơ được đặt trong một bối cảnh không gian thời gian đầy huyền thoại, hư ảo; nó chính là hiện thân của tác giả; trong hành trình tìm kiếm tình yêu đầy khát vọng cũng như đi tìm cái Đẹp đã mất, với những khoảnh khắc vụt hiện của dòng ý thức.

NHÂN VẬT TRỮ TÌNH TRONG BÀI THƠ “LÁ DIÊU BÔNG” CỦA HOÀNG CẦM

                                                                                                  ThS. Nguyễn Thị Ngọc Lương

            1. Đặt vấn đề

Thế giới nội tâm của con người mãi là một vùng trời bí hiểm, trong thế gới đó, cái tôi được gặp lại chính mình một cách chân thực nhất. Nhưng càng khát khao kiếm tìm, càng thấy mình lạc sâu vào miền hư ảo. Thơ ca từ bao đời nay cứ cặm cụi đi tìm và góp nhặt những mảnh hồn như thế, để bộc lộ, để tìm cho mình một tấm lòng đồng điệu. Thơ trở thành nơi kí thác tâm sự, nơi tiếng lòng được giải tỏa ẩn ức. Và nhân vật trữ tình lúc này trở thành người đón nhận tất cả những tình cảm ấy từ tay người nghệ sĩ, cũng là người cất giữ chìa khóa giải mã ẩn ức bạn đọc đang kiếm tìm. Đó cũng là lí do vì sao khi tìm hiểu một tác phẩm trữ tình, người ta thường tìm hiểu về nhân vật trữ tình trong bài thơ đó, coi nó như một đặc trưng của thể loại.

Hoàng Cầm tên thật là Bùi Tằng Việt (1922-2010) sinh tại Bắc Giang nhưng quê gốc ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ông là một trong những nhà thơ tiêu biểu cho phong trào Thơ Mới cũng như thơ ca thời kì kháng chiến chống Pháp. Tác phẩm  Lá Diêu Bông (1959) là một trong những bài thơ tiêu biểu được rút ra trong tập thơ “Về Kinh Bắc” của tác giả. Bài thơ có một số phận long đong, được Hoàng Cầm viết từ năm 12 tuổi nhưng đến tận 25 năm sau nó mới được xuất bản. Cũng vì bài thơ này mà tác giả của nó đã phải ngồi tù mất 2 năm để viết kiểm điểm. Nhưng cùng với thời gian, sức sống của bài thơ cứ  tiếp tục vươn cao mạnh mẽ, bất chấp mọi thử thách và ngụ sâu trong đó. Một trong những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn cho tác phẩm này phải kể đến là nhân vật trữ tình, một nhân vật đã đi vào huyền thoại của bao mối tình dang dở.

  1. Nội dung

2.1. Thế giới trữ tình đầy huyền thoại

Cũng như nhiều bài thơ khác trong tập “Về Kinh Bắc”, tâm thế sáng tạo của thi sĩ Hoàng Cầm khi viết “Lá Diêu Bông” là trong tình trạng chìm về quá khứ, vào sâu cõi tâm linh. Về với Kinh Bắc, thi sĩ như chìm đắm, lắng sâu trong tâm tư của riêng mình, nửa trầm tư hoài niệm nửa khát vọng sẻ chia. Không gian là mảnh đất Kinh Bắc….. nhưng lại là Kinh Bắc trong tâm tưởng, trong sự hồi cố của tác giả. Không gian ấy vĩnh cửu và nằm ngoài mọi thời gian lịch sử. Thời gian cũng là thời gian quá khứ, thời gian hồi cố, thời gian tâm linh mơ hồ, huyễn hoặc. Trong tâm thế sáng tạo ấy, nhân vật và thiên nhiên đều ít khi tồn tại với ý nghĩa đen mà là hình ảnh của thế giới hồi tưởng, thế giới cảm giác hoặc trở thành những ý niệm, kí ức, biểu tượng không thể nhận thấy, không thể nắm bắt: “Chỉ với 24 dòng thơ thôi, thi sĩ đã dệt nên một câu chuyện tình đượm màu cổ tích và thấm đẫm tính huyền thoại. Đọc “Lá Diêu Bông”, độc giả như đang phiêu cùng nhân vật trữ tình trên cái ranh giới của ảo và thực” [3].

2.2. Hiện thân của tác giả

Khác với nhân vật tự sự, nhân vật trữ tình không thiên về đặc tả về diện mạo, hành động hay lời nói bề ngoài mà quan tâm tới cảm xúc, suy nghĩ bên trong. Việc phản ánh thế giới trong các tác phẩm trữ tình cũng thông qua những cảm xúc, suy tưởng của con người. Nhân vật trữ tình cũng đồng thời là hiện thân của tác giả. Tác giả nhập thân vào nó, thông qua nó để phản ánh thế giới chủ quan của hiện thực khách quan. Đến lượt mình, bạn đọc hiểu rõ hơn thế giới nội tâm của thi nhân thông qua nhân vật trữ tình.

“Em” là nhân vật trữ tình của bài thơ, là hình tượng người trực tiếp thổ lộ suy nghĩ, cảm xúc, tâm trạng trong tác phẩm. “Em” đặt trong mối tương quan với nhân vật “Chị”, là nguồn cơn của mọi cảm xúc, suy nghĩ và hành động của nhân vật trữ tình. Mối quan hệ “Chị-Em” sẽ xuyên suốt tác phẩm như một cảm hứng chủ đạo. Theo như chính tác giả tâm sự “Tôi sớm viết thơ tình vì trời “bắt tội” tôi yêu sớm. Tám tuổi đã biết say mê. Nàng thơ đầu tiên của tôi hơn tôi 8 tuổi. Ngày ấy, mẹ tôi bán hàng xén. Một lần từ tỉnh lỵ trọ học về thăm nhà, tôi nhìn thấy chị mua hàng ở chiếc quầy nhỏ. Trong ánh nắng chiều, chị hiện ra trước mắt tôi, đẹp rực rỡ như một thiên thần. Từ đó trái tim tôi lao đao, choáng ngợp vì chị. Tôi hiểu đó là thứ tình cảm trai gái thật sự chứ không phải là tình chị em con trẻ. Trước, mỗi thữ bảy tôi mới về thăm nhà một lần thì từ khi biết chị, cứ đều đặn đến thứ 4 và thứ 7 là tôi mua vé tàu về quê. Rồi tôi lẽo đẽo đi theo chị, chỉ để ngắm thôi. Hai chị em cứ quyến luyến nhau  như thế cho đến ngày chị đi lấy chồng. Chị tên là Vinh, là người con gái đã gợi hứng cho bài thơ “Lá Diêu Bông” của tôi” [4]. Như vậy, người chị trong bài thơ lấy cảm hứng từ một người chị hàng xóm, tên Vinh, người mà tác giả, cũng như “Em” trong bài thơ thầm thương trộm nhớ suốt tuổi ấu thơ của mình. Viết “Lá Diêu Bông” là cách Hoàng Cầm tìm lại tuổi thơ của mình, tìm về một tình yêu trong sáng nhiều kỉ niệm mà cũng da diết buồn.

2.3. Hành trình kiếm tìm tình yêu đầy khát vọng

Câu chuyện xưa bắt đầu từ một buổi chiều quê Bắc Ninh như tác giả từng chia sẻ “một buổi chều mùa đông…Chị đi về phía cánh động chiều còn trơ cuống rạ. Những dãy núi xanh xanh mờ xa in hình như dao khắc trên nền trời cuối hoàng hôn. Bí mật, tôi lặng lẽ lần theo chị. Tôi thấy chị thẩn hơ tìm đồng chiều cuống rạ. Rồi chị lẩm bẩm một mình, dầu chị biết chắc tôi lẵng nhẵng theo sau lưng: Đứa nào tìm được Lá Diêu Bông, từ nay ta gọi là chồng…” [4]. Câu nói ấy in sâu vào tâm trí “Em”, như một lời nguyền nhức nhối đi theo suốt cả cuộc đời. “Em” vì câu nói “bâng quơ” của “Chị” đã mải miết kiếm tìm. Thời gian sắp đặt nối tiếp với khoảng cách tăng dần: Hai ngày sau…mùa đông sau…Ngày cưới chị…Chị ba con… cho ta thấy nỗ lực của nhân vật trữ tình trên hành trình kiếm tìm chiếc lá Diêu Bông.

Thời gian phát triển từ thời gian thực tại đến thời gian tâm lý thể hiện sự kiên nhẫn, niềm hi vọng tưởng chừng không bao giờ cạn của nhân vật trữ tình. Em đi tìm như muốn khẳng định điều có thể của những thứ không thể. Bốn lần đi tìm, bốn lần đều tìm thấy lá, nhưng sắc điệu cảm xúc lại khác nhau. Lần đầu là vui mừng của người chiến thắng, những lần sau là sự khấp khởi hi vọng. Chị đố lá để tìm tình yêu, Em kiếm lá cũng để tìm tình yêu nhưng hai hành trình kiếm tìm tình yêu của hai chị em lại chỉ như hai đường thẳng song song không bao giờ gặp thấy điểm chung. Trò chơi đố lá bỗng trở nên nghiệt ngã. Trong mối tương quan với nhân vật trữ tình, bốn lần Em tìm thấy lá với các sắc điệu cảm xúc khác nhau thì cảm xúc của Chị cũng ngày một hiện ra rõ nét hơn: Từ “chau mày” không chấp nhận chiếc lá đầu tiên em tìm là lá Diêu Bông, “lắc đầu” thẫn thờ “trông nắng vãn bên sông”, cười gượng gạo “xe chỉ ấn trôn kim” đến đau khổ “xòe tay phủ mặt Chị không nhìn”. Mỗi lần em tìm thấy là mỗi lần nỗi đau chị tăng lên.

Rõ ràng “Chị-Em” là cặp đại từ nhân xưng đặc biệt, được viết hoa và thể hiện mối quan hệ bất thường. Nó vừa là danh từ riêng chỉ người, vừa là cặp đại từ xưng hô của nhân vật trữ tình dành cho người con gái lớn tuổi hơn mình nhưng mình lại đem lòng thương mến. Cặp từ xưng hô ấy lại trở thành rào cản, khiến cho khoảng cách của hai nhân vật ngày một xa hơn. Chị mượn hình ảnh lá Diêu Bông đố em đi tìm nhưng nào đâu có chiếc lá đó. Trò chơi tìm lá hay phải chăng là lời chối từ ý nhị của Chị khi biết em có tình cảm với mình, hay là nỗi đau của Chị khi không thể vượt qua được những rào cản, định kiến của xã hội. Tất cả đều mông lung trong thế giới huyền ảo của nhân vật trữ tình cũng là những hồi ức quá vãng của tác giả.

Lá Diêu Bông là bài thơ giàu tính nhạc với nhiều cách tổ chức nhịp điệu như hiệp các vần “ông”, “im” giữa các câu “võng… chồng… Bông…sông”, “tìm… kim… nhìn” ; điệp cấu trúc “thời gian + em tìm thấy lá”;… Cấu trúc ngữ pháp lặp lại 4 lần có ý nghĩa nhấn mạnh hành trình nỗ lực kiếm tìm không mệt mỏi của nhân vật trữ tình. Các vần “im”, “ông” đều tạo ra các âm tiết khép tạo cảm giác bế tắc của nhân vật trữ tình và phụ âm vang “m” còn góp thêm tính mênh mang, da diết cho xúc cảm của nhân vật. Có thể nói tính nhạc đã khiến bài thơ “mượt mà như một điệu dân ca, lại có sự tha thiết, quyến rũ, bồng bềnh và cũng lắm lúc hồn nhiên, dân dã của hát xoan, hát ghẹo…” [7] và càng làm cho hành trình kiếm tìm tình yêu của nhân vật trữ tình thêm da diết, khắc khoải.

2.4. Hành trình đi tìm cái Đẹp đã mất

Bài thơ rất khéo léo trong  việc tạo ra một kết cấu đặc biệt. Với thể thơ tự do phóng túng, tác giả sắp đặt 25 câu thơ dài ngắn khác nhau thành ba phần. Phần đầu gồm 7 câu thơ, là lời thách đố của Chị đồng thời cũng là khởi nguồn cho câu chuyện của nhân vật trữ tình. 12 câu thơ tiếp theo là hành trình song hành của hai chị em còn 6 câu thơ cuối cùng là dư âm của em. Chị mở đầu câu chuyện, Em kết thúc câu chuyện và xuyên suốt từ đầu đến cuối là hình ảnh lá Diêu Bông. Đến đây người đọc thấy nhân vật trữ tình đã một lần nữa dùng hình ảnh lá Diêu Bông làm vĩ thanh cho câu chuyện tình của mình. Lá Diêu Bông thành nỗi ám ảnh cho Em, trong cái ngẩn ngơ, khắc khoải, da diết. 6 câu thơ đã khép lại bài thơ nhưng chuyện tình của nhân vật Em thì dường như chưa kết thúc. Lá Diêu Bông ám ảnh nhân vật trữ tình hay ám ảnh bạn đọc về hình ảnh một chàng thi sĩ không biết từ bao giờ cứ cầm chiếc lá như giữ bên mình kỉ niệm tuổi thơ, về hình bóng Chị xưa… để đi khắp mọi miền đất nước.

Em là nhân vật trữ tình trong bài thơ, là Hoàng Cầm năm 12 tuổi với mối tình non thơ mà khắc khoải nhưng bạn đọc hẳn không trách cứ được tâm hồn trong trắng và thật thà ấy bởi ta bắt gặp một phần nào đó sự đồng điệu trong tâm hồn mình. Có phải chăng tình yêu trong “Lá Diêu Bông” chỉ đơn thuần là tình Em-Chị, tình trẻ con- người lớn?

Tiếng lòng của Em cũng là tiếng lòng của tác giả, chàng thơ si tình biết cảm, biết yêu sớm với cuộc đời. Nhưng nếu chỉ có thế thì câu chuyện tình yêu trầm buồn ấy không có sức sống lâu bền và lay động nhiều thế hệ đến thế. Nhân vật trữ tình Em trong “Lá Diêu Bông” của Hoàng Cầm hẳn phải mang tính khái quát cao hơn. Nó phải phản ánh được gương mặt tinh thần của xã hội. Nói như Bêlinxki “Bất cứ thi sĩ nào cũng không thể trở thành vĩ đại nếu chỉ do ở mình, và chỉ miêu tả mình- dù là miêu tả những nỗi đau của mình hay những hạnh phúc của mình”. Hoàng Cầm khi viết Lá Diêu Bông chắc hẳn cũng không chỉ để giãi bày câu chuyện tình cá nhân của mình thông qua nhân vật trữ tình Em mà còn muốn chạm đến một thứ tình cảm lớn lao, cao đẹp hơn.

Lá Diêu Bông là biểu tượng rất quan trọng của bài thơ cũng như của nhân vật trữ tình. Đây không chỉ là sợi chỉ gắn kết mọi sự việc, mọi mối quan hệ, mọi nhân vật vào trong một câu chuyện tình buồn. Nó còn là một biểu tượng đa nghĩa, biểu trưng cho mối tình hư ảo, lá bùa tình yêu… và cũng biểu trưng cho cái Đẹp. Trong tập thơ “Về Kinh Bắc” cùng với “Lá Diêu Bông” ta bắt gặp nhiều bài thơ có cái nhìn đồng điệu ấy như “Cây tam cúc”, “Quả vườn ổi”, “Cỏ Bồng Thi”… Sự hoài niệm của tác giả, một mặt là hồi tưởng kỉ niệm quá khứ, mặt khác còn mang ý nghĩa tìm về với truyền thống và cội nguồn, với quê hương và hồn xưa dân tộc như sự trở về với những giá trị đạo đức thẩm mĩ mang tính lâu bền, vĩnh cửu. Ở điểm này, tác giả Lương Minh Chung đã tinh ý nhận ra sự học hỏi của Hoàng Cầm cũng như một số nhà thơ mới đương thời với dòng văn học lãng mạn phương Tây: “Trong văn học lãng mạn phương Tây, tìm về với thiên nhiên thanh sạch để đối lập với cái ồn ào của đô thị phồn tạp là một đề tài quen thuộc. Mô típ này cũng được một số nhà Thơ mới như Nguyễn Bính, Bàng Bá Lân, Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ sử dụng khá thành công với các chủ đề chính như: tìm về với mảnh hồn làng, với những ao bèo, giếng thơi, chợ Tết, cổng làng đã mở… và Hoàng Cầm là người đã góp thêm vào bộ sưu tập bằng thơ với các đề tài được “gẩy” ra từ rơm rạ, từ làng xã Việt Nam cổ truyền” [2].

2.5. Những khoảnh khắc vụt hiện của dòng ý thức

Lá Diêu Bông được làm theo thể thơ tự do, không gò bó luật lệ, số lượng âm tiết từng dòng không cố định, dài ngắn khác nhau. Trong bài thơ Lá Diêu Bông còn xuất hiện nhiều khoảng trống, dấu lặng từ sự xuống dòng đột ngột, xé câu, tạo hình thang câu chữ, hay của sự vô ngôn, lời nói bị hãm đột ngột và dấu … của sự im lặng.

Thủ pháp độc đáo này đã giúp cho thế giới nhân vật trữ tình trong Lá Diêu Bông là thế giới của giấc mơ. Chính Đỗ Lai Thúy, một nhà phế bình văn học rất yêu thơ Hoàng Cầm cũng nhận thấy đó là “giấc mơ với những liên tưởng đứt đoạn, những hình ảnh rời rạc và rất nhiều khoảng trắng, các dấu lặng… Tất cả trôi đi trong một nhịp điệu thôi miên… Cách viết co giãn đột ngột như vậy vừa thể hiện lối liên tưởng cũng như những tâm trạng đứt đoạn trong dòng ý thức của nhân vật trữ tình” [6]. Nhân vật Em, cũng chính là hiện thân của cậu bé Hoàng Cầm 12 tuổi đang kể cho bạn đọc nghe câu chuyện tình của mình không phải chỉ bằng ý thức, tiềm thức mà bằng vô thức. Cho nên những cảm xúc vô thức của nhân vật hiện ra đứt đoạn, rời rạc, đầy hỗn độn, mơ hồ theo dòng ý thức của nhân vật trữ tình.

Lối viết dòng ý thức là cái mới của nhà thơ, vừa là cái riêng của ông so với nhiều tên tuổi khác trong phòng trào thơ Mới 1930- 1945. Chính tác giả cũng từng tâm sự những bài thơ nổi tiếng của mình thật sự không phải của ông “mà có một giọng nữ đang hát, hay đang đọc có nhịp điệu, có tiết tấu, mà tôi xin gọi là lời của thần linh đọc cho mình chép lại được… Lúc đó thì ba loại thơ: ngôn thi, tâm thi, thần thi đều có thể xuất hiện trên trang viết. Và cũng lúc đó thì có ba cái thức đều phải vận động, phải làm việc cho thơ. Đó là ý thức, tiềm thức, vô thức… Ở tôi thì luôn cái vô thức làm việc nhiều hơn… thần lực thường tự động làm bật ra nhiều những lời thơ, lắm khi tưởng như vô nghĩa, mà ngay chính bản thân tôi cũng không hiểu những từ ngữ mình viết ra mang ý nghĩa cụ thể” [5].

  1. Kết luận

Con người luôn hiện tồn trong hai thế giới chủ quan và khách quan. Thơ ca là cuộc dấn thân khai phá thế giới chủ quan của con người, một miền đất vẫn được coi là tế vi, bí ẩn, khó nắm bắt. Thơ ca tìm tòi bằng chính sự tinh tế mơ hồ của cảm xúc trữ tình, của nhân vật trữ tình. Nhân vật trữ tình trong bài thơ Lá Diêu Bông của Hoàng Cầm có thể nói đã chạm đến những cảm xúc nguyên sơ, mỏng manh nhất của tâm hồn con người, khơi sâu hơn vào những “vùng miền mờ lí tính” như vậy. Đây là một nhân vật bí ấn, đa chiều và chính nó là một trong những nhân tố chủ đạo góp phần tạo nên thành công cũng như sự trường tồn bất tử với thời gian cho bài thơ.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hoàng Cầm (2011), Hoàng Cầm – Thơ, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
  2. Lương Minh Chung (2007),Kiểu kết cấu trò chơi trong ‘Lá diêu bông’, đăng trên https://vnexpress.net/giai-tri/kieu-ket-cau-tro-choi-trong-la-dieu-bong-1973069.html,  vào ngày 25/12/2007.
  3. Nguyễn Giang (2010), Lá Diêu Bông và câu chuyện cổ tích tình yêu, đăng trên https://vnexpress.net/giai-tri/la-dieu-bong-va-cau-chuyen-co-tich-tinh-yeu-1971634.html, vào ngày 08/05/2010.
  4. Hà Linh (2006), Hoàng Cầm: ‘Trời bắt tội tôi yêu sớm’, đăng trên https://vnexpress.net/giai-tri/hoang-cam-troi-bat-toi-toi-yeu-som-1887342.html, vào ngày 16/02/2006.
  5. Nguyễn Hữu Tấn (2013), Vô thức trong văn học, đăng trên http://tapchisonghuong.com.vn/tin-tuc/p0/c7/n11535/Vo-thuc-trong-van-hoc.html, vào ngày 15/03/2013.
  6. Đỗ Lai Thúy (2011), Đi tìm ẩn ngữ trong thơ Hoàng Cầm, đăng trên http://vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/di-tim-an-ngu-trong-tho-hoang-cam , vào ngày 13/06/2011.
  7. Lê Mỹ Ý (2004), Nhà thơ Hoàng Cầm và những ‘chiếc lá diêu bông’, đăng trên https://vietnamnet.vn/psks/nhanvat/2004/12/354289/, vào ngày 20/12/2004.

 

 

 

BÌNH LUẬN