Co giật do sốt cao là hiện tượng thường gặp ở trẻ mầm non, nếu tình trạng này tái diễn nhiều lần sẽ trở thành mối nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ. Trẻ có thể bị co giật do sốt cao đơn thuần hoặc cho giật do sốt cao phối hợp. Cô giáo Mầm non, người chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ cần nhận biết được tình trạng này của trẻ để có biện pháp xử lý phù hợp và phòng tránh co giật do sốt cao ở trẻ. Bài viết sau đây sẽ giúp cho cô giáo mầm non lý giải được nguyên nhân và cách xử lý, phòng tránh sốt cao co giật ở trẻ.
Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Mến (Khoa SP Mầm non)
1. Đặt vấn đề
Co giật do sốt cao là hiện tượng co giật do một cơn sốt gây nên thường gặp ở trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 5 tuổi. Ở độ tuổi này, trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn vì yếu tố miễn dịch thụ động trẻ nhận được từ mẹ trong thời kỳ bào thai cũng như từ sữa mẹ ngày càng giảm mà miễn dịch chủ động của trẻ chưa được hình thành vững chắc; trong khi đó, não của trẻ chưa phát triển đầy đủ và rất nhạy cảm với các rối loạn nhiệt độ nên khi sốt cao, đặc biệt là nhiệt độ lớn hơn 390C (đo ở hậu môn) sẽ kích thích não của trẻ nhỏ và gây khởi phát một cơn co giật. Nếu tình trạng này tái diễn nhiều lần sẽ ảnh hưởng không tốt, gây nguy hại đến sức khỏe của trẻ. Do vậy cô giáo mầm non-người mẹ thứ hai của trẻ cần nhận diện đúng tình trạng co giật do sốt cao ở trẻ để có biện pháp xử lý phù hợp, đồng thời có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhằm giúp hạn chế tối đa các di chứng.
2. Nội dung
2.1. Nguyên nhân và các dạng co giật do sốt cao
Trẻ có thể bị sốt cao co giật do nhiều nguyên nhân. Một số trường hợp trẻ bị co giật khi bị sốt cao do viêm amydan, viêm tai giữa, viêm phổi, phế quản, nhiễm khuẩn ở đường tiết niệu, mụn nhọt ngoài da… Tức là trẻ bị những nhiễm khuẩn ngoài hệ thần kinh trung ương gây sốt cao tới mức bị co giật gọi là co giật do sốt cao đơn thuần. Hoặc một số trẻ bị co giật do những tổn thương ở trung ương thần kinh như viêm não, áp xe não, viêm màng não, viêm màng não mủ,…gọi là co giật do sốt cao phối hợp.
Khi trẻ lên cơn co giật, cô giáo Mầm non cần nhận biết được trẻ bị co giật do sốt cao đơn thuần hay co giật do sốt cao phối hợp để có cách xử lý cho phù hợp. Vậy co giật do sốt cao đơn thuần và co giật do sốt cao phối hợp khác nhau như thế nào? Sau đây là đặc điểm của các dạng co giật do sốt cao:
Đặc điểm | Co giật do sốt cao đơn thuần | Co giật do sốt cao phối hợp |
Độ tuổi co giật | Co giật do sốt cao đơn thuần thường xảy ra ở trẻ 6 tháng đến 5 tuổi vì độ tuổi này trẻ dễ bị nhiễm khuẩn mà khả năng điều hòa thân nhiệt kém | Co giật do sốt cao phối hợp gặp ở mọi độ tuổi vì nguyên nhân gây co giật là do tổn thương trung ương thần kinh |
Thời điểm co giật | Cơn co giật xuất hiện khi sốt cao 390C trở lên | Cơn co giật xuất hiện cả khi không sốt cao |
Thời gian co giật | Cơn co giật thường xảy ra trong thời gian ngắn từ 1 đến 5 phút | Cơn co giật thường kéo dài |
Đặc điểm cơn co | Co giật xảy ra thường lan tỏa ít khi cục bộ và số cơn không thường xuyên | Co giật xảy ra thường lan tỏa hoặc cục bộ và có nhiều cơn |
Trạng thái của trẻ sau co giật | Sau cơn co giật, trẻ tỉnh táo, không có biểu hiện rối loạn ý thức | Sau cơn co giật, trẻ thường có biểu hiện rối lọan ý thức hoặc có biểu hiện của các dấu hiệu não, màng não khác. |
Trẻ chủ yếu bị co giật do sốt cao đơn thuần nên cô giáo mầm non cần bình tĩnh xử lý kịp thời, trẻ sẽ hết giật.
2.2. Cách xử lý khi trẻ bị co giật do sốt cao đơn thuần
Trước hết, cô nhanh chóng đặt trẻ nằm ở một nơi thoáng mát, có đủ oxy và yên tĩnh. Có thể thông thoáng khí bằng quạt giúp làm mát không khí [1]. Đặt trẻ nằm đầu ngửa ra sau và nghiêng về một bên để đường thở khỏi bị tắc và dịch trong miệng có thể chảy ra ngoài. Nếu trẻ mặc nhiều quần áo, cô cởi bớt quần áo cho trẻ; hoặc nới rộng quần áo cho trẻ để trẻ dễ thở và tăng quá trình tỏa nhiệt. Sau đó làm thông đường thở cho trẻ. Nếu miệng trẻ có nhiều đỡm rãi, cô dùng ống cao su mút qua mũi miệng hoặc dùng gạc mềm lau sạch [2].
Trẻ đang bị co giật vì sốt cao quá nên cô nhanh chóng tìm cách để hạ thân nhiệt cho trẻ. Thân nhiệt có thể hạ nhờ các biện pháp vật lý như chườm lạnh hoặc biện pháp hóa học như uống thuốc hoặc tiêm thuốc hạ nhiệt. Nhưng khi trẻ bị co giật do sốt cao cô chỉ nên làm hạ thân nhiệt cho trẻ bằng cách chườm lạnh mà không cho trẻ uống thuốc hạ nhiệt vì cho trẻ uống sẽ dễ bị sặc,..Cô dùng khăn dấp nước (tốt nhất là nước ấm nhưng nhiệt độ vẫn thấp hơn thân hơn nhiệt của trẻ) để lau người giúp hạ thân nhiệt cho trẻ. Lau mát hai giờ một lần, mỗi lần không quá 30 phút. Sau khi ngừng lau mát 10 phút mới đo lại nhiệt độ cho trẻ. Ngoài việc lau bằng khăn ướt, cô đắp khăn ướt vào những vùng có mạch máu lớn nằm sát da như cổ, nách, bẹn,…giúp tỏa nhiệt nhanh [1]. Hoặc hạ thân nhiệt bằng cách nhanh chóng đặt thuốc hạ nhiệt đường hậu môn (trẻ em dưới 2 tuổi dùng viên paracetamol 80mg, trẻ lớn dùng viên 150mg). Trong quá trình làm hạ thận nhiệt cần theo dõi thân nhiệt của trẻ thường xuyên bằng cách cặp nhiệt độ ở nách hoặc hậu môn,…[3]
Trong khi xử lý trẻ co giật, cô cần lưu ý một số vấn đề sau: Không nên tìm cách chống lại co giật của trẻ bằng cách ghì trẻ thật chặt vì có thể gây tổn thương ở một số bộ phận cơ thể, hoặc có thể làm gãy xương trẻ. Cô không được cho trẻ ăn, uống bất cứ thứ gì vì có thể gây sặc. Không dùng vật cứng để gang miệng trẻ vì sợ trẻ cắn lưỡi bởi rất ít khi trẻ cắn vào lưỡi trong cơn co giật; việc gang vật cứng vào miệng trẻ làm tổn thương niêm mạc miệng, làm gãy răng, sứt lợi trẻ,..Không ủ ấm hoặc mặc thêm quần áo cho trẻ mặc dù trong cơn sốt cao trẻ có thể bị rét run mà phải tìm cách hạ thân nhiệt cho trẻ nhanh chóng bằng cách làm mát cơ thể và môi trường xung quanh. Đó là biện pháp tốt nhất và an toàn nhất để phòng chống và cắt cơn co giật cho trẻ [3].
2.3. Biện pháp phòng tránh co giật do sốt cao
Cơn co giật do sốt cao ở trẻ nếu đã xảy ra thì sẽ có thể tái phát. Tuy nhiên, nếu biết cách xử trí ngay từ lúc trẻ mới sốt, chúng ta có thể phòng tránh được cơn co giật bằng cách:
Đưa trẻ đi khám và điều trị nguyên nhân ngay khi mới sốt; cho trẻ uống nhiều nước (nên cho trẻ uống nước mát pha oresol, nước hoa quả) hoặc bú nhiều lần hơn; cởi bớt quần áo, đặt trẻ nằm nơi thoáng mát và không được ủ ấm hoặc bọc kín trẻ; phải thường xuyên theo dõi thân nhiệt bằng cách cặp nhiệt độ cho trẻ khi trẻ sốt cao.
Làm mát cơ thể trẻ bằng cách lau người cho trẻ bằng nước ấm và dùng thuốc hạ nhiệt khi nhiệt độ cơ thể lên quá 39 độ C.
- Kết luận
Trên đây là một số dấu hiệu phân biệt các dạng co giật do sốt cao ở trẻ mà cô giáo mầm non cần nhận biết để tìm cách xử lý cho phù hợp. Trong khi xử lý trẻ co giật, cô cần bình tĩnh để nhanh chóng hạ thân nhiệt cho trẻ và tránh trẻ bị bị tắc thở hoặc có những biến chứng khác. Đồng thời, cô giáo mầm non cũng cần biết cách phòng cho trẻ không bị lên cơn co giật khi sốt cao. Mời các bạn tham khảo bài báo này để nâng cao hiểu biết cho mình về hiện tượng co giật do sốt cao ở trẻ .
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Phan Sinh Phúc, Chăm sóc sức khoẻ trẻ em tại nhà, NXB Y học, 2009.
[2]. Trần Trọng Thủy, Trần Quỵ; Giáo trình Giải phẫu sinh lý vệ sinh phòng bệnh trẻ em, NXB Giáo dục, 1998.
[3] https://www.nimec/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/co-giat-do-sot-cao-o-tre-nho-so-cuu-tai-nha-nhu-the-nao-cho-an-toan/