Thứ Bảy, 30/9/2023 | 16:20 GMT +7

Hoạt động trải nghiệm Khu văn hoá núi Bài Thơ của học sinh khối 6 trường Thực hành Sư phạm

Thực hiện kế hoạch năm học 2023-2024, căn cứ vào kế hoạch hoạt động trải nghiệm cho học sinh khối THCS, sáng ngày 30 tháng 9 năm 2023, tổ chuyên môn THCS trường Thực hành Sư phạm- trường Đại học Hạ Long tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh khối 6 tại Khu […]

Thực hiện kế hoạch năm học 2023-2024, căn cứ vào kế hoạch hoạt động trải nghiệm cho học sinh khối THCS, sáng ngày 30 tháng 9 năm 2023, tổ chuyên môn THCS trường Thực hành Sư phạm- trường Đại học Hạ Long tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh khối 6 tại Khu văn hóa núi Bài Thơ. Buổi trải nghiệm diễn ra tại nhiều địa điểm, di tích trong quần thể khu văn hóa núi Bài Thơ.

Điểm đến đầu tiên là đền Bài Thơ dưới chân núi Bài Thơ.

Nghe giới thiệu lịch sử núi Bài Thơ

Núi Bài Thơ có địa thế đặc biệt, một bên là những con phố nhỏ tấp nập ôm sát chân núi, một bên nước biển bao quanh, nơi tàu thuyền ghé về quần tụ. Núi Bài Thơ là nơi đồn trú canh gác vùng cửa ải Đông Bắc dưới các triều đại phong kiến. Đêm đêm, lính canh đốt đèn chỉ đường cho thuyền bè cập bến, khi có giặc thì đốt lửa báo tin về kinh đô…

Mùa xuân năm 1468, vua Lê Thánh Tông dẫn quân đi tuần vùng biển An Bang, đóng quân dưới núi Truyền Đăng. Xúc cảm trước cảnh nước non, nhà vua cho khắc vào phía Nam của vách núi một bài thơ không chỉ ngợi ca cảnh sắc mà còn là lời tuyên ngôn về hòa bình, việc xây dựng đất nước lúc bấy giờ.

Bài thơ trên núi
Học sinh tham quan các bài thơ
Tham quan đền Bài Thơ

Rời đền Bài Thơ, học sinh tham quan đền thờ Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn – con trai cả Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, cháu ruột vua Trần Thái Tông. Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông, Trần Quốc Nghiễn cùng với cha là Trần Quốc Tuấn và các danh tướng nhà Trần đã lập nhiều chiến công vang dội. Theo sử sách đền thơ đức ông Trần Quốc Nghiễn được xây dựng vào cuối thế kỉ XIII. Đây là một ngôi đền nhỏ, có vị trí đẹp, trên nền đất cao, mặt hướng ra Vịnh Hạ Long, có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 3 trái bái đường và 1 gian hậu cung. Trong đó gian chính giữa thờ đức ông Trần Quốc Nghiễn; hai bên thờ hai vị tướng tài là Yết Kiêu và Dã Tượng, những người đã có công giúp triều Trần đánh đuổi giặc ngoại xâm.

Học sinh lớp 6A
Học sinh lớp 6B

Điểm đến thứ ba trong hành trình trải nghiệm của học sinh là Trung tâm Văn hóa núi Bài Thơ. Đây là một trong những công trình chào mừng 50 năm ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh. Trung tâm được tọa lạc trên đồi cao, đất rộng và bằng phẳng, đứng trên khuôn viên của Trung tâm có thể bao quát một phần vịnh Hạ Long.

Sát lưng núi là chính điện xây hình chữ Nhị, gian chính có tượng thờ vua Lê Thánh Tông, hai gian hai bên là tượng thờ văn thần Thân Nhân Trung và võ tướng Nguyễn Đức Trung. Ngoài ra tại đây còn thờ bài vị của các quan văn: Tiến sĩ Vũ Phi Hổ, Hàn Lâm Viện Nguyễn Trãi, Hàn lâm học sỹ Thái phó Trương Hán Siêu… và các quan võ: Khâm sai đông đạo tiết chế Nguyễn Cẩn, Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn, Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng… là những người có công với đất nước, nhất là với tỉnh Quảng Ninh. Tại trung tâm văn hoá núi Bài Thơ còn lưu giữ các hiện vật tâm linh mang bản sắc truyền thống văn hóa dân tộc. Phía bên ngoài là các đường dạo, công viên cây xanh nhỏ, sân rộng để ngắm cảnh từ trên cao…

Học sinh chăm chú nghe giới thiệu về di tích Trung tâm Văn hóa núi Bài Thơ

Trung tâm văn hóa núi Bài Thơ sẽ trở thành điểm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng và là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, “uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ sau. Nơi đây, có thể tổ chức các hoạt động trưng bày triển lãm, hội nghị, hội thảo, khen thưởng học sinh xuất sắc.

Địa điểm trải nghiệm cuối cùng là khu vực triển lãm “Quảng Ninh- hành trình 60 năm đổi mới và phát triển” tại thư viện Tỉnh Quảng Ninh. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh, có ý nghĩa thiết thực, nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất và người Quảng Ninh, khẳng định những thành tựu đạt được trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa,… của tỉnh; đồng thời góp phần phát triển phong trào đọc sách, hướng tới xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng.

Triển lãm giới thiệu trên 3.000 ấn phẩm được tạo hình nghệ thuật, sắp xếp trưng bày thẩm mỹ, khoa học theo từng chủ đề tại hai không gian của Thư viện tỉnh. Trong đó, khu triển lãm tại tầng 1 trưng bày tài liệu với 5 chủ đề: “Xây dựng Quảng Ninh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại”, “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh”, “Tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu Quảng Ninh”, “Lịch sử, văn hóa Quảng Ninh”, “Quảng Ninh – Dấu ấn đổi mới và phát triển”.

Khu triển lãm tại tầng lửng trưng bày tài liệu với 3 chủ đề: “Quảng Ninh – Dấu ấn qua báo chí”, “Những gương mặt tập thể, cá nhân tiên tiến, điển hình học và làm theo lời Bác của tỉnh Quảng Ninh”, “Dấu ấn báo chí Quảng Ninh qua các hiện vật tiêu biểu”.

Triển lãm “Quảng Ninh- hành trình 60 năm đổi mới và phát triển”

Kết thúc buổi hoạt động các em học sinh có thêm những kiến thức và trải nghiệm đáng nhớ. Các em được bồi dưỡng thêm về tâm hồn tình cảm, khắc sâu lòng biết ơn với các vị anh hùng dân tộc và trân trọng những di tích, danh thắng của địa phương.

Người đưa tin: Cô giáo Lê Thị Bình Thuận – Tổ THCS

BÌNH LUẬN