Chủ Nhật, 21/4/2024 | 14:32 GMT +7

 Trường Đại học Hạ Long tổ chức Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024

Hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam 21/4, từ ngày 15/4 đến hết ngày 25/4/2024, Trường Đại học Hạ Long tổ chức Ngày sách và Văn hoá đọc Việt Nam lần thứ 3 với các chủ đề: “Sách hay cần bạn đọc”, “Sách quý tặng bạn”, “Tặng sách hay – mua sách thật”, “Sách hay: Mắt đọc – tai nghe”.

Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam được Trường Đại học Hạ Long tổ chức thường niên nhằm nâng cao nhận thức về văn hóa đọc, khơi dậy lòng đam mê đọc sách, hình thành thói quen đọc sách, ý thức tự học, học tập thường xuyên, suốt đời của cán bộ, giảng viên, sinh viên của trường; xây dựng, phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng xã hội nói chung và sinh viên nói riêng, hướng tới xây dựng một xã hội học tập, một nét văn hoá trong đời sống xã hội; đồng thời, tôn vinh những người tham gia quá trình sưu tầm, nghiên cứu, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu trữ và quảng bá sách.

Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024 của Trường Đại học Hạ Long hứa hẹn đem đến nhiều hoạt động bổ ích, hấp dẫn

Năm nay, với các chủ đề “Sách hay cần bạn đọc”, “Sách quý tặng bạn”, “Tặng sách hay – mua sách thật”, “Sách hay: Mắt đọc – tai nghe”, chuỗi các hoạt động Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam của Trường Đại học Hạ Long được diễn ra từ ngày 15/4/2024 đến hết ngày 25/4/2024.

Sinh viên Trường Đại học Hạ Long đọc sách và tự học tại Thư viện của trường

Các hoạt động trong ngày hội bao gồm 3 nội dung chính:

Tổ chức tuyên truyền (trên bảng điện tử và trên website)

  • Chạy băng rôn, khẩu hiệu từ ngày 15/4 đến hết ngày 25/4/2024 trên bảng điện tử ở cổng trường và tầng 1 tòa nhà 20 tầng với nội dung: “Chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024”; “Sách hay cần bạn đọc”; “Sách quý tặng bạn”; “Tặng sách hay – mua sách thật”; “Sách hay: Mắt đọc – tai nghe”.
  • Sưu tầm và viết bài giới thiệu Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024 đăng trên website, các trang mạng xã hội của Trường Đại học Hạ Long.
  • Giới thiệu một số cuốn sách mới.
  • Giới thiệu gương mặt bạn đọc tích cực tiêu biêu có thành tích tốt trong giảng dạy và học tập.

Tổ chức trưng bày, triển lãm tài liệu

– Lựa chọn các tài liệu là sách, báo, tạp chí có nội dung phù hợp giới thiệu, trưng bày tại phòng đọc thư viện.

– Xếp sách nghệ thuật trưng bày tại phòng đọc.

Xây dựng, kết nối, chia sẻ tài liệu

Phối hợp chặt chẽ với các cơ sở giáo dục đại học trong việc xây dựng, kết nối, chia sẻ tài liệu đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, suốt đời của cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên.

Chương trình do Trung tâm Thông tin thư viện và Giao lưu văn hoá Việt – Nhật cùng Đoàn Thanh niên Trường Đại học Hạ Long phối hợp tổ chức thực hiện (ảnh minh họa)

Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam 21/4 mang ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây không chỉ là một sự kiện văn hóa giúp nâng cao tinh thần tích cực đọc sách của người dân, mà còn góp phần vào việc xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiến tiến theo từng ngày, nhưng vẫn giữ được nét đẹp dân tộc. Trong thời đại Internet và điện thoại thông minh ngày càng dễ tiếp cận, con người dường như quên đi giá trị thực sự khi đọc một cuốn sách. Đọc sách không chỉ để ta tiếp thu kiến thức, mà nó còn là nét văn hoá cần giữ gìn.

Khánh Huyền (Ban Truyền thông)

BÌNH LUẬN