Thứ Sáu, 24/5/2019 | 08:32 GMT +7

                     VẬN DỤNG CÁC PHƯƠNG PHÁP PHÁT TRIỂN TÍNH TÍCH CỰC VẬN ĐỘNG CHO TRẺ MẪU GIÁO 4 – 5 TUỔI TRONG BÀI DẠY VẬN ĐỘNG “BẬT XA 20 – 25 CM”     

Phát huy tính tích cực vận động cho trẻ mầm non nhằm tích cực hóa hoạt động vận động, hình thành kĩ năng, kĩ xảo vận động và phát triển các tố chất thể lực nhanh nhẹn, mạnh mẽ, khéo léo, bền bỉ cho trẻ là mục tiêu quan trọng của trường mầm non. Vì vậy, giáo viên mầm non cần vận dụng các phương pháp phù hợp, linh hoạt, sáng tạo để đạt được mục tiêu đó. Trên cơ sở phân tích bản chất tính tích cực vận động của trẻ, tác giả vận dụng các phương pháp vào thiết kế và tổ chức hoạt động “Bật xa 20 - 25cm” nhằm phát huy tính tích cực vận động cho trẻ mẫu giáo nhỡ.

                                                                                      Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh, Khoa SPMN 

Đặt vấn đề

Mục tiêu chương trình giáo dục mầm non nhằm giúp trẻ phát triển toàn diện, hài hòa về các mặt thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm, kĩ năng xã hội và thẩm mĩ, chuẩn bị cho trẻ vào học tiểu học. Trong đó, giáo dục thể chất cũng là mục tiêu quan trọng, yêu cầu cuối cấp mầm non trẻ phải đạt các mục tiêu của chương trình: trẻ khỏe mạnh, cân nặng và chiều cao phát triển bình thường theo lứa tuổi; thực hiện được các vận động cơ bản một cách vững vàng, đúng tư thế; có khả năng phối hợp các giác quan và vận động; vận động nhịp nhàng, biết định hướng trong không gian, có kĩ năng trong một số hoạt động cần sự khéo léo của đôi tay.

Hoạt động phát triển vận động có ý nghĩa quan trọng trong việc rèn luyện thể lực toàn diện, nâng cao sức đề kháng của cơ thể đối với sự thay đổi của môi trường. Trẻ khỏe  mạnh, thể chất phát triển tốt sẽ nhanh nhẹn, tích cực trong mọi hoạt động, tích cực tham gia tìm hiểu khám phá môi trường xung quanh và qua các trải nghiệm trong vận động, trẻ được cung cấp thêm kiến thức, kĩ năng, nhờ đó trẻ sẽ phát triển về mọi mặt. Như vậy, nâng cao tính tích cực vận động cho trẻ trong trường mầm non là mục tiêu quan trọng trong giáo dục mầm non. Để đạt được mục tiêu trên, giáo viên mầm non phải biết vận dụng các phương pháp dạy học một cách phù hợp, linh hoạt, sáng tạo cho tường độ tuổi, với từng loại hoạt động khác nhau.

Nội dung 

1. Một số vấn đề chung

Khi nghiên cứu tính tích cực vận động, PGS.TS. Đặng Hồng Phương đã phân tích:

  • Tính tích cực vận động thể hiện ở lượng vận động và cường độ của chế độ vận động, ngoài ra còn có các yếu tố chủ động và sáng tạo của trẻ trong quá trình vận động. [TL5,tr10]
  • Chế độ vận động bao gồm những vận động do trẻ em thực hiện trong hoạt động độc lập được giáo viên tổ chức.Trong giờ thể dục, lượng vận động lại phụ thuộc vào số lượng và chất lượng các bài tập, hoàn cảnh tác động, tổ chức và phương pháp tập luyện.
  • Lượng vận động trong giờ thể dục là độ lớn của các tác động vận động đến cơ thể và đồng thời nó còn là mức độ các khó khăn chủ quan và khách quan mà người tập phải vượt qua trong quá trình chịu sự tác động. Nói cách khác, lượng vận động chỉ mức độ tác động của bài tập thể chất đến cơ thể, căng thẳng về tâm lí.[TL5,tr11]

Tích tích cực vận động của trẻ trong tập luyện thể dục thể thao thường được thể hiện qua hoạt động tự giác gắng sức nhằm hoàn thành nhiệm vụ học tập – rèn luyện. Nó bắt nguồn từ thái độ học tập, sự cố gắng tập luyện được những kĩ năng, kĩ xảo vận động phát triển các phẩm chất về thể lực và tinh thần.

Phát huy tính tích cực trong luyện tập của trẻ chính là tạo điều kiện để trẻ có tinh thần hứng thú thực sự trong học tập. Do vậy, giáo viên cần phải chọn hình thức, phương pháp đa dạng, tránh đơn điệu gây buồn chán.[TL5,tr 12]

Tính tích cực vận động của trẻ phụ thuộc vào những đặc điểm của giáo dục thể chất. Khi lựa chọn các phương pháp dạy học, phải tính đến ý nghĩa của các động cơ hoạt động vận động.Trong các bài tập trò chơi có yếu tố thi đua, trẻ em thường huy động khả năng vận động của mình và đạt kết quả cao hơn so với bài tập thông thường.

Thái độ của giáo viên ảnh hưởng đến trạng thái tình cảm của trẻ. Việc động viên, khuyến khích, đánh giá mục đích là làm cho trẻ mong muốn hiểu rõ nhiệm vụ đặt ra và tìm cách thực hiện được tốt nhất.

Những điều kiện như: nơi tập, dụng cụ thể dục thể thao, quan hệ tốt giữa trẻ em với nhau, sự hướng dẫn khéo léo của giáo viên cũng ảnh hưởng rất lớn đối với sự hoạt động  tích cực của trẻ.

Như vậy, tính tích cực vận động của trẻ được biểu hiện là sự chủ động, nhiệt tình, hứng thú, say mê trong quá trình tập luyện, sự huy động khả năng để có thể đạt được mật độ vận động và kết quả cao trong việc thực hiện các bài tập vận động.

2. Vận dụng các phương pháp phát triển tính tích cực vận động cho trẻ mẫu giáo 4 -5 tuổi trong bài dạy vận động “Bật xa 20-25 cm” 

2.1. Xác định mật độ vận động trong hoạt động thể dục

Để phát huy được tính tích cực vận động của trẻ, trước hết chúng ta cần xác định được mật độ vận động của trẻ trong hoạt động.

Mật độ vận động còn gọi là mật độ bài tập. Đây là khái niệm chỉ tỉ lệ giữa thời gian luyện tập thực tế và tổng thời gian hoạt động trong một lần hoạt động vận động.

– Công thức tính mật độ vận động:

Mật độ vận động = (Tổng thời gian tập luyện thực tế/Tổng thời gian của một lần hoạt động vận động) x 100%. [TL5,tr12]

– Mật độ vận động ở các phần cụ thể.

+ Trong phần khởi động, hồi tĩnh thì hầu như trẻ đều tham gia hoạt động. Vì thế mật độ vận động có thể đạt từ 95 – 100%.

+ Ở phần trọng động: mật độ vận động cũng thay đổi tùy theovận động. Đối với bài tập phát triển chung và trò chơi vận động mật độ vận động cũng đạt khoảng từ 95 – 100%. Mật độ vận động chỉ thay đổi trong vận động cơ bản vì sẽ có những trẻ tham gia nhiều hơn và có những trẻ tham gia ít hơn. Chúng ta thấy, vận động cơ bản chiếm thời gian khoảng 15 phút, cô giáo làm mẫu chiếm khoảng 5 phút, còn lại 10 phút là hình thành kĩ năng và tổ chức tập luyện cho trẻ bật xa từ 20-25 cm. Như vậy, với sự tổ chức dưới nhiều hình thức tập luyện thì trẻ tham gia thực hiện bài tập cơ bản giao động khoảng  từ 7 – 10 phút. Nghĩa là có trẻ đạt 50%, có trẻ đạt 65% mật độ vận động.

Với một lượng thời gian như trên, phù hợp với số lượng 25 trẻ và sự phân bố thời gian hợp lí sẽ giúp trẻ có cơ hội được tham gia vào việc hình thành kĩ năng bật xa 20-25 cm vừa được cô giáo giới thiệu, làm mẫu. Cô giáo muốn trẻ tham gia một cách tích cực phải kết hợp đa dạng các phương pháp khác nhau để kích thích tính tích cực vận động cho trẻ.

2.2. Vận dụng phương pháp nhằm phát triển tính tích cực vận động trong tổ chức hoạt động “Bật xa 20 – 25cm” cho trẻ mẫu giáo 4 – 5 tuổi

Hoạt động dạy vận động “Bật xa 20-25cm” cho trẻ 4-5 tuổi, cần sử dụng đa dạng các phương pháp: phương pháp dùng lời (giải thích, phân tích động tác, động viên khen ngợi), phương pháp trực quan, các phương pháp trò chơi, phương pháp thực hành luyện tập. Tuy nhiên đây là “hoạt động hình thành kĩ năng mới” nên hoạt động sử dụng trọng tâm là phương pháp trực quan (làm mẫu của cô và trẻ), cùng với phương pháp luyện tập dưới nhiều hình thức khác nhau kết hợp âm nhạc đồng thời động viên, khen ngợi trẻ kịp thời, kích thích cho trẻ hứng thú bền vững từ đầu đến cuối hoạt động.

Hoạt động: “Bật xa 20 – 25cm”

Đối tượng: 4-5 tuổi

Mục tiêu

–  Kiến thức

+ Trẻ biết, thực hiện nhún chân, bật mạnh qua khoảng cách 20-25cm.

+ Trẻ biết, thực hiện chơi trò chơi “Ném bóng vào giỏ”.

–  Kĩ năng

+ Rèn kĩ năng bật xa bằng 2 chân tiếp đất nhẹ nhàng bằng mũi bàn chân.

+ Phát triển tố chất nhanh nhẹn khéo léo của đôi chân.

+ Rèn phản xạ nhanh nhẹn khéo léo và khả năng tập trung chú ý.

+ Rèn khả năng định hướng trong không gian.

– Thái độ

+ Trẻ có ý thức kỉ luật trong khi tập. Tích cực lắng nghe và thực hiện bài tập vận động.

+ Trẻ có tinh thần tập thể, cộng tác với bạn trong quá trình diễn ra hoạt động.

+ Có ý thức cố gắng để thực hiện bài tập, tinh thần luyện tập thể dục thường xuyên.

Hoạt động bật xa 20-25cm đã sử dụng phối kết hợp các phương pháp nhằm phát huy tính tích cực vận động cho trẻ như sau:

Nội dung tiến hành

Nội dung phương pháp
Phần khởi động

Giáo viên sử dụng nhóm phương pháp dùng lời nói (kể chuyện Chuột nhỏ và bạn Kính Hồng cùng nhau đi lấy hạt dẻ về sinh nhật bà), kết hợp sử dụng nhạc (bài Hello), nhằm thu hút sự chú ý, gây hứng thú cho trẻ thực hiện các hoạt động khởi động:

Đi thành vòng tròn: đi thường – đi bằng gót chân – đi thường – đi bằng mũi chân – đi thường – đi nhanh;

Chạy: chạy chậm – chạy nhanh – chạy chậm – đi thường.

Phần trọng động

Bài tập phát triển chung: Dùng phương pháp thực hành luyện tập kết hợp cho trẻ tập theo nhạc (bài Chuột trộm trứng). Nhằm thu hút sự chú ý, tạo hứng thú cho trẻ trong luyện tập các động tác của bài tập phát triển chung:

– Động tác tay: Đư­a lên cao, ra phía tr­ước, sang ngang (4lx4n);

– Động tác bụng lườn: Nghiêng người sang hai bên (4lx4n);

– Động tác chân: Đứng 1 chân đưa lên trước, khuỵu gối (4lx4n);

– Động tác bật: Bật nhảy tại chỗ (4lx4n).

Vận động cơ bản: bật xa 20-25cm

– Sử dụng nhóm phương pháp trực quan (làm mẫu là trọng tâm) giúp trẻ quan sát và biết được các động tác bật xa 20 – 25cm.

– Kết hợp sử dụng nhóm phương pháp dùng lời (miêu tả, giải thích, đàm thoại…) nhằm giúp trẻ biết rõ từng động tác, thứ tự thực hiện các động tác một cách chuẩn xác.

– Sử dụng nhóm phương pháp thực hành (tập luyện, trò chơi, thi đua) khi cho trẻ tập vận động nhằm tạo môi trường cho trẻ được luyện tập, trải nghiệm thông qua hoạt động chủ đạo dưới dạng trò chơi nhằm tạo sự say mê trong hoạt động của trẻ để đạt mật độ vận động cao.

– Sử dụng tình huống trong truyện “Chuột nhỏ và bạn Kính Hồng”: bạn Chuột nhỏ đi kiếm hạt dẻ trong rừng về sinh nhật bà, nhưng muốn lấy được hạt dẻ thì phải bật qua  2 con suối, nhằm thu hút sự chú ý của trẻ, tạo hứng thú tích cực vận động của trẻ.

* Lần 1: Chuột nhỏ làm mẫu kết hợp phân tích động tác

       – TTCB: Đứng tự nhiên, hai chân đứng sát bờ suối. Tư thế chuẩn bị, hai tay đưa ra phía trước lăng nhẹ xuống dưới, ra sau đồng thời gối hơi khuỵu, người hơi cúi về phía trước, nhún hai chân, khi có hiệu lệnh “bật” nhún chân bật mạnh qua suối tiếp đất bằng mũi bàn chân gối hơi khuỵu, hai tay hất đưa ra phía trước, người giữ được thăng bằng không ngã.

– Cho hai trẻ lên bật. Cô đánh giá, nhận xét và chỉ ra những lưu ý khi bật.

* Lần 2: Cô làm mẫu lần 2 kết hợp giải thích động tác

– Sau đó cho lần lượt 2 trẻ lên bật (quan sát, động viên khích lệ trẻ tập).

* Lần 3: Thi đua hai nhóm Chuột nhỏ và Kính Hồng

– Cho lần lượt 2 nhóm trẻ bật thi đua.

Trò chơi vận động: Ném bóng vào giỏ

+ Cách chơi: Chia trẻ làm 2 đội (đội Chuột nhỏ và đội Kính Hồng). Chuẩn bị 2 rổ bóng cho 2 đội, trẻ hai đội lần lượt lên lấy bóng bằng hai tay, đứng vào vị trí vạch ngăn cách, rồi ném bóng vào giỏ.

+ Luật chơi: Bạn nào đứng không đúng ở vạch ngăn cách để ném bóng thì quả bóng đó không được tính, hoặc bóng bị rơi ngoài giỏ cũng không được tính.

+ Tổ chức cho trẻ chơi 1 – 2 lần.

Giáo viên sử dụng phương pháp thực hành, luyện tập, trò chơi kết hợp phương pháp dùng lời (giải thích, động viên khích lệ) trẻ, dưới hình thức thi đua hai đội. Nhằm lôi cuốn sự chú ý của trẻ, tạo hứng thú tích cực vận động của trẻ. Thúc đẩy tính tích cực vận động của trẻ khi chơi một cách triệt để.

Phần hồi tĩnh

Giáo viên sử dụng tình huống trong truyên Chuột nhỏ và Kính Hồng nhằm gây hứng thú và tạo sự tích cực cho trẻ trong việc thực hiện hoạt động hồi tĩnh. “Chuột nhỏ mời các bạn cùng mang hạt dẻ về để tổ chức sinh nhật cho bà chuột nhỏ nhé, mời các bạn cùng đi với mình nào”.

Giáo viên tổ chức cho trẻ đi nhẹ nhàng theo nhạc bài “Chú chuột nhắt”.          

III. Kết luận

Như vậy, việc sử dụng phối hợp các phương pháp giáo dục nhằm phát huy tính tích cực vận động cho trẻ là rất quan trọng trong tổ chức hoạt động thể chất cho trẻ. Giáo viên phải thường thường xuyên đổi mới phương pháp, tạo tình huống luyện tập để thu hút trẻ tích cực tham gia vận động. Việc sắp xếp các bài tập vận động phải theo một trình tự từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. Bài tập trước phải luôn làm nền tảng, cơ sở cho các bài tập tiếp theo. Việc phối hợp các phương pháp phải tự nhiên, phù hợp với nội dung bài học và sự phát triển của độ tuổi, tránh gò ép hoặc cứng nhắc quá.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lưu Quang Hiệp, Phạm Thị Uyên (2003), Sinh lý học thể dục thể thao, NXB TDTT.

2. Nguyễn Phương Kiệt (1990), Cơ sở sinh lý thần kinh của hoạt động tâm lý, NXB ĐH và GD chuyên nghiệp.

3. Tạ Thuý Loan – Trần Thị Lan (2007), Giáo trình sinh lý học trẻ em, NXB GD.

4. Đặng Hồng Phương (2011), Phương pháp hình thành kỹ năng vận động cho trẻ mầm non, NXB ĐHSP.

5. Đặng Hồng Phương (2010), Phát triển tính tích cực vận động cho trẻ mầm non, NXB ĐHSP.

6. Nguyễn Kỳ (1995), Phương pháp giáo dục tích cực lấy người học làm trung tâm, NXB Giáo dục, Hà Nội.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

BÌNH LUẬN