Thứ Ba, 21/5/2019 | 14:43 GMT +7

DU LỊCH TIẾP CẬN – XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Du lịch tiếp cận là một khái niệm quen thuộc đối với ngành du lịch tại các nước phát triển, nhưng vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Thực tế ở nước ta, khái niệm này còn ít được đề cập đến trong các chương trình đào tạo nghề du lịch, và gần như bị các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch thờ ơ. Bài viết này nghiên cứu một số nguyên nhân của hiện trạng trên và đề xuất giải pháp thúc đẩy sự phát triển của du lịch tiếp cận tại Việt Nam.

DU LỊCH TIẾP CẬN – XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

                                                                                              ThS.Phạm Thu Bình, Khoa Du lịch

Đặt vấn đề

Theo thông tin đăng tải chính thức trên trang thông tin của Bộ phận Kinh tế – Xã hội của Liên hợp quốc (UNDESA), du lịch tiếp cận là nỗ lực liên tục của ngành du lịch nhằm đảm bảo các điểm đến du lịch, sản phẩm và dịch vụ du lịch có thể được tiếp cận bởi tất cả mọi người, bất kể những giới hạn về thể chất, khuyết tật hoặc tuổi tác của họ. Kể từ Tuyên bố Manila 1980 của Tổ chức du lịch thế giới của Liên hợp quốc, du lịch tiếp cận đã trở thành một thước đo cho sự phát triển bền vững của du lịch, đồng thời mở ra trị trường tiềm năng lớn cho ngành dịch vụ này, vừa mang tính kinh tế cao, vừa đem lại các giá trị nhân văn sâu sắc.

Báo cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho thấy hơn 1 tỷ người, tương đương với khoảng 15% dân số thế giới, là người khuyết tật. Tại Việt Nam, con số này ước tính khoảng 8 triệu người. Cũng như những người bình thường khác, họ luôn mong ước được đi du lịch. Khảo sát của Đại học Surrey thực hiện năm 2014 theo yêu cầu của Liên minh Châu Âu và được công bố chính thức trên trang thông tin điện tử của tổ chức Du lịch tiếp cận ước tính rằng năm 2020, số lượng chuyến du lịch thực hiện bởi người có nhu cầu hỗ trợ đặc biệt (do khuyết tật hoặc tuổi tác) trong các nước Liên minh Châu Âu sẽ lên đến trên 870 triệu lượt. Về lợi ích kinh tế, du lịch tiếp cận đóng góp 150 tỷ Euro cho doanh thu du lịch của Liên minh Châu Âu. Điều này chứng minh loại hình du lịch này có giá trị thị trường vô cùng to lớn. Tuy nhiên, nó  vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức từ cơ quan quản lý về du lịch, các điểm đến du lịch cũng như các hãng lữ hành tại Việt Nam. Điều này không chỉ bất lợi cho những người khuyết tật mà còn hạn chế sự phát triển của ngành du lịch nói chung.

Hiện trạng du lịch tiếp cận tại Việt Nam

Hiện nay, du lịch Việt Nam cũng bước đầu tạo thuận lợi cho người khuyết tật. Một số cơ sở lưu trú đã làm đường xe lăn, phòng ngủ và phòng vệ sinh riêng cho người khuyết tật. Năm 2001, Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng đã có quy định khách sạn từ 4-5 sao phải có phòng, thang máy và thiết bị phù hợp với đối tượng khách này. Tại các sân bay lớn cũng đã có các tiện nghi giúp người già và người khuyết tật có thể di chuyển thuận lợi hơn. Một số công ty lữ hành bước đầu cung cấp các tour du lịch cho người có nhu cầu hỗ trợ đặc biệt, trong đó cung cấp những loại xe cỡ lớn có khoang thuận tiện để xe lăn và bậc lên xuống thuận tiện hoặc có thể di chuyển cả xe lăn vào trong khoang chính của xe. Tại các điểm tham quan du lịch, các bãi tắm… đều có đầy đủ tiện nghi thuận tiện phục vụ người khuyết tật như nhà vệ sinh được thiết kế riêng, lối dốc dành cho xe lăn, tay vịn…

Tuy nhiên, đánh giá chung của các du khách là người khuyết tật, kể cả khách trong nước và khách quốc tế, đều là du lịch tiếp cận chưa thực sự phổ biến ở Việt Nam. Khách du lịch cần hỗ trợ đặc biệt vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong di chuyển, đặt tour hoặc nhận trợ giúp y tế trong tình huống khẩn cấp.

Những nguyên nhân cản trở du lịch tiếp cận tại Việt Nam

  1. Cơ sở hạ tầng du lịch của nước ta phần lớn chưa đáp ứng nhu cầu của người khuyết tật

Hệ thống đường sá vẫn còn nhiều chỗ chênh lệch lớn về độ cao. Các xe buýt, taxi chưa có thang nâng giúp người sử dụng xe lăn lên, xuống dễ dàng. Cửa tàu hỏa quá hẹp, xe lăn không lên được.

Tại nhiều địa điểm tham quan du lịch thiếu nhà vệ sinh thiết kế riêng cho người khuyết tật, phần lớn lối đi vẫn là bậc tam cấp mà chưa có đường dốc thoải, không có bảng giới thiệu bằng chữ braille. Hầu hết các khách sạn từ 3 sao trở xuống cũng không có các tiện nghi phục vụ người khuyết tật

  1. Sự thiếu hụt nhân sự du lịch có kỹ năng phục vụ đối tượng khách du lịch là người khuyết tật hoặc cần hỗ trợ đặc biệt

Nguồn nhân lực phục vụ du lịch ở nước ta vẫn còn thiếu và yếu cả về số lượng và chất lượng. Nhưng nếu xét ở phạm vi nhân lực có thể đáp ứng nhu cầu du lịch tiếp cận, thì sự thiếu hụt này lại càng trầm trọng hơn.

Thứ nhất, rất ít điểm du lịch có hướng dẫn viên tại điểm có khả năng thuyết minh bằng ngôn ngữ kí hiệu. Chưa kể đội ngũ hướng dẫn viên hiện nay cũng không được đào tạo bài bản các kĩ năng phục vụ khách là người khuyết tật mà chủ yếu tự mày mò học hỏi và tích lũy từ kinh nghiệm thực tế. Trong khi đó, nếu các tour du lịch bình thường chỉ cần 1-2 hướng dẫn viên đi theo một đoàn khách 40 người, thì tour có người khuyết tật tham gia sẽ cần thêm nhiều người hỗ trợ hơn.

Thứ hai, tại các cơ sở lưu trú từ 3 sao trở xuống, các tiện nghi cho người khuyết tật còn rất hạn chế, nhân viên khách sạn, nhà hàng cũng không có kĩ năng phục vụ nhóm khách đặc biệt này.

Do đó, không có gì khó hiểu khi việc tổ chức các tour du lịch cho người khuyết tật hiện nay ở Việt Nam gặp quá nhiều khó khăn, dẫn đến sự thờ ơ của các công ty lữ hành với du lịch tiếp cận, bất chấp tiềm năng kinh tế mà nó có thể đem lại.

  1. Sự thiếu đồng bộ trong cung cấp thông tin, thiếu liên kết giữa các cấp quản lý du lịch

Tại các nước phát triển du lịch, đặc biệt là các nước châu Âu, đều có các công ty du lịch, hiệp hội chuyên tổ chức tour du lịch tiếp cận. Hệ thống thông tin về cơ sở hạ tầng du lịch, các loại hình sản phẩm và dịch vụ du lịch dành cho người cần hỗ trợ đặc biệt cũng có thể dễ dàng truy cập được. Trong khi đó, tại Việt Nam gần như chưa có một công ty du lịch nào chuyên xây dựng tour cho du khách là người khuyết tật. Chỉ khi khách có nhu cầu, doanh nghiệp lữ hành mới bắt đầu xây dựng sản phẩm du lịch, trong khi việc tìm kiếm thông tin lại khó khăn, dẫn đến sự thiếu chuyên nghiệp và kém đồng bộ, dễ có tình huống phát sinh, làm giảm sự hài lòng của du khách về chất lượng của sản phẩm, dịch vụ du lịch.

Một số giải pháp nhằm thúc đẩy du lịch tiếp cận tại Việt Nam

  1. Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch
  • Khuyến khích các nhà cung cấp dịch vụ đầu tư vào du lịch tiếp cận và chứng minh kinh tế của nó và lợi ích xã hội. Đồng thời, nâng cao nhận thức của cộng đồng về du lịch tiếp cận, tạo điều kiện cho du khách là người khuyết tật có thể có những trải nghiệm du lịch tốt nhất.
  • Xây dựng hành lang pháp lý và hệ thống tiêu chuẩn chất lượng để tạo cơ sở hướng dẫn cho các nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ du lịch cũng như du khách. Đồng thời, đảm bảo tính minh bạch, công khai, dễ truy cập của các thông tin này.
  • Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch đồng bộ, rộng khắp. Đưa các tiện nghi phục vụ người khuyết tật thành yêu cầu bắt buộc cho tất cả các công trình công cộng, các điểm đến du lịch, các dịch vụ cung cấp dịch vụ phục vụ du lịch.
  • Xây dựng hệ thống thông tin về du lịch tiếp cận. Ví dụ, hiện nay, thông qua trang thông tin điện tử https://dulichtiepcan.com/vi-vn và trang mạng xã hội https://www.facebook.com/dulichtiepcan, người khuyết tật có thể tìm được thông tin về các điểm tham quan để chủ động cho những chuyến du lịch của mình. Tuy nhiên, đây chỉ là 1 dự án của một nhóm cá nhân hoạt động trên cơ sở tự nguyện, phi lợi nhuận nên sức lan tỏa vẫn chưa được rộng khắp.
  • Thúc đẩy và hỗ trợ đào tạo nhân lực du lịch phục vụ du lịch tiếp cận. Đưa các kỹ năng phục vụ khách du lịch cần hỗ trợ đặc biệt vào chương trình đào tạo du lịch.
  • Gắn kết các doanh nghiệp du lịch, các địa phương, các điểm đến du lịch, các nhà cung cấp… nhằm cung cấp dịch vụ du lịch trải nghiệm đồng bộ, chuyên nghiệp
  1. Đối với các doanh nghiệp du lịch
  • Phân công đơn vị làm việc chuyên dụng hoặc điều phối viên trong cơ cấu quản lý của tổ chức du lịch và cung cấp các nguồn lực thích hợp để phát triển du lịch tiếp cận
  • Thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân viên; cập nhật các tiêu chuẩn, kỹ năng phục vụ khách du lịch có nhu cầu hỗ trợ đặc biệt cũng như chia sẻ kinh nghiệm thực tế.
  • Cung cấp các tiện nghi phục vụ khách du lịch là người khuyết tật và thường xuyên kiểm tra, bảo đảm tính hiệu quả của các tiện nghi này.

Kết luận

Du lịch tiếp cận là xu hướng phát triển tất yếu của ngành du lịch. Tuy nhiên, do những hạn chế về cơ sở hạ tầng cũng như quản lý Nhà nước, xu hướng này chưa được quan tâm đúng mức tại Việt Nam, dẫn đến những thiệt thòi cho du khách là người khuyết tật hoặc cần hỗ trợ đặc biệt, đồng thời cản trở sự phát triển của ngành du lịch  Việt Nam. Nếu nhận được sự đầu tư hơn nữa từ phía cơ quan quản lý du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, các cơ sở đào tạo nghề du lịch, du lịch tiếp cận nhất định sẽ có những bước tiến mới, thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam nói chung.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Gỡ rào cản cho du lịch tiếp cận, Báo Nhân dân Điện tử, Ngày 17/4/2018 http://nhandan.com.vn/xahoi/item/36119002-go-rao-can-cho-du-lich-tiep-can.html
  2. Promoting accessible tourism for all, United Nations’ Department of Economic and Social Affairs (UNDESA),

https://www.un.org/development/desa/disabilities/ issues/promoting-accessible-tourism-for-all.html

  1. ‘World Report on Disability: Summary’, World Health Organisation and the World Bank, 2011,

https://gsdrc.org/document-library/world-report-on-disability-summary/

  1. Economic impact and travel Patterns of accessible Tourism in Europe, 2014, University of Surrey https://www.accessibletourism.org/resources/toolip/doc/2014/06/09/guisette-and-li_eu-accessible-tourism_economic-demand-study.pdf

 

 

              

                                                             

 

 

 

 

BÌNH LUẬN