Chủ Nhật, 18/6/2023 | 20:58 GMT +7

Mỹ thuật ứng dụng – Nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế, văn hóa

Trong thế kỷ XXI này, Mỹ thuật ứng dụng (MTUD) hay Mỹ thuật công nghiệp Việt Nam là ngành công nghiệp văn hoá đang phát triển mạnh mẽ, sâu rộng ở khắp các thành phố trên cả nước. Việc MTUD được phát triển sẽ là đòn bẩy để kinh tế, văn hoá của địa phương, vùng miền, quốc gia phát triển. Đây cũng chính là nguyên nhân sâu xa tạo nên sự lớn mạnh nhanh chóng của hoạt động đào tạo ngành MTUD. Để đáp ứng nhu cầu nhân lực có tay nghề cao thuộc lĩnh vực MTUD, từ năm 2022, Trường Đại học Hạ Long mở ngành, tuyển sinh và đào tạo ngành Thiết kế đồ họa. Với việc cập nhật các môn học truyền thông đa phương tiện, hòa hợp giữa mỹ thuật với công nghệ, xây dựng chương trình đào tạo mang tính liên ngành, ngành Thiết kế đồ họa của Trường Đại học Hạ Long đang trở thành một trong những ngành đào tạo hot của Trường. Xin chia sẻ tới quý vị phần lược trích bài viết của TS Nguyễn Thị Hợp (ngành Thiết kế đồ họa) để quý vị hiểu rõ hơn về ngành đào tạo này.

Chiêm ngưỡng những tác phẩm mỹ thuật ứng dụng đẹp mê hồn

Vừa qua, Hội thảo “Phát triển các ngành công nghiệp văn hoá TP.HCM: Hướng đến một nền văn hoá đỉnh cao” được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh đã thu hút sự quan tâm lớn của đội ngũ trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Hội thảo đã xác định có tám ngành thuộc công nghiệp văn hoá thì mỹ thuật và MTUD chiếm hầu hết vị trí với vai trò chủ lực. Trước đó, một cuộc hội thảo khác diễn ra vào ngày 4/3/2023, do Sở Văn hoá Thông tin và Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM phối hợp tổ chức nhằm góp ý cho dự thảo Đề án “Phát triển các ngành công nghiệp văn hoá giai đoạn 2020 – 2030” cho biết công nghiệp văn hoá được chia thành mười hai ngành chính, với quá nửa số lượng là nghệ thuật XemNhìn. có thể thấy, cách phân chia các ngành công nghiệp văn hóa còn chưa có sự thống nhất. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn ở đây là chúng ta đã có sự nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của MTUD. Đây chính là mũi nhọn tiên phong của ngành công nghiệp văn hoá.

Khái niệm MTUD (Applied Design) từ phương Tây vào nước ta, đến nay đã trở thành thuật ngữ thông dụng của ngành và trở nên quen thuộc trong đời sống xã hội. Nói một cách ngắn gọn thì MTUD là sự tổng hợp của hai quá trình Thiết kế và Chế tạo nhằm phù hợp với nhu cầu của đời sống con người và phù hợp với hình thức xã hội công nghiệp hiện đại. MTUD bao gồm một số ngành chính như: Thiết kế đồ hoạ, thiết kế nội thất, thiết kế thời trang, thiết kế tạo dáng công nghiệp, thiết kế trang trí…

Nhiều năm qua, người ta quan niệm nguồn lực để phát triển kinh tế, văn hoá là tài nguyên, tiền vốn, khoa học kỹ thuật và con người. Trong mấy thập kỷ gần đây, lý thuyết về sự phát triển cũng như nhận thức về nó ngày càng có bước tiến mới, dần hoàn thiện, toàn diện hơn ở các chiều kích. Với hai thuộc tính sáng tạo và thương mại, MTUD được coi là nguồn lực phi vật thể của sự phát triển kinh tế, văn hoá. Bởi vì, hình thức đặc trưng của MTUD là sáng tạo ra giá trị thẩm mỹ, làm đẹp cho các sản phẩm công nghiệp, thủ công nghiệp, phục vụ nhu cầu mọi mặt, mọi hoạt động của đời sống con người. Nói đến giá trị mỹ thuật của của các sản phẩm cũng là đề cập đến giá trị tiềm ẩn, trừu tượng, có vẻ như vô hình, khó diễn tả thấu đáo bằng lời. Nhưng giá trị này sẽ xuất hiện và phát huy sức mạnh khi tác động vào cảm xúc của con người, tạo ra sự thăng hoa, sự khích lệ, thúc đẩy các hoạt động có hiệu quả cao hơn. MTUD mang lại giá trị tinh thần cho con người, nó trở nên có sức mạnh vô hình, đôi khi có thể gọi là sức mạnh siêu hình, và trở thành đòn bẩy mạnh mẽ, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, văn hoá.

Trên bình diện kinh tế, từ lâu đã xuất hiện khái niệm tài sản vô hình, gồm những yếu tố như: tổ chức bộ máy và nghệ thuật quản lý, hệ thống thông tin khoa học kỹ thuật, sự tín nhiệm sản phẩm, thương hiệu… thêm một yếu tố hết sức cần thiết thuộc về MTUD. MTUD gắn chặt với hàng hoá, làm ra những sản phẩm có ưu thế cạnh tranh, nên là bộ phận quan trọng của thương mại; thương mại là động lực phát triển MTUD, phát triển các ngành công nghiệp văn hoá. Điều này làm hình thành mối quan hệ gắn bó hữu cơ không thể tách rời giữa hai đối tượng MTUD – Thương mại trong phát triển toàn diện, bền vững ở tất cả các lĩnh vực.

MTUD là sự chuyển hoá năng lực tinh thần của con người vào hoạt động kinh tế. Đó chính là trí tuệ, cảm xúc của chủ thể sáng tạo đã “thổi hồn” vào trong những sản phẩm MTUD để những sản phẩm vật chất chứa đựng giá trị tinh thần thẩm mỹ. Thẩm mỹ là giá trị có vai trò đặc biệt quan trọng khi con người hiện đại luôn thích và luôn luôn thay đổi sở thích hướng tới cái mới, cái đẹp, cái độc, lạ. Đó là hấp lực có sức mạnh nâng đẩy sự phát triển MTUD, làm chất xúc tác trực tiếp đến sự phát triển kinh tế.

Để phát triển ngành MTUD thành ngành kinh tế sáng tạo quan trọng, cần phát triển mạnh cả về về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế thông qua việc thiết kế, sản xuất nhiều sản phẩm hàng hoá và hàng hoá văn hoá có chất lượng thẩm mỹ cao, phong phú, đa dạng. Thiết kế là quá trình sáng tạo ra những sản phẩm hữu hình đáp ứng nhu cầu vật chất, đồng thời tạo dựng một không gian văn hoá, ảo giác về vẻ đẹp (xuất hiện trong bộ não, trong tưởng tượng của con người). Kết quả là sự cộng hưởng vẻ đẹp trên các vật thể, phi vật thể, mang lại hình ảnh văn minh của đô thị đang phát triển. MTUD mà thiết kế là cốt lõi, và phải là thiết kế tốt mới làm nên giá trị thẩm mỹ đích thực, vẻ đẹp đích thực cho sản phẩm. Khi đó, MTUD tham gia trực tiếp vào phát triển kinh tế, tạo thêm công việc cho nhiều thành phần, cho người dân được tiếp cận, tương tác và thụ hưởng giá trị thẩm mỹ. MTUD và kinh tế luôn đồng hành trong nền kinh tế tri thức. Sự tác động qua lại giữa hai lĩnh vực trên thể hiện khi kinh tế phát triển sẽ đánh giá MTUD, MTUD phát triển kéo theo kinh tế trở nên hiệu quả hơn. Bản thân MTUD là sự kết hợp hữu cơ giữa hai giá trị tinh thần và vật chất, giữa hàng hoá và văn hoá, giữa thẩm mỹ và kinh tế, nên có thể coi MTUD là công cụ, phương tiện để phát triển kinh tế, văn hoá của địa phương, vùng miền, quốc gia lên tầm cao mới. MTUD bao quát mọi mặt của đời sống xã hội, tạo ra những điều kiện, cơ hội thuận lợi nhằm phát huy nội lực, phát triển nội thương và cả ngoại thương nữa. Giá trị mỹ thuật, thẩm mỹ có thể tạo ra giá trị kinh tế to lớn thể hiện bằng lợi nhuận do kinh doanh các ngành MTUD, công nghiệp văn hoá mang lại.

Ở lĩnh vực văn hoá, MTUD trong bản thân nó đã hàm chứa đậm đặc yếu tố văn hoá. Nói đến MTUD, người ta đề cập đến rất nhiều yếu tố về kỹ thuật, kinh tế, điều kiện tự nhiên… nhưng không thể bỏ qua các yếu tố về tâm lý, tập quán, nếp sống, sở thích của con người, cùng lịch sử thẩm mỹ, điều kiện xã hội, môi trường, văn hoá. Văn hoá là hoạt động tinh thần nhằm phát huy những năng lực bẩm sinh thuộc về bản chất con người khát khao vươn tới cái Chân, Thiện, Mỹ. Cái Mỹ, cái đẹp do MTUD tạo ra đã làm cho môi trường sống trở thành môi trường văn hoá. Lịch sử MTUD là lịch sử của các hình thức sống, là phong cách ứng xử của con người với đồ vật, với thiên nhiên, môi trường, xã hội. Đó là một quá trình dài lâu với những bước tiến ngày càng mở rộng ở nhiều chiều hướng, phong phú về nhận thức, về quan điểm thẩm mỹ, thể hiện trong lịch sử văn hoá, văn minh của nhân loại.

Mỹ thuật ứng dụng mang lại giá trị thẩm mỹ, một giá trị đặc thù có tính phổ quát. Giá trị này ngưng đọng và biểu hiện qua các vật thể vật chất, phi vật chất, tạo nên giá trị về văn hoá. Vẻ đẹp ở những sản phẩm vật chất hàng hoá đã làm cho môi trường sống của con người trở thành môi trường văn hoá, văn minh; thẩm mỹ môi trường đô thị trở nên hiện đại, gây ấn tượng sâu sắc cho các chủ thể hưởng thụ.

Trong thời đại của kinh tế tri thức, công nghệ 4.0, MTUD có thể chuyển biến sản phẩm thẩm mỹ thành giá trị kinh tế, giá trị văn hoá; hỗ trợ đắc lực việc xây dựng và phát triển nền kinh tế sáng tạo, nền văn hoá độc đáo cho địa phương, vùng miền, quốc gia.

Tổng kết về sự phát triển kinh tế, xã hội trong ba thế kỷ qua, đặc biệt trong vài thập kỷ gần đây, người ta đi tới kết luận rằng, những nước có sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng là những nước biết coi trọng văn hoá, ưu tiên đầu tư cho văn hoá. Họ phát triển kinh tế trên nền tảng văn hoá, văn hoá truyền thống. Thấm nhuần bài học kinh nghiệm sâu sắc này, các địa phương, vùng miền muốn phát triển kinh tế, cần coi trọng văn hoá, coi trọng việc phát triền MTUD và các ngành công nghiệp văn hoá để vừa đạt hiệu quả cao ở mục tiêu kinh tế; vừa tạo ra các giá trị văn hoá, môi trường văn hoá, thẩm mỹ môi trường công cộng, văn minh đô thị hiện đại./.

TS. Nguyễn Thị Hợp

BÌNH LUẬN