Trường Đại học Hạ Long chú trọng các hoạt động, phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học (NCKH) nhằm tạo ra những sản phẩm hữu ích, có tính ứng dụng cao phục vụ cộng đồng.
10 năm qua Trường Đại học Hạ Long có 202 đề tài NCKH của 572 sinh viên được triển khai; 120 dự án, ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên. Nhiều đề tài đã được đánh giá, đoạt giải cao trong các cuộc thi, hội thi sáng tạo. Trong đó có 1 giải nhất, 1 giải ba tại Cuộc thi Sáng tạo du lịch quốc tế dành cho sinh viên Đại học Trung Quốc – ASEAN lần thứ I; 8 giải thưởng sinh viên NCKH tại Hội thi khoa học sinh viên toàn quốc “Olympic kinh tế lượng và ứng dụng”; 1 giải ba, 2 giải khuyến khích cho sinh viên NCKH do Bộ GD&ĐT tổ chức; 4 giải tại Hội thi STKT tỉnh và Sáng tạo dịch vụ tỉnh; 42 đề tài NCKH xuất sắc của sinh viên được nghiệm thu cấp trường…
Nhiều đề tài NCKH của sinh viên mang tính ứng dụng cao, phù hợp với định hướng hoạt động KHCN của nhà trường và của tỉnh. Nổi bật là đề tài đoạt giải nhất tại Hội đồng nghiệm thu NCKH cấp trường “Ứng dụng công nghệ nhận dạng trong quản lý điểm danh sinh viên theo các lớp tín chỉ tại Trường Đại học Hạ Long” của sinh viên Vũ Anh Dũng (K7, Khoa CNTT). “Dưới sự hướng dẫn của các thầy cô, chúng em đã tích cực tham gia NCKH, nhằm vận dụng lý thuyết và thực hành đã và đang học để giải quyết các vấn đề trong thực tế. Từ những kiến thức, kết quả nghiên cứu đạt được, chúng em có cơ hội phát triển, mở rộng hơn nữa các đề tài, từ đó ứng dụng vào thực tiễn cho công việc sau này”, Dũng cho biết.
Sinh viên Phoyphailinh Vilaysouk, người Lào (K6, Khoa Môi trường), cùng các bạn trong Khoa nghiên cứu thành công và đoạt giải 3 cấp trường đề tài NCKH “Sử dụng dịch chiết tỏi đen ức chế quá trình sinh trưởng vi khẩu gây bệnh đường ruột trong nuôi trồng thủy sản”. Phoyphailinh Vilaysouk chia sẻ: “Em rất cảm ơn thầy cô, nhà trường đã định hướng, tạo điều kiện để chúng em tiếp cận với NCKH một cách thuận lợi và hiệu quả. Từ đó chúng em có cơ hội tích lũy kinh nghiệm, học hỏi phương pháp tư duy khoa học, giải quyết vấn đề, phương pháp viết báo cáo khoa học, làm việc nhóm cũng như trình bày kết quả, ý tưởng khoa học”.
Tiến sĩ Phan Thị Huệ, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long, cho biết: Trong chương trình đào tạo của nhà trường có học phần là phương pháp luận NCKH nhằm trang bị, bồi dưỡng kiến thức năng lực và phương pháp NCKH, tiến trình thực hiện một đề tài khoa học cho sinh viên ngay từ năm thứ nhất. Để tạo điều kiện cho sinh viên NCKH, nhà trường cho các em sử dụng phòng thí nghiệm, cơ sở vật chất; được giảng viên tư vấn hỗ trợ, hỗ trợ kinh phí thực hiện đề tài từ 1-10 triệu đồng tùy theo cấp độ tham gia; liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp để tài trợ cho sinh viên NCKH.
Trung tâm KH&CN của nhà trường được thành lập năm 2019, tạo môi trường cho sinh viên được tiếp cận, tham gia các hoạt động NCKH cùng các giảng viên và các nhà khoa học trong nước, quốc tế. Bên cạnh đó, nhà trường tạo cơ hội cho sinh viên tham gia giải thưởng NCKH các cấp, các cuộc thi sáng tạo dành cho sinh viên; là thành viên của nhiều dự án khoa học quốc tế tài trợ bởi UNDP, CHLB Đức, Nhật Bản… Năm 2024 có 10 sinh viên Khoa Môi trường của nhà trường được tham gia Dự án Phòng chống, giảm thiểu và tái chế rác thải ngư cụ trên vùng biển Việt Nam (REVFIN) tại Đức. Trong đó, 4 sinh viên đã được tập huấn tại Đại học Ostfalia (Đức); 4 sinh viên khác sẽ tham gia chương trình tập huấn của Dự án REVFIN vào năm 2025.
Thúc đẩy hoạt động NCKH góp phần hình thành năng lực tự học, tự nghiên cứu cho sinh viên; từ đó góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo là một trong những giải pháp quan trọng để Đại học Hạ Long thực hiện mục tiêu chiến lược trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trung tâm KHCN, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của tỉnh và khu vực.
Nguồn tin: baoquangninh.vn