Thứ Sáu, 20/9/2024 | 20:31 GMT +7

Cách làm của Trường Đại học Hạ Long

Những năm qua, Trường Đại học Hạ Long đã đẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, văn hoá, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên góp phần tạo nên những thế hệ công dân tốt, có phẩm chất, năng lực, đạo đức, văn hoá, xây dựng con người Quảng Ninh phát triển toàn diện.

Đảng uỷ Trường Đại học Hạ Long đã ban hành Nghị quyết số 866-NQ/ĐU về xây dựng văn hoá học đường trong sinh viên, học sinh theo Nghị quyết số 17-KH/TU ngày 30/10/2023 của Tỉnh uỷ về “xây dựng và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho sự phát triển nhanh, bền vững”. Theo đó, Ban Giám hiệu nhà trường có chương trình hành động thiết thực, phù hợp với nhiệm vụ đào tạo của nhà trường, tạo ra nét đẹp mới trong giảng dạy, học tập. Theo TS. Nguyễn Đức Tiệp, Hiệu trưởng nhà trường, Trường Đại học Hạ Long đã cụ thể hoá nghị quyết của Tỉnh uỷ bằng nghị quyết chuyên đề của Đảng bộ nhà trường, xây dựng văn hoá học đường, góp phần định hướng trong giáo dục nhân cách, tri thức,kỹ năng sống trong sinh viên, học sinh.

Mục tiêu trọng tâm: đẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, văn hoá, đạo đức, lối sống, lòng yêu nước, tự hào dân tộc và tuân thủ pháp luật cho thế hệ trẻ, tạo niềm tin cho xã hội về chất lượng giáo dục, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Từ đó tạo nên những thế hệ công dân tốt, có phẩm chất, năng lực, đạo đức, văn hoá đáp ứng yêu cầu của xã hội, góp phần xây dựng con người Quảng Ninh phát triển toàn diện, năng động, sáng tạo, hào sảng, lành mạnh, văn minh, thân thiện.

Một giờ học về văn hoá địa phương của sinh viên Khoa Sư phạm.

Trường Đại học Hạ Long phấn đấu hàng năm không có trường hợp sinh viên mắc các tệ nạn xã hội về ma túy, cờ bạc, mại dâm, vi phạm an toàn giao thông… xây dựng nhà trường là nơi rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ phát triển toàn diện, xây dựng “Bộ quy tắc ứng xử Trường Đại học Hạ Long” trên cơ sở bám sát thực hiện các tiêu chí tại “bộ quy tắc ứng xử trên đại bàn tỉnh Quảng Ninh” cập nhật, bổ sung theo hướng thực hiện thường xuyên các chuẩn mực ứng xử văn minh, lịch sự, mang bản sắc riêng.

Xây dựng mô hình tiêu biểu trong thực hiện văn hóa học đường gắn với môi trường sống sáng – xanh – sạch – đẹp. Đồng thời, tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hoạt động vì cộng đồng gắn với hoạt động giáo dục tri thức, lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn minh, truyền thống văn hóa dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, tôn trọng đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “tương thân, tương ái”, kỹ năng xã hội cho thế hệ trẻ thông qua hoạt động giáo dục của nhà trường, các hoạt động xã hội và trên phương tiện truyền thông, tham gia không gian mạng.

Nhà trường vận động sinh viên tham gia phê phán và đấu tranh, ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, mê tín dị đoan, đổi mới nội dung, hình thức rèn luyện sinh viên về lý tưởng cách mạng, nhận thức chính trị, về đạo đức, lối sống, tác phong; gắn nội dung rèn luyện với việc khắc phục biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Các đơn vị, cá nhân tham gia Hợp tác xã Sinh viên, kinh doanh trong nhà trường xây dựng và thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hóa trong kinh doanh.

Đối với bậc phổ thông, toàn bộ học sinh của Trường Thực hành sư phạm (trực thuộc Trường Đại học Hạ Long) được tiếp cận giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa, được tham quan các di tích quốc gia đặc biệt, Bảo tàng tỉnh, Thư viện tỉnh… theo chương trình triển khai giáo dục địa phương của Sở Giáo dục và Đào tạo. Nhà trường xây dựng các phòng học cho các môn học âm nhạc, mỹ thuật, nghệ thuật bảo đảm các hoạt động dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông.

Xây dựng môi trường văn hóa học đường của Trường Đại học Hạ Long là hướng đến sự phát triển lành mạnh, năng động sáng tạo, nhân văn, tiến bộ, là nền tảng tinh thần vững chắc của một xã hội phồn vinh, văn minh, hạnh phúc. Đồng thờ, phát triển con người Quảng Ninh toàn diện, thực sự là trung tâm, chủ thể, nguồn lực, động lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa Quảng Ninh, các công trình kiến trúc, cảnh quan mang bản sắc văn hóa truyền thống, đặc trưng.

Phạm Học – Chuyên mục Kinh tế – Xã hội, Báo Quảng Ninh

BÌNH LUẬN