Thực hiện kế hoạch tổ chuyên môn, căn cứ vào kế hoạch hoạt động trải nghiệm cho học sinh năm học 2023 -2024 của trường Thực hành Sư phạm về việc tổ chức hoạt động giáo dục tháng 2/2024, được sự nhất trí của Ban Giám hiệu nhà trường, ngày 24/02/2024 khối Trung học cơ […]
Thực hiện kế hoạch tổ chuyên môn, căn cứ vào kế hoạch hoạt động trải nghiệm cho học sinh năm học 2023 -2024 của trường Thực hành Sư phạm về việc tổ chức hoạt động giáo dục tháng 2/2024, được sự nhất trí của Ban Giám hiệu nhà trường, ngày 24/02/2024 khối Trung học cơ sở trường Thực hành Sư phạm (THSP) đã tổ chức hoạt động trải nghiệm tham quan tại Đền thờ thầy giáo Chu Văn An (Chí Linh, Hải Dương) và Làng nghề truyền thống Gốm Phù Lãng (Quế Võ, Bắc Ninh) cho học sinh khối 9.
Đúng 6h sáng, xe bắt đầu lăn bánh từ cổng trường Thực hành Sư phạm dọc theo quốc lộ 18 về phía Hải Dương. Sau hơn một tiếng di chuyển, các thầy cô giáo và các bạn học sinh đã có mặt tại điểm tham quan đầu tiên là Đền thờ Chu Văn An. Đền thờ tọa lạc trên núi Phượng Hoàng, thuộc địa phận phường Văn An, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Khung cảnh nơi đây tĩnh lặng nhưng thật linh thiêng và hùng vĩ, thấm đượm tâm đức sáng ngời của một bậc thánh nhân.
Khu đền thờ thầy giáo Chu Văn An nằm giữa rừng thông xanh tươi ngút ngàn của núi rừng Phượng Hoàng. Ngôi đền chính “Điện lưu quang” là nơi thầy giáo Chu Văn An dạy học. Không nguy nga, hoành tráng, cầu kì, đền thờ thầy Chu Văn An được thiết kế, xây dựng mang đậm nét truyền thống dân tộc thể hiện sự tôn vinh tầm vóc của danh nhân theo tập quán của người Việt Nam. Ngay trước cửa đền có hàng chữ “Vạn thế sư biểu” để thể hiện tấm lòng của bao thế hệ người Việt với người thầy đầu tiên của dân tộc. Lăng mộ của thầy Chu Văn An nằm cách đền thờ chừng 600m. Tương truyền, khi thầy Chu Văn An mất, các học trò đã mang thầy lên an táng tại đỉnh núi Phượng Hoàng và dựng nhà bên mộ tế lễ cả năm để bày tỏ lòng thương tiếc. Tại đền thờ thầy Chu Văn An, tập thể thầy và học sinh khối 9 trường THSP đã làm lễ dâng hương và được nghe giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp của người thầy đạo cao, đức trọng bậc nhất của nền giáo dục nước nhà, người được muôn đời sau ca tụng. Sau đó, tập thể các thầy cô giáo và học sinh được tham quan vãn cảnh đền, xin chữ cầu may, chụp ảnh lưu niệm.
Chia tay ngôi đền cổ kính, cả đoàn lên xe di chuyển về Làng gốm Phù Lãng thuộc xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh tham quan nhà lưu niệm của Đại tướng Phạm Văn Trà – người con ưu tú của quê hương Phù Lãng. Tại đây, các bạn được các cô hướng dẫn viên kể về tiểu sử, cuộc đời và những cống hiến cho đất nước của vị Đại tướng đầy kính yêu.
Dời nhà lưu niệm cả đoàn được đến thăm ngôi trường tiểu học mang tên Đại tướng Phạm Văn Trà được xây dựng rất khang trang và sạch đẹp từ Quỹ khuyến học do Đại tướng tài trợ và các tổ chức ủng hộ. Tại đây, các thầy cô giáo và các bạn học sinh dùng bữa trưa trong không khí đầm ấm, vui vẻ và nghỉ ngơi trước khi bước vào chuẩn bị cho những trải nghiệm thú vị buổi chiều.
Đầu giờ chiều, các thầy cô và tập thể học sinh khối 9 trường THSP đã được tham quan và trải nghiệm tại Làng gốm Phù Lãng – một làng quê vẫn giữ được những nét đẹp văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ nằm bên bờ sông Cầu hiền hòa.
Theo sử sách còn ghi lại, nghề gốm Phù Lãng được hình thành và phát triển ở đây vào khoảng thời Trần, thế kỷ XIV. Hiện nay, tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, một số nhà sưu tập còn lưu giữ và trưng bày một số sản phẩm gốm Phù Lãng có niên đại khoảng thế kỷ 17 – 19. Đó là sản phẩm gốm men nâu và những sắc độ của nó như men da lươn, vàng nhạt, vàng thẫm, vàng nâu…
Trò chuyện với đoàn, nghệ nhân Nguyễn Trung Kiên ở xóm Chùa, thôn Phấn Trung, xã Phù Lãng, cho biết: “Nét đặc trưng nổi bật của gốm Phù Lãng là sử dụng phương pháp đắp nổi theo hình thức chạm bong, còn gọi là chạm kép, màu men tự nhiên, bền và lạ; dáng của gốm mộc mạc, thô phác nhưng khỏe khoắn, chứa đựng vẻ đẹp nguyên sơ của đất với lửa..”.
Ở Phù Lãng hiện nay có khoảng gần 100 lò gốm vẫn còn duy trì nghề truyền thống theo kiểu nung thủ công bằng củi. Một lò thường nung được 1.000 sản phẩm và phải đốt lửa liền trong 2 ngày 2 đêm. Vì vậy những sản phẩm đạt tiêu chuẩn phải có màu da lươn vàng óng hay màu cánh gián, khi gõ vào sản phẩm có tiếng vang.
Tại khoảng sân của Lò gốm Kiên – Ngân, các thầy cô giáo và các bạn đã được các nghệ nhân làng nghề giới thiệu về sự ra đời, các nguyên liệu và quy trình để làm nên một sản phẩm gốm sứ bằng bàn xoay truyền thống. Sau đó, chúng em còn được tự tay trải nghiệm vuốt gốm, được làm công việc của một thợ vẽ, thỏa sức sáng tạo vẽ hình, phối màu trên các sản phẩm gốm dưới sự hướng dẫn tận tình của các nghệ nhân giàu kinh nghiệm nơi đây. Ngoài ra các bạn nhỏ còn được các nghệ nhân và các thầy, cô giáo đưa đi tham quan chợ gốm và được tự tay lựa chọn những món đồ gốm mình yêu thích để mang về làm quà cho người thân.
Bên cạnh hoạt động trải nghiệm thăm làng gốm, cả đoàn còn được hòa mình vào bầu không khí náo nhiệt của nhiều trò chơi dân gian đặc sắc miền Kinh Bắc như: bịt mắt đập niêu, đập pháo đất, bịt mắt bắt vịt… … mang đến cho các thầy, cô giáo và các bạn học sinh những phút giây thư giãn, tràn ngập tiếng cười sảng khoái.
Chuyến hành trình học tập và trải nghiệm Đền thờ thầy giáo Chu Văn An (Chí Linh, Hải Dương) và Làng nghề truyền thống Gốm Phù Lãng (Quế Võ, Bắc Ninh) cho học sinh khối 9 trường THSP đã khép lại với biết bao bài học ý nghĩa và những kỉ niệm đẹp. Qua chuyến đi thú vị, bổ ích này đã thầy và trò nhà trường nhận thức một cách sâu sắc hơn về vai trò của việc học, hiểu hơn về truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc, yêu hơn vẻ đẹp của đất nước; khám phá bản thân và thế giới xung quanh, phát triển đời sống tâm hồn phong phú, biết rung cảm trước cái đẹp của thiên nhiên và tình người, có quan niệm sống và ứng xử đúng đắn, đồng thời bồi dưỡng cho học sinh tình yêu đối với quê hương, đất nước, ý thức về cội nguồn và bản sắc của dân tộc để góp phần giữ gìn, phát triển các giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam trong một thế giới hội nhập.
Một số hình ảnh chuyến trải nghiệm
Người đưa tin: Nguyễn Thu Hà (Tổ THCS)