Thứ Ba, 2/4/2024 | 09:48 GMT +7

Hành trình thực tập tại Nhật Bản của chàng sinh viên Trường Đại học Hạ Long

Đoàn Đức Phúc là sinh viên ngành Ngôn ngữ Nhật Bản K5 Trường Đại học Hạ Long. Em là sinh viên duy nhất của Nhà trường tham gia vào chương trình thực tập tại Nhật Bản trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Trường Đại học Hạ Long với tổ chức công ích pháp nhân TOA Soken (Nhật Bản).

Phúc sẽ thực tập và tham gia vào một số hoạt động tại Nhật trong thời gian từ tháng 03 đến tháng 12 năm 2024. Dưới đây là một số chia sẻ của Đoàn Đức Phúc trong quá trình thực tập.

Em bắt đầu hành trình của mình vào tháng 3 năm 2024 với diện thực tập sinh 01 năm, đầu tiên bắt đầu quá trình thực tập tại đơn vị công ty Esuhai ở thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 04/3/2024, học hỏi về kinh nghiệm cũng như thái độ làm việc trước khi sang làm thực tập cho hiệp hội TOA. Em cũng thực sự biết ơn hiệp hội đã cho em một cơ hội để thử thách chính mình cũng như có thêm những trải nghiệm mới trong cuộc đời.

Đoàn Đức Phúc (đeo kính) chụp ảnh cùng thầy giáo tại thành phố Kitami (Nhật bản)

Ở thành phố Hồ Chí Minh, em đã được tiếp xúc với con người, đồ ăn, khí hậu nơi đây và em cảm thấy rất hòa hợp, một phần cũng giống đôi chút với Hà Nội. Ấn tượng đầu tiên khi em đến thành phố Hồ Chí Minh là ít đèn đỏ, và đèn đỏ cũng trôi rất nhanh, khác với cảnh đứng vài phút giữa trời nắng ở Hà Nội chỉ để đợi đèn đỏ.

Ở Esuhai, em đã được gặp rất nhiều anh chị đang làm việc ở đây, mọi người đều rất niềm nở chào đón và cũng rất thân thiện. Em cũng bắt đầu trải qua một môi trường làm việc đúng nghĩa của một công ty Nhật, về giờ giấc, tác phong làm việc, tất cả đều chuẩn chỉ. Ở Esuhai, em cũng đã được tiếp xúc với rất nhiều bạn thực tập sinh kỹ thuật, các công ty bên phía Nhật Bản, được học hỏi về phong thái làm việc, quy trình tổ chức một buổi phỏng vấn, đàm thoại, và quan trọng nhất là cách viết một bài báo cáo hoàn chỉnh.

Con đường thực tập ở Esuhai chỉ diễn ra trong 10 ngày, cũng rất ngắn ngủi nhưng mọi người đều gần gũi, cởi mở, đôi khi công việc cũng có chút áp lực nhưng nhờ anh chị động viên mà em đã có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Thực sự em cảm ơn anh chị ở Esuhai rất nhiều.

Em bắt đầu đến Tokyo vào ngày 14/3/2024, do đi một mình nên thủ tục nhập cảnh rất rắc rối và em đã phải mất hơn một tiếng mới có thể đợi, sau đó có chị Hamade là nhân viên của bên phía TOA chào đón tại sân bay, trong ngày đầu em đã được đi tham quan phong cảnh và đến thăm cơ sở Nhật ngữ ở gần sân bay Narita. Mọi người ở trung tâm đều vui vẻ, giới thiệu tới từng bạn học viên và đã đưa em đi tham quan một khu phố du lịch gần đấy. Sang ngày hôm sau thì em đã được trải nghiệm những chuyến tàu đầu tiên ở Tokyo để đi đến tỉnh Ibaraki và đến thăm trung tâm Nhật ngữ và các bạn sinh viên ở đó.

Chuyến công tác ở Tokyo chỉ diễn ra trong 2 ngày, sau đó em đã di chuyển ngay đến thành phố Kitami của Hokkaido ngay trong ngày 16/3/2024.

Đoàn Đức Phúc trong quá trình thực tập

Vừa xuống máy bay thì quang cảnh đập vào mắt em đầu tiên là tuyết, rất nhiều tuyết, nhưng không khí lại rất trong lành và không hề quá lạnh.

Trong những ngày đầu đến thành phố Kitami, em đã được mọi người giới thiệu các quán ăn nổi tiếng, khu trung tâm mua sắm nổi tiếng ở nơi đây và cả phòng trọ nơi em sắp ở. Mọi thứ từ nội thất, quà chào mừng, sự ưu ái, tất cả đều được mọi người đặc biệt sắp xếp, luôn giúp đỡ em trong mọi tình huống, chuẩn bị cho em một hành trang để bắt đầu một cuộc sống mới ở Nhật.

Bữa cơm của bạn sinh viên xa nhà

Không những thế, em còn được học hỏi thêm về phong thái làm việc, sự tinh tế trong giao thiệp của môi trường công sở Nhật Bản, thực sự trong những ngày đầu, em luôn tỏ ra rụt rè, không dám nói to và mắc lỗi về phong thái, nhưng lúc nào cũng có những anh chị người Việt trong hiệp hội giúp đỡ em rất nhiều khiến em dần có thể vào guồng công việc hơn và bắt nhịp với cuộc sống chỉnh chu ở nơi đây. Ở TOA trong những tuần đầu tiên này, em đã được học hỏi về cách viết báo cáo, cách chào hỏi, cách giao thiệp với mọi người trong hiệp hội, cứ như vậy em tự cảm thấy bản thân vẫn còn thiếu rất nhiều kỹ năng giao tiếp, nhưng anh chị trong hiệp hội vẫn luôn động viên rằng “mắc lỗi là chuyện bình thường, cái quan trọng là em có cải thiện nó hay không”, nhờ vậy mà em có thêm động lực để cố gắng và khắc phục những điểm yếu của bản thân, từ đó hoàn thiện tính cách và phong thái của mình hơn.

Khánh Huyền (Ban truyền thông)

BÌNH LUẬN