Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số là điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đẩy nhanh sự nghiệp CNH, HĐH, nhằm phát triển KT-XH bền vững; là điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng. Đây là một trong ba đột phá chiến lược được Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh khóa XV xác định trong giai đoạn phát triển 2020-2025. Xác định rõ điều đó, Trường Đại học Hạ Long đã nhanh chóng triển khai thực hiện các giải pháp, nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong giai đoạn mới.
Sinh viên Trường Đại học Hạ Long thực hành hướng dẫn kỹ năng tại điểm du lịch.
Theo ông Trần Trung Vỹ, Phó Hiệu trưởng Thường trực Trường Đại học Hạ Long, nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian qua tuy đã có những kết quả ban đầu, đóng góp vào sự phát triển KT-XH, nhưng vẫn là “nút thắt”, chưa tương xứng với vị thế kinh tế của tỉnh. Đặc biệt, tại Trường Đại học Hạ Long, quá trình thực hiện các chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2015-2020 vẫn còn một số khó khăn, tồn tại. Điển hình như chính sách thu hút giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên về làm việc tại Trường từ năm 2015 đến nay.
Nhìn từ thực tiễn thời gian qua cho thấy, Trường Đại học Hạ Long chưa thu hút đủ số giảng viên là tiến sĩ, thạc sĩ về làm việc theo chỉ tiêu đã đề ra, do nhiều ứng viên có trình độ cao, nhưng lại thiếu điều kiện, tiêu chuẩn của chính sách thu hút, như: Điều kiện về thời gian giảng dạy đại học 5 năm, thạc sĩ không quá 40 tuổi. Bên cạnh đó, một số mã ngành thuộc lĩnh vực trọng tâm, mũi nhọn của tỉnh, như: Ngôn ngữ Nhật Bản, ngôn ngữ Hàn Quốc, còn khó khăn trong việc thu hút giảng viên, do các đối tượng có bằng chuyên môn thuộc lĩnh vực này có nhiều cơ hội việc làm tốt hơn tại các địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Cơ chế giữ chân người tài ở lại tỉnh lâu dài, trở thành công dân Quảng Ninh để cống hiến, sáng tạo chưa được đồng bộ. Đặc biệt, các cơ chế, chính sách về phát triển nguồn nhân lực cho một số ngành kinh tế trọng điểm như y tế, du lịch, công nghệ thông tin, kinh tế cảng biển… còn chưa được nghiên cứu, ban hành. Hiện nay, tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ tại Trường Đại học Hạ Long còn ít (dưới 20%), thấp hơn so với tỷ lệ bình quân chung của các trường đại học trên cả nước (tỷ lệ cả nước là 25%).
Trường Đại học Hạ Long chú trọng nâng cao công tác đào tạo ngành nghề phù hợp với nhu cầu phát triển KT-XH của tỉnh.
Để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2020-2025, đã xác định rõ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số là chiến lược quan trọng, được xếp vào khâu đột phá đầu tiên. Trong đó, chỉ rõ nhiệm vụ xây dựng, phát triển Trường Đại học Hạ Long trở thành mô hình đô thị đại học theo hướng hiện đại, là nơi thu hút các nhà khoa học, các đại học, viện nghiên cứu.
“Việc xác định phát triển nguồn nhân lực là khâu đột phá đầu tiên trong giai đoạn 2020-2025, góp phần giải quyết “điểm nghẽn” về nguồn nhân lực từ trước đến nay của tỉnh. Đặc biệt, là thực hiện nhiệm vụ xây dựng Trường Đại học Hạ Long trở thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực; là trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ năng động, có uy tín trong nước và trong khu vực. Đây là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, nên ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV, nhà trường đã quán triệt tới toàn thể các cán bộ, giảng viên, viên chức và sinh viên phải nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ này” – Ông Trần Trung Vỹ nhấn mạnh thêm.
Trên cơ sở những định hướng, mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV, Trường Đại học Hạ Long đã nhanh chóng xây dựng chương trình hành động, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Từ đó, phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng nhanh quy mô sinh viên của nhà trường là đạt được 7.000-10.000 sinh viên trong năm 2025 và ổn định quy mô 10.000 sinh viên từ năm 2025 trở đi.
Nhà trường sẽ triếp tục thực hiện các chính sách thu hút, phát triển đội ngũ giảng viên trình độ cao. Trong đó, ưu tiên thu hút giảng viên là tiến sĩ, thạc sĩ có chuyên ngành phù hợp với các lĩnh vực trọng tâm, mũi nhọn của tỉnh, gắn với Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Cùng với đó, phát triển các ngành nghề, các khoa đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tiễn, gắn với mục tiêu phát triển KT-XH.
Theo Trúc Linh (Báo Quảng Ninh)