Thứ Hai, 19/6/2023 | 23:16 GMT +7

Trường Đại học Hạ Long tổ chức thành công Hội thảo “Bệnh học thủy sản”

Sáng ngày 19/6/2023, tại Trường Đại học Hạ Long đã diễn ra Hội thảo “Bệnh học thủy sản” với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Huế và Đại học Sydney (Úc) cùng các giảng viên, sinh viên khoa Thủy sản, Môi trường của Trường Đại học Hạ Long. Hội thảo đã tập trung phân tích quá trình lây nhiễm bệnh trong nuôi trồng thủy sản, các nguyên nhân mầm bệnh phát tán, các phương pháp chẩn đoán, sàng lọc bệnh cũng như các phương pháp phòng và điều trị bệnh trong nuôi trồng thủy sản.

Trong khuôn khổ chuyến khảo sát, nghiên cứu thủy sản tại tỉnh Quảng Ninh từ ngày 18-19/6, đoàn chuyên gia đến từ Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Huế và Đại học Sydney (Úc) đã tới thăm Trường Đại học Hạ Long và có buổi trao đổi chuyên sâu về Bệnh học thủy sản với giảng viên và sinh viên khoa Thủy sản.

Tham dự Hội thảo, về phía Trường Đại học Hạ Long, có TS. Hoàng Thị Thu Giang – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, đại diện phòng Hợp tác quốc tế – Quản lý khoa học, phòng Đào tạo, Trung tâm Khoa học Công nghệ cùng đông đảo giảng viên và sinh viên khoa Thủy sản, Môi trường.

Về phía Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Huế có PGS.TS Nguyễn Ngọc Phước và TS. Nguyễn Thị Huế Linh, GV khoa Thủy sản.

Về phia Đại học Sydney có TS. Venturini Carola và TS. Samsing Pedrals Francisca Andrea Riddervold.

Phát biểu khai mạc, TS. Hoàng Thị Thu Giang – Phó Hiệu trưởng Nhà trường cảm ơn các chuyên gia đến từ Khoa Thủy sản của Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Huế và Đại học Sydney đã đến thăm và có những trao đổi học thuật giá trị về Bệnh học thủy sản với giảng viên và sinh viên khoa Thủy sản của Trường Đại học Hạ Long. Nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành kinh tế thủy sản đối với tỉnh Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung, TS. Hoàng Thị Thu Giang khẳng định sự kiên định trong định hướng, duy trì đào tạo ngành thủy sản của Trường Đại học Hạ Long. Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh và Nhà trường luôn tạo những điều kiện thuận lợi nhất để ngành Nuôi trồng thủy sản của Trường phát triển. Hiện nay, sinh viên ngành Nuôi trồng thủy sản và các ngành du lịch, dịch vụ, ngoại ngữ, nghệ thuật của Nhà trường đang được hưởng những chính sách ưu đãi, học bổng khuyến học rất hấp dẫn của tỉnh Quảng Ninh, có giá trị lên đến 250 triệu đồng/toàn khóa học/1 sinh viên. Trong đó, thưởng trúng tuyển đầu vào lên tới 30 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các khoản hỗ trợ tiền mua đồ dùng học tập, hỗ trợ tiền đóng học phí, tiền ở trọ, tiền sinh hoạt phí hàng tháng. Nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo ngành Nuôi trồng thủy sản, Trường Đại học Hạ Long luôn luôn chào đón các chuyên gia, các nhà khoa học trong lĩnh vực thủy sản tới thăm và làm việc, từ đó mở rộng kết nối giữa giảng viên, sinh viên ngành Nuôi trồng thủy sản của Nhà trường với các đối tác, đồng thời tiếp cận các chương trình, dự án hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước.

Trọng tâm của chương trình Hội thảo là phần phân tích của các chuyên gia về quá trình lây nhiễm bệnh trong nuôi trồng thủy sản, các nguyên nhân mầm bệnh phát tán, các phương pháp chẩn đoán và sàng lọc bệnh cũng như các phương pháp phòng và điều trị bệnh trong nuôi trồng thủy sản.

Về vấn đề phát sinh nguồn lây nhiễm bệnh thủy sản, TS. Samsing Pedrals Francisca Andrea Riddervold, Trường Đại học Sydney cho biết trước đây các nghiên cứu về bệnh học thủy sản thường được xây dựng trên mô hình “một mầm – một bệnh”, nghĩa là nghiên cứu sự tương tác giữa một nguyên nhân gây bệnh và một triệu chứng bệnh lý. Tuy nhiên, các nghiên cứu mới hiện nay đã chỉ ra rằng dịch bệnh trong các hệ thống nuôi thủy sản rất phức tạp và do nhiều yếu tố tác động đan xen. Mầm bệnh, môi trường nuôi dưỡng và thao tác nuôi trồng là ba nhóm yếu tố tác động qua lại lẫn nhau trong vấn đề phát sinh bệnh lý. Đặc biệt, với sự thay đổi nhiệt độ nước mặt do hiện tượng ấm lên toàn cầu, ngày càng cho thấy sự tác động gia tăng của các chủng virus và vi khuẩn gây bệnh cơ hội trong ngành thủy sản. Ví dụ như ở cá hồi, việc ngư dân tắm cá trong môi trường có mật độ cao và sự phá hoại của rận biển (Caligus rogercresseyi) làm gia tăng nguy cơ tử vong đối với bệnh nhiễm khuẩn huyết (SRS) cơ hội.

TS. Francesca Samsing Pedral chia sẻ về các nghiên cứu tương tác của hệ sinh vật trên cá biển với các tác nhân gây bệnh

Tiếp nối vấn đề này, TS. Venturini Carola (Đại học Sydney, Úc) trình bày các giải pháp chủ yếu hiện nay trong phòng và điều trị bệnh thủy sản tại các quốc gia phát triển và có ngành nuôi trồng thủy sản trình độ cao, trong đó nổi bật là sử dụng thể thực khuẩn nhằm phòng và trị các bệnh truyền nhiễm trên động vật thủy sản. Thực khuẩn thể (bacteriophage hay phage) là các dạng virus có khả năng nhân bản và bám dính vào các vi khuẩn gây bệnh trong môi trường, do đó được ứng dụng để kiểm soát quá trình sinh trưởng của vi khuẩn. Các nghiên cứu trước đây đã khẳng định rằng thực khuẩn thể sẽ không thể tồn tại khi nằm ngoài cơ thể vật chủ (là vi khuẩn gây bệnh trong thủy sản), do đó, sử dụng thực khuẩn thể là một giải pháp kiểm soát dịch bệnh gây ra do vi khuẩn cực kì hiệu quả với chi phí thấp, an toàn cho sự đa dạng sinh học và thân thiện với môi trường.

TS. Venturini Carola trình bày các giải pháp trong phòng và điều trị bệnh thủy sản

Đồng ý với quan điểm sử dụng thực khuẩn thể là giải pháp tiềm năng cho hướng phòng và điều trị bệnh thủy sản, tuy nhiên, TS. Chu Lương Trí (Khoa Môi trường, Trường Đại học Hạ Long) lưu ý, do đặc điểm mỗi loại vi khuẩn gây bệnh có những thực khuẩn thể đặc hiệu riêng và hiệu quả ức chế vi khuẩn gây bệnh đôi khi còn phụ thuộc vào môi trường nuôi trồng bản địa. Do đó, nếu chỉ với một cơ sở nghiên cứu hoặc một nhóm nghiên cứu sẽ rất khó có thể kiểm soát và thu thập đầy đủ các thông tin hữu ích về thực khuẩn thể trên phạm vi nghiên cứu rộng. Để giải quyết vấn đề này, TS. Chu Lương Trí đề xuất có sự kết nối và chia sẻ thông tin giữa các nhóm nghiên cứu thực khuẩn thể trong và ngoài nước để cùng nhau xây dựng ngân hàng cơ sở dữ liệu về thực khuẩn thể trong phòng và điều trị kịp thời các bệnh dịch.

Cùng chia sẻ quan điểm, Th.S Vũ Công Tâm, (Giám đốc Trung tâm Khoa học Công nghệ, Trường Đại học Hạ Long) cho biết, hiện nay chất lượng nuôi trồng hàu tại Quảng Ninh đang bị suy giảm nghiêm trọng nhưng chưa thể kết luận được nguyên nhân và có giải pháp xử lý hiệu quả, rất mong có sự kết nối giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu, xác định nguyên nhân và tìm giải pháp.

Trao đổi trong Hội thảo

Tiếp nhận các ý kiến trên, PGS. TS Nguyễn Ngọc Phước (Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế) cho biết rất mong muốn đẩy mạnh hợp tác giữa Khoa Thủy sản – Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Huế với Khoa Thủy sản, Trường Đại học Hạ Long cũng như tăng cường kết nối với các trường đại học trong và ngoài nước có đào tạo thủy sản, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dạy – học và nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên và sinh viên ngành thủy sản, trong đó có vấn đề ứng dụng thực khuẩn thể trong phòng và điều trị bệnh thủy sản. Đồng thời, thay mặt đoàn chuyên gia tới thăm và làm việc, PGS.TS Nguyễn Ngọc Phước cám ơn sự hỗ trợ của UBND tỉnh Quảng Ninh, Sở Ngoại vụ và Ban Giám hiệu Trường Đại học Hạ Long đã tạo điều kiện thuận lợi cho chuyến làm việc của Đoàn, đồng thời thể hiện mong muốn có sự hợp tác chặt chẽ ngày càng hơn trong nghiên cứu và đào tạo trong thời gian sắp tới giữa Khoa Thủy sản – Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Huế với Khoa Thủy sản, Trường Đại học Hạ Long.

TS. Lê Như Phương (Phụ trách khoa Thủy sản, Trường Đại học Hạ Long) khẳng định những vấn đề được chia sẻ ở Hội thảo này sẽ được giảng viên và sinh viên khoa Thủy sản Trường Đại học Hạ Long vận dụng vào giải quyết các vấn đề chuyên môn liên quan đến bệnh học thủy sản. Cũng theo TS. Lê Như Phương, giảng viên khoa Thủy sản luôn sẵn sàng tham gia vào các chương trình, dự án hợp tác trong và ngoài nước trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, đồng thời, đề xuất đoàn chuyên gia sẽ quan tâm, tạo điều kiện cho sinh viên khoa Thủy sản có cơ hội được tiếp tục học tập và nghiên cứu ở bậc sau đại học tại Trường Đại học Sydney.

Kết thúc Hội thảo, TS. Hoàng Thị Thu Giang, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long một lần nữa cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của đoàn chuyên gia đối với Khoa Thủy sản của Nhà trường, đồng thời mong muốn sự hợp tác này sẽ có nhiều thành quả hơn nữa trong tương lai.

Các diễn giả và thầy trò Trường Đại học Hạ Long

BÌNH LUẬN