Thứ Hai, 19/10/2020 | 16:01 GMT +7

Phát huy truyền thống, nữ cán bộ viên chức lao động trường Đại học Hạ Long phấn đấu rèn luyên các phẩm chất đạo đức “Tự tin – tự trọng – trung hậu – đảm đang”

Hưởng ứng các hoạt động chào mừng 90 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam của Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Ninh. Công đoàn trường Đại học Hạ Long tiếp tục tuyên truyền nữ công nhân viên chức lao động nhà trường thực hiện cuộc vận động phụ nữ rèn luyện các phẩm chất đạo đức “Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang”.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ra đời trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong suốt chiều dài lịch sử 90 năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã không ngừng phát triển và trở thành một tổ chức chính trị – xã hội lớn mạnh, rộng khắp, vận động, tập hợp đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia tích cực và đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hưởng ứng các hoạt động chào mừng 90 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam của Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Ninh. Công đoàn trường Đại học Hạ Long tiếp tục tuyên truyền nữ công nhân viên chức lao động nhà trường thực hiện cuộc vận động phụ nữ rèn luyện các phẩm chất đạo đức “Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang”.

Từ xưa đến nay ai cũng đều biết đến phẩm chất đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt Nam: “Công, dung, ngôn, hạnh”. Đây là những chuẩn mực đạo đức đặt nặng đối với người phụ nữ trong thời phong kiến. Bước sang thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cho phụ nữ Việt Nam tám chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Ngày nay khi đất nước bước vào giai đoạn xây dựng và phát triển thì các chuẩn mực đạo đức cần có sự thay đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu của giai đoạn hiện nay. Đất nước đã qua thời kỳ chiến tranh, bước vào giai đoạn xây dựng và phát triển nên bên cạnh phẩm chất đạo đức truyền thống “trung hậu, đảm đang” xã hội hiện nay rất mực đề cao sự chủ động, năng động, “tự tin, tự trọng” của người phụ nữ bằng những hành động dám nghĩ, dám làm. Người phụ nữ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là người phụ nữ vừa đảm trách được công việc ngoài xã hội, vừa hoàn thành các nghĩa vụ trong gia đình và biết chăm sóc cho bản thân.

Như vậy, “Tự tin – tự trọng – trung hậu – đảm đang” không phủ nhận những giá trị đã được lịch sử ghi nhận mà là sự phát triển trong điều kiện, bối cảnh mới. Bản chất của những giá trị này là kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống nhưng được đặt trong thời kỳ mới (công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước).

Tự tin là tin vào năng lực bản thân, chủ động và bình tĩnh giải quyết các công việc trong cuộc sống và sự nghiệp. Họ dám nghĩ, dám làm nhưng cũng hết sức thận trọng, chịu trách nhiệm về việc mình làm, không tranh công, đổ lỗi…

Còn tự trọng là coi trọng phẩm giá, danh dự của bản thân, chấp hành pháp luật một cách tự giác, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau; có quan điểm, chính kiến rõ ràng; khi mắc lỗi, biết mạnh dạn nhận khuyết điểm và chủ động sửa chữa khuyết điểm…

Trung hậu, đảm đang vẫn là những giá trị truyền thống được ghi nhận trong lịch sử cho đến tận ngày nay. Nhưng trong bối cảnh mới, phẩm chất đó yêu cầu người phụ nữ không những đảm đang trong gia đình mà còn đảm đang cả ngoài xã hội, công việc.

Người phụ nữ hiện đại phải chung thủy, yêu nước, biết chia sẻ, quan tâm đến lợi ích của cộng đồng yêu lao động, làm việc có khoa học; xây dựng được mối quan hệ tốt với họ hàng và thường xuyên quan tâm, chăm sóc, giáo dục con cái, …

Vì vậy, từ Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI (2012-2017), rèn luyện phẩm chất đạo đức đã trở thành phong trào rèn luyện chung của phụ nữ cả nước. Đến Đại hội XII (2017-2022) “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” được phát động thành Cuộc vận động gắn kết chặt chẽ với phong trào thi đua yêu nước, các Cuộc vận động do Hội phát động.

Cuộc vận động rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” đã tạo hiệu ứng tích cực, được nữ công nhân viên chức lao động nhà trường hưởng ứng thực hiện. Xuất phát từ trách nhiệm, tình cảm yêu thương học và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, nữ công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) trường Đại học Hạ Long đã nỗ lực vượt qua khó khăn, học tập, rèn luyện để có đủ tự tin, bản lĩnh chính trị tham gia các công việc, đảm nhận các vị trí lãnh đạo trong nhà trường; có đủ bản lĩnh để tuyên truyền, vận động, giáo dục thành viên trong gia đình và cộng đồng; có đủ năng lực thể hiện sự đảm đang, hoàn thành tốt công việc trong công tác, gia đình và xã hội. Nhiều cách làm thể hiện vai trò nêu gương của đội ngũ nữ CNVCLĐ nhất là người đứng đầu các đơn vị. Nhiều tấm gương tiêu biểu về các phẩm chất đạo đức đã xuất hiện trong nhà trường được giới thiệu, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, góp phần động viên chị em phụ nữ vươn lên, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, ngăn chặn các hành vi sai trái, tiêu cực…

   Rất nhiều nữ CNVCLĐ nhà trường đảm nhiệm ở nhiều vị trí trọng trách khác nhau, nhưng tất cả chị em đều có một điểm chung là trách nhiệm, gương mẫu, sáng tạo, tận tụy, vượt qua khó khăn, không ngừng vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công. Các chị em đủ “Tự tin” trong công việc, “Tự trọng” trong lối sống, “đảm đang” trong gia đình nên từng bước khẳng định năng lực, uy tín của mình với tổ chức, đồng nghiệp và gia đình.

  “Tự tin” thể hiện trong sự chuyển đổi hành vi chị em nhận nhiệm vụ, trọng trách được giao, hơn thế còn tham mưu cho lãnh đạo hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra trong đơn vị công tác. Với phẩm chất “Tự trọng”, “Trung hậu” “Đảm đang” chị em đã khắc phục mọi khó khăn, cần cù, sáng tạo trong công việc, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong giảng dạy, trong công việc văn phòng. Đặc biệt, chị em đã tích cực đóng góp vào hoạt động nghiên cứu khoa học đảm nhận thực hiện nhiều đề tài, nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, cấp quốc gia được áp dụng vào thực tiễn.

Thời gian tới, phát huy truyền thống, kế thừa các thành quả to lớn của cuộc vận động rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức trên và các phong trào cuộc vận động khác của Hội, của Liên đoàn, nữ CNVCLĐ nhà trường tiếp tục học tập, rèn luyện xây dựng một đội ngũ nữ CNVCLĐ ngày càng vững mạnh, thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong công tác, hoạt động nhà trường. Nữ CNVCLĐ trường Đại học hạ Long tiếp tục phát huy dân chủ, cần cù, năng động, sáng tạo, trách nhiệm trong xây dựng nhà trường, xây dựng đất nước phát triển nhanh, bền vững, xây dựng gia đình hạnh phúc, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ, thực hiện mục tiêu vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới; tiếp tục hưởng ứng phong trào thi đua và các cuộc vận động của Hội, Liên đoàn: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và hai cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”; “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

“Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” – 4 phẩm chất đạo đức cốt lõi phụ nữ VN cần phấn đấu rèn luyện trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với vai trò vừa là một công dân nhưng cũng vừa là một người mẹ, người thầy đầu tiên của mỗi con người, người thầy của lớp lớp thế hệ sinh viên sau này, cán bộ, viên chức, lao động nữ trường Đại học Hạ Long sẽ là người gìn giữ, phát huy và trao truyền những giá trị truyền thống tốt đẹp nói trên.

Cũng chính vì vậy, nữ cán bộ viên chức lao động trường Đại học Hạ Long thời nay muốn hoàn thiện bản thân để đáp ứng những đòi hỏi của xã hội cần phải học tập, rèn luyện không ngừng, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, hiểu được bản chất, biểu hiện cụ thể của từng phẩm chất trên để phấn đấu hoàn thành tốt mọi chức trách, nhiệm vụ. Người phụ nữ không thể tự tin, tự trọng hay trung hậu, đảm đang nếu không có kiến thức, không có kỹ năng nghề nghiệp tốt để phấn đấu gây dựng gia đình và sự nghiệp. Đối với người cán bộ giảng viên, viên chức lao động trong môi trường giáo dục yêu cầu đó lại càng đặt ra nghiêm túc hơn bao giờ hết. Nhất là trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước có nhiều tác động cả tích cực lẫn tiêu cực tới người phụ nữ nói riêng và mọi người trong toàn xã hội nói chung, đặc biệt có một bộ phận phụ nữ trẻ, một bộ phận các em nữ sinh viên sống gấp, sống buông thả. Trước thực trạng đó, nữ CBVCLĐ trường cần phải là một tấm gương tốt và thường xuyên chủ động định hướng tuyên truyền, giáo dục sinh viên, vận động chị em phụ nữ phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện bản thân.

Với người phụ nữ nói chung, nữ CBVCLĐ nhà trường nói riêng việc giáo dục, định hướng các giá trị về phẩm chất đạo đức lại càng trở nên quan trọng bởi họ có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Họ vừa là công dân, vừa là người mẹ, vừa là người thầy đầu tiên của mỗi con người. Họ chính là người giữ gìn, phát huy, trao truyền những giá trị đạo đức, văn hóa cho các thế hệ tương lai.

Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang luôn là phẩm chất đạo đức truyền thống tốt đẹp, góp phần thể hiện vai trò làm vợ, làm mẹ của người phụ nữ, đồng thời khẳng định vị thế của chị em trong gia đình, cộng đồng và xã hội. Trong giai đoạn hiện nay, việc phát huy những phẩm chất đạo đức ấy càng có ý nghĩa hơn, giúp người phụ nữ đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi của thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Nữ CBVCLĐ trường Đại học Hạ Long quyết tâm phấn đấu rèn luyện trở thành một nửa hữu ích góp sức xây dựng và phát triển nhà trường, quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, phồn thịnh.

Ban truyền thông Công đoàn trường

BÌNH LUẬN