Thứ Năm, 2/1/2020 | 08:12 GMT +7

Những đô thị đại học xứng tầm quốc gia

Quảng Ninh là địa phương nằm trong tam giác tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Do đó, nguồn nhân lực có vai trò đặc biệt quan trọng cho sự phát triển KT-XH của địa phương. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tỉnh đã xây dựng, ban hành nhiều cơ chế, chính sách, nhằm thu hút, khuyến khích và thúc đẩy xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, như thành lập Trường Đại học Hạ Long và chấp thuận việc đầu tư thành lập Trường Đại học FLC, với mong muốn xây dựng, phát triển những đô thị đại học xứng tầm quốc gia.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thăm khu đô thị Chạp Khê (TP Uông Bí) phục vụ cho định hướng phát triển Đại học Hạ Long giai đoạn tới (tháng 8/2019). Ảnh: Thu Chung

Nhiều năm trở lại đây, trong tầm nhìn chiến lược phát triển của Quảng Ninh, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao được xác định là một trong ba đột phá chiến lược. Theo Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Quảng Ninh đặt mục tiêu xây dựng đội ngũ nhân lực có quy mô, cơ cấu, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển KT – XH; đặc biệt là các ngành có tiềm năng, thế mạnh nổi trội như dịch vụ du lịch, công nghiệp giải trí.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bên cạnh việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thu hút, khuyến khích và thúc đẩy xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, tỉnh còn tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, ưu tiên xây dựng các cơ sở hạ tầng, dịch vụ đồng bộ đạt đẳng cấp quốc tế, nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến học tập, làm việc tại Quảng Ninh.

Theo đó, tháng 8/2019, UBND tỉnh đã ra Quyết định chủ trương đầu tư dự án Trường Đại học FLC tại các phường: Hà Lầm, Hà Trung (TP Hạ Long).  Mục tiêu dự án là đầu tư xây dựng cơ sở vật chất nhằm phát triển trung tâm giáo dục đại học đa ngành đa lĩnh vực, thu hút các nhà giáo, nhà khoa học tài năng và giàu kinh nghiệm tham gia giảng dạy.

Từ đó, mang lại cơ hội học tập trong môi trường tiêu chuẩn quốc tế, cơ sở vật chất hiện đại, chương trình đào tạo cập nhật xu hướng thế giới dành cho sinh viên để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động Việt Nam và quốc tế. Dự kiến quy mô đào tạo của trường là 7.600 sinh viên. Tổng vốn đầu tư của dự án dự kiến trên 3.800 tỷ đồng.

Bộ trưởng GD&ĐT cùng các đại biểu nhấn nút khởi công Trường Đại học FLC tháng 8/2019. Ảnh: Thanh Tùng

Tại lễ khởi công Trường Đại học FLC vào cuối tháng 8/2019, đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, nguồn nhân lực chất lượng của tỉnh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Đặc biệt, thực trạng thiếu cả lao động có tay nghề cao lẫn đội ngũ chuyên gia đầu ngành, cán bộ có trình độ chuyên môn, quản lý giỏi… đang là điểm nghẽn, cần sớm được tháo gỡ. Trong bối cảnh đó, tỉnh Quảng Ninh nhận được đề xuất thành lập Trường Đại học FLC của Tập đoàn FLC.

Tại Quảng Ninh, Tập đoàn FLC là nhà đầu tư chiến lược, có năng lực, kinh nghiệm và sự chuyên nghiệp trong việc triển khai nhiều dự án hạ tầng trọng điểm. Trường Đại học FLC sau khi đi vào vận hành sẽ là bước tiến mới cho hoạt động giáo dục – đào tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ của tỉnh, mà còn của cả đất nước; phù hợp mục tiêu của Bộ Chính trị, phát triển Quảng Ninh trở thành đầu mối kết nối vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với các vùng kinh tế trong nước, khu vực và thế giới. Quảng Ninh cam kết sẽ tiếp tục đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để dự án được triển khai thực hiện, đi vào hoạt động theo đúng nội dung và tiến độ đặt ra.

Cơ sở vật chất tại Cơ sở 1, Trường Đại học Hạ Long (TP Uông Bí) ngày càng khang trang, hiện đại.

Bên cạnh việc đồng hành để xây dựng dự án Trường Đại học FLC, thời gian qua, tỉnh còn có nhiều cơ chế, chính sách cho Trường Đại học Hạ Long – trường đại học đa ngành đầu tiên của tỉnh. Đơn cử như: Chính sách khuyến khích thu hút nguồn giảng viên chất lượng cao về công tác tại nhà trường; chính sách mời giảng viên trình độ cao tham gia thỉnh giảng; chính sách hỗ trợ cho sinh viên về học phí, ký túc xá, mua sắm đồ dùng học tập, khen thưởng những sinh viên có thành tích học tập tốt.

Đồng thời, trường còn tiếp nhận trên 70 tình nguyện viên, chuyên gia thuộc các tổ chức quốc tế; gần 100 lượt giảng viên là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ từ các trường đại học, viện nghiên cứu ở trong và ngoài nước về thỉnh giảng tại trường. Ông Trần Trung Vỹ, Hiệu phó Trường Đại học Hạ Long cho biết: Đây là những chính sách hỗ trợ đặc biệt, tốt nhất trên phạm vi cả nước cho đến nay. Hiện trường đã có 30 tiến sĩ và 10 nghiên cứu sinh, 100% giảng viên là thạc sĩ; đã mở được 11 mã ngành đại học.

Phối cảnh Trường Đại học FLC.

Quảng Ninh đang phấn đấu trở thành một trong những đầu tàu phát triển của khu vực phía Bắc. Vì vậy, yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao là rất cần thiết. Việc phát triển Đại học Hạ Long, khởi công Đại học FLC, bên cạnh sự quan tâm, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn tỉnh như: Đại học Công nghiệp Quảng Ninh, Đại học Ngoại thương cơ sở Quảng Ninh, chắc chắn sẽ tạo ra sự thay đổi, tạo động lực tăng trưởng cho tỉnh, sẽ có những bứt phá mạnh mẽ hơn trong những năm tới.

Lan Anh (Báo Quảng Ninh)

BÌNH LUẬN