Thứ Sáu, 21/6/2024 | 09:44 GMT +7

Kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2024)

Ngày 21/6 – Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam là ngày có ý nghĩa đặc biệt đối với tập thể nhà văn, nhà báo trên toàn đất nước nói chung và các cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên tại Trường Đại học Hạ Long nói riêng.

Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam là ngày kỷ niệm sự ra đời của tờ báo Cách mạng đầu tiên của nước ta, cơ quan ngôn luận của tổ chức “Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội”. Ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Báo “Thanh niên” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra mắt số đầu tiên thì báo chí cách mạng Việt Nam mới bắt đầu hình thành. Báo Thanh niên số 1 ra ngày 21/6/1925, tại số nhà 13, đường Văn Minh, Quảng Châu, Trung Quốc, đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Ngôi nhà trên cũng chính là trụ sở Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội – tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại đây, báo được chuyển về nước bằng nhiều con đường bí mật và được phổ biến rộng rãi trong nhân dân, tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam.

Từ khi Báo “Thanh niên” ra đời, báo chí Việt Nam đã giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Báo “Thanh niên” đã mở đầu cuộc cách mạng tư tưởng, đưa nền tảng tư tưởng truyền thống của dân tộc lên một tầm cao mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đào tạo lớp làm báo vô sản đầu tiên của Việt Nam.

Hình ảnh Bác Hồ với các phóng viên báo đài

     Với ý nghĩa đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra Quyết định số 52 ngày 05/02/1985, lấy ngày 21/6 hằng năm là Ngày báo chí Việt Nam nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí. Ngày 21/6/2000, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi Ngày báo chí Việt Nam là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

     Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, hàng loạt các báo, tạp chí lần lượt ra đời phục vụ tích cực cho xây dựng Đảng, tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối cách mạng của Đảng, kiên quyết chống đế quốc, phong kiến, chuẩn bị điều kiện để đón thời cơ đưa cách mạng tiến lên một cao trào mới. Có nhiều báo, tạp chí đã ra đời ngay trong các nhà tù của đế quốc như: Lao tù tạp chí, Đuốc đưa đường, Đường cách mạng, Con đường chính, Hoả lò Hà Nội, Bôn-sê-vích, Nhà tù Buôn Ma Thuột, Người tù đỏ, Qua tiếng sóng hận, Hòn Cau, Ý kiến chung ở Côn Lôn, Nẻo nhà pha ở nhà tù Quảng Nam,… Báo chí đã kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, phục vụ tích cực cho việc xây dựng lực lượng vũ trang tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945. Dưới chế độ dân chủ nhân dân, báo chí cách mạng đã xuất bản công khai với số lượng lớn. Đặc biệt, báo chí trong nước đã đến với một số Đảng anh em và bạn bè trên thế giới, nhờ đó mà nhân dân thế giới ngày càng hiểu rõ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta, đồng tình và ủng hộ sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam. Ngày 2/6/1950, Hội Nhà báo Việt Nam được thành lập đã đoàn kết rộng rãi các nhà báo trong nước. Tháng 7/1950, Hội Nhà báo Việt Nam gia nhập Tổ chức Quốc tế các nhà báo OIJ.

     Trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Báo chí cách mạng Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Những tờ báo từ kháng chiến chống Pháp được phát triển để phục vụ nhiệm vụ mới. Nhiều cơ quan nghiên cứu khoa học, tuyên truyền, lý luận, tổ chức, kỹ thuật và các tỉnh đều xuất bản báo. Một số tờ báo tiếng nước ngoài đã được xuất bản để giới thiệu Việt Nam với bạn bè quốc tế, góp phần đấu tranh trên mặt trận ngoại giao.  Báo chí cách mạng Việt Nam đã đồng hành cùng dân tộc, góp phần làm nên những thành tựu vĩ đại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Suốt chiều dài hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, những người làm báo đã vượt lên mọi khó khăn, không quản hy sinh, có mặt trên tất cả các mặt trận để kịp thời phản ánh mọi diễn biến của cuộc chiến đấu. Hàng nghìn lượt cán bộ, phóng viên báo chí đã sát cánh cùng bộ đội, dân công chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên các mặt trận. Hơn 400 nhà báo – liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng nước nhà.

     Ngày nay, báo chí đã đi sâu vào thực tiễn đời sống, phát hiện, giới thiệu, cổ vũ các mô hình kinh tế mới, nhân tố mới, người tốt, việc tốt. Trong các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng Đảng đã được Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII xác định, vai trò của báo chí được nhấn mạnh:  Phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; chủ động định hướng, cung cấp thông tin thường xuyên hoặc đột xuất; chú trọng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thành quả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt.

Để nâng cao hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Hạ Long, một trong những yêu cầu cấp thiết đặt ra là cần phải có một tạp chí khoa học để trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, giữa cán bộ, giảng viên, học viên trong và ngoài Nhà trường. Để đáp ứng yêu cầu đó, từ năm 2021, Tạp chí Khoa học Đại học Hạ Long đã ra đời với mục đích thông tin chuyên sâu, giới thiệu, đăng tải kết quả nghiên cứu khoa học, trao đổi kinh nghiệm đào tạo, nghiên cứu ứng dụng về khoa học và công nghệ phù hợp với các ngành đào tạo của Trường Đại học Hạ Long. Từ đó đến nay, Tạp chí Khoa học Đại học Hạ Long đã xuất bản được 13 số phát hành định kỳ 3 tháng một lần, trong đó có 02 số chuyên san. Nội dung của tạp chí chủ yếu nhằm cung cấp tư liệu, trao đổi thông tin, phổ biến kiến thức trên các lĩnh vực Du lịch, Văn hóa, Ngôn ngữ, Công nghệ thông tin, Môi trường, Thủy sản, Giáo dục học, Văn học, Kinh tế, Triết học, Chính trị học, Tâm lý học.

Hình ảnh Tạp chí Khoa học Đại học Hạ Long

Những năm qua, được sự quan tâm của UBND tỉnh, dưới sự lãnh đạo chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường; sự phối hợp, giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các giảng viên, nghiên cứu viên trên toàn quốc… Tạp chí Khoa học Đại học Hạ Long đã tập trung làm tốt công tác truyền thông, quảng bá thường xuyên tới các đối tác tiềm năng từ trong trường, trong tỉnh đến khu vực và toàn quốc, có cơ chế khuyến khích các tác giả có cộng tác nhiều lần đăng bài trên tạp chí để tạo hệ thống cộng tác viên thân thiết và duy trì lượng bài ổn định cho tạp chí, thực hiện cập nhật trên trang tạp chí online VJOL của Bộ Khoa học và Công nghệ góp phần mở rộng khả năng tra cứu và quảng bá tên tuổi tạp chí. Tuy là một tạp chí non trẻ nhưng Tạp chí khoa học Đại học Hạ Long luôn kiên định tôn chỉ mục đích, đảm bảo quy trình hoạt động, coi trọng chất lượng khoa học của các bài viết.

Hội nghị Sơ kết 2 năm hoạt động Tạp chí Khoa học Đại học Hạ Long

Tại Chương trình Gặp mặt kỷ niệm 99 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam và trao giải báo chí tỉnh Quảng Ninh năm 2023, 11 hội viên là các cán bộ, giảng viên đang công tác tại Trường Đại học Hạ Long đã được kết nạp vào Hội Nhà Báo Việt Nam. Đây là một dấu mốc đặc biệt nhằm tôn vinh những người làm nghiên cứu đang ngày đêm cống hiến cho sự nghiệp báo chí nước nhà của Trường Đại học Hạ Long.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh trao quyết định chuẩn y kết nạp, trao thẻ hội viên cho các hội viên là cán bộ, giảng viên Trường Đại học Hạ Long

Nguyễn Thúy Ngân – Phòng HTQT&QLKH

BÌNH LUẬN