Thứ Tư, 23/8/2023 | 13:51 GMT +7

Giảng viên khoa Nghệ thuật, trường Đại học Hạ Long, tham gia Trại sáng tác tại các tỉnh Miền Đông Nam Bộ và Đồng Bằng sông Cửu Long năm 2023

Thực hiện theo Kế hoạch số 07/ KH-HVHNT, ngày 16/02/2023 của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh về tổ chức các hoạt động văn học, nghệ thuật năm 2023, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh tổ chức chuyến đi thực tế sáng tác cho hội viên tại các tỉnh miền Đông […]

Thực hiện theo Kế hoạch số 07/ KH-HVHNT, ngày 16/02/2023 của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh về tổ chức các hoạt động văn học, nghệ thuật năm 2023, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh tổ chức chuyến đi thực tế sáng tác cho hội viên tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian từ 15/08 đến 19/08/ 2023. Với mục đích “khơi nguồn cảm hứng, tạo điều kiện cho các văn nghệ sĩ đi thực tế lấy tư liệu để đưa vào các tác phẩm nghệ thuật”, chuyến đi thực tế lần này mong muốn các tác giả sáng tác được những tác phẩm có chất lượng tốt, có giá trị tư tưởng, nghệ thuật mang tính lịch sử, văn hóa, thể hiện đậm nét dấu ấn về con người cũng như tiềm năng thế mạnh của vùng đất miền Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Khu Du lịch Xẻo Quýt – Huyện Cao Lãnh – Tỉnh Đồng Tháp

Đoàn đã tham gia thực tế sáng tác tại các tỉnh: Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp. Thành phần tham gia Đoàn thực tế sáng tác lần này gồm 12 thành viên đại diện cho 08 chuyên ngành sáng tác của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh. Đồng chí Phạm Hùng Cường – Trưởng ban sáng tác – làm trưởng đoàn cùng các đồng chí: Ngô Trung Hòa – Chi hội trưởng Văn nghệ dân gian, Vũ Thị Thiệu – Chi hội trưởng Chi hội Văn học, Nguyễn Văn Nghĩa – Chi hội Thơ, Nguyễn Viết Quang – Chi hội Mỹ thuật, Phạm Ngọc Long – Chi hội Nhiếp Ảnh, Nguyễn Đức Thành – Chi hội Nhiếp Ảnh và đồng chí Nguyễn Thị Thanh Huyền – Chi hội Múa, Giảng viên trường Đại học Hạ Long. Ngoài ra, còn có sự tham gia của các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh như đồng chí Vũ Hồng Sơn – nguyên Chủ tịch HĐND thành phố Hạ Long (Chi hội Âm nhạc), đồng chí Nguyễn Tiến Thu – nguyên Giám đốc sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh (Chi hội Văn học), đồng chí Phạm Ngọc Thành – nguyên Chủ tịch Hội VHNT (Chi hội Điện ảnh, Truyền hình), đồng chí Đặng Văn Xuyên –  nguyên Giám đốc Cung Văn hóa lao động Việt – Nhật (Chi hội Âm nhạc).

Chuyến đi thực tế giúp các thành viên trong đoàn có thêm những trải nghiệm thú vị ở các tỉnh Long An và Đồng Tháp. Tại Làng nổi Tân Lập tỉnh Long An, vào mùa nước nổi, bốn bề đồng ruộng chìm ngập trong nước, từ trên cao nhìn xuống tựa như những chiếc bè xanh khổng lồ nổi bồng bềnh giữa biển nước trắng xóa. Tất cả tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp đầy màu sắc. Điểm đến tiếp theo là tỉnh Đồng Tháp, đoàn chúng tôi ghé thăm khu di tích lịch sử cách mạng Xẻo Quýt thuộc huyện Cao Lãnh, nơi các cơ quan của tỉnh ủy Đồng Tháp đã hoạt động trong chiến tranh chống Mỹ trước đại thắng Mùa xuân năm 1975. Giữa bốn bề biển nước mênh mông ken dầy những cây tràm, những cây dừa, những cây mắm…là cơ quan tỉnh ủy Đồng Tháp, nơi đây khi xưa từng là căn cứ hoạt động cách mạng và ngày nay đã được phục dựng rất sống động. Mỗi bước chân chúng tôi đi qua đều ghi dấu những chiến tích lịch sử tạo nên chiến thắng Mùa Xuân 1975 đầy ý nghĩa và hào hùng.

Hành trình tiếp theo, chúng tôi ghé thăm Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Trà Vinh. Tại đây đoàn đã được đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa hiện là Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Trà Vinh đón tiếp rất long trọng. Hai đơn vị đã trao đổi kinh nghiệm và đưa ra những sáng kiến để hội viên của hai tỉnh có điều kiện giao lưu, quảng bá các tác phẩm nghệ thuật nhiều hơn nữa. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh, đồng chí Phạm Hùng Cường đã trân trọng gửi lời mời của Hội VHNT tỉnh Quảng Ninh đến các nghệ sĩ của tỉnh Trà Vinh tham gia Cuộc thi sáng tác các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh.

Mỗi chuyến đi, chúng tôi lại góp nhặt thêm được một miền cảm xúc mới, mỗi nơi trên dải đất hình chữ S thiêng liêng đều ghi lại những dấu tích của lịch sử, văn hóa, con người. Đó là minh chứng tạo nên bản sắc văn hóa riêng biệt của mỗi vùng miền. Khi đến Bảo tàng Văn hóa dân tộc KhơMe ở tỉnh Trà Vinh, chúng tôi như được hòa mình vào vùng đất và con người nơi đây, được cô hướng dẫn viên giới thiệu điệu múa Rô – băm của người KhơMe. Đây là điệu múa đan xen giữa múa cổ điển và dân gian. Tư thế múa tay của nữ bắt nguồn từ múa cổ điển với 5 thế tay: Lia (lá), Chip (nụ), Chong Ol (chồi), Phka (Hoa), Khuông (quả). Kết hợp với 7 tư thế tay là 7 tư thế của chân. Trong nghệ thuật Rô – Băm, điệu múa Kin nor (nàng tiên nữ) là một điệu múa tiêu biểu được lấy cảm hứng từ huyền tích về chim đực Kaynora và chim cái Kaynorray luôn nương tựa vào nhau, vượt qua sóng gió, đe dọa của muôn loài nhưng vẫn ở bên nhau. Chim Kaynor trở thành biểu tượng của lòng chung thủy, hạnh phúc của tình yêu đôi lứa. Năm 2019, nghệ thuật Rô băm của người KhơMe được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 Điệu múa Rô – băm của người KhMe

Ngày cuối cùng của chuyến đi, tập thể đoàn ngược về thành phố Hồ Chí Minh để bay về Quảng Ninh. Một buổi sáng cuối hành trình, mỗi anh chị em trong đoàn đều tự lo phương tiện và tìm những góc riêng để khám phá thành phố mà ai cũng đã từng nhiều lần có dịp đến. Đó là những cung bậc cảm xúc rất riêng khi ngang qua thành phố phương Nam sôi động này đúng vào những ngày thu rất đẹp. Cảm xúc về những miền đất đã đi qua vẫn còn nguyên vẹn trong trái tim chúng tôi. Hy vọng sau chuyến đi thực tế miền Tây Nam Bộ dù ngắn ngày nhưng chắc chắn sẽ để lại những dấu ấn không thể nào quên cho các văn nghệ sĩ trong đoàn. Từ những cảm xúc đẹp này, trong mỗi người chúng tôi đều có những dự định ấp ủ để sáng tạo thêm các tác phẩm mới có giá trị tư tưởng, nghệ thuật mang tính lịch sử, văn hóa về mảnh đất, con người miền Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Nguyễn Thị Thanh Huyền – Khoa Nghệ thuật

BÌNH LUẬN