Thứ Sáu, 2/8/2024 | 16:10 GMT +7

Đại học Hạ Long: Nâng cao chất lượng đào tạo từ các cơ chế, chính sách đặc thù

Trường Đại học Hạ Long có sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, nghiên cứu và giải quyết các vấn đề thực tiễn, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và cả nước. Từ khi thành lập, đã có rất nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, riêng có được xây dựng và triển khai nhằm tạo điều kiện cho trường từng bước xây dựng được danh tiếng và vị thế, đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của hoạt động giáo dục đào tạo, nhất là đối với việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trường Đại học Hạ Long với cơ sở vật chất ngày càng đồng bộ, hiện đại.

Xác định rõ yếu tố con người là yếu tố đặc biệt quan trọng, quyết định trực tiếp tới chất lượng đào tạo, Trường Đại học Hạ Long được tỉnh quan tâm đặc biệt, ban hành những cơ chế, chính sách riêng có, khác biệt với các địa phương trong nước. Từ năm 2015 đến năm 2020, HĐND tỉnh đã ban hành 8 nghị quyết riêng quy định về các cơ chế, chính sách đặc thù cho Trường Đại học Hạ Long, tập trung vào các nội dung, như: Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại trường; chế độ chi cho giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ thỉnh giảng tại trường; các chính sách thu hút sinh viên vào học ở các ngành đào tạo trình độ đại học của trường; chính sách thu hút giữ sinh viên tiếng Nhật học giỏi ở lại trường làm giảng viên…

Trong số đó, 3 Nghị quyết của HĐND tỉnh liên quan đến chính sách thu hút giảng viên về làm việc tại Trường Đại học Hạ Long đến năm 2020 đều là các chính sách rất quan trọng để nhà trường nhanh chóng có được đội ngũ giảng viên chất lượng, bảo đảm việc mở các ngành đào tạo đại học. Đến hết năm 2020, Trường Đại học Hạ Long đã thu hút, tiếp nhận và tuyển dụng được 21 giảng viên, trong đó có 14 tiến sĩ và 7 thạc sĩ. Các tiến sĩ, thạc sĩ được thu hút đã đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng đề án mở mã ngành mới, trở thành nòng cốt trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của trường. Trong quá trình làm việc, các tiến sĩ, thạc sĩ đã có nhiều ý tưởng mới, sáng tạo giúp trường đẩy mạnh công tác tuyển sinh, cải tiến phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo. Đến nay, Trường Đại học Hạ Long đã có 5 phó giáo sư, 41 tiến sĩ, 197 thạc sĩ; hiện có 11 nghiên cứu sinh và 8 giảng viên đang học cao học.

Một giờ học ngôn ngữ Anh của sinh viên Trường Đại học Hạ Long với chuyên gia nước ngoài.

Cùng với đó, với chính sách quy định đặc thù về chế độ chi cho giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ thỉnh giảng, thời gian qua, Trường Đại học Hạ Long đã mời được trên 500 lượt giảng viên là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đầu ngành về giảng dạy. Điều này không chỉ giải quyết tốt nhu cầu giảng viên chất lượng cao hỗ trợ về chuyên môn cho trường trong quá trình đầu mới xây dựng và phát triển, mà còn giúp đội ngũ giảng viên cơ hữu được chia sẻ chuyên môn, nghiên cứu khoa học và học thuật, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó, sinh viên trường cũng có nhiều cơ hội để học tập, tiếp xúc với các giảng viên giỏi, trình độ chuyên môn cao, tạo động lực để các em học tập, nghiên cứu.

Cụ thể hóa quan điểm “lấy sinh viên là trung tâm, chủ thể trong quá trình xây dựng và phát triển”, ngay từ khi thành lập, Trường Đại học Hạ Long đã nhận được hàng loạt các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút sinh viên vào trường; tạo các điều kiện tốt nhất để sinh viên có động lực phấn đấu học tập và rèn luyện. Trong đó, đáng chú ý nhất phải kể đến Nghị quyết 190/2015/NQ-HĐND ngày 23/3/2015 quy định một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích học tập đối với sinh viên học tại Trường Đại học Hạ Long. Đây là chính sách khuyến học đặc biệt, lớn nhất trong cả nước thời điểm đó, tạo điều kiện để trường thuận lợi trong công tác tuyển sinh trong 2 năm đầu tiên hoạt động 2015 và 2016. Với Nghị quyết 190, đã có 5.270 lượt sinh viên nhận được sự hỗ trợ, khuyến khích của tỉnh Quảng Ninh với tổng kinh phí hơn 8,7 tỷ đồng. Lứa sinh viên đầu tiên thụ hưởng chính sách đến nay đã ra trường và hầu hết đều có việc làm và thu nhập tương đối ổn định.

Chuyên gia tiếng Trung Hsieh Tso Yuan (đứng phía sau) hướng dẫn sinh viên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc viết thư pháp.

Thực hiện Nghị quyết số 187/2019/NQ-HĐND ngày 30/7/2019 về việc ban hành chính sách thu hút và khuyến khích sinh viên học tập trong một số ngành đào tạo, sinh viên học ở 6 ngành: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Quản trị khách sạn; Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống; Ngôn ngữ Nhật Bản; Ngôn ngữ Hàn Quốc và Nuôi trồng thủy sản từ năm học 2019-2020 đến hết năm học 2027-2028 đã, đang và sẽ được hưởng rất nhiều chính sách, như: Thưởng kết quả thi tuyển sinh đầu vào; miễn học phí, miễn phí ở KTX, hỗ trợ tiền mua đồ dùng học tập nếu có kết quả học tập, rèn luyện trong kỳ đạt từ khá trở lên; thưởng kết quả đầu ra nếu xếp loại học tập toàn khóa đạt loại Giỏi, Xuất sắc. Với chính sách này, mức hưởng cao nhất 1 sinh viên có thể đạt được trong 4 năm học sẽ lên tới 215 triệu đồng; mức hưởng thấp nhất cũng là 127 triệu đồng.

Qua 2 năm thực hiện, Nghị quyết số 187/2019/NQ-HĐND tiếp tục được bổ sung đối tượng thụ hưởng và nâng mức thưởng với Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND ngày 27/8/2021 về việc quy định chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt – Hàn Quảng Ninh và Trường Cao đẳng y tế Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh 6 ngành ưu tiên tại Nghị quyết số 187, tỉnh quyết định bổ sung thêm ngành Ngôn ngữ Trung Quốc và nâng cao các mức thưởng kết quả thi tuyển sinh đầu vào, hỗ trợ học phí, hỗ trợ tiền ăn, hỗ trợ tiền mua đồ dùng học tập, thưởng xếp loại học tập và rèn luyện loại Giỏi, Xuất sắc cuối mỗi học kỳ và thưởng kết quả đầu ra tốt nghiệp loại Giỏi, Xuất sắc… Kể từ khi thực hiện chính sách thu hút và khuyến khích sinh viên từ năm tuyển sinh 2019 đến nay, số lượng sinh viên hệ đại học của trường đã tăng rất nhanh, bình quân tăng 20%/năm; chất lượng đầu vào sinh viên cũng ngày càng được nâng cao. Mùa tuyển sinh năm 2024, đã có hơn 6.300 hồ sơ xét tuyển vào trường ở 22 ngành đào tạo trình độ đại học hệ chính quy.

20 sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc của Trường Đại học Hạ Long được vinh danh và nhận phần thưởng trong buổi lễ trao bằng tốt nghiệp năm 2024.

Là một trong số rất nhiều sinh viên đã được thụ hưởng chính sách khuyến khích học tập, em Lê Thị Thanh Hương, sinh viên năm thứ tư, khoa Nuôi trồng thủy sản K6, Trường Đại học Hạ Long, chia sẻ: Với điểm xét tuyển đầu vào 23,5 điểm, em đã được nhận tiền thưởng tuyển sinh là 15 triệu đồng ngay từ khi nhập học. Sau 3 năm học tập, rèn luyện tại trường với kết quả năm thứ nhất đạt loại Khá, năm thứ hai loại Giỏi và năm thứ ba có 1 học kỳ đạt loại Giỏi, 1 học kỳ đạt loại Xuất sắc, em đã được nhận rất nhiều học bổng với mức hưởng tổng cộng hơn 100 triệu đồng. Đây thực sự là nguồn động viên rất lớn đối với em để tiếp tục nỗ lực học tập, rèn luyện.

Còn em Nguyễn Thái Ngọc Linh, sinh viên năm hai ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc, với điểm đầu vào năm 2023 là 22,75 điểm, chia sẻ: Theo học tại Trường Đại học Hạ Long thực sự là một lựa chọn sáng suốt của em. Vì không chỉ được học tập trong một môi trường rất tốt, với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, các thầy cô giỏi, tâm huyết, yêu quý sinh viên… mà em còn được nhận rất nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích học tập. Khi vừa vào trường, em đã nhận được 15 triệu đồng tiền thưởng tuyển sinh đầu vào. Trong năm học đầu tiên, với kết quả xếp loại Giỏi, em còn được nhận các khoản học bổng, hỗ trợ học phí, tiền ăn, tiền đồ dùng học tập… tổng cộng hơn 27 triệu đồng. Mức hỗ trợ, khuyến khích này của nhà trường thực sự là một nguồn động viên rất lớn, là động lực thúc đẩy em cũng như nhiều bạn khác không chỉ lựa chọn Trường Đại học Hạ Long là nơi theo học, mà còn thúc đẩy chúng em nỗ lực, phấn đấu trong học tập và rèn luyện từng ngày để đạt được kết quả tốt, tiếp thu thật nhiều kiến thức và kỹ năng để làm hành trang cho chặng đường tương lai…

Trường Đại học Hạ Long và Trường Đại học Thành phố Asahikawa (Nhật Bản) kí kết thỏa thuận hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

Nhấn mạnh lại tác động tích cực từ những chính sách đặc thù của tỉnh tới sự phát triển vượt bậc của trường và kỳ vọng về chính sách mới cho định hướng phát triển giai đoạn mới, TS. Trần Trung Vỹ, Phó Hiệu trưởng Thường trực Trường Đại học Hạ Long, cho biết: Với vai trò là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trước hết cho tỉnh Quảng Ninh, sau là cho khu vực và cả nước, Trường Đại học Hạ Long sẽ tiếp tục tập trung duy trì và nâng cao quy mô, chất lượng đào tạo, nhất là đối với các lĩnh vực chủ chốt như: Du lịch, Ngoại ngữ, Sư phạm, Thủy sản, Kỹ thuật – Công nghệ; phấn đấu đến 2025, quy mô sinh viên chính quy đạt từ 7.000 đến 8.000 và ổn định từ 10.000 sinh viên sau năm 2025. Để thực hiện mục tiêu này, ngoài nỗ lực của nhà trường trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, hy vọng tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm sâu sát, hỗ trợ nhà trường về mặt cơ chế chính sách để thu hút thêm giảng viên chất lượng cao và giữ chân giảng viên hiện có; hỗ trợ xây dựng Trường Đại học Hạ Long theo định hướng Đô thị đại học với cơ sở vật chất ngày càng đồng bộ, hiện đại trên quy mô lớn hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển…

Minh Hà

BÌNH LUẬN