Ngày 12/4/2024, tại Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng, Câu lạc bộ khối đào tạo giáo viên nghệ thuật (thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Di sản nghệ thuật Việt Nam: bảo tồn và phát huy”.
Ngày 12/4/2024, tại Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng, Câu lạc bộ khối đào tạo giáo viên nghệ thuật (thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Di sản nghệ thuật Việt Nam: Bảo tồn và phát huy”. Sự kiện có sự tham gia của trên 150 đại biểu, gồm đại diện lãnh đạo Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, đại diện lãnh đạo của các bộ, ngành liên quan, đại diện lãnh đạo các cơ sở đào tạo giáo viên nghệ thuật và các nhà khoa học, giảng viên thuộc các cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu trong cả nước.
Về phía trường Đại học Hạ Long có PGS.TS Hoàng Thị Thu Giang – Phó Hiệu trưởng nhà trường cùng các thầy cô là Trưởng và Phó trưởng khoa Nghệ thuật.
Tại Hội thảo, các kết quả nghiên cứu và các kiến nghị, đề xuất giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản nghệ thuật Việt Nam đã được thảo luận. Cụ thể, Hội thảo lần này công bố kết quả nghiên cứu mới trong các lĩnh vực: Các khuynh hướng tiếp cận, lý thuyết mới về di sản nghệ thuật Việt Nam; Giá trị di sản nghệ thuật Việt Nam (bao gồm di sản vật thể và phi vật thể) đối với sự phát riển bền vững văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội; Giải pháp bảo tồn, phát huy tài nguyên di sản nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh giáo dục – đào tạo nghệ thuật hiện nay.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Đăng Phượng – Chủ nhiệm câu lạc bộ khối đào tạo giáo viên Nghệ thuật: Bảo tồn di sản nghệ thuật Việt Nam luôn là yếu tố cần thiết và quan trọng. Giữ gìn, phát huy âm nhạc dân gian và nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác chính là con đường giữ gìn nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS.TS Võ Văn Minh – Hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm – Đại học Đà Nẵng cho biết “Hội thảo Khoa học Quốc gia “Di sản nghệ thuật Việt Nam: Bảo tồn và phát huy” được tổ chức lần này có ý nghĩa rất lớn. Trong suốt chiều dài lịch sử, các thế hệ người Việt Nam đã không ngừng xây dựng, bồi đắp, hun đúc một nền văn hóa nghệ thuật thống nhất trong đa dạng và giàu bản sắc dân tộc. Thành quả sáng tạo, giữ gìn, trao truyền của thế hệ đi trước đã để lại cho chúng ta một kho tàng di sản nghệ thuật vật thể và phi vật thể đồ sộ và phong phú. Nhiều loại hình nghệ thuật đã được tổ chức UNESCO công nhận là di sản nghệ thuật đại diện của nhân loại, thể hiện sự trân trọng của quốc tế đối với các loại hình nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam. Thế hệ hôm nay, chúng ta có trách nhiệm gìn giữ và tiếp tục phát huy. Để làm được việc đó, giáo dục nghệ thuật nói chung và đào tạo giáo viên nghệ thuật nói riêng là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT hiện nay, giáo dục nghệ thuật càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết, góp phần kết nối tri thức và lan tỏa các giá trị tốt đẹp!”
Toàn cảnh hội thảo
Hội thảo đã nhận được gần 100 bài của hơn 200 tác giả là các nhà khoa học đến từ các đại học, trường đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc khối đào tạo giáo viên nghệ thuật, các viện, trung tâm nghiên cứu, các cơ sở giáo dục đại học trên toàn quốc. Tất cả các bài báo gửi đến Hội thảo đều được Ban Tổ chức mời các nhà khoa học uy tín để phản biện và nhận được sự đánh giá cao về mặt chất lượng. Ban tổ chức đã chọn được hơn 80 bài báo đăng trong Kỉ yếu Hội thảo.
Hội thảo được tổ chức với hai phiên:
Phiên toàn thể có 03 báo cáo được chọn trình bày, gồm các chủ đề: Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật hoa văn trang trí trên trang phục của người Mông, tỉnh Lào Cai trong bối cảnh công nghệ số (TS. Nguyễn Thị Minh Ngọc, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương); Bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát bả trạo của cư dân vùng biển Mân Thái, Thành phố Đà Nẵng (ThS. Nguyễn Thị Lệ Quyên, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng); Di sản nghệ thuật kiến trúc chùa Sleng tại tỉnh Trà Vinh, Việt Nam – Bảo tồn và tái tạo trong phát triển bền vững (KTS. Phạm Ngọc Thiên Ân, Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế kiến trúc xây dựng không gian hoàn hảo).
Phiên tiểu ban có 03 tiểu ban ứng với ba nội dung chính, gồm Di sản nghệ thuật phi vật thể Việt Nam; Di sản nghệ thuật vật thể Việt Nam; Bảo tồn và phát huy di sản nghệ thuật Việt Nam hiện nay.
Bên lề hội thảo còn diễn ra các hoạt động ý nghĩa: Công diễn các tác phẩm đạt giải trong Cuộc thi sáng tác của CLB Khối các trường đào tạo nghệ thuật; Trao Kỷ niệm chương cho các thành viên CLB, trao quyết định kiện toàn thành viên cho CLB và trao giải Cuộc thi Sáng tác ca khúc và logo về CLB Khối các trường đào tạo nghệ thuật.
PGS.TS Hoàng Thị Thu Giang (đứng thứ 3 từ trái vào) nhận Giấy chứng nhận các trường thành viên CLB Khối đào tạo giáo viên Nghệ thuật
Khoa Nghệ thuật