Sáng ngày 09/4/2024, tại thành phố Hạ Long, Khoa Nghệ thuật Trường Đại học Hạ Long tổ chức Hội thảo khoa học cấp khoa “Giải pháp Ứng dụng công nghệ số trong hoạt động đào tạo các ngành nghệ thuật”.
Tới dự Hội thảo có đồng chí Phan Thị Huệ (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long), cùng các đại diện các đơn vị: phòng Đào tạo, phòng HTQT&QLKH, và toàn thể giảng viên khoa Nghệ thuật.
Quang cảnh Chương trình Hội thảo
Bám sát theo chủ đề Hội thảo, các tham luận tập trung đưa ra các giải pháp nhằm hướng tới việc ứng dụng công nghệ số phù hợp theo từng chuyên ngành nghệ thuật khác nhau. Trong đó một số nội dung chủ yếu bao gồm:
+ Về cơ sở vật chất và trang thiết bị: đây là điều kiện cần và đủ để giúp thực hiện ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động.
+ Về yếu tố con người: đây được xem là yếu tố cốt lõi để làm lên thành công. Vì vậy việc thay đổi về nhận thức, tư duy, năng lực… là điều hoàn toàn cần thiết và cấp bách.
+ Một số giải pháp liên qua đến tính đặc thù chuyên môn: sử dụng các video mẫu, quay lại video buổi lên lớp cùng phân tích làm rõ các vấn đề giúp HS rút kinh nghiệm; sử dụng hình ảnh trực quan, video hướng dẫn kỹ thuật để thị phạm, hướng dẫn thực hành cho HSSV nhưng vẫn phải có những giờ thực hiện giảng dạy trực tiếp; Xây dựng các giáo án điện tử mẫu tạo sự mới mẻ, hấp dẫn, tăng tính tương tác với người học…
Ngoài các ý kiến tham luận của các thành viên khoa Nghệ thuật, các đại biểu tham dự cũng đóng góp thêm một số nội dung quan trọng mà khoa Nghệ thuật cần lưu ý: các đ/c đại biểu đánh giá cao về hoạt động nghiên cứu khoa học của Khoa Nghệ thuật trong những năm gần đây. Về việc ứng dụng công nghệ số trong giảng dạy là cần thiết, cần hiểu được bản chất của việc chuyển đổi công nghệ số là gì? Muốn chuyển đổi cần có những gì? Từ đó tiến hành chuyển đổi cho phù hợp với đặc thù của từng chuyên ngành.
Với tinh thần xây dựng và thẳng thắn nhận định vấn đề, Hội thảo đã thảo luận nghiêm túc các nội dung tham luận, từ đó chỉ ra được những thuận lợi, khó khăn, những nội dung cần điều chỉnh, những nội dung cần cân nhắc.
Sau khi nghe các ý kiến trao đổi tại Hội thảo, đồng chí Phan Thị Huệ có những ý kiến phát biểu chỉ đạo, định hướng trong việc ứng dụng công nghệ số vào phát triển các ngành nghề đào tạo tại đơn vị (trong đó cần lưu ý hướng tới mục tiêu: khoa Nghệ thuật, trường Đại học Hạ Long là một trong các cơ sở đào tạo nghệ thuật tiêu biểu, đạt hiệu quả cao trong việc ứng dụng công nghệ số). Đồng chí cũng mong và đề nghị, tập thể khoa Nghệ thuật nêu cao tinh thần đoàn kết, tiếp tục học tập nâng cao nhận thức cũng như năng lực bản thân, để ứng dụng công nghệ số phù hợp với thực tiễn giảng dạy các chuyên ngành đặc thù tại đơn vị.
Thay mặt tập thể, đồng chí Trần Vũ Lâm – Trưởng khoa Nghệ thuật đã lĩnh hội, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí phó Hiệu trưởng nhà trường, đồng thời kết luận một số vấn đề cần tập trung của đơn vị trong thời gian tới:
Đ/c Phan Thị Huệ – phát biểu chỉ đạo Hội thảo
+ Trước mắt, cần nhận định vấn đề như một số đại biểu đã gợi ý: tiếp nhận công nghệ số để giúp thay đổi các yếu tố truyền thống theo hướng phát triển tích cực.
+ Yếu tố con người: mỗi cá nhân trong đơn vị cần xác định đổi mới tư duy, nhận thức, tăng cường trau dồi học tập, trong đó cần chú trọng nghiên cứu để tìm ra những giải pháp ứng dụng công nghệ số thật sự phù hợp với chuyên môn của mình. Bên cạnh đó, lãnh đạo đơn vị cũng cần có những đề xuất về việc hỗ trợ các lớp bồi dưỡng, bổ sung CSVC, trang thiết bị….
+ Tiếp tục phát triển những việc đã và đang thực hiện: để có được nền tảng vững chắc trong việc ứng dụng công nghệ số vào đào tạo, trước mắt cần duy trì việc số hoá các GT/TL dạy học (đang thực hiện theo yêu cầu chung của nhà trường). Ngoài ra, cần nghiên cứu xây dựng thí điểm một số giáo án điện tử của các chuyên ngành khác nhau.
+ Trong các giai đoạn tiếp theo: nghiên cứu, tham mưu cùng Ban Giám hiệu nhà trường, xây dựng các chương trình đào tạo có sự phối kết hợp của các ngành Nghệ thuật, cùng ngành Công nghệ thông tin, định hướng mở các mã ngành mang tính thực tiễn, theo xu thế phát triển chung của xã hội.
Sau thời gian làm việc nghiêm túc, có trách nhiệm, Hội thảo đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp có giá trị cho sự phát triển khoa Nghệ thuật. Hy vọng trong thời gian tới, giải pháp ứng dụng công nghệ số trong hoạt động đào tạo các ngành nghệ thuật sẽ ngày càng phát triển và đạt được những thành quả đáng mong đợi.
Chu Thu Trang – khoa Nghệ thuật