Thứ Bảy, 22/8/2020 | 10:41 GMT +7

Trường ĐH Hạ Long: Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh

Thành lập từ năm 2014, Trường Đại học Hạ Long là ngôi trường đại học đa cấp, đa ngành đầu tiên, duy nhất của tỉnh Quảng Ninh. Sau gần 6 năm xây dựng, phát triển, ngôi trường đã khẳng định được vị thế là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và các địa phương lân cận.

Khuôn viên cơ sở 1, Trường Đại học Hạ Long.

Thu hút 14 tiến sĩ, 4 thạc sĩ

Còn nhớ, thời điểm tháng 12/2015, sau khi thành lập được 1 năm, Trường Đại học Hạ Long chỉ có 205 giảng viên, 12 trình độ tiến sĩ, 140 trình độ thạc sĩ. Thế nhưng, sau 5 năm, tính đến tháng 5/2020, Trường đã có 217 giảng viên, 32 tiến sĩ, 184 thạc sĩ, 7 người đang làm nghiên cứu sinh.

Theo đó, giai đoạn 2015-2020, nhờ các chính sách ưu đãi của tỉnh, Trường đã thu hút được 18 giảng viên, trong đó có 14 tiến sĩ và 4 thạc sĩ. Về chính sách thỉnh giảng, sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết số 20/2016/NQ-HĐND, Trường đã mời 145 lượt giảng viên (2 giáo sư, 36 phó giáo sư, 107 tiến sĩ) tham gia giảng dạy 211 học phần, ứng với 10.478 giờ dạy.

Cùng với đó, quy mô HSSV của nhà trường cũng không ngừng được tăng lên. Cụ thể, thời điểm năm học 2015-2016, toàn trường chỉ có 2.552 HSSV, trong đó có 288 sinh viên hệ đại học. Tới năm học 2019-2020, quy mô HSSV toàn trường đã tăng lên thành 3.880 em, trong đó có 2.291 sinh viên hệ đại học.

Ông Trần Trung Vỹ, Phó Hiệu trưởng Thường trực Trường Đại học Hạ Long cho biết: Năm học 2019-2020, Trường có 7/11 ngành đại học vượt chỉ tiêu đăng ký, gồm các ngành: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn, Khoa học máy tính, Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc, Ngôn ngữ Nhật, Ngôn ngữ Hàn Quốc. Số thí sinh là người ngoài tỉnh tăng lên hàng năm. Năm 2019, Trường có 105 thí sinh ở tỉnh ngoài trúng tuyển nhập học, chủ yếu ở các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, gấp 2 lần so với năm 2018.

Theo đó, năm 2019, Trường có 326 thí sinh trúng tuyển nhập học hệ đại học có điểm thi THPT Quốc gia của tổ hợp 3 môn từ 19 điểm trở lên, gấp 3 lần so với năm 2018; 224 thí sinh đạt 20 điểm trở lên, gấp 4,3 lần so với năm 2018; 144 thí sinh đạt 21 điểm trở lên gấp 9 lần năm 2018.

Cán bộ quản lý Trường Đại học Hạ Long họp bàn xây dựng kế hoạch đào tạo kế hoạch năm học 2020-2021.

Tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh

Được biết, năm học 2019-2020, dự án đầu tư công trình Trường Đại học Hạ Long giai đoạn I (phần cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất) đã hoàn thành. Nhà trường đã đưa vào sử dụng nhiều hạng mục công trình phục vụ giảng dạy và học tập như: Khối nhà giảng đường, hội trường; khối công trình thực hành, thí nghiệm ngành thủy sản, môi trường; khối công trình ký túc xá, nhà ở công vụ; khối công trình thể thao – quốc phòng; hạ tầng kỹ thuật và công trình phụ trợ.

Với dự án đầu tư xây dựng công trình Trường Đại học Hạ Long giai đoạn II, tại cơ sở 1, phường Nam Khê, TP Uông Bí, quy mô 1 tầng hầm, 19 tầng nổi, diện tích xây dựng hơn 1.000m2, cơ bản đã hoàn thiện, dự định đưa vào sử dụng đầu năm học 2020-2021. Công trình nhà thực hành du lịch 9 tầng và các hạng mục còn lại của dự án dự kiến hoàn thành xong toàn bộ dự án trong năm 2022 theo đúng lộ trình đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Phòng thí nghiệm của sinh viên Khoa Thủy sản.

Theo Trường Đại học Hạ Long, để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, giai đoạn 2020-2025, nhà trường xác định sẽ tiếp tục phát triển quy mô đào tạo, cơ cấu ngành ứng với trình độ đào tạo. Cùng với đó là đẩy mạnh phát triển nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, hợp tác quốc tế theo hướng ứng dụng, phục vụ cộng đồng; tăng cường đầu tư, phát triển cơ sở vật chất đáp ứng quy mô và yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tiến tới thực hiện lộ trình tự chủ.

Cụ thể, Trường sẽ tiếp tục quan tâm thực hiện tốt công tác bồi dưỡng, phát triển đội ngũ, đảm bảo 100% giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó phấn đấu hết năm 2021 có ít nhất 20% giảng viên có trình độ tiến sĩ.

Đi cùng với đó, nhà trường thực hiện chuẩn hóa đầu ra các chương trình đào tạo; rà soát, điều chỉnh 100% chương trình đào tạo các ngành đại học theo hướng mở, linh động; huy động doanh nghiệp tham gia đào tạo ít nhất 10% khối lượng kiến thức chuyên ngành đối với các ngành thuộc lĩnh vực du lịch. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng trong công tác đào tạo, tổ chức rèn nghề, giải quyết việc làm, đảm bảo ít nhất 90% sinh viên ra trường có việc làm.

Thư viện Trường Đại học Hạ Long phục vụ theo hình thức mở, sinh viên tự tra cứu và tìm kiếm tài liệu.

Trong tổ chức dạy học, Trường Đại học Hạ Long sẽ áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, quán triệt tinh thần lấy người học làm trung tâm, sử dụng hiệu quả CNTT và các ứng dụng nghiên cứu khoa học vào dạy học.

Lan Anh (Báo Quảng Ninh)

BÌNH LUẬN