Thứ Tư, 13/10/2021 | 16:29 GMT +7

Trung tâm Thông tin, Thư viện và Giao lưu văn hóa Việt – Nhật tiếp nhận tác phẩm văn học của tác giả Trần Trương (Hội viên Hội VHNT Quảng Ninh) dành tặng.

Sáng 13/10/2021, Trung tâm Thông tin, Thư viện và Giao lưu văn hóa Việt - Nhật Trường Đại học Hạ Long đã tiếp nhận 20 cuốn sách thuộc 02 tác phẩm văn học: “Một lần về Yên Tử” và “Người hành khất vĩ đại” của tác giả Trần Trương (Hội viên Hội văn học Nghệ thuật Quảng Ninh) dành tặng.

Đồng chí Hoàng Thị Thu Giang – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng đã thay mặt tác giả Trần Trương trao các tác phẩm văn học trên cho đồng chí Lê Mạnh Hà – Giám đốc Trung tâm Thông tin, Thư viện và Giao lưu văn hóa Việt – Nhật để bổ sung vào kho tài liệu của Nhà trường.

Đ/c Hoàng Thị Thu Giang bàn giao các tác phẩm văn học cho Đ/c Lê Mạnh Hà

Tác giả Trần Trương – nguyên Trưởng Ban Quản lý di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, nguyên Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh, hiện là Hội viên Hội văn học Nghệ thuật Quảng Ninh, đồng thời là Hội viên Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, là tác giả của nhiều tác phẩm giàu giá trị về Yên Tử như: Non thiêng Yên Tử (truyện tranh), Chùa Yên TửDanh nhân Yên TửPhật Hoàng Trần Nhân Tông (truyện lịch sử), Yên Sơn ký ức (truyện ký), Một lần về Yên Tử (truyện ký), …

Tác giả Trần Trương

Hai tác phẩm: “Một lần về Yên Tử” (truyện ký – xuất bản năm 2019) và “Người hành khất vĩ đại” (tập truyện – xuất bản năm 2020) mà tác giả Trần Trương dành tặng là những cuốn sách bổ ích với sinh viên Trường Đại học Hạ Long. Tác phẩm “Một lần về Yên Tử” là truyện ký phù hợp với sinh viên khối ngành khoa học xã hội và nhân văn, đặc biệt là sinh viên các ngành Du lịch, Văn hóa, Sư phạm, Ngoại ngữ, … bởi chứa đựng nhiều thông tin về non thiêng Yên Tử. Đến với tác phẩm, độc giả có thể được giải đáp nhiều câu hỏi như: Vì sao núi có tên Yên Tử?, “Yên Tử” là tên một ngọn núi hay là tên của cả một dãy núi?”, Vì sao Thượng hoàng Trần Nhân Tông chọn Yên Tử làm nơi tu hành?”, Đặc điểm không gian văn hóa Trúc Lâm Yên Tử?, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử được hình thành từ khi nào?…  Còn tác phẩm “Người hành khất vĩ đại” lại là một tập truyện có thể phù hợp với tất cả những sinh viên yêu văn học – lịch sử. Các tác phẩm trong tập truyện vừa chứa đựng nhiều thông tin lịch sử quý, vừa đậm chất văn học với ngôn từ trau chuốt, giàu hình ảnh. “Người hành khất vĩ đại” mang chở trong nó nhiều triết lí giáo dục, như: “Cái riêng” ở mỗi người không chỉ được tạo nên bởi hình thức bề ngoài, nó sẽ giá trị hơn, có sức hấp dẫn hơn và được người đời tôn trọng hơn nếu được tạo nên từ tâm hồn, trí tuệ cao đẹp và phù hợp với “cái chung” của cộng đồng…”; hay: “…Chỉ đến khi ra khỏi lũy tre làng và càng đi xa, chúng ta mới thấy cuộc đời rộng lớn và thật đẹp, lòng mình bao dung, rộng mở hơn!…” (Trần Trương). Thay mặt cho các thầy cô và các bạn sinh viên Nhà trường, Trung tâm Thông tin, Thư viện và Giao lưu văn hóa Việt – Nhật Trường Đại học Hạ Long xin trân trọng cảm ơn tác giả Trần Trương vì những tình cảm mà ông dành cho độc giả Trường Đại học Hạ Long. Kính chúc ông luôn thật nhiều sức khỏe, tiếp tục công hiến cho đời nhiều tác phẩm giá trị.

Cả hai tác phẩm “Một lần về Yên Tử”“Người hành khất vĩ đại”đều đã được nhập vào hệ thống sách của Trung tâm Thông tin – Thư viện và Giao lưu văn hóa Việt – Nhật, Trường Đại học Hạ Long. Xin mời các độc giả yêu văn chương, văn hóa tới Thư viện Trường để tìm đọc.

Hai tác phẩm được trưng bày tại Thư viện Trường Đại học Hạ Long

Trung tâm Thông tin – Thư viện và Giao lưu văn hóa Việt – Nhật, Trường Đại học Hạ Long hiện nay có hơn 13.000 đầu sách với hơn 90.000 cuốn. Sách tại Thư viện được sắp xếp tại 02 khu vực: Phòng đọc (phục vụ theo hình thức mở, tại chỗ) và Phòng mượn (cho sinh viên mượn sách về nhà nghiên cứu). Không gian thư viện hiện đại, có đầy đủ hệ thống wifi, ánh sáng, nước uống miễn phí… phục vụ tốt nhu cầu học tập của sinh viên Nhà trường. Trung tâm cũng có thư viện điện tử với hơn 1,5 triệu bản, được liên kết với các thư viện trên phạm vi cả nước… Độc giả có thể truy cập thư viện điện tử Trường Đại học Hạ Long tại địa chỉ: http://tvs.daihochalong.edu.vn/.

Trung Dũng

BÌNH LUẬN