Hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) trong trường đại học không chỉ là của Giảng viên mà còn là của sinh viên (SV) đang học tại nhà trường. Trong những năm gần đây, hoạt động NCKH trong SV tại trường Đại học Hạ Long được chú trọng đầu tư nhiều hơn. Số lượng và chất lượng của các đề tài của sinh viên ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, hoạt động này còn nhiều hạn chế và cần có được sự quan tâm nhiều hơn từ phía nhà trường, các giảng viên với vai trò là người định hướng, hướng dẫn đề tài; đặc biệt là sự quan tâm của các bạn sinh viên đang học tại Trường Đại học Hạ Long. Bài viết này với mục đích cung cấp một số thông tin liên quan đến hoạt động Nghiên cứu khoa học cho các bạn sinh viên đang học tập tại trường Đại học Hạ Long.
- Lợi ích của NCKH đối với sinh viên
Nghiên cứu khoa học là tổng hợp của nhiều hoạt động được thực hiện một cách có hệ thống và có phương pháp nhằm thu nhận các tri thức ở mức độ chuyên sâu cao. Lợi ích của NCKH cho sinh viên có thể chia là 2 nhóm lợi ích như sau:
Thứ nhất, tham gia NCKH sinh viên được học hỏi và nâng cao đáng kể về kiến thức và kinh nghiệm nghiên cứu khoa học. Sinh viên tham gia NCKH không ngừng được bổ sung, hoàn thiện kiến thức của mình thông qua việc tìm kiếm và đọc thêm các tài liệu, đặc biệt là các bài báo khoa học chuyên ngành. Nhờ đó, kiến thức và kỹ năng nghiên cứu khoa học của các bạn SV sẽ tăng lên. Thêm vào đó, SV có cơ hội được làm việc cùng với Giảng viên hướng dẫn (GVHD) nhờ đó sẽ có cơ hội học tập được các ý tưởng, kinh nghiệm, định hướng và chỉ dẫn cho vấn đề nghiên cứu của bản thân.
Thứ hai, hoạt động NCKH là giải giải quyết các vấn đề nghiên cứu đặt ra, do đó tham gia NCKH giúp SV tăng cường các kỹ năng bổ trợ cần thiết để giải quyết các vấn đề, nhiệm vụ cho công việc trong cuộc sống sau này như: kỹ năng đọc và thu thập thông tin, tư duy phản biện và đánh giá, kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng làm việc nhóm, năng lực ngoại ngữ, tin học…Trong đó, quan trọng nhất là khả năng tổng hợp, tư duy sáng tạo, tư duy phản biện và khả năng quan sát các sự vật, sự việc ở nhiều khía cạnh khác nhau để có cách hiểu toàn diện và có giải pháp giải quyết vấn đề một cách hiệu quả.
Sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Hạ Long
- Thuận lợi và khó khăn của SV trường Đại học Hạ Long khi tham gia NCKH
Trong thời gian học tập tại trường, việc SV tham gia hoạt động NCKH có những thuận lợi và khó khăn như sau:
2.1.Thuận lợi:
Thời gian linh động:
Trường đại học Hạ Long hiện nay đã chuyển đổi sang đào tạo theo học chế tín chỉ, cách thức này giúp SV chủ động hơn trong việc bố trí lịch học của mình sao cho thuận tiện nhất. Vì vậy, SV có nhiều thời gian để làm nghiên cứu khoa học hơn so với bậc phổ thông. Do đó, Sinh viên có khả năng thực hiện tốt nghiên cứu của mình nếu biết tận dụng và sử dụng hiệu quả thời gian.
Sức trẻ của SV
SV ngày nay đang sống trong thời kỳ bùng nổ về khoa học công nghệ 4.0, thời đại mới cũng như tuổi trẻ nhiệt huyết và đam mê. Sinh viên ngày nay tự tin hơn, chủ động hơn trong tìm kiếm ý tưởng, không ngại thể hiện ý tưởng của bản thân trước đám đông. Đặc điểm này là điều kiện cần thiết đối với NCKH, giúp các em khai phá sức sáng tạo đang tiềm ẩn để mở ra các hướng nghiên cứu mới, giải quyết các vấn đề nghiên cứu của thực tiễn. Chính sức trẻ, sự năng động sáng tạo và sự tự tin đã giúp các em theo đuổi ý tưởng và đam mê đến cùng.
2.2. Khó khăn
Lãng phí thời gian vào các nguồn lực khác
Bên cạnh các thuận lợi, sinh viên ngày nay cũng gặp không ít trở ngại đến con đường học tập và nghiên cứu khoa học. Đầu tiên phải kể tới việc xa gia đình các em không còn được quản lý chặt chẽ của gia đình, điều này đã tạo điều kiện cho những cái tiêu cực xâm nhập. Trong thời kỳ bậc học phổ thông trở về trước, sinh viên đã quen với việc có những hối thúc của cha mẹ và tính tự thân của các em rất thấp. Lên đại học thì các bạn SV sẽ trở nên lười và lãng phí nhiều thứ hơn như: Thời gian, tiền bạc, nguồn lực và cả sức trẻ của mình. Đa phần sinh viên không làm gì khác ngoài việc học và chơi, một phần rất nhỏ có tham gia NCKH. Ngoài ra, một phần nhỏ SV sử dụng thời gian của mình cho các hoạt động xã hội, tình nguyện, làm việc bán thời gian, … So với những bạn chỉ học và chơi, thì SV tham gia các hoạt động xã hội cũng được khuyến khích và đánh giá cao. Tuy nhiên, bên cạnh các bạn sinh viên biết phân bổ thời gian hợp lý thì vẫn có một bộ phận các bạn sinh viên vì quá mải mê tham gia những hoạt động xã hội mà bỏ bê hoặc không tập trung cho việc học tập và nghiên cứu khoa học.
Thiếu thông tin và hiểu biết nền về hoạt động NCKH
Nghiên cứu khoa học đòi hỏi sinh viên phải có kiến thức cần thiết về chuyên ngành, cũng như phương pháp nghiên cứu khoa học để có thể thực hiện được một đề tài/nhiệm vụ khoa học. Tuy nhiên, sinh viên còn thiếu kiến thức chuyên ngành và kĩ năng nghiên cứu khoa học, đặc biệt là sinh viên năm thứ nhất, năm thứ hai. Qua đánh giá các bài báo cáo tiểu luận, bài tập lớn, bài thực hành có thể nhận thấy Sinh viên thường có xu hướng sao chép các thông tin và không có xử lý về chuyên môn của bản thân trong các bài báo cáo. Để giải quyết được vấn đề này, cần tăng cường các học phần có nội dung hướng dẫn nghiên cứu khoa học và phải đảm bảo là sinh viên thích thú với nội dung NCKH. Riêng học phần hướng dẫn NCKH phải đảm bảo giúp sinh viên có các kiến thức nền về NCKH, đến khi các em vào năm thứ 3, thứ 4 đã phải thông thạo kỹ năng tìm kiếm tài liệu, đánh giá tính khả thi của đề tài… và GVHD khi đó không phải vất vả trong việc trang bị lại cho các sinh viên các kiến thức nền của NCKH.
Các bước cơ bản thực hiện một đề tài Nghiên cứu khoa học. (http://thongke.cesti.gov.vn/dich-vu-thong-ke/tai-lieu-phan-tich-thong-ke/727-trinh-tu-7-buoc-nghien-cuu-khoa-hoc)
Kỹ năng làm việc nhóm chưa cao
Kỹ năng làm việc nhóm là một trong các yêu cầu đặt ra trong chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo. Tuy nhiên, kỹ năng làm việc nhóm của sinh viên còn thấp, nguyên nhân của tình trạng này là do SV chưa có thói quen và kỹ năng giao tiếp trong hoạt động tập thể. Thêm vào đó, với xu hướng bùng nổ mạng xã hội sinh viên ngày nay đang có xu hướng tách mình khỏi thế giới bên ngoài. Nhận thức được vấn đề này, nhiều cuộc thi về NCKH đã cho phép sinh viên làm theo nhóm, đây là một cơ hội, nhưng cũng là thách thức đối với các bạn SV tham gia cuộc thi. Nhiều nhóm nghiên cứu đã thất bại đơn giản chỉ vì mâu thuẫn trong nội bộ nhóm về vấn đề phân công công việc, định hướng, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong nhóm,… Hệ quả, việc thiếu kĩ năng làm việc nhóm không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động NCKH mà còn gây ra tác động lâu dài đến thái độ sống và công việc của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Do đó, vấn đề kỹ năng làm việc nhóm yếu của sinh viên cần được xem xét và đánh giá kĩ lưỡng để tìm ra giải pháp phù hợp.
- Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động NCKH của sinh viên
Hoàn thiện về kiến thức chuyên môn và phương pháp nghiên cứu khoa học
Trường Đại học Hạ Long luôn đồng hành, tạo điều kiện về môi trường học tập, môi trường nghiên cứu năng động, sáng tạo, tuy nhiên các bạn SV cần phải đầu tư nhiều hơn cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Sinh viên cần chủ động tìm hiểu rõ những loại kiến thức, kỹ năng mà mình cần có để có thể thành công trong thời gian ngồi trên ghế nhà trường thông qua việc tham khảo ý kiến của các anh chị khóa trước hoặc các giảng viên đang trực tiếp giảng dạy. Có thông tin đầy đủ, có kiến thức nền tảng, có phương pháp nghiên cứu khoa học sẽ giúp sinh viên cảm thấy Nghiên cứu khoa học không phải là một cái gì đó khô khan mà là một điều quan trọng đối với phát triển năng lực bản thân và hấp dẫn.
Sinh viên cần linh động trong việc sắp xếp kế hoạch, thời gian
Như những phân tích nêu trên, đa số sinh viên còn rất lơ là và chủ quan, không nhận thức được vấn đề quản lý thời gian của mình. Một số lượng không nhỏ sinh viên sử dụng phần lớn thời gian trong ngày chỉ để nói chuyện hoặc tham gia các diễn đàn và mạng xã hội theo hiệu ứng đám đông, thiếu sự định hướng. Việc quản lý thời gian hợp lý sẽ giúp thời gian ngồi trên ghế nhà trường không còn khô khan. Với việc đặt ra mục tiêu cụ thể và có kế hoạch linh hoạt tùy theo từng kì học sẽ giúp sinh viên gặt hái được nhiều thành quả hơn khi là SV cũng như trong cuộc sau này.
Giảng viên. Lê Duy Khương – Khoa môi trường.