Thứ Bảy, 2/10/2021 | 14:28 GMT +7

Khoa Môi trường – Trường Đại học Hạ Long đào tạo nhân lực cho mục tiêu tăng trưởng xanh

 Với sứ mạng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ tăng trưởng xanh để phát triển bền vững, Trường Đại học Hạ Long mong muốn chung sức giải quyết bài toán nhân lực về môi trường.

Được xác định là Trường đại học ứng dụng, Trường đã được UBND Tỉnh Quảng Ninh đầu tư, trang bị cơ sở vật chất hiện đại với các phòng thí nghiệm chuẩn quốc tế. Hiện nay, nhà trường đang trong quá trình đổi mới và phát triển mạnh mẽ về nội dung chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên nhằm từng bước hội nhập theo chương trình chuẩn đào tạo của quốc gia và quốc tế. Mục tiêu về đào tạo ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường của Trường là sinh viên được chú trọng học các môn học lý thuyết gắn liền với thực hành trong các phòng thí nghiệm tiêu chuẩn, được tham gia các chương trình thực tập nâng cao nhận thức gắn liền với hoạt động thực tế, định hướng đào tạo linh hoạt phù hợp với nhu cầu nhà tuyển dụng.

Tăng trưởng xanh để phát triển bền vững và dự báo nhu cầu nhân lực trong tương lai

 Tăng trưởng xanh đang là một đòi hỏi cấp thiết và nhu cầu tất yếu ở nước ta hiện nay, bởi lẽ qua hơn 30 năm đổi mới, mặc dù Việt Nam giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao (bình quân 5,8%/năm giai đoạn 2011 – 2015), nhưng tăng trưởng kinh tế chưa có tính bền vững, chưa gắn với sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, chưa gắn với bảo vệ tốt môi trường, chưa ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu, tăng trưởng dựa nhiều vào tài nguyên và vốn đầu tư, dựa vào khai thác tài nguyên ở cường độ cao; công nghệ lạc hậu.

Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn về chất lượng môi trường đang xuống cấp; Tài nguyên khoáng sản bị khai thác cạn kiệt và sử dụng kém hiệu quả; Tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí, chất thải ngày càng tăng…

Thực tế cho thấy tăng trưởng xanh đã được xác định là trọng tâm trong chính sách phát triển quốc gia của nhiều nước trên thế giới trong nỗ lực đạt được sự phát triển bền vững. Nhận thức được điều này, trong quá trình phát triển kinh tế đất nước, Chính phủ đã đề ra các mục tiêu chiến lược để thúc đẩy một nền kinh tế xanh và bền vững hơn, trong đó nổi bật nhất là Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 – 2020, định hướng đến năm 2050 thông qua Quyết định số 1393/QĐ-TTg ban hành ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Nội dung cốt lõi của tăng trưởng xanh ở nước ta đó là tăng trưởng kinh tế nhanh, hiệu quả phải trên cơ sở khai thác hợp lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên; thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ môi trường, kiềm chế tốc độ gia tăng ô nhiễm môi trường do các hoạt động kinh tế gây ra và ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu, các hoạt động kinh tế phải bảo đảm yêu cầu về thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo…

Thiếu năng lực thực hiện tăng trưởng xanh

Một câu hỏi đặt ra hiện nay đó là cần phải áp dụng các mô hình kinh doanh, sản xuất thân thiện với môi trường như thế nào?

Làm thế nào để tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng “xanh hoá”?

Để trả lời câu hỏi đó chúng ta cùng tìm hiểu về bài toán nhân lực ngành tài nguyên môi trường.

Nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường

Quản lý tài nguyên và môi trường ngày nay đã là một bộ phận chức năng trong chính phủ của nhiều nước và nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực về quản lý tài nguyên và môi trường phải được coi là chìa khóa của chiến lược của mỗi quốc gia.

Việc phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu tăng trưởng xanh, đặc biệt nguồn nhân lực trong lĩnh vực môi trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thời kỳ hội nhập và phát triển khoa học kỹ thuật như vũ bão của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành môi trường hiện nay có hơn 50.000 người. Tuy nhiên, nhu cầu nguồn nhân lực được đào tạo các chuyên ngành tài nguyên và môi trường cần bổ sung lực lượng lớn. Với lĩnh vực hoạt động đa dạng ở tất cả các nhóm ngành, ước tính mỗi năm ngành tài nguyên môi trường cần khoảng 10000 người/năm có trình độ đại học trở lên và khoảng 50.000 người/năm có trình độ kỹ thuật viên và công nhân lành nghề.

Đặc biệt, nguồn nhân lực thực sự đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp vẫn còn rất mỏng.

Vì vậy, việc giải quyết yêu cầu cho bài toán nguồn nhân lực tài nguyên môi trường chất lượng cao đáp ứng vẫn còn là một câu hỏi lớn.

Trường Đại học Hạ Long cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường định hướng đào tạo linh hoạt phù hợp với nhu cầu nhà tuyển dụng

Nghị quyết của Đại hội XIII của tỉnh Đảng bộ đã xác định những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu; trong đó phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chuyển dịch cơ cấu kinh tế là một trong những giải pháp quan trọng. Những năm qua, tỉnh đã có rất nhiều giải pháp đào tạo, bồi dưỡng, thu hút mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trực thuộc Trường Đại học Hạ Long, Khoa Môi trường được UBND Tỉnh Quảng Ninh đầu tư đầy đủ các cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của giảng viên và sinh viên với các khu giảng đường bao gồm các phòng học đa phương tiện; các phòng thí nghiệm, phòng dạy thực hành hiện đại như phòng thí nghiệm hoá sinh và phòng thí nghiệm phân tích môi trường.

Các hệ thống phòng thí nghiệm được đặt tại Tầng 2, khu giảng đường – thực hành khoa Thuỷ sản – Môi trường với nhiều thiết bị, máy móc hiện đại như: máy đo quang phổ, buồng cấy vi sinh, bộ thiết bị phân tích COD, BOD, phân tích, đánh giá môi trường đất, nước, không khí… Các phòng thí nghiệm của khoa có chức năng và nhiệm vụ như tham gia công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học cho cán bộ và sinh viên Khoa Môi trường; Thực hiện dịch vụ phân tích môi trường cho nghiên cứu khoa học của các cán bộ giảng viên, sinh viên trong và ngoài khoa Môi trường.

Được xác định là Trường đại học ứng dụng, Trường ĐH Hạ Long đang trong quá trình đổi mới và phát triển mạnh mẽ về nội dung chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu, trang thiết bị, cơ sở vật chất nhằm từng bước hội nhập theo chương trình chuẩn đào tạo của quốc gia và quốc tế.

Sinh viên Khoa Môi trường ĐH Hạ Long trong các buổi học thực tập, thực tế

Mục tiêu về đào tạo ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường của Trường Đại học Hạ Long là sinh viên được chú trọng học các môn học lý thuyết gắn liền với thực hành trong các phòng thí nghiệm tiêu chuẩn, được tham gia các chương trình thực tập nâng cao nhận thức gắn liền với hoạt động thực tế. Ngoài ra, chương trình đào tạo có biện pháp điều chỉnh phù hợp trong quá trình đào tạo, giảng dạy. Khi sinh viên đã nắm vững các kiến thức, kỹ năng chuyên môn đào tạo sẽ được gửi tới các tổ chức, doanh nghiệp có uy tín thực tập giúp cho các em khi ra trường hoàn toàn có thể thích nghi, đáp ứng ngay yêu cầu công việc.

Bên cạnh đó, chương trình đào tạo còn rất chú trọng đến nâng cao khả năng ngoại ngữ, kỹ năng tin học và đào tạo toàn diện các kỹ năng mềm cho sinh viên. Sinh viên được học thêm 500 giờ tiếng anh tăng cường, thường xuyên làm các bài tiểu luận, thuyết trình trong các môn học, coi việc tham gia các hoạt động ngoại khoá, văn nghệ thể dục thể thao, các câu lạc bộ… là một trong những yêu cầu về chuẩn đầu ra. Ngoài ra, nhà trường cũng hỗ trợ rất nhiều suất học bổng lớn cho các sinh viên xuất sắc thông qua các quỹ học bổng của Trường, UBND Tỉnh, học bổng Hessen của Đức, học bổng của tập đoàn dầu khí…

Một số hoạt động ngoại khoá của sinh viên Khoa Môi trường

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên của ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường, sinh viên có đủ khả năng đảm nhận các công việc ở nhiều đơn vị khác nhau từ các cơ quan quản lý nhà nước địa phương đến trung ương liên quan đến lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường như: Bộ TN&MT, Sở TN&MT, Phòng TN&MT, Trung tâm TN&MT, cảnh sát môi trường, các cơ quan kiểm định, các phòng thí nghiệm phân tích quan trắc đánh giá chất lượng môi trường… Ngoài ra, sinh viên còn có các cơ hội việc làm rất lớn tại các nhà máy, xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); các nhà máy sản xuất, chế biến công nghiệp, thực phẩm…, ban quản lý khu công nghiệp – khu chế xuất, các tổ chức Quốc tế, truyền thông về Môi trường, các Dự án phi chính phủ về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Nguyễn Thị Thắm – Giảng viên Khoa Môi trường

BÌNH LUẬN