Thứ Ba, 15/2/2022 | 15:24 GMT +7

TIỂU SỬ CỦA CÁC MÁC

Chủ nghĩa Mác -Ăngghen ra đời những năm 30 – 40 của thế kỷ XIX, ngay từ khi ra đời đã được coi là vũ khí lý luận soi đường cho giai cấp vô sản trên toàn thế giới trong cuộc đấu tranh chống lại giai cấp tư sản nhằm thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình. Nghiên cứu tiểu sử của nhà lãnh tụ Các Mác để thấy được sự chuyển biến cơ bản trong lập trường tư tưởng, cũng như những đóng góp của ông vào lịch sử triết học thế giới.

Các Mác sinh ngày 05 tháng 05 năm 1918 tại thành phố Tơ – ri – ơ (Phổ). Cha ông là người Do- thái, đến năm 1824 thì theo đạo Tin lành. Gia đình ông phong lưu, có học thức, nhưng không phải gia đình cách mạng. Sau khi tốt nghiệp trường trung học ở Tơ – ri – ơ, Mác vào học Trường đại học Tổng hợp Bon rồi học ở Trường đại học tổng hợp Béc – lanh; ở đây, ông học luật và nhất là triết học. Năm 1841, ông học xong và trình bày luận án tiến sĩ về triết học E-pi-quya. Hồi đó, với những quan điểm của ông, ông còn là một người duy tâm thuộc phái Hê-ghen. Ở Béc-lanh, ông gia nhập “phái Hê-ghen cánh tả” (trong đó có Bru-nô, Bau-ơ, và nhiều người khác), là phái tìm cách rút từ triết học Hê-ghen ra những điều kết luận vô thần và cách mạng.

Tốt nghiệp đại học, Mác đến ngụ ở Bon với ý định xin một chân giáo sư ở đó. Nhưng chính sách phản động của chính phủ hồi đó buộc ông phải bỏ ý định làm nghề giáo sư đại học, chính phủ đó đã cách chức giáo sư của Lút-vích Phơ-bách năm 1832, năm 1836, lại từ chối không cho Phơ-bách vào dạy ở trường đại học và năm 1841, cấm giáo sư trẻ tuổi Bru-nô Bau-ơ giảng ở Bon. Hồi đó, tư tưởng của phái Hê-ghen cánh tả phát triển rất nhanh chóng ở Đức, đặc biệt là từ năm 1836, bắt đầu phê phán thần học và hướng về chủ nghĩa duy vật. Mác và Bru-nô Bau-ơ được mời làm cộng tác viên chính của tờ báo “Báo sông Ranh” và đến tháng Mười 1842 thì Mác trở thành chủ bút; lúc đó, ông rời Bon đến Cô-lô-nhơ. Dưới sự lãnh đạo của Mác, xu hướng dân chủ cách mạng của tờ báo ngày càng rõ ràng hơn; và chính phủ, sau khi bắt tờ báo phải theo chế độ kiểm duyệt hai lần, rồi ba lần và ngày 01 tháng Giêng 1843 thì quyết định đình bản hoàn toàn.

Năm 1843, Mác kết hôn với Giên-ni phôn Ve-xtơ-pha-len ở Crây-txơ-nách. Mùa thu 1843, Mác đến Pa-ri để xuất bản ở nước ngoài một tạp chí cấp tiến, cùng với Ác-nôn Ru-ghê. Tờ báo lấy tên là “Niên giám Pháp – Đức”. Trong các bài viết trên tạp chí này, Mác đã tỏ ra là một nhà cách mạng, chủ trương “phê bình gắt gao tất cả những cái hiện có” và nhất là “phê bình bằng vũ khí”, chủ trương kêu gọi quần chúng và giai cấp vô sản.

Từ tháng Tư – tháng Tám năm 1844. Mác viết Bản thảo kinh tế – triết học năm 1844, thực chất là những phôi thai của những tư tưởng hết sức quan trọng mà sau này Mác phát triển một cách khoa học trong bộ Tư bản. Tháng Hai năm 1845, cuốn sách Gia đình thần thánh của Mác và Ăngghen viết chung ra đời đã phê phán mạnh mẽ chủ nghĩa duy tâm chủ quan của phái Hêghen trẻ, thực chất là phê phán toàn bộ chủ nghĩa duy tâm, đồng thời nêu ra vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong lịch sử.

Tháng 9 năm 1944, Phri-đrích Ăng-ghen đến Pa-ri vài hôm và từ đó đã trở thành bạn thân nhất của Mác. Cả hai ông đều tham gia hết sức hăng hái vào sinh hoạt đang sôi sục của những nhóm cách mạng lúc bấy giờ ở Pa-ri. Mùa xuân 1847, Mác và Ăngghen gia nhập hội tuyên truyền bí mật “Đồng minh những người cộng sản”, đã có những đóng góp xuất sắc cho Đại hội II của Đồng minh, tại đây hai ông đã thảo bản tuyên ngôn nổi tiếng “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản” (2 /1948). Tác phẩm trình bày rõ nét thế giới quan duy vật triệt để của các nhà mácxit về sự vận động của xã hội, lý luận đấu tranh giai cấp, vai trò cách mạng của giai cấp vô sản.

Khi cách mạng tháng Hai năm 1948 bùng nổ, Mác bị trục xuất khỏi Bỉ, ông trở về Pari, sau đó về Đức. Năm 1849, tờ báo “Báo sông Ranh mới” được xuất bản do ông làm chủ bút. Năm 1849 Chính phủ Phổ đóng cửa tờ báo và trục xuất Mác. Ông lại đến Paris, nhưng lần này ông chỉ lưu lại 3 tháng. Tháng Tám năm 1849, từ Paris Mác đi Lonđon thủ đô của Anh và sống đến cuối đời (1883).

Hoàn cảnh của cuộc đời lưu vong, được bộc lộ hết sức rõ ràng qua thư từ trao đổi giữa Mác và Ăngghen vô cùng chật vật. Mác và gia đình đã bị cảnh túng quẫn thẳng tay giày vò; nếu không được sự giúp đỡ thường xuyên và hết lòng của Ăghghen về mặt tài chính thì không những Mác không thể viết xong bộ “Tư bản”, mà chắc chắn còn ngã quỵ trong cảnh cùng khốn nữa. Năm 1864, Quốc tế I nổi tiếng, tức “Hội liên hiệp công nhân quốc tế”, được thành lập ở Luân – đôn, Mác là linh hồn của tổ chức này, là tác giả bài “Lời kêu gọi” đầu tiên và một số lớn nghị quyết, tuyên bố và tuyên ngôn. Quá trình thống nhất phong trào công nhân các nước, hướng mọi hình thức khác nhau của chủ nghĩa xã hội phi vô sản, tiền mác-xít vào con đường hoạt động chung, Mác đã rèn đúc được một sách lược duy nhất cho đấu tranh vô sản của giai cấp công nhân các nước. Sau thất bại của Công xã Pari (1871) mà Mác đã dùng quan điểm cách mạng để đánh giá một cách sâu sắc, đúng đắn và có tác dụng tích cực (tác phẩm “Nội chiến ở Pháp”, 1871). Sau khi phái Ba-cu-nin gây chia rẽ thì Quốc tế I không thể tồn tại ở châu Âu, chuyển trụ sở sang New York. Thời kỳ này Quốc tế I đã hoàn thành vai trò lịch sử, nhường chỗ cho một thời kỳ phát triển vô cùng lớn mạnh hơn nữa của phong trào công nhân tất cả các nước trên thế giới, thời kỳ mà phong trào công nhân phát triển từ tự giác sang tự phát khi có sự ra đời nhiều đảng công nhân xã hội chủ nghĩa có tính chất quần chúng trong từng quốc gia dân tộc.

Ngày 02 tháng Chạp 1881, vợ Mác từ trần; ngày 14 tháng 03 năm 1883 ông yên giấc ngàn thu trên chiếc ghế bành. Ông được an tang tại nghĩa trang Hai-ghết ở Luân – đôn, nơi đã an táng vợ ông và các con ông.

Trong bài “Sự phát triển của chủ nghĩa xã hội từ không tưởng đến khoa học” (viết năm 1880), Ăngghen viết về đóng góp khoa học của C. Mác như sau: “Hai phát hiện vĩ đại ấy – quan niệm duy vật về lịch sử và việc dùng giá trị thặng dư để bóc trần bí mật của sản xuất tư bản chủ nghĩa – là công lao của Mác. Nhờ hai phát hiện ấy, chủ nghĩa xã hội đã trở thành một khoa học mà ngày nay, vấn đề trước hết là phải nghiên cứu thêm, trong mọi chi tiết và mọi liên hệ của nó”[1].

Các Mác đã đi xa nhưng tên tuổi và những đóng góp của ông để lại được coi là những di sản lý luận soi đường cho các quốc gia trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội hướng tới một xã hội văn minh, tiến bộ, nhân văn nhất.

Nguyễn Thu Thủy

[1] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, tập 19, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1983, tr.439.

BÌNH LUẬN