Có ai đó đã từng ví nghề dạy học như nghề chở đò đưa khách qua sông. Với tôi, một nhà giáo từng gắn bó với nghề hơn 30 năm, cũng đã góp phần đưa hơn 30 chuyến đò của trường Cao đẳng sư phạm Quảng Ninh nay là trường Đại học Hạ Long cập […]
Có ai đó đã từng ví nghề dạy học như nghề chở đò đưa khách qua sông. Với tôi, một nhà giáo từng gắn bó với nghề hơn 30 năm, cũng đã góp phần đưa hơn 30 chuyến đò của trường Cao đẳng sư phạm Quảng Ninh nay là trường Đại học Hạ Long cập bến bờ tri thức.
Trên con đường ấy, cũng không tránh khỏi có những lúc đôi chân đã mỏi nhưng có một động lực vô cùng to lớn khiến tôi không thể dừng bước là nhờ tình yêu thương, sự sẻ chia của đồng nghiệp và các thế hệ sinh viên giành cho mình. Hơn hết thảy là mỗi ngày tôi đều được chứng kiến sự đổi thay, phát triển của trường Đại học Hạ Long thân yêu – ngôi trường mang tên miền di sản.
Trong suốt chặng đường đã qua ấy, có biết bao kỉ niệm không thể nào quên. Nhớ nhất là những khi lên lớp có bạn sinh viên phỏng vấn: “Cô ơi tại sao các môn lý luận chính trị khó thế, khô khan thế mà cô vẫn gắn bó được lâu đến vậy?” Tôi mỉm cười nhưng trong lòng thoáng chút buồn và không khỏi băn khoăn, trăn trở: làm thế nào để các em không còn ‘sợ”, không còn “ghét” các môn lý luận chính trị nữa? Nhớ biết bao những hôm thức quá nửa đêm để trả lời tin nhắn, email của sinh viên nhờ chữa bài, hướng dẫn thuyết trình, thảo luận, ôn tập. Dù phải cố gắng chế ngự cơn buồn ngủ sau một ngày làm việc căng thẳng nhưng trong lòng tôi lại nhen nhóm niềm vui vì vẫn có sinh viên yêu thích các môn học mình dạy. Rồi những lúc bỗng trở thành “chuyên gia tâm lý bất đắc dĩ” khi được các em tâm sự chuyện gia đình, chuyện tình yêu và cả những điều khó nói, Đặc biệt, không thể nào quên bao lần cùng đồng nghiệp thức trắng đêm để ôn luyện cho đội tuyển của trường dự thi Olympic các môn khoa học Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vì thời gian thi gấp rút, khối lượng kiến thức lại vô cùng nhiều. Rồi cảm xúc vỡ oà khi giành chiến thắng… Thật vinh dự và tự hào khi tôi cùng đồng nghiệp trong bộ môn Chính trị – Pháp luật, khoa Khoa học cơ bản đã hướng dẫn đội tuyển của trường 6/6 lần giành giải nhất cấp tỉnh, nhiều năm giành giải nhất cấp cụm và giải ba, giải tư khu vực miền Bắc, một năm đạt giải khuyến khích toàn quốc. Tôi nghẹn ngào nhưng trong lòng nở hoa khi chứng kiến những đôi mắt lấp lánh niềm vui của các cô cậu sinh viên trong đội tuyển tâm sự rằng em không còn thấy các môn học này khó nữa, em thấy yêu chúng mất rồi!
Thế đấy, các em sinh viên thân yêu của cô! không có môn học nào là khó, không có đỉnh cao tri thức nào mà chúng ta không chinh phục được nếu như chưa cố gắng hết mình và chưa giành tình yêu cho nó. Sinh viên trường chúng ta rất nỗ lực và rất giỏi, các em không chỉ đạt nhiều thành tích trong học tập và trong các cuộc thi khi đang ngồi trên ghế giảng đường mà không ít em đã ra trường và khởi nghiệp thành công. Nhưng có một điều cô muốn nhắn nhủ với các em rằng: trong bối cảnh đất nước đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, sinh viên Việt Nam nói chung, sinh viên trường Đại học Hạ Long nói riêng, bên cạnh việc giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ cũng cần không ngừng bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức và lối sống văn hoá, có khả năng thích ứng với sự phát triển của xã hội, có tư duy đột phá, vững bước vượt qua mọi khó khăn, xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng của Đảng và Nhân dân. Với nhiệt huyết, nghị lực, ý chí vươn lên mạnh mẽ và đang được sống trong môi trường hoà bình, đổi mới, phát triển của đất nước, cô mong các thế hệ sinh viên trường Đại học Hạ Long luôn thấm nhuần lời dạy của Bác “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, cố gắng phát huy sức trẻ, sức sáng tạo, tiên phong trong chuyển đổi số, không ngừng gìn giữ và quảng bá hình ảnh của quê hương Quảng Ninh đến bạn bè trên khắp mọi miền Tổ quốc và thế giới, góp phần xây dựng quê hương Quảng Ninh giàu đẹp, đất nước Việt Nam phát triển phồn vinh.
Võ Thị Thu Hằng
Khoa Khoa học cơ bản
(Trích kỷ yếu Trường Đại học Hạ Long: 10 năm xây dựng và phát triển)