Thứ Tư, 5/5/2021 | 18:18 GMT +7

Kỷ niệm 67 năm chiến thắng Điện Biên Phủ 1954

Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 là một sự kiện mang giá trị và tầm vóc thời đại lớn lao. Trên đại ngàn Tây Bắc đất nước, vào năm 1954 quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đập tan đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp và sự can thiệp của đế quốc Mỹ.

Diễn biến và ý nghĩa chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954

Diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ 1954

Khi xây dựng Điện Biên Phủ thành cứ điểm mạnh nhất ở Đông Dương 60 năm trước. Pháp tin rằng lòng chảo này sẽ nghiền nát Việt Minh ta. Nhưng quân đội ta từ thế yếu đánh thế mạnh, giành chiến thắng lẫy lừng năm châu, chấn động địa cầu.

Vào cuối năm 1953, để tìm giải pháp đàm phán ưu thế, Henri Navarre được bổ nhiệm làm Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương. Pháp bắt đầu nhảy dù xuống Điện Biên Phủ; xây dựng nơi đây thành pháo đài bất khả xâm phạm. Lực lượng Pháp ở Điện Biên Phủ tinh nhuệ và được trang bị vũ khí tối tân với hệ thống phòng ngự liên hoàn.

Pháp còn nhận được sự hỗ trợ rất lớn của Mỹ về hậu cần và vũ khí.

Đợt đánh 1 từ 13/3 – 17/3

Quân Việt Minh tiêu diệt phân khu Bắc của tập đoàn cứ điểm. Vào 17h30 ngày 13/3/1954, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên GIáp ra lệnh nổ súng tấn công cứ điểm Điện Biên Phủ. Sau 5 ngày đã làm chủ Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo. Chiến thắng này đã mở rộng cánh cửa phía bắc Điện Biên Phủ và khích lệ tinh thần chiến sĩ.

Đợt đánh 2 từ 30/3 – 30/4

Quân ta tiến công vào tập đoàn cứ điểm phía Đông, gồm các ngọn đồi C1,E, D, A1. Trong đợt tiến công lần 2, một thời gian biểu mới được áp dụng cho bộ đội là ngủ ngày, đánh đêm. Quân Việt Minh dùng chiến thuật vây lấn bằng hệ thống giao thông hào dần bao vây, siết chặt; đào hố cắt ngang sân bay, vào tận chân lô cốt cố thủ của quân địch.

Đây là đợt tiến công quyết liệt và gay go, 2 bên giành nhau từng tấc đất, giao thông hào. Sau một tháng chiến đấu, quân ta làm chủ nhiều căn cứ điểm, pháo cao xạ 37mm của Việt Minh ngày càng tiến sâu vào trận địa.

Quân Pháp ngày càng thất thế trên chiến trường Điện Biên Phủ, phải chờ tiếp viện của quân Mỹ. Mỗi ngày quân Pháp cần 295 tấn hàng các loại nhưng máy bay chỉ tiếp viện tối đa 175 tấn; nhưng 15%  số này rơi vào vùng chiếm đóng của Việt Minh. Đói khát cùng với mùa mưa, hầm hào lầy lội khiến cho quân địch sức khỏe kém, bệnh dịch làm quân lính chết không chỗ chôn; tình cảnh quân Pháp khó khăn đến cùng cực.

Đợt đánh 3 từ 1/5 – 7/5

Thừa thắng xông lên, quân đội Việt Nam mở đợt tấn công lần 3. Việt Minh đánh chiếm các cứ điểm còn lại. Riêng đồi A1 – cứ điểm được xây dựng kiên cố nhất đã tiến hành tới 4 đợt tiến công nhưng chỉ chiếm được nửa quả đồi. Vào đêm 6/5, quân đội Việt Nam phải dùng thuốc nổ bí mật phá sập hệ thống hầm ngầm, chiếm được quả đồi. 17h30 ngày 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries.

Ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ 1954

  • Chiến thắng này đã đập tan những cố gắng quân sự cao nhất của thực dân Pháp và sự can thiệp của đế quốc Mỹ.
  • Buộc Pháp ký kết Hiệp định Geneva (7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ ba nước Đông Dương.
  • Kết thúc cuộc kháng chiến gian khổ trường kỳ kéo dài suốt 9 năm.
  • Chấm dứt ách thống trị của Pháp đã kéo dài hàng thế kỷ, mở ra bước phát triển mới.
  • Đập tan một mắt xích quan trọng trong hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân cũ. Mở đầu cho sự sụp đổ trên phạm vi toàn thế giới; giáng đòn nặng nề đầu tiên vào dã tâm xâm lược của chủ nghĩa đế quốc Mỹ.
  • Có sức cổ vũ mạnh mẽ các dân tộc thuộc địa đấu tranh giành độc lập, nhất là các nước châu Phi, châu Mỹ la-tin.

Vì sao chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 thắng lợi

  • Nhờ đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, sáng tạo tài tình của Đảng.
  • Từ tinh thần yêu nước và nghệ thuật quân sự truyền thống Việt Nam được kế thừa và phát triển lên tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh.
  • Từ tình đoàn kết và liên minh chiến đấu của các dân tộc trên bán đảo Đông Dương. Sự giúp đỡ quan trọng của Trung Quốc, Liên Xô và sự ủng hộ từ bạn bè quốc tế.
  • Nhưng nguồn gốc sâu xa hơn cả chính là từ tình yêu quê hương đất nước; từ khát vọng độc lập tự do đến cháy bỏng của mỗi người con Việt Nam.

BÌNH LUẬN