Thứ Hai, 22/2/2021 | 08:27 GMT +7

Trường Đại học Hạ Long: Nâng chuẩn “đầu ra” cho sinh viên

Sau hơn 6 năm thành lập, Trường Đại học Hạ Long đã dần khẳng định uy tín, chất lượng, trở thành địa chỉ tin cậy để học sinh, sinh viên (HSSV) trong và ngoài tỉnh theo học. Nhà trường đã ngày càng mở rộng về quy mô tuyển sinh, cơ sở vật chất, chất lượng giảng dạy được nâng lên nhiều so với trước đây. Việc nâng chuẩn “đầu ra” cho sinh viên nhờ đó cũng được quan tâm hơn.

Cơ sở vật chất Trường Đại học Hạ Long ngày càng khang trang, hiện đại, đáp ứng yêu cầu học tập của sinh viên (ảnh: Phùng Đức Nhật)

Một trong những giải pháp quan trọng mà nhà trường chú trọng trong thời gian qua chính là việc tích cực tham mưu với tỉnh đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện. Đây cũng chính là cơ sở để Trường nâng cao chất lượng đào tạo, phục vụ quá trình nâng chuẩn “đầu ra” cho sinh viên.

Nhà trường đang tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan chuẩn bị nội dung để thi tuyển quy hoạch và phương án kiến trúc, làm cơ sở báo cáo UBND tỉnh đầu tư Đô thị đại học trên khu đất 110ha ở khu đô thị Chạp Khê, TP Uông Bí.

Bên cạnh đó, thư viện nhà trường thường xuyên bổ sung tài liệu, giáo trình, làm tốt công tác phục vụ HSSV. Năm học 2019-2020, Trường đã bổ sung 1.000 tài liệu, nâng tổng số đầu tài liệu của thư viện nhà trường lên gần 17.500 đầu tài liệu với hơn 90.000 tài liệu; phục vụ được 10.000 lượt độc giả và hơn 5.000 lượt mượn. Số lượt độc giả truy cập cơ sở dữ liệu điện tử của Trung tâm trên 20.000 lượt truy cập.

Đi cùng với việc đầu tư, quan tâm về cơ sở vật chất, Trường còn tích cực điều chỉnh, cập nhật chương trình đào tạo. Đặc biệt là rà soát, điều chỉnh chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo trình độ đại học. Đến tháng 9/2020, 11/11 khung chương trình, bản mô tả chương trình đào tạo, bản mô tả học phần và đề cương chi tiết các ngành đào tạo trình độ đại học đã được cập nhật theo kế hoạch, lấy ý kiến rộng rãi trong các khoa và chuẩn bị cho việc nghiệm thu, hoàn thiện hồ sơ.

Đáng chú ý, trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhà trường còn tổ chức dạy học online có hiệu quả, theo dõi và công nhận kết quả, đảm bảo kế hoạch đào tạo đã triển khai.

Đại học Hạ Long tổ chức thi tìm kiếm sứ giả ẩm thực Quảng Ninh lần 2, năm 2020.

Mặt khác, Trường còn tích cực tổ chức và quản lý hoạt động thỉnh giảng được thực hiện tốt, mang lại hiệu quả tích cực. Việc mời được đội ngũ giảng viên thỉnh giảng trình độ cao tham gia giảng dạy tại trường một mặt đã góp phần giải quyết tình trạng thiếu nhân lực giảng dạy khi quy mô đào tạo tăng mạnh thời gian qua.

Năm học 2019-2020, toàn trường có 172 học phần mời thỉnh giảng. Các học phần được tổ chức dạy học hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên và giảng viên. Đồng thời, việc tổ chức học lại, học cải thiện được tổ chức linh hoạt, phù hợp để đáp ứng tối đa nhu cầu của HSSV, hướng tới cải thiện tỉ lệ tốt nghiệp so với năm học trước.

Không chỉ vậy, để nâng chuẩn “đầu ra” cho sinh viên, Trường còn chú trọng rèn luyện nghiệp vụ thường xuyên. Hội thi nghiệp vụ được các đơn vị khoa, bộ môn chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai nghiêm túc, hiệu quả. Bên cạnh đó, các khoa đã chú trọng việc tổ chức cho HSSV đi kiến tập, thực hành, thực tế tại Trường thực hành sư phạm (Khoa Sư phạm), tới các cơ sở, doanh nghiệp, các tuyến điểm văn hóa, du lịch (Khoa du lịch, văn hóa). Qua đó, kiến thức kỹ năng nghề nghiệp của HSSV được củng cố, phát triển.

Công tác tổ chức thực tập tập trung cũng được Trường chuẩn bị cẩn thận, chu đáo và tiến hành hiệu quả, an toàn. Năm học 2019-2020, nhà trường đã tổ chức cho 2.175 HSSV tham gia thực tập tập trung tại các điểm trường, khách sạn, doanh nghiệp. Kết quả, 100% sinh viên đều đạt yêu cầu; tỷ lệ khá, giỏi, xuất sắc đạt trên 80%.

Sinh viên Đại học Hạ Long tham gia kỳ thi tay nghề quốc gia lần 2, năm 2020.

Ông Trần Trung Vỹ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long cho biết: Thời gian tới, Trường sẽ chủ động phối hợp, liên kết với các trường đại học, viện nghiên cứu để mở các lớp đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ ở các mã ngành phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tích cực, chủ động phối hợp với các địa phương, đơn vị mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn theo yêu cầu; tăng cường các biện pháp theo dõi tiến độ học tập tiếng Anh của sinh viên và có biện pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả đảm bảo sinh viên 100% đạt chuẩn đầu ra khi tốt nghiệp…

Lan Anh (Báo Quảng Ninh)

BÌNH LUẬN