Thứ Năm, 23/4/2020 | 08:41 GMT +7

Người Việt có đọc sách không?

VOV- Trần Đăng Khoa: Nếu bảo người Việt không đọc sách, hoặc rất ít người đọc sách thì tôi lại nghi ngờ..

Bấy lâu nay, trên các hãng truyền thông, không ít học giả cứ băn khoăn về văn hóa đọc. Có người tỏ ra bi quan. Có người hoàn toàn tuyệt vọng. Hình như người Việt đã mất thói quen đọc sách? Đó là dấu hiệu suy vong của cả một cộng đồng. Gần đây nhất, trong khuôn khổ Hội sách ở Thành phố Hồ Chí Minh vừa mới diễn ra, cũng đã có một cuộc hội thảo khoa học rất quan trọng và vô cùng thú vị: “Người Việt có mê đọc sách?” Quả là văn hóa đọc của chúng ta đang có vấn đề.

Theo nhà văn Nguyên Ngọc, cần vận động khôi phục, xây dựng các tủ sách gia đình, chống lại kiểu văn hóa trọc phú, nhà giàu nào cũng có một tủ rượu rất sang mà tuyệt đối không có tủ sách, đem khoe với mọi người bao giờ cũng là khoe tủ rượu chứ có khoe tủ sách đâu.

Tuy nhiên, nếu bảo người Việt không đọc sách, hoặc rất ít người đọc sách thì tôi lại nghi ngờ. Hình như cũng không phải thế. Nếu chẳng còn ai đọc sách nữa thì người ta in sách ra để làm gì? Hãy vào bất kỳ một nhà sách nào cũng thấy rõ. Phải nói là “trên trời dưới sách”. Không thiếu bất kỳ một chủng loại nào. Chúng ta không có nhà xuất bản tư nhân, nhưng hầu hết các nhà xuất bản nhà nước lại do tư nhân chi phối. Họ in sách hoàn toàn vì lợi nhuận, cứ cuốn sách nào ăn khách thì in. Nhờ thế, chúng ta có được rất nhiều tác phẩm đặc sắc của tinh hoa nhân loại.

Dù chỉ có một mục đích thực dụng, mục đích duy nhất là kiếm tiền, nhưng các nhà “buôn sách” ấy lại làm được một nghĩa vụ cao cả và linh thiêng: Nâng cao dân trí đất nước. Một tác phẩm đặc sắc gây được sự chú ý đặc biệt của công chúng thì ngay lập tức đã được dịch ở Việt Nam. Có cuốn còn có nhiều bản dịch khác nhau ở nhiều nhà xuất bản. Vì thế, ở Việt Nam hiện nay, ngay cả một người không biết ngoại ngữ, cũng không hề lạc hậu.

Cách đây chừng mười năm, nhà văn Ngô Thị Kim Cúc có phỏng vấn tôi cho báo Thanh niên. Chị hỏi tôi đang đọc cuốn gì. Tôi cũng đã thưa với chị rằng, tôi đọc rất nhiều. Ngày nào cũng đọc. Dù bận mấy cũng không bỏ đọc. Tôi rất thích Mạc Ngôn. Ở thời điểm ấy, anh có hai cuốn dịch sang ta đều vào loại rất hay. Cuốn “Báu vật của đời” còn có đôi chút cường điệu, chứ “Đàn hương hình” thì nhuần nhuyễn từ đầu đến cuối.

Trong bể sách hiện nay, nói thực với chị, tôi chỉ thấy có hai cuốn đó là đáng đọc thôi. Không còn nghi ngờ gì nữa, Mạc Ngôn là một trong những nhà văn lớn nhất của hành tinh này ở chính thời điểm này. Tôi phục Mạc Ngôn một phần, còn phục hơn là phục các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Họ đã đổi mới đúng và có một tầm nhìn rất rộng mở. Nhờ thế mà trong một khoảng thời gian rất ngắn, Trung Quốc đã thực sự trở thành một quốc gia hùng mạnh trên tất cả mọi lĩnh vực.

Riêng văn học và điện ảnh, chúng ta thấy quá rõ. Suốt ngày, dân mình xem phim Trung Quốc. Phim họ rải suốt trên các kênh truyền hình của ta ở tất cả các tỉnh thành. Tất nhiên, đó cũng chỉ là “hàng chợ” của họ thôi. Nhưng “hàng chợ”, họ làm cũng giỏi vô cùng. Còn văn học thì một trong những đại biểu của họ là Mạc Ngôn. Mạc Ngôn lại là một nhà văn còn rất trẻ. Anh cùng trang lứa với chúng tôi. Đọc anh, không biết các nhà văn khác thế nào, chứ tôi thì tôi sốt ruột lắm. Sốt ruột và đau đớn. Tại sao cũng da vàng mũi tẹt như mình mà sao lão làm được nhiều việc lớn như thế, mà mình cứ bi bét mãi.

Trong cuộc hội thảo về tiểu thuyết, có nhà văn bảo: “Rồi chúng ta sẽ có những Mạc Ngôn”. Tôi không tin. Không phải vì nhà văn chúng ta kém tài, mà vì chúng ta thiếu một cái gì đó. Cái đó Mạc Ngôn có mà chúng ta lại không có. Cái đó nằm ngoài tầm tay chúng ta.

Nhà văn Ngô Thị Kim Cúc tỏ ra băn khoăn: “Hiện nay ở ta, hình như đang có một hiệu ứng Mạc Ngôn. Nhiều cây bút bắt chước Mạc Ngôn, trước đây thì bắt chước R. Marquez”. Tôi có nói với nữ nhà văn rằng, tôi không phải kẻ vọng ngoại. Xin bạn lưu ý cho điều ấy. Và cả anh em nhà văn mình nữa, nếu họ có tiếp thu những tinh hoa của nhân loại thì cũng nên xem là điều bình thường và nên khuyến khích chứ đừng vội quy kết.

Tuy thế, học được cái hay của thiên hạ cũng không dễ đâu. Tôi có đọc cuốn tiểu thuyết của một nhà văn cũng chưa phải là già. Cuốn sách này nghe đồn có vấn đề. Tôi đọc và thấy nó chẳng có tội vạ gì cả. Nó chỉ có tý nhược điểm là …không hay. Thế thôi. Nhiều trang sa vào dung tục và đọc cứ thấy bẩn bẩn. Tôi kêu thì tác giả bảo: “Ông đã đọc Mạc Ngôn và R. Marquez chưa? Mạc Ngôn toàn vú vê. Marquez toàn cởi truồng. Bà Hồ Xuân Hương của ta cũng đâu có kém”.

Tôi thật sự kinh ngạc. Hoá ra ông bạn tôi chẳng hiểu gì Mạc Ngôn và cũng không biết gì về các bậc tiền bối. Quả trong tiểu thuyết Trăm năm cô đơn của R. Marquez có nhân vật là một cô bé quanh năm cởi truồng. Cô cởi truồng từ khi còn bé cho đến lúc thành một thiếu nữ xinh đẹp. Đó là một vẻ đẹp thánh thiện, trong vắt, đến nỗi chẳng ai để ý đến việc cô cởi truồng.

Thế rồi một buổi trưa, cô đang tắm thì có tiếng động ở khe liếp phía sau. Cô quay lại. Có một ánh mắt đàn ông đang nhìn trộm. Thế là cô sợ quá, vội đưa tay che ngực rồi co người bay vút lên trời qua kẽ ngói thủng ở trên nóc nhà tắm. Cái chi tiết người bay qua kẽ ngói này quả là phi lý, nhưng người đọc lại không thấy phi lý, thậm chí lại có cảm giác rất thật. Đây là cái thật cao hơn cả sự thật.

Khi bị nhìn trộm, vẻ đẹp của cô bé không còn trong vắt, thánh thiện nữa, nó đã bị nhuốm bẩn mất rồi. Không có chỗ nương náu thì cái đẹp ấy phải “biến” thôi. Toàn bộ những chi tiết cởi truồng kia chỉ là sự chuẩn bị cho cú bay ngoạn mục này. Ông bạn tôi dường như chỉ học được mỗi phép cởi truồng và cứ tưởng cởi truồng là R. Marquez. Nhầm. Tinh hoa của Marquez chính là cái phép bay qua kẽ ngói thủng kia cơ.

Marquez đã được trao Giài thưởng Nobel về Văn học. Năm nay, cái Giải thưởng danh giá ấy đã đến với Mạc Ngôn. Điều này chẳng có gì phải ngạc nhiên cả. Một gã tèng tèng như tôi cũng đã nhận ra ngay vị thế của ông, dù ông chỉ xuất hiện qua mấy bản dịch. Tôi cũng đã khẳng định ông là tác giả của Giải thưởng Nobel. Chỉ có điều người ta trao cho ông vào lúc nào mà thôi.

Và rồi cũng ở thời điểm ấy, khi đang là Trưởng ban Văn học Nghệ thuật, tôi đã đưa cuốn “Đàn hương hình” lên sóng trong chương trình Đọc chuyện đêm khuya của Đài Tiếng nói Việt Nam. Tất nhiên, khi dịch cuốn tiểu thuyết đặc sắc này, nhà văn Trần Đình Hiến cũng đã lược rất nhiều chi tiết và bỏ hẳn hai chương. Hai chương rất hay, đặc tả tên đồ tể đã nâng việc giết người lên thành nghệ thuật thưởng ngoạn ở triều đại nhà Thanh. Khi đưa lên sóng, anh chị em biên tập viên còn lược bớt đi nữa để phù hợp với các thính giả, đặc biệt là những người vẫn quen nghe những bài viết nhàn nhạt nửa văn nửa báo. Vậy mà vẫn có người phản ứng.

Ngay trong buổi giao ban của Đài, một ông bạn đồng nghiệp còn phê phán tôi rất gay gắt. Vì xưa nay không có truyện như thế. “Nghe xong rồi, tôi không sao ngủ được!”. Tôi đã nói vui với ông bạn đồng nghiệp rằng: “Trí thức thì phải thức chứ. Ông bạn lại muốn làm “trí ngủ” à? Tôi đọc truyện cho ông nghe mà ông lại ngủ thì còn có chuyện quái gì nữa mà bàn!”.

Tôi quan niệm, mảng văn nghệ của Đài phải là những chương trình đặc sắc. Làm sao chuyển được đến công chúng những tác phẩm sâu sắc vừa có giá trị nghệ thuật lại vừa có tính nhân văn cao. Nếu trong nước không đủ thì chọn của nước ngoài. Nếu không còn đương đại thì tìm cổ điển, những tinh hoa đã được chắt lọc từ bao nhiêu đời. Đó là những giá trị không bao giờ cũ.

Cũng may, người Lãnh đạo cao nhất Đài dạo đó là ông Vũ Văn Hiền, người rất ủng hộ quan niệm ấy, nhờ vậy mà tiểu thuyết “Đàn hương hình”, một kiệt tác mà nhân loại hôm nay tôn vinh, cùng với “Tô tem Sói”, “Sống mà nhớ lấy”, “Trên mảnh đất người đời”… đã lần lượt đến được với đông đảo công chúng qua làn sóng phát thanh.

Năm nay, Mạc Ngôn đã được trao Giải thưởng Nobel về Văn học. Thêm một lần nữa, người Châu Á lại lên ngôi. Trong số những tác phẩm được chọn trao giải, có tiểu thuyết “Đàn hương hình”, một tác phẩm mà Đài Tiếng nói Việt Nam đã diễn đọc trên làn sóng hơn một tháng từ bảy năm về trước. Nhân dịp này, tôi rất mong nhà văn dịch giả Trần Đình Hiến cho tái bản cuốn sách, khôi phục lại những đoạn bị lược bỏ, để chúng ta được chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp một kiệt tác mà nhân loại vừa mới tôn vinh…

Trần Đăng Khoa ( VOV)

 

 

BÌNH LUẬN