Chủ Nhật, 28/11/2021 | 10:37 GMT +7

Trường Đại học Hạ Long – trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Đại học Hạ Long đang từng bước thực hiện lộ trình trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh và cả nước.

Chính sách thu hút, khuyến khích sinh viên học tập

Trường Đại học Hạ Long là trường đại học công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, được thành lập theo Quyết định số 1869/QĐ-TTg ngày 13/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở 2 Trường: Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh và Cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long.

Trường được thành lập với sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và giải quyết các vấn đề thực tiễn, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Quảng Ninh và cả nước.

Trường Đại học Hạ Long đang từng bước thực hiện lộ trình trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh và cả nước 

Năm 2019, để Trường Đại học Hạ Long nhanh chóng trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ra Nghị quyết 187/2021/ NQ-HĐND ngày 30/07/2019 (gọi tắt là Nghị quyết 187) ban hành chính sách thu hút và khuyến khích sinh viên học tập trong một số ngành đào tạo tại Trường Đại học Hạ Long.

Theo Nghị Quyết 187 này, sinh viên học ở 6 ngành: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Quản trị khách sạn; Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống; Ngôn ngữ Nhật Bản; Ngôn ngữ Hàn Quốc; Nuôi trồng thủy sản từ năm học 2019 – 2020 đến hết năm học 2027 – 2028 sẽ được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ hấp dẫn.

Ngay khi nhập học Trường Đại học Hạ Long, sinh viên được hưởng chính sách đầu tiên là thưởng điểm tuyển sinh.

Cụ thể: Sinh viên có điểm tuyển sinh từ 21 đến dưới 24 điểm sẽ được thưởng 15 triệu đồng, từ 24 đến dưới 27 điểm được thưởng 20 triệu đồng và trên 27 điểm được thưởng 30 triệu đồng.

Trong quá trình học tập tại trường, sinh viên có điểm học tập và rèn luyện trong học kỳ đạt loại Khá trở lên (20% tổng số sinh viên) được hưởng hỗ trợ tiền mua đồ dùng học tập là 150.000 đồng/sinh viên/tháng, miễn 100% học phí cũng như chi phí ở ký túc xá.

Đối với sinh viên có điểm học tập và rèn luyện trong học kỳ đạt loại Giỏi sẽ được tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ học bổng 1,5 triệu/ tháng, đạt loại Xuất sắc được hỗ trợ 2,2 triệu/tháng.

Những sinh viên đạt loại Giỏi, Xuất sắc của Trường còn được nhận mức thưởng theo chính sách học bổng của nhà nước.

Ngoài ra, sinh viên được thưởng kết quả đầu ra xếp loại học tập toàn khóa đạt loại giỏi được tỉnh thưởng 15 triệu đồng/sinh viên, đạt loại xuất sắc được thưởng 30 triệu đồng/sinh viên nếu cam kết làm việc tại tỉnh Quảng Ninh.

Như vậy, trong 4 năm học tập tại Trường Đại học Hạ Long, sinh viên có thể được hưởng mức thưởng cao nhất lên đến 205 triệu đồng.

Trong 4 năm học tập tại Trường Đại học Hạ Long, sinh viên có thể được hưởng mức thưởng cao nhất lên đến 205 triệu đồng 

Năm 2021, tại Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND ngày 27/8/2021, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã bổ sung thêm ngành học Ngôn ngữ Trung Quốc vào chính sách thu hút và khuyến khích sinh viên học tập trong một số ngành đào tạo tại Trường Đại học Hạ Long.

Như vậy, từ năm học 2021 – 2022, ngoài 2 ngành đào tạo sư phạm trình độ đại học là Giáo dục mầm non và Giáo dục tiểu học có chính sách hỗ trợ lớn cho người học thì Trường Đại học Hạ Long có 7/13 ngành đào tạo trình độ đại học có những chính sách khuyến học hấp dẫn, được thực hiện theo các chính sách khuyến học của riêng tỉnh Quảng Ninh.

Tiến sĩ Trần Trung Vỹ – Phó Hiệu trưởng điều hành Trường Đại học Hạ Long cho biết: “Mục tiêu của Nghị quyết 187 và Nghị quyết 35 là thu hút những học sinh trung học phổ thông có học lực khá, giỏi và có điểm thi tuyển sinh từ 21 điểm trở lên.

Nghị quyết này không phải chỉ áp dụng cho riêng đối tượng là học sinh của tỉnh Quảng Ninh mà còn áp dụng cho đối tượng là học sinh trên toàn quốc, với mục đích để tuyển được sinh viên khá, giỏi về đây học tập, sau đó ở lại tỉnh làm việc.

Từ đó, góp phần tăng quy mô dân số, tăng nguồn nhân lực lao động chất lượng cao cho tỉnh Quảng Ninh.

Kể từ khi thực hiện chính sách (từ năm tuyển sinh 2019) đến nay, số lượng sinh viên hệ đại học chính quy của nhà trường tăng nhanh.

Khi chưa có chính sách, năm 2018, nhà trường tuyển sinh được 680 sinh viên hệ đại học chính quy.

Đến năm 2019, sau khi thực hiện chính sách, quy mô sinh viên hệ đại học là 827 sinh viên (tăng 21,6% so năm 2018), năm 2020 là 1149 sinh viên (tăng 70% so năm 2018) và năm 2021 là 1707 sinh viên (tăng gần gấp đôi năm 2018).

Liên quan đến vấn đề việc làm khi ra trường, theo thống kê, trên 90% sinh viên có việc làm ngay trong năm thứ nhất tốt nghiệp.

Riêng các ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, Công nghệ thông tin, Thủy sản, Du lịch, 100% sinh viên có việc làm ngay sau khi ra trường.

Sinh viên học tập tại không gian văn hóa Hàn Quốc (Ảnh: NTCC)

Cũng theo Phó Hiệu trưởng điều hành Trường Đại học Hạ Long, Nghị quyết 187 không chỉ mang lại hiệu quả nâng cao quy mô tuyển sinh mà còn thay đổi quan điểm, quyết định của của phụ huynh và học sinh khi lựa chọn ngành nghề và cơ sở đào tạo: “Trước đây, các phụ huynh thường có tâm lí e dè khi lựa chọn trường học địa phương và phần đông có xu hướng chọn trường đại học ở các thành phố lớn.

Tuy nhiên, trong khoảng 3 năm trở lại đây, có một lượng lớn học sinh sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông lựa chọn Trường Đại học Hạ Long để học tập.

Điều này có nhiều lí do, trong đó có 2 lí do căn bản, là: Sinh viên của Trường được nhận những chính sách khuyến học hấp dẫn và môi trường học tập và chất lượng đào tạo tốt.

Ngoài ra, với các bậc phụ huynh, cho con học tập ngay tại tỉnh Quảng Ninh sẽ thuận lợi trong quản lí, hỗ trợ, động viên con.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc hoạt động giáo dục và đào tạo đảm bảo “mục tiêu kép”, thích ứng linh hoạt trong trạng thái bình thường mới cũng là nguyên nhân tác động tới sự thay đổi trong quan điểm và quyết định lựa chọn học tập tại Trường Đại học Hạ Long của học sinh và phụ huynh.

Khi học tập tại Trường Đại học Hạ Long, phụ huynh và học sinh cũng không phải lo lắng về chỗ ở vì ký túc xá của nhà trường có thể đáp ứng được 80% nhu cầu của sinh viên (1500 sinh viên).

Đối với những gia đình khó khăn, học tập tại trường sẽ giảm gánh nặng tài chính cho gia đình rất nhiều. Sinh viên không phải đóng học phí và nhận được học bổng nếu học tập giỏi.

Đặc biệt, sinh viên của 13 hệ đào tạo của nhà trường cơ bản đều có việc làm khi ra trường” – Phó Hiệu trưởng điều hành nhà trường cho biết thêm.

Phương hướng phát triển giai đoạn 2021 – 2025

Dựa trên những thành tựu nhà trường đạt được trong giai đoạn 2015 – 2020, Trường Đại học Hạ Long tiếp tục phát triển theo lộ trình xây dựng nhà trường trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Về công tác tuyển sinh, nhà trường tiếp tục quan tâm thu hút đối tượng học lực khá, giỏi vào các ngành, làm tiền đề thuận lợi cho công tác đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và khu vực.

Để làm tốt nhiệm vụ đó, Trường tiếp tục đẩy mạnh xây dựng mạng lưới tuyển sinh tại các tỉnh ngoài để nâng tỉ lệ số thí sinh ngoại tỉnh; tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá tuyển sinh, các chế độ chính sách của tỉnh cũng như của nhà trường.

Song song với công tác tuyên truyền, Trường Đại học Hạ Long mở các chương trình đào tạo quốc tế, chương trình tiên tiến, dạy bằng tiếng Anh, mở rộng tuyển sinh sinh viên quốc tế.

Trong giai đoạn 2021 – 2025, nhà trường tiếp tục quan tâm thu hút đối tượng học lực khá, giỏi vào các ngành 

Phó Hiệu trưởng điều hành Trường Đại học Hạ Long cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng chiến lược phát triển Trường Đại học Hạ Long theo hướng trở thành trường đại học có thứ hạng trong khu vực và trên thế giới.

Trong đó, quan trọng nhất là đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ cho tỉnh Quảng Ninh mà còn cho các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng.

Theo chiến lược phát triển giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, về quy mô tuyển sinh, nhà trường phấn đấu đến năm 2025 tuyển sinh được 10.000 sinh viên ở các hệ đào tạo trong đó hệ chính quy là 7.000 sinh viên.

Đến năm 2030, nhà trường ổn định ở mức 10.000 – 15.000 sinh viên.

Ngoài ra, nhà trường dự kiến đến năm 2025 sẽ có 15 – 20 ngành đào tạo đại học. Trong đó, sẽ mở thêm các ngành đào tạo thuộc về lĩnh vực kinh tế như Quản trị kinh doanh, Marketing và một số ngành thuộc về lĩnh vực sáng tạo, nghệ thuật”.

Trường Đại học Hạ Long dự kiến đến năm 2025 sẽ có 15 – 20 ngành đào tạo đại học 

Trong giai đoạn 2021 – 2025, Trường Đại học Hạ Long tiếp tục mở mới các ngành, nghề đào tạo, trong đó ưu tiên đặc biệt đối với những ngành, nghề nằm trong định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Ninh và khu vực.

Trường cũng sẽ tiếp tục mở rộng các loại hình, hệ đào tạo: Thạc sĩ, liên thông, văn bằng hai, đào tạo từ xa để đáp ứng tối đa nhu cầu của mọi đối tượng người học.

Phấn đấu mở mới các ngành đào tạo thuộc nhóm ngành: Sư phạm, kinh doanh và quản lý, quản lý công nghiệp, quản lý tài nguyên đất, mỹ thuật ứng dụng, công nghệ thông tin, báo chí và truyền thông, nghệ thuật.

LÃ TIẾN – PHẠM LINH (theo: https://giaoduc.net.vn)
Xem bài viết gốc Tại đây

BÌNH LUẬN