Thứ Sáu, 13/12/2019 | 08:04 GMT +7

Cú huých đột phá cho Đại học Hạ Long

HĐND tỉnh vừa ban hành Nghị quyết quy định chế độ chi cho giảng viên thỉnh giảng, chính sách tạo nguồn giảng viên tiếng Nhật Bản và chính sách hỗ trợ người học một số ngành nghệ thuật tại Trường Đại học Hạ Long.

Với các cơ chế được quy định hỗ trợ rõ ràng, ưu việt chắc chắn sẽ tạo cú huých cho Đại học Hạ Long trong quá trình xây dựng trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng thương hiệu giáo dục, đột phá chiến lược của tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực phục vụ cho xu thế phát triển của tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại.

Theo quy định, đối tượng tỉnh Quảng Ninh mời thỉnh giảng tại Đại học Hạ Long là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ có thời gian giảng dạy chương trình đại học tại các cơ sở giáo dục đại học ở trong nước; các tiến sĩ của cơ sở giáo dục đại học (hoặc tương đương) ở nước ngoài, có thời gian giảng dạy chương trình đại học (hoặc tương đương); thạc sĩ các ngành ngôn ngữ Nhật Bản, ngôn ngữ Hàn Quốc có thời gian giảng dạy chương trình đại học tại các cơ sở giáo dục đại học ở trong nước; các thạc sĩ là người Nhật Bản hoặc Hàn Quốc đang giảng dạy các môn học của chương trình đại học (hoặc tương đương) tại cơ sở giáo dục đại học (hoặc tương đương) ở Nhật Bản hoặc Hàn Quốc, tương tự các môn học thuộc ngành ngôn ngữ Nhật Bản hoặc ngôn ngữ Hàn Quốc trong chương trình đào tạo của Trường Đại học Hạ Long. Với quy định mức chi thù lao từ 300.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/giờ dạy tùy đối tượng, chức danh cụ thể. Tiền ăn hỗ trợ là 300.000 đồng/người/ngày; hỗ trợ tiền đi lại cho mỗi lần đến giảng dạy, bao gồm cả thanh toán vé máy bay khứ hồi dạng phổ thông.

Đối với giảng viên tiếng Nhật Bản nằm trong danh mục tạo nguồn, tỉnh Quảng Ninh sẽ hỗ trợ (ngoài tiền lương theo quy định) bằng 3-5 lần mức lương cơ sở/tháng cho từng đối tượng quy định cụ thể; hỗ trợ 100% học phí theo quy định khi đi học lấy bằng thạc sĩ; hỗ trợ tiền nhà ở sau khi được bổ nhiệm làm giảng viên của Trường Đại học Hạ Long, bằng 500-750 triệu đồng/người cho từng đối tượng quy định.

Đối với người học thanh nhạc, biểu diễn nhạc cụ phương Tây, biểu diễn nhạc cụ truyền thống, nghệ thuật biểu diễn kịch múa tại Đại học Hạ Long được hỗ trợ 100% tiền đóng học phí hằng tháng bằng mức học phí phải nộp theo quy định, số tháng được hưởng bằng số tháng phải nộp học phí; bố trí chỗ ở miễn phí tại Ký túc xá của Trường Đại học Hạ Long nếu khoảng cách từ nhà đến nơi học từ 15km trở lên.

Được xác định là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh Quảng Ninh, Trường Đại học Hạ Long đã được tỉnh tập trung đầu tư về cơ sở vật chất, các cơ chế chính sách đi kèm để thu hút đội ngũ giảng viên, học sinh chất lượng cao. Sau 5 năm thành lập Đại học Hạ Long đang có 30 tiến sĩ, 177 thạc sĩ  và 10 nghiên cứu sinh, công tác đào tạo của trường đạt nhiều kết quả từng bước định hình thương hiệu từ chiến lược phát triển là trung tâm đại học đào tạo ngoại ngữ, quản trị dịch vụ, du lịch và lữ hành, nghệ thuật…

Phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên tiếp tục là yêu cầu bức thiết đối với Đại học Hạ Long trong hành trình xây dựng là Trung tâm đô thị đại học. Việc tiếp tục triển khai thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại trường để tăng tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ ngang bằng và cao hơn so với tỷ lệ chung của các trường đại học uy tín trên toàn quốc là mục tiêu tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Đại học Hạ Long bằng các chế độ thu hút ở mức hấp dẫn nhất. Với việc ban hành thêm nghị quyết về các cơ chế chính sách thu hút giảng viên thỉnh giảng chất lượng cao, tăng cường giảng viên để xây dựng bộ môn ngoại ngữ tiếng Nhật Bản của nhà trường đủ mạnh, thêm cơ chế hỗ trợ cho sinh viên học chuyên ngành nghệ thuật, tin tưởng Đại học Hạ Long sẽ sớm đạt mục tiêu trở thành trường đại học danh tiếng của cả nước.

Ngọc Lan (Báo Quảng Ninh)

BÌNH LUẬN