Thứ Hai, 10/6/2019 | 09:47 GMT +7

MÔ HÌNH CẤU TRÚC CỦA THÀNH NGỮ SO SÁNH TRONG TRUYỆN KIỀU – NGUYỄN DU

Bài viết nhằm làm rõ các mô hình cấu trúc của các thành ngữ so sánh tiếng Việt được sử dụng trong kiệt tác Truyện Kiều – Nguyễn Du. Qua đó thấy được tính hai mặt – vừa cố định, bền vững lại vừa mềm dẻo, linh hoạt trong hình thái – cấu trúc của các thành ngữ khi tham gia vào hoạt động giao tiếp, đặc biệt trong giao tiếp nghệ thuật và  hơn hết cũng là sự khẳng định tài nghệ bậc thầy trong sử dụng thành ngữ và ngôn ngữ dân tộc của đại thi hào Nguyễn Du.

ThS. Phùng Thị Lượt, Khoa SP Trung học

 1. Đặt vấn đề

 Tác giả Nguyễn Lộc, người dành nhiều thời gian, tâm huyết và đã có những công trình nghiên cứu quan trọng về tác gia Nguyễn Du, đặc biệt là tác phẩm Truyện Kiều, đã có một nhận định rất được đồng tình rằng: “Trong các vấn đề tranh luận về Truyện Kiều xưa nay, dường như có một vấn đề duy nhất không có mấy ý kiến trái ngược. Đó là vấn đề về thành tựu ngôn ngữ văn học của Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Hầu như tất cả các nhà nghiên cứu, các nhà bình luận Truyện Kiều đều khẳng định Nguyễn Du là bậc thầy của ngôn ngữ dân tộc, là tập đại thành về ngôn ngữ của thời đại ông, là người đã nâng ngôn ngữ văn học dân tộc của thời đại lên một đỉnh cao chói lọi” [3;419]. Trong số những thành tựu về phương diện ngôn ngữ của Truyện Kiều, người ta không thể không nói đến thành công của Nguyễn Du khi sử dụng thành ngữ.

 Có thể nói, trong kho tàng thành ngữ tiếng Việt, thành ngữ so sánh (TNSS) là một loại thành ngữ quan trọng. Trong Truyện Kiều, ta cũng bắt gặp nhiều TNSS. Các thành ngữ này được sử dụng theo ba dạng thức khác nhau. Một là dạng nguyên thể – tức thành ngữ mà các yếu tố kết hợp bên trong tuân theo trật tự logic về cấu trúc, ngữ nghĩa được xác định trong từ điển; và hai là dạng biến thể – là hình thức mà so với thành ngữ nguyên thể bao giờ cũng có ít nhiều biến đổi (thay đổi vị trí, mở rộng – rút gọn thành tố…) trong phạm vi các yếu tố có tính chất thứ yếu. Dạng thức thứ ba là dạng hàm ẩn – một dạng đặc biệt trong cách sử dụng thành ngữ biến thể. Ở dạng thức này, thường gặp là cách nói mượn ý từ thành ngữ. Có thể nói, với biến thể loại đặc biệt này, chúng ta không khó để nhận diện thành ngữ gốc, nhưng cũng thật không dễ để xây dựng mô hình cấu trúc cho biến thể mới (và chúng tôi cho rằng cũng không nên xây dựng mô hình cấu trúc cho biến thể mới này). Chính vì vậy, trong bài viết này, khi tìm hiểu đặc điểm mô hình cấu trúc của TNSS được sử dụng trong Truyện Kiều, chúng tôi tiến hành tìm hiểu trên hai phương diện: Một là đặc điểm các mô hình cấu trúc của TNSS nguyên thể trong Truyện Kiều; Hai là đặc điểm các mô hình cấu trúc của TNSS biến thể trong Truyện Kiều.

  1. Nội dung

2.1. Thành ngữ so sánh tiếng Việt

Theo tác giả Hoàng Văn Hành, thành ngữ so sánh là “một tổ hợp từ bền vững, bắt nguồn từ phép so sánh, với nghĩa biểu trưng, kiểu rách như tổ đỉa, khỏe như vâm, như cá nằm trên thớt, nhảy như choi choi…” [2;47]. Từ đó, ông cho rằng cấu trúc logic của phép so sánh At1 như Bt2, trong đó t1 là thuộc tính của A, t2 là thuộc tính của B, là cơ sở cho cấu trúc ngôn ngữ của phép so sánh. Theo tác giả, giữa hai cấu trúc này “không có tương ứng hoàn toàn về thành tố” [2;49]. Cụ thể, trong cấu trúc ngôn ngữ của phép so sánh, “t2 không bao giờ xuất hiện dưới dạng hiển ngôn” [2;49]. Do đó mẫu tổng quát cấu trúc ngôn ngữ của phép so sánh là A + t + tss + B với bốn dạng cụ thể như sau:

(1)  A +t + tss+ B (Ví dụ: mặt đỏ như gà chọi, cổ ngẳng như cổ cò…)

(2) A + tss+ B       (Ví dụ: nói như trạng, nợ như chúa Chổm…)

(3) t + tss+ B        (Ví dụ: đen như cột nhà cháy, nhũn như con chi chi…)

(4) tss+ B              (Ví dụ: như vịt nghe sấm, như nước với lửa….)

Trong đó, A – cái được so sánh, t – phương diện so sánh, tss – từ so sánh, B – cái so sánh và dạng (1) là dạng đầy đủ nhất.

2.2. Mô hình cấu trúc TNSS nguyên thể trong Truyện Kiều

Tiến hành phân loại theo cấu trúc các TNSS được dùng nguyên mẫu trong Truyện Kiều, chúng tôi có kết quả sau: Chiếm số lượng 7/13 đơn vị, ứng với 53,8 % trong tổng số thành ngữ so sánh là thành ngữ dạng t tss B; thành ngữ so sánh có cấu trúc tss B gốm 4/13 đơn vị, chiếm 30,7 %; cấu trúc A tss B gồm 2/13 đơn vị, chiếm 15,5%. Đặc biệt thành ngữ so sánh cấu trúc điển hình A t tss B vắng mặt hoàn toàn. Cụ thể:

           Kết quả phân loại  TNSS nguyên mẫu trong Truyện Kiều

Đơn vị khảo sát

Số lượng

Tỉ lệ (%)

TNSS trong Truyện Kiều 13 100
Dạng t sss B 7  53,8 %
Dạng A tss B 2 15,5 %
Dạng tss B 4  30,7 %
Dạng A t tss B 0 0 %

Sau đây, chúng tôi tiến hành phân tích các mô hình cấu trúc của TNSS trong Truyện Kiều:

  1. Mô hình cấu trúc: t + tss + B

Kết quả khảo sát ngữ liệu trong Truyện Kiều cho thấy, thành ngữ có cấu trúc t + tss + B chiếm số lượng nhiều nhất so với các tiểu dạng còn lại. Ở dạng thức này, TNSS lược bỏ yếu tố A – cái được so sánh, chỉ còn lại các yếu tố: t (phương diện so sánh), tss (từ so sánh), B (cái so sánh). Thí dụ:

(1879 – 1880)            “Nhẹ như bấc, nặng như chì,

Gỡ cho ra nữa còn gì là duyên.”

Cấu trúc của hai thành ngữ: (1)  nhẹ  như   bấc                   (2)       nặng   như     chì

t      tss     B                                   t          tss         B

     Các thành ngữ tiểu dạng này khi được sử dụng sẽ mang lại hiệu quả cao trong việc gợi liên tưởng ở người nghe/ người đọc. Chẳng hạn, để hiểu đúng được ý tứ cặp câu thơ trên, nếu người đọc chỉ căn cứ trên câu chữ  thì thật khó. Mấu chốt là phải trả lời được câu hỏi: Ở đây, thì, cái gì là nhẹ như bấc, là nặng như chì? Có chăng, phải nhìn thấu được bi kịch của Kiều lúc này (Kiều bị bắt về nhà và làm người hầu đàn rượu cho cuộc vui của hai vợ chồng Hoạn Thư), và đau nỗi đau của Kiều thì người đọc mới tìm ra đáp án cho câu hỏi.

     Bên cạnh đó, so với các thành ngữ mang cấu trúc lí tưởng, các thành ngữ có cấu trúc t tss B có những thế mạnh nhất định, nhất là khi chúng hành chức. Bởi, khi cần thiết, tùy vào từng hoàn cảnh giao tiếp, tác giả có thể chêm vào phía trước t một yếu tố đóng vai trò là A nào đó, khiến cho câu thơ sáng tỏ hơn. Chẳng hạn, việc thêm kết cấu ngày vui vào trước thành ngữ “ngắn chẳng tày gang” đã làm rõ đề tài được nói đến trong cặp câu thơ:

                    (425 – 426)            “Ngày vui ngắn chẳng tày gang,

Trông ra ác đã ngậm gương non đoài.”

Hay, trường hợp thành ngữ mỏng như tờ trong cặp câu:

(2777 – 2778)          “Kiều nhi phận mỏng như tờ,

Một lời đã lỗi tóc tơ với chàng.”

  1. Mô hình cấu trúc: tss + B

Ở dạng thức này, thành ngữ lược bớt 2 thành tố trong cấu trúc so sánh là A (cái được so sánh) và t (phương diện so sánh), chỉ còn lại tss (từ so sánh) và B (cái so sánh). Thí dụ như các thành ngữ: như chan, như mưa, như nêm, như nước,…

(1759 – 1760)               “Nàng càng giọt ngọc như chan,

Nỗi lòng luống những bàn hoàn niềm tây.”

Cấu trúc của hai thành ngữ trong (1759 – 1760) như sau:   như chan

tss      B

Có thể thấy, đặc điểm điển hình của thành ngữ với mô hình cấu trúc này là sự rút gọn đến tối đa so với các cấu trúc còn lại. Chính vì vậy, tiểu loại TNSS này cũng có khả năng xuất hiện rất cao trong nhiều thể loại văn học, đặc biệt là trong thơ – thể loại nổi bật với đặc trưng tính hàm súc. Khảo sát trong Truyện Kiều, các thành ngữ mang cấu trúc tss B thường được kết hợp theo sau các danh từ/danh ngữ để làm rõ các tính chất/ đặc điểm của các danh từ/danh ngữ ấy. Ví dụ:

                   (47 –  48)                         “Dập dìu tài tử giai nhân,

Ngựa xe như nước, áo quần như nêm”

Ta có thể hình dung cụ thể hơn bằng mô hình sau:

Ngựa xe  // như nước, áo quần  // như nêm.

  1. Mô hình cấu trúc: A + tss+ B

Với thành ngữ mang cấu trúc này, các thành tố còn lại trong cấu trúc so sánh là A (cái được so sánh), tss (từ so sánh), B (cái so sánh). Ta có thể bắt gặp trong Truyện Kiều các thành ngữ như: việc tày trời, mặt như chàm đổ… Thí dụ:

(1513 – 1514)                “Hơn điều giấu ngược giấu xuôi,

Lại mang những việc tày trời đến sau.”

Cấu trúc của thành ngữ trong (1513 – 1514) như sau:   việc tày trời

A   tss    B

Hay trong cặp câu (2325 – 2326) “Cho gươm mời đến Thúc lang,

                        Mặt như chàm đổ, mình dường rẽ run.”

Cấu trúc của thành ngữ trong (2325 – 2326) như sau: mặt  như chàm đổ

A      tss       B

Từ hai ví dụ trên ta thấy, trong các thành ngữ loại này, yếu tố A thường bao giờ cũng được hiểu theo nghĩa đen với ý nghĩa rõ ràng, cụ thể nhất. Cho nên, việc sử dụng thành ngữ có dạng thức này thường có tác dụng gợi liên tưởng, buộc người ta phải chú ý mối liên hệ giữa A và B để phát hiện đặc điểm/tính chất nổi bật nào của A mà thành ngữ muốn hướng đến.

Tiểu kết: (1) Về cấu trúc, trong TNSS, thành phần biểu thị quan hệ so sánh và cái so sánh (có thể gọi là cấu trúc so sánh tss + B ) là bộ phận bắt buộc và ổn định trên cấu trúc bề mặt cũng như cấu trúc bề sâu. Nếu phá vỡ cấu trúc so sánh thì sẽ không còn thành ngữ so sánh nữa. Hay nói cách khác, cấu trúc tss + B là cấu trúc bề sâu, có mặt trong mọi TNSS; (2) Với ba mô hình cấu trúc của TNSS đã phân tích, rõ ràng mỗi cấu trúc có vai trò, tác dụng riêng. Song có một điều chung không thể phủ nhận: so với các TNSS có mô hình đầy đủ, các TNSS này mang ý nghĩa bao quát phạm vi rộng hơn và cho phép sử dụng ở phạm vi cũng rộng rãi hơn.

2.3. Mô hình cấu trúc TNSS biến thể trong Truyện Kiều

Như đã khẳng định, thành ngữ tiếng Việt trong Truyện Kiều không chỉ được Nguyễn Du sử dụng ở dạng nguyên thể. Dưới ngòi bút tài hoa của đại thi hào, các thành ngữ gốc đã xuất hiện biến thể mới, được biến hóa đầy tài tình. Kết quả khảo sát cho thấy, trong Truyện Kiều, các TNSS được tác giả vận dụng linh hoạt bằng phương thức chủ yếu là mở rộng các thành ngữ gốc. Khảo sát các ngữ liệu, chúng tôi thống kê được hai mô hình biến thể mở rộng của thành ngữ loại này như sau.

  1. Dạng thức 1: t tss B à tm tss B (trong đó, m là yếu tố thêm vào)

Trong Truyện Kiều, biến thể dạng này xuất hiện dựa trên sự thay đổi trong mô hình cấu trúc nguyên thể t tss B bằng cách thêm một yếu tố m đi kèm với yếu tố t – phương diện so sánh. Ví dụ:

(1563 – 1564)        “Trong ngoài kín mít như bưng,

Nào ai còn dám nói nói năng một lời.”

Thành ngữ nguyên thể kín như bưng đã được Nguyễn Du vận dụng linh hoạt hơn bằng cách ghép thêm một yếu tố vào từ kín (từ đơn – sắc thái trung tính) để trở thành kín mít (từ ghép – gia tăng cho từ nét nghĩa sắc thái hóa – chỉ tính chất kín ở mức độ cao) trong thành ngữ mới kín mít như bưng.

Xét một trường hợp khác:

(1891 – 1892)             “Sinh đà rát ruột như bào,

Nói ra chẳng tiện trông vào chẳng đang.”

Thành ngữ biến thể rát ruột như bào được Nguyễn Du mở rộng thành phần ruột trên cơ sở thành ngữ nguyên thể rát như bào. Biến thể thành ngữ này đã khắc họa rõ nét hơn, thể hiện được nỗi đau xót đang dày vò Thúc Sinh khi chàng để mình và Kiều rơi vào tình cảnh trái ngang “Vợ chồng chén tạc, chén thù/ Bắt nàng đứng chực trì hồ hai nơi”.

Rõ ràng, việc mở rộng các thành ngữ gốc bằng cách thêm một số thành tố vào giữa kết cấu của thành ngữ làm cho nghĩa của thành ngữ trở nên tường minh hơn, đầy đủ hơn hoặc rõ nét hơn với các ý nghĩa được sắc thái hóa.

  1. Dạng thức 2: t tss1 B1 à A tss2 B2

Biến thể dạng này được tạo bởi phương thức cấu tạo vừa thay thế từ so sánh – tss 2, thay thế cái được so sánh – B2 trên cơ sở tss1, B1, vừa gia tăng thêm yếu tố so sánh – A. Có thể nói, đây là một dạng biến thể đặc biệt cho thấy tài năng sử dụng thành ngữ linh hoạt, nhuần nhuyễn của Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Chẳng hạn:

(2325 – 2326)              “Cho gươm mời đến Thúc lang,

                                    Mặt như chàm đổ, mình dường dẽ run.”

Thành ngữ gốc run như dẽ có cấu trúc t tss B. Tài năng của Nguyễn Du thể hiện ở chỗ, ông truyền tải lại tinh thần của thành ngữ – mang nghĩa “quá sợ, run bắn lên, run cầm cập” [4;542], trong một diện mạo mới, cấu trúc mới khi thêm A – mình, từ so sánh tss – dường, biến cả thành ngữ gốc thành yếu tố B – dẽ run, để gần với cấu trúc so sánh của thành ngữ bốn yếu tố về trước A tss B.

  Tiểu kết: Việc sử dụng các thành ngữ có cấu trúc so sánh đã gợi ra nhiều liên tưởng, làm cho mỗi câu thơ trong Truyện Kiều lấp lánh hình ảnh, mỗi ý thơ trong Truyện Kiều thêm phần ý nhị, hấp dẫn.

  1. Kết luận

            Nghiên cứu mô hình cấu trúc của các TNSS được sử dụng trong Truyện Kiều, chúng ta thấy rõ phần nào sự đa dạng, sinh động của bức tranh thành ngữ.  Mặc dù, tính ổn định, bền vững về hình thức là một tiêu chí cơ bản để xác định thành ngữ, nhưng, trong thực tế sử dụng, thành ngữ vẫn có thể có những biến đổi nhất định. Các hình thức của chúng, cho dù là nguyên thể hay biến thể, thì có một sự thật là khả năng biểu nghĩa, biểu cảm của thành ngữ là rất đặc trưng, không phải đơn vị ngôn ngữ nào cũng có được. Và cũng một lần nữa, chúng ta lại có thể khẳng định Nguyễn Du xứng đáng là bậc thầy của ngôn ngữ dân tộc, là tập đại thành về ngôn ngữ của thời đại ông, là người đã nâng ngôn ngữ văn học dân tộc của thời đại lên một đỉnh cao chói lọi”.

Tài liệu tham khảo:

  1. Đào Duy Anh (2000), Từ điển Truyện Kiều, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
  2. Hoàng Văn Hành (chủ biên), Kể chuyện thành ngữ, tục ngữ, Nxb KHXH, Hà Nội.
  3. Nguyễn Lộc (2004), Văn học Việt Nam (nửa cuối thế kỉ XVII – hết thế kỉ XIX), tái bản lần thứ 5, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  4. 4. Nguyễn Lực, Lương Văn Đang (1978), Thành ngữ tiếng Việt, Nxb KHXH, Hà Nội.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

BÌNH LUẬN