Thứ Ba, 30/5/2023 | 22:46 GMT +7

Khoa Văn hoá lồng ghép nội dung “Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” vào học phần nghiệp vụ văn hoá giảng dạy cho sinh viên

Ngày 20/4/2020, UBND tỉnh đã có quyết định (số 1310/QĐ-UBND) về việc ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, […]

Ngày 20/4/2020, UBND tỉnh đã có quyết định (số 1310/QĐ-UBND) về việc ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân đang sinh sống, làm việc, công tác, tham quan, học tập trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này. Là một đơn vị sự nghiệp, trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Trường Đại học Hạ Long chỉ đạo phòng đào tạo và các khoa phối hợp thống nhất xây dựng chương trình và lồng ghép vào các học phần để giảng dạy, phổ biến nội dung với tất cả sinh viên trong toàn trường.

Căn cứ vào nội dung Bộ quy tắc được ban hành và tổ chức thực hiện hướng đến mục đích xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức ở nơi công cộng trên địa bàn tỉnh; xây dựng tỉnh Quảng Ninh văn minh, thân thiện, hiện đại và đáng sống, góp phần giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Quảng Ninh cho hôm nay và mai sau. Khoa Văn hoá họp chuyên môn và xây dựng lồng ghép nội dung Bộ quy tắc ứng xử với 10 tiết dạy vào học phần Nghiệp vụ quản lý văn hoá 1 (2 tín chỉ- 30 tiết) đối với hơn 100 sinh viên ngành Quản lý văn hoá khoá 7  năm học (2021-2022); khoá 8 năm học (2022-2023).

Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Bộ quy tắc ứng xử trước hết là trong gia đình, dòng họ, trong cộng đồng nơi cư trú (làng, bản, khu dân cư). Bên cạnh đó là ở các thiết chế văn hoá: Bảo tàng, thư viện, nhà văn hoá, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo… và nơi công cộng: Quảng trường, đường phố, công viên, trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, nhà ga, bến xe, bến tàu, sân bay, trên các phương tiện công cộng, khi tham gia giao thông, khu vui chơi, giải trí, khu vực tổ chức các sự kiện, điểm tham quan du lịch, điểm nghỉ dưỡng,… Đối tượng áp dụng là các tổ chức và cá nhân làm việc, sinh sống, công tác, tham quan, học tập trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Tìm hiểu nội dung Bộ quy tắc gồm có 4 chương với 41 điều. Trong đó, chương 1 là những quy định chung; chương 2 là những quy tắc ứng xử chung; chương 3 là quy tắc ứng xử trong từng cộng đồng (trong gia đình, trong dòng họ, trong cộng đồng nơi cư trú; nơi công cộng; trên mạng xã hội) và chương 4 là tổ chức thực hiện.

Nội dung chương 2: Về các quy tắc ứng xử chung (Quy tắc 5T), Bộ quy tắc đặt ra yêu cầu phải nhấn mạnh quy tắc 5T đó là: (1). Thượng tôn pháp luật; (2).Tôn trọng bản thân và người khác; (3). Tôn trọng và bảo vệ môi trường; (4). Thân thiện, văn minh, hào sảng; (6). Trách nhiệm với bản thân và cộng đồng.

Đối với các quy tắc ứng xử trong từng cộng đồng, Bộ quy tắc đã đưa ra các chuẩn mực, tiêu chí cụ thể để các đối tượng áp dụng, thực hiện. Ví dụ, như trong gia đình vợ chồng phải ứng xử ra sao; ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu như thế nào; ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà phải làm gì; ứng xử của anh, chị, em với nhau phải đảm bảo yêu cầu gì? Trên cơ sở nội dung cụ thể các quan hệ ứng xử, giảng viên định hướng và sinh viên lấy những ví dụ cụ thể để trình bày và làm rõ chuẩn mực về quy tắc ứng xử.

Quảng Ninh là trung tâm văn hoá du lịch của cả nước và khu vực với số lượng khách du lịch cả trong và ngoài nước đến với tỉnh lớn, đạt trên chục triệu lượt người trong những năm gần đây, nên Bộ quy tắc cũng quy định các chuẩn mực ứng xử ở các điểm tham quan, du lịch, khu vui chơi, giải trí. Yêu cầu đặt ra ở những nơi này là phải an toàn, thân thiện, vui vẻ. Chẳng hạn như có thái độ thân thiện, niềm nở, nhiệt tình và mến khách; tôn trọng văn hóa, phong tục tập quán và khuyến khích tiêu dùng các sản phẩm của địa phương; bảo vệ cảnh quan môi trường, cung cấp các dịch vụ có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Đáng chú ý, trong Bộ quy tắc cũng quy định rõ những chuẩn mực, yêu cầu trong việc tham gia mạng xã hội. Cụ thể, như chỉ đưa những thông tin chính xác, rõ ràng, minh bạch lên mạng xã hội; tham gia vào các hoạt động trong cộng đồng mạng theo hướng tích cực với ngôn từ văn minh, lịch sự; không tuyên truyền, cổ vũ cho các hành vi trái với thuần phong, mỹ tục, trái pháp luật; không lợi dụng mạng xã hội để tư lợi cá nhân bất hợp pháp, nếu mắc sai lầm, hãy thừa nhận và nhanh chóng sửa sai, khắc phục hậu quả…

Bộ Quy tắc ứng xử được ban hành năm 2020 là sự tiếp nối, kế thừa từ Bộ quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long” được Quảng Ninh ban hành năm 2015, với yêu cầu cụ thể và phạm vi điều chỉnh rộng lớn hơn. Được chỉnh sửa, bổ sung phù hợp thực tiễn áp dụng năm 2022, với ý nghĩa và tính thiết thực đó, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương và từng người dân, gia đình trên địa bàn tỉnh cần nắm chắc và hiểu rõ những quy chuẩn của Bộ quy tắc để thực hiện tốt. Đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động, giáo dục đến các đối tượng để việc thực hiện và áp dụng Bộ quy tắc trở thành phong trào rộng khắp trên địa bàn tỉnh, tạo hiệu ứng lan tỏa những giá trị đẹp, hành vi chuẩn mực trong xã hội. Khoa Văn hoá trường Đại học Hạ Long cũng đã góp phần vào nhiệm vụ chung đó, chung sức, đồng lòng xây dựng tỉnh Quảng Ninh là một địa phương văn minh, hiện đại, thân thiện, phát triển, là nơi cần đến và đáng sống.

                                                                        Hải Ninh

BÌNH LUẬN