Thứ Sáu, 10/4/2020 | 15:30 GMT +7

ĐẨY MẠNH HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC HẠ LONG TỪ HOẠT ĐỘNG CỦA NHÓM NGHIÊN CỨU

Tóm tắt: Bài báo đề cập đến vai trò và ý nghĩa của nhóm nghiên cứu (NNC) và nhóm nghiên cứu mạnh trong nghiên cứu khoa học (NCKH). Tác giả điểm lại thực trạng công tác NCKH tại Trường Đại học Hạ Long, giới thiệu về những yếu tố cơ bản của nhóm nghiên cứu mạnh và đề xuất các biện pháp để thành lập và hoạt động NNC tiến tới NNC mạnh tại Trường Đại học Hạ Long.

1. Đặt vấn đề

Xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, cách mạng khoa học công nghệ 4.0 đã và đang tác động trực tiếp đến sự phát triển của các nền giáo dục thế giới, gia tăng nhu cầu và các đòi hỏi về giáo dục đại học, tạo ra nhiều cơ hội lớn đồng thời cũng là những thách thức cho phát triển giáo dục đại học [1,2].

Từ Hội nghị Trung ương 6 khóa XI của Đảng, Ban Bí thư đã có kết luận số 50 – KL/TU về các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp để phát triển khoa học công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế trên rất nhiều lĩnh vực, ở các địa phương và các Bộ, Ngành…

Ban thường vụ  Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch  số 348-KH/TU ngày 04/10/2019 để thực hiện Kết luận 50 – KL/TU của Ban Bí thư với sáu nội dung rất cụ thể về: Nâng cao trách nhiệm công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính
quyền các cấp, nhất là người đứng đầu về phát triển khoa học và công nghệ; Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các Cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ; Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ có trọng tâm, trọng điểm, sát với yêu cầu thực tiễn của tỉnh; Tiếp tục tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; Phát triển thị trường khoa học và công nghệ và hệ sinh thái khỏi nghiệp, đổi mới sáng tạo; Đẩy mạnh hợp tác, liên kết quốc tế về khoa học và công nghệ.

Đứng trước các yêu cầu của Đảng, của Tỉnh, Trường Đại học Hạ Long là trường Đại học hàng đầu của tỉnh trong việc phát triển khoa học và công nghệ cần phải có những giải pháp kịp thời về phát triển NCKH và công nghệ trong đó có việc thành lập và hoạt động của NNC và tiến tới NNC mạnh là điều hết sức cần thiết.

2. Thực trạng nghiên cứu khoa học tại trường Đại học Hạ Long giai đoạn 2015 – 2019

2.1. Những kết quả chính đạt được

Thực hiện Quyết định số 1109/QĐ – UBND ngày 02/6/2014 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc phê duyệt “Quy hoạch phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030”; Nghị quyết 07-NQ/TU ngày 13/3/2017 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về Phát triển Khoa học công nghệ tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, trong quá trình hoạt động, cùng với sự phát triển đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, số lượng và chất lượng nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Hạ Long được nâng cao về số lượng và chất lượng.

Giai đoạn 2015 – 2019, Nhà trường đã xuất bản được 04 cuốn Thông tin khoa học với hơn 120 bài báo khoa học của cán bộ, giảng viên; hơn 140 bài nghiên cứu đăng trên tạp chí trong nước và quốc tế. xuất bản hơn 20 giáo trình, tài liệu giảng dạy; tổ chức gần 100 hội thảo khoa học các cấp;  thực hiện 01 nhiệm vụ khoa học cấp quốc gia, 09 nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh, 70 nhiệm vụ khoa học cấp Trường/Sở, hàng trăm nhiệm vụ khoa học cơ sở, 02 nhiệm vụ thực hiện theo cơ chế đặt hàng (100% nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước). Năm 2020, trên cơ sở văn bản của tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ninh tiếp tục đặt hàng nhà trường thực hiện 03 đề tài cấp tỉnh, 02 đề tài cấp sở.

Cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường  tham gia các cuộc khoa học các cấp, kết quả đã có 29 đề tài, giải pháp, ý tưởng đạt giải. Trong đó, Hội thi sáng tạo  kỹ thuật tỉnh Quảng Ninh lần thứ VI, VII  (có 9 giải); Cuộc thi sáng tạo dịch vụ tỉnh Quảng Ninh lần I (13 giải)  Hội thi Olympic kinh tế lượng và ứng dụng (05 giải); Cuộc thi tài năng khoa học trẻ (1 giải); Phát động cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp Trường Đại học Hạ Long năm 2019” thu hút được gần 30 ý tưởng tham gia dự thi.

Ngoài ra, các giảng viên của Trường đã phối hợp với các Trường THPT trên địa bàn tỉnh để hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, điển hình là đã hướng dẫn 02 học sinh trường THPT Chuyên Hạ Long tham gia cuộc thi Triển lãm quốc tế về sáng chế do Hiệp hội sáng chế và Sở hữu trí tuệ thế giới tổ chức tại Đài Loan, đạt Huy chương Bạc; Hướng dẫn phản biện cho 02 học sinh trường THCS Tân An, thị xã Quảng Yên đạt giải nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2018-2019.

Để công tác nghiên cứu khoa học đi vào chiều sâu, Trường đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu Vịnh Hạ Long (trực thuộc khoa Môi trường); Thành lập Trung tâm Khoa học và Công nghệ. Với mục tiêu tập trung nguồn lực cho nghiên cứu khoa học  hoạt động theo hướng dịch vụ, làm cơ sở cho việc nghiên cứu, triển khai dự án, kết nối doanh nghiệp và chuyển giao công nghệ gắn với hoạt động đào tạọ, hoạt động kinh tế – xã hội của tỉnh.

2.2. Một số hạn chế, tồn tại, nguyên nhân

Bên cạnh những kết quả đạt được đáng khích lệ đã nêu ở trên thì hoạt động NCKH còn gặp những hạn chế và tồn tại cần được khắc phục sớm, cụ thể:

* Hạn chế

– Kết quả nghiên cứu các nhiệm vụ khoa học chủ yếu phục vụ hoạt động của nhà trường, số lượng nhiệm vụ phục vụ ngành, địa phương chưa nhiều, hoạt động khoa học theo hướng dịch vụ còn khiêm tốn, việc tìm kiếm nguồn lực từ doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động khoa học còn hạn chế.

– Nhà trường chưa xây dựng được chương trình liên kết đào tạo một số ngành với các trường đối tác, một số giảng viên và sinh viên còn bỏ lỡ cơ hội học tập và NCKH do các đối tác dành cho nhà trường.

* Nguyên nhân

– Trường Đại học Hạ Long chưa có chuyên gia đầu ngành, đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ chưa nhiều  (31 Tiến sĩ) nhưng lại phải đảm nhiệm nhiều công việc (giảng dạy, quản lí,…) nên thời gian để đầu tư cho NCKH còn hạn chế.

– Nguồn thu nhà trường chưa nhiều, nên kinh phí dành cho NCKH còn khiêm tốn, khó triển khai các đề tài, dự án quy mô lớn, đặc biệt là các nhiệm vụ trong quá trình nghiên cứu cần phải thực nghiệm.

– Nhân lực cán bộ phụ trách và làm công tác quản lí khoa học còn mỏng.

– Văn hóa làm NCKH còn chưa thành nhu cầu của đa số cán bộ, giảng viên và sinh viên. Giảng viên và sinh viên nhà trường thường có tâm lí làm NCKH theo nhiệm vụ bắt buộc của chức danh giảng viên, chưa thấy được việc NCKH đem lại niềm vui và được thể hiện bản thân.

3. Xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh về khoa học – công nghệ tại trường Đại học Hạ Long

3.1. Sơ lược về nhóm nghiên cứu và nhóm nghiên cứu mạnh ở trường đại học

Một cách khái quát có thể hiểu Nhóm nghiên cứu (Scientific Working Group – SWG) là một tập thể nghiên cứu/hoạt động khoa học được thành lập một cách tự nguyên hay theo ý đồ phát triển của tổ chức (những không phải là một đơn vị hành chính).

Có thể hiểu “Nhóm NCM là nhóm nghiên cứu, triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực trình độ cao đạt hiệu quả tốt, có nhiều sản phẩm chất lượng cao, tiếp cận các tiêu chí của đại học nghiên cứu tiên tiến; làm nòng cột hoặc phối hợp với các nhóm nghiên cứu khác để triển khai các nhiệm vụ khoa học – công nghệ của quốc gia, định hướng và dẫn dắt các hướng nghiên cứu tiên tiến, hiện đại trong lĩnh vực chuyên môn, hướng tới các sản phẩm khoa học công nghệ quốc gia; tạo được yếu tố cạnh tranh; có thể đầu tư để phát triển thành các trung tâm nghiên cứu xuất sắc, các viện nghiên cứu” [4] .

Ngày 25/4/2019, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội thảo khoa học “Xây dựng cơ chế chính sách phát triển khoa học công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học”. Tại hội thảo này GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, nhóm nghiên cứu thực hiện khảo sát 216 giảng viên ở 40 trường đại học, viện nghiên cứu trên cả nước, kết quả cho thấy có 58,8% khẳng định đang tham gia các nhóm nghiên cứu.

Mặt khác, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến năm học 2016-2017 đã có 491 nhóm giảng dạy – nghiên cứu được thành lập tại các cơ sở đào tạo. Trên cơ sở khảo sát từ 142/271 trường đại học, hiện nay trong hệ thống các trường đại học đã hình thành 945 nhóm nghiên cứu, một trường đại học có trung bình 7 nhóm nghiên cứu. Tuy nhiên, các trường có kết quả nghiên cứu tốt chủ yếu do hình thành được các nhóm nghiên cứu, nhưng là sự hình thành tự phát, chưa có cơ chế chính sách về vấn đề này.

Sự gia tăng của các nhóm nghiên cứu trong các trường đại học tỷ lệ thuận với sự gia tăng số lượng công bố quốc tế, qua khảo sát cho thấy các tác giả có các công bố quốc tế ều tham gia vào các nhóm nghiên cứu. Nhóm nghiên cứu chính là một trong những giải pháp quan trọng nhất để nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả của các hoạt động nghiên cứu, nâng cao chất lượng và số lượng đội ngũ nhân lực KH&CN cũng như nâng cao xếp hạng của trường đại học.

Chỉ ra một số tồn tại, hạn chế chủ yếu của các nhóm nghiên cứu hiện nay ở Việt Nam, GS Nguyễn Đình Đức cho biết đó là còn thiếu cán bộ khoa học đầu ngành dẫn dắt nhóm nghiên cứu; số lượng công bố quốc tế của các nhóm nghiên cứu còn khá khiêm tốn; nguồn lực đầu tư cho các nhóm nghiên cứu còn hạn chế. Ngoài ra, về phía quản lý nhà nước, trường đại học, còn thiếu chính sách cụ thể, đủ mạnh để hỗ trợ, thúc đẩy sự hình thành, phát triển các nhóm nghiên cứu trong các trường đại học [7].

3.2. Các tiêu chí của nhóm nghiên cứu mạnh

Có thể phân chia các tiêu chí của NNC mạnh dưới các mặt đưới đây [3;4;5]

3.2.1.Về nhân lực

Một nhóm nghiên cứu mạnh gồm có trưởng nhóm, ít nhất 02 thành viên và một số (không giới hạn) cộng tác viên. Trưởng nhóm phải là cán bộ cơ hữu của trường đại học, các thành viên có thể là cán bộ cơ hữu hoặc từ bên ngoài trường đại học, trong đó số thành viên từ bên ngoài chiếm không quá 1/2 tổng số thành viên. Khuyến khích mời các thành viên và cộng tác viên là các nhà khoa học nước ngoài.

1. Trưởng nhóm nghiên cứu phải đáp ứng các tiêu chí sau:

– Có chức danh, học vị từ Phó giáo sư, Tiến sĩ trở lên; trường hợp là Tiến sĩ thì phải có ít nhất 4 năm kinh nghiệm hoạt động nghiên cứu sau khi đạt học vị;

– Là nhà khoa học có uy tín, có năng lực tổ chức, tập hợp các nhà khoa học, có khả năng định hướng phát triển, xây dựng và điều phối triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH &CN);

– Đã hoặc đang chủ trì nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ trở lên, trường hợp chưa có thì tiêu chí về kết quả khoa học bên dưới phải tăng thêm 01 công trình khoa học;

– Đã hướng dẫn ít nhất 01 nghiên cứu sinh hoặc 02 học viên cao học bảo vệ thành công, trường hợp ngành chuyên môn chưa có đào tạo sau đại học thì tiêu chí về kết quả khoa học bên dưới phải tăng thêm 01 công trình khoa học;

– Sử dụng thành thạo ít nhất 01 ngoại ngữ phổ biến (Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung, Nhật), trong đó giao tiếp được bằng tiếng Anh;

– Có kinh nghiệm và khả năng huy động các nguồn lực đảm bảo điều kiện cho hoạt động của nhóm;

-Trong vòng 5 năm trước thời điểm đăng ký đạt được các kết quả khoa học sau:

+ Đối với trưởng nhóm nghiên cứu cơ bản khối ngành khoa học tự nhiên: là tác giả hoặc đồng tác giả của ít nhất 04 công trình khoa học công bố trên tạp chí thuộc danh mục ISI hay Scopus; hoặc chủ biên 01 sách chuyên khảo đã được xuất bản bởi nhà xuất bản quốc tế hay 02 sách chuyên khảo đã được xuất bản bởi nhà xuất bản quốc gia có uy tín;

+ Đối với trưởng nhóm nghiên cứu cơ bản khối ngành khoa học xã hội-nhân văn: là tác giả hoặc đồng tác giả của ít nhất 02 công trình khoa học công bố trên tạp chí thuộc danh mục ISI hay Scopus, hoặc chủ biên ít nhất 02 sách chuyên khảo đã được xuất bản bởi nhà xuất bản quốc tế hay 03 sách chuyên khảo đã được xuất bản bởi nhà xuất bản quốc gia có uy tín;

+ Đối với trưởng nhóm nghiên cứu ứng dụng: là tác giả hoặc đồng tác giả của ít nhất 02 công trình khoa học công bố trên tạp chí thuộc danh mục ISI hay Scopus, hoặc chủ biên 01 sách chuyên khảo đã được xuất bản bởi nhà xuất bản quốc tế hay 02 sách chuyên khảo đã được xuất bản bởi nhà xuất bản quốc gia có uy tín; và là tác giả của ít nhất 01 bằng độc quyền sáng chế hoặc ít nhất 01 sản phẩm hay giải pháp ứng dụng đã được chuyển giao vào sản xuất, đời sống hoặc đạt được giải thưởng KH&CN, sáng tạo kỹ thuật cấp quốc gia.

2. Thành viên của nhóm nghiên cứu đáp ứng các tiêu chí sau:

  • Là nhà khoa học có trình độ tiến sĩ trở lên, hoặc nếu là thạc sĩ thì phải có ít nhất 04 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn;
  • Đã hoặc đang chủ trì nhiệm vụ KH&CN cấp trường đại học hoặc thành viên của nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ trở lên;
  • Trong vòng 5 năm trước khi đăng ký có ít nhất 02 công trình khoa học công bố trên tác tạp chí chuyên ngành quốc tế hay quốc gia có uy tín;
  • Nếu là thành viên đến từ bên ngoài trường đại học phải có thư cam kết tham gia nhóm nghiên cứu.
    • Về cơ sở vật chất, trang thiết bị

Nhóm nghiên cứu mạnh phải có sẵn cơ sở vật chất, các trang thiết bị cơ bản phục vụ cho hướng nghiên cứu. Cơ sở vật chất, trang thiết bị thiết yếu cho nghiên cúu phải là tài sản của trường đại học và nhóm nghiên cứu được giao quản lý sử dụng trực tiếp, hoặc là tài sản riêng của nhóm. Cơ sở vật chất và trang thiết bị ít thiết yếu có thể là tài sản sử dụng chung trong đơn vị hay trong trường đại học.

  • Về hợp tác nghiên cứu
  • Nhóm nghiên cứu cơ bản phải có hoạt động hợp tác quốc tế và đã có sản phẩm khoa học chung với đối tác (đối với khối ngành khoa học xã hội-nhân văn nếu không có hợp tác quốc tế thì phải có hợp tác với các viện, trung tâm nghiên cứu cấp quốc gia);
  • Nhóm nghiên cứu ứng dụng phải có hợp tác với doanh nghiệp, tổ chức, địa phương và có sản phẩm ứng dụng cụ thể.

3.3.Trách nhiệm của nhóm nghiên cứu mạnh  
– Đề xuất, xây dựng đề cương/thuyết minh, đấu thầu, triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN các cấp, trong đó ưu tiên tập trung các nhiệm vụ cấp Bộ trở lên và nhiệm vụ hợp tác quốc tế;
– Thực hiện các nhiệm vụ KH&CN có tính mới và đột phá do nhóm đề xuất
hoặc các nhiệm vụ trọng điểm, đột xuất đặc biệt do trường đại học và các cấp có thẩm quyền đặt hàng;
– Tạo ra các sản phẩm và cung cấp các dịch vụ KH&CN chất lượng cao; hàng năm mỗi nhóm nghiên cứu cơ bản khối ngành khoa học tự nhiên và kỹ thuật phải công bố ít nhất 01 bài báo khoa học trên tạp chí thuộc danh mục ISI (SCI, SCIE), mỗi nhóm nghiên cứu cơ bản khối ngành khoa học xã hội và nhân văn phải công bố ít nhất 01 bài báo khoa học trên tạp chí thuộc danh mục Scopus hoặc trong kỷ yếu hội thảo quốc tế bằng tiếng nước ngoài có chỉ số ISBN;

– Tập hợp, kết nối nguồn lực giữa các đơn vị, thu hút nguồn lực bên ngoài trường đại học;
– Xây dựng và quảng bá thương hiệu trường đại học, sử dụng Website của trong trường đại học các công bố khoa học.

* Nhóm nghiên cứu mạnh về khoa học – công nghệ tại trường Đại học Hạ Long

Từ khái niệm, tiêu chí hoạt động, trách nhiệm của nhóm nghiên cứu và nhóm NCM, thực trạng về NCKH của Trường Đại học Hạ Long như đã nêu ở trên. Có thể nhận thấy rằng việc thành lập NNC mạnh của Trường Đại học Hạ Long ở thời điểm hiện tại là rất khó khăn. Tuy nhiên để tạo lộ trình tiến tới thành lập NNC mạnh, theo chúng tôi trước mắt cần thành lập NNC với một số biện pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất: Trường Đại học Hạ Long thành lập NNC theo các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, bao gồm: Khoa học Tự nhiên, khoa học Xã hội, khoa học Nhân văn, khoa học Kỹ thuật và Công nghệ, khoa học Nông nghiệp mà nhân lực NCKH của nhà trường có thể đảm nhiệm được. Trong đó ban hành quy định  hay quy chế hoạt động cụ thể của NNC để từ đó có thể vận hành hoạt động NNC một cách có hiệu quả;

Thứ hai: Chọn các GV có trình độ Tiến sĩ, đặc biệt là các Tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài làm trưởng NNC. Ví dụ: Chọn GV có trình độ TS khoa Thủy sản làm trưởng nhóm nghiên cứu lĩnh vực khoa học Nông nghiệp; Chọn GV có trình độ TS khoa Công nghệ Thông tin làm trưởng nhóm nghiên cứu lĩnh vực khoa học Kỹ thuật và Công nghệ; Chọn GV có trình độ TS khoa Du Lịch làm trưởng nhóm nghiên cứu lĩnh vực khoa học xã hội,…

Thứ ba: Bổ sung các thiết bị, phương tiện kỹ thuật, phục vụ cho NCKH nói chung và của NNC nói riêng tại Trung tâm Khoa học – Công nghệ và trung tâm Nghiên cứu Vịnh Hạ Long của nhà trường.

Thứ tư: Xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm trực thuộc Trường theo đề án xây dựng thành phố thông minh của Tỉnh và giao cho các NNC quản lí, điều phối. Phòng thí nghệm phục vụ cho các chương trình nghiên cứu dài hơi; tạo ra các sản phẩm khoa học công nghệ cao, thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu vào sản xuất.

Thứ năm: Phối hợp các nhà khoa học đầu ngành ở các Viện, Trường Đại học có uy tín trong nước (Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục,…) và các tổ chức quốc tế ( tổ chức PUM của Hà Lan, Đại học RMIT của Úc, Đại học AUT của Niu Di Lân,…) để thực hiện các đề tài, dự án cấp Bộ và cấp Quốc gia hay viết các các bài báo khoa học đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục ISI hoặc Scopus, vì đây là các tổ chức đã là đối tác có quan hệ mật thiết với nhà trường.

Thứ sáu: Nhà trường cần có cơ chế chính sách đặc thù cho NNC, bao gồm: chế độ tính phụ cấp trách nhiệm cho trưởng nhóm, chế độ tính giờ NCKH cho các thành viên của nhóm; Kinh phí cho các sản phẩm được nghiệm thu một cách thỏa đáng (bài báo quốc tế, đề tài. dự án,..); thời gian làm việc,..Những điều kiện này sẽ góp phần quan trọng, động viên, khích lệ các nhà khoa học và GV trong trường say mê NCKH, nhiệt tình và cống hiến cho sự nghiệp phát triển của nhà trường trong thời gian tới.

4. Kết luận

Tóm lại, từ cơ sở thực tiễn về thực trạng công tác NCKH tại Trường Đại học Hạ Long trong thời gian qua, cơ sở lí luận và thực tiễn về nhóm NCM mà một số trường đại học trong nước đã triển khai hoạt động có những hiệu quả rất tốt. Nếu Nhà trường thành lập NNC và hoạt động hiệu quả; sau đó tiến tới thành lập NNC mạnh thì có thể sẽ là bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng của Trường theo hướng tiếp cận quốc tế và hoàn thành sứ mệnh đóng góp cho tỉnh Quảng Ninh nói riêng và công đồng nói chung bằng những sản phẩm cụ thể, có hàm lượng khoa học cao; bên cạnh đó còn có thể giúp cho Nhà trường tiến đến tự chủ về tài chính.

                                                                                                       TS. Nguyễn Lâm Sung – Khoa Sư phạm           

* TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Chiến lược Phát triển giáo dục 2011 – 2020, ban hành kèm theo Quyết định số 711/QĐ – TTg ngày 13 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng chính phủ.

[2]. Nghị định số 99/2014/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 25/10/2014 về việc
“Quy định việc đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động khoa học và
công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học”.

[3]. Thông tư số 37/TT – BKHCN của Bộ Khoa học Công nghệ ngày 12/12/2014 về việc “Quy định quản lí đề tài nghiên cứu cơ bản do Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia tài trợ”.

[4]. Dự thảo Thông tư “Quy định hướng dẫn phát triển nhóm nghiên cứu mạnh trong các cơ sở giáo dục đại học” của Bộ GD&ĐT ngày 01/4/2019.

[5]. Quy định về tổ chức và hoạt động nhóm nghiên cứu mạnh ở Đại học Huế ban hành theo Quyết định số 234/QĐ-ĐHH ngày 14 tháng 3 năm 2018 của Giám đốc Đại học Huế

[6]. Quyết định số 1109/QĐ – UBND ngày 02/6/2014 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.

[7]. http://www.moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=5966

BÌNH LUẬN