Thứ Sáu, 23/9/2022 | 19:12 GMT +7

QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ CÁC LOẠI THIỆT HẠI ĐƯỢC BỒI THƯỜNG DO XE  PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG CƠ GIỚI GÂY RA

Phương tiện giao thông vận tải cơ giới khi chủ phương tiện hoặc các chủ thể khác điều khiển phương tiện gây thiệt hại mà không thuộc các trường hợp miễn trừ trách nhiệm thì phải bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại theo quy định. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi được áp dụng là nhằm khôi phục những lợi ích bị thiệt hại cho người bị thiệt hại. Pháp luật Việt Nam đã có các quy định cụ thể về các loại thiệt hại được bồi thường, đảm bảo hài hòa quyền lợi của chủ phương tiện và người bị thiệt hại.

Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm

Thiệt hại tài sản là thiệt hại vật chất tính toán được. Tài sản bao bồm: vật có thực, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Theo quy định tại Điều 589 BLDS 2015 thì thiệt hại do tài sản bị xâm hại được bồi thường gồm tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại hoặc các thiệt hại khác không nằm trong các danh mục vừa nêu mà pháp luật có quy định phải bồi thường. Như vậy, thiệt hại về tài sản bao gồm thiệt hại trực tiếp nhằm khôi phục tình trạng ban đầu của tài sản và thiệt hại gián tiếp liên quan đến việc khai thác tài sản từ thời điểm bị thiệt hại đến thời điểm được bồi thường.

Trong lĩnh vực giao thông vận tải cơ giới, hành vi vi phạm do người điều khiển phương tiện giao thông vận tải cơ giới gây ra thì thiệt hại tài sản chủ yếu là do sự tác động một lực vật lý vào tài sản dẫn đến việc tài sản bị biến dạng, mất đi những thuộc tính ban đầu của tài sản. Cùng với đó, trong thời gian tài sản sửa chữa có thể ảnh hưởng đến việc thu hao lợi, lợi tức có được từ việc khai thác tài sản cũng được xác định thiệt hại gián tiếp do hành vi trái pháp luật của người điều khiển phương tiện gây ra.

     Khi tiến hành bồi thường thiệt hại về tài sản, các bên thoả thuận về mức bồi thường, cách thức tiến hành. Bồi thường trực tiếp có thể được thực hiện thông qua việc đền bù một khoản tiền, thay thế bằng một vật khác, hoặc thực hiện một công việc cho người bị thiệt hại (như việc người gây thiệt hại đã tự mình sửa lại tài sản cho người bị thiệt hại). Nếu việc bồi thường bằng hiện vật không thể tiến hành trên thực tế thì các bên căn cứ căn cứ vào giá trị của tài sản (có trừ đi khấu hao do sử dụng) để bồi thường bằng tiền hoặc tài sản có giá trị tương đương tiền. Việc bồi thường bằng tiền có thể tiến hành một lần, hoặc nhiều lần tuỳ vào sự thoả thuận của các bên.

Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm

Sức khoẻ là vốn quý giá nhất của con người, khi sức khỏe bị xâm phạm, hoạt động của người bị thiệt hại cũng bị hạn chế khá nhiều vì không đủ sức khỏe để tiếp tục duy trì những hoạt động thường nhật; làm việc hoặc thực hiện những công việc mà bản thân họ đang làm có thể trực tiếp hoặc gián tiếp tạo ra nguồn thu nhập để nuôi sống bản thân họ hoặc gia đình. Do vậy, việc bồi thường thiệt hại không thể bù đắp được tất cả các chi phí mà chỉ có thể bồi thường một phần đối với người bị thiệt hại, nhằm tạo điều kiện cho người bị thiệt hại, gia đình họ khắc phục những khó khăn do tai nạn gây nên. Trong một số trường hợp việc bồi thường còn có ý nghĩa là một trợ cấp cho người bị thiệt hại, gia đình họ do phương tiện giao thông vận tải cơ giới gây ra.

Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm quy định tại Điều 590 BLDS 2015 bao gồm: chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại (nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại); chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị (nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc, thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại và khoản cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng, nếu có) hoặc thu nhập khác mà tùy từng vụ việc mà pháp luật quy định người bị thiệt hại được bồi thường. Tùy từng trường hợp, Tòa án buộc người xâm phạm sức khỏe người khác phải bồi thường một khoản bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Việc bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần là một khái niệm mang tính trừu tượng. Hiện tại, pháp luật không có mẫu số chung cho việc xác định mức bồi thường thiệt hại này đối với tất cả mọi người một cách chính xác. Việc xác định mức bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần phụ thuộc vào từng cá nhân của người bị thiệt hại. Mức bồi thường sẽ do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì tối đa không vượt quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm

Tính mạng của con người là vô giá không thể so sánh với bất cứ thứ gì và cũng khó để quy đổi thành tiền hoặc vật chất. Pháp luật quy định con người có quyền được sống, việc con người bằng hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình sử dụng, điều khiển phương tiện giao thông vận tải cơ giới gây ra thiệt hại xâm hại đến tính mạng con người chính là trực tiếp tước đi quyền sống của họ, gây tổn thất to lớn cho gia đình nạn nhân thì ngoài việc phải chịu trách nhiệm hành chính, hình sự thì còn phải bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng con người. Việc bồi thường thiệt về tính mạng thực chất là dùng tiền hoặc vật chất có giá trị tương đương tiền để bù đắp lại những tổn thất liên quan đến cái chết của người bị thiệt hại (nạn nhân).

Thiệt hại mà chủ sở hữu phương tiện phải bồi thường do hành vi vi phạm của mình dẫn đến tính mạng bị xâm phạm quy định tại Điều 591 BLDS 2015 bao gồm: chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc cho người bị thiệt hại trước khi chết và những chi phí do sức khỏe bị xâm phạm;  chi phí hợp lý cho việc mai táng, tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; tùy từng trường hợp, Tòa án quyết định người gây thiệt hại do xâm phạm tính mạng phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Tóm lại, phương tiện giao thông vận tải cơ giới do hành vi điều khiển của con người mà gây thiệt hại thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại đầu tiên vẫn xem xét thuộc về chủ sở hữu, mà để thỏa được những điều kiện chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại thì phải đảm bảo thỏa mãn các quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ phương tiện giao thông vận tải cơ giới sau khi đã loại trừ các trường hợp được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Việc xác định các loại thiệt hại và mức bồi thường được xác định trên cơ sở pháp luật và sự thỏa thuận của các bên nhằm bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

Bùi Văn Lợi – Khoa Khoa học cơ bản

BÌNH LUẬN