Thứ Năm, 30/12/2021 | 15:02 GMT +7

Trung tâm Thông tin, Thư viện và Giao lưu văn hóa Việt – Nhật tiếp nhận Sách chuyên khảo do Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh dành tặng

Chiều 29/12/2021, Trung tâm Thông tin, Thư viện và Giao lưu văn hóa Việt - Nhật (Trường Đại học Hạ Long) đã tổ chức Chương trình tiếp nhận 30 cuốn Sách chuyên khảo: “Vai trò của luật tục Người Dao, Người Sán Chỉ ở Quảng Ninh trong quản lý và xây dựng cộng đồng phát triển bền vững” do Ban Dân tộc (Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Ninh) dành tặng.

Tham gia chương trình có Tiến sĩ Hoàng Thị Thu Giang (Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long), đồng chí Lê Mạnh Hà (Giám đốc Trung tâm Thông tin, Thư viện và Giao lưu văn hóa Việt – Nhật), cán bộ viên chức Trung tâm … Về phía Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh có đồng chí Ân Thị Thìn (Phó Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh), các đồng chí lãnh đạo Ban …

Quảng Ninh là tỉnh miền núi, biên giới, biển đảo, với diện tích tự nhiên khoảng 6.110 km², có 14 đơn vị hành chính gồm 04 thành phố, 02 thị xã và 08 huyện với 186 xã, phường, thị trấn. Dân tộc thiểu số của tỉnh gồm 21 thành phần, với 162.531 người, chiếm 12,31% dân số toàn tỉnh cư trú trên hơn 85% diện tích của tỉnh và có vị trí trọng yếu về quốc phòng an ninh, biên giới quốc gia. Trong những năm qua, tỉnh đã ưu tiên dành cơ chế, nguồn lực tập trung cho việc phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng dân tộc thiểu số và miền núi,do đó diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh đã có nhiều đổi mới; cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã vùng khó khăn từng bước được đầu tư, cải thiện, chính sách an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo, chương trình giảm nghèo đạt nhiều kết quả tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, ổn định và nâng cao hơn trước; nếp sống văn hóa được duy trì, nhiều phong tục tập quán tốt đẹp được giữ vững; Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đảm bảo… Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của tỉnh, tình hình kinh tế – xã hội ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh còn nhiều khó khăn, khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển của vùng và đô thị còn khá lớn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo các xã vùng khó khăn còn cao; Kết quả giảm nghèo chưa bền vững; Sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Chất lượng y tế, giáo dục có mặt còn hạn chế; bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của một số dân tộc bị mai một; Một số hủ tục trong phong tục tập quán của một bộ phận người dân tộc thiểu số vẫn tồn tại…

Sách chuyên khảo “Vai trò của luật tục người Dao, người Sán Chỉ ở Quảng Ninh trong quản lý và xây dựng cộng đồng phát triển bền vững” là sản phẩm thuộc Đề tài cấp cơ sở: “Vận dụng luật tục của người Dao, Sán Chỉ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vào quản lý và xây dựng cộng đồng tự quản thôn, bản, vùng dân tộc thiểu số phát triển bền vững trong thời kì hội nhập” do Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh thực hiện. Theo đó, nhóm tác giả đã tổ chức khảo sát, nghiên cứu văn hóa, hệ thống luật tục của người Dao và người Sán Chỉ trên địa bàn tỉnh trong lịch sử và hiện tại, nhất là trong điều kiện xã hội đang hướng tới phát triển bền vững trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế – xã hội, văn hóa, bảo vệ tài nguyên – môi trường, an ninh quốc phòng… Khi tìm hiểu cuốn sách, người đọc sẽ tiếp cận được nhiều thông tin bổ ích như: Lý luận về vai trò của luật tục trong quản lý và xây dựng cộng đồng phát triển bền vững; Khái quát về người Dao và người Sán Chỉ ở Quảng Ninh; Một số nội dung cơ bản của luật tục người Dao và người Sán Chỉ ở Quảng Ninh; Vai trò của luật tục người Dao, người Sán Chỉ trong việc quản lý và xây dựng cộng đồng phát triển bền vững…

Phát biểu tại chương trình tiếp nhận, Tiến sĩ Hoàng Thị Thu Giang (Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long) trân trọng cảm ơn Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã dành tặng sách chuyên khảo cho Thư viện Nhà Trường, đây sẽ là một nguồn kiến thức bổ ích dành cho sinh viên các chuyên ngành đang theo học tại Trường Đại học Hạ Long. Tiến sĩ Hoàng Thị Thu Giang đề nghị Trung tâm Thông tin Thư viên và Giao lưu văn hóa Việt – Nhật nhanh chóng thực hiện các thủ tục biên mục và kết nối để cuốn sách tiếp cận tới sinh viên Nhà trường trong thời gian sớm nhất.

TTTV

BÌNH LUẬN