Chủ Nhật, 24/3/2019 | 19:17 GMT +7

Tiến sỹ 8X tiếp lửa đam mê với ngành thủy sản

Tiến sĩ Đặng Toàn Vinh (SN 1984) đã có 11 năm học tập và làm việc tại Úc, Singapore, Mỹ, là một trong những tiến sĩ đầu tiên về trường Đại học Hạ Long theo chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của Quảng Ninh.

Hiện người con của Hạ Long này là Trưởng khoa Thủy sản, nung nấu nhiệt huyết đóng góp cho quê hương bằng những nghiên cứu thực tiễn mang lại những lợi ích thiết thực cho ngành Nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.

Đặng Toàn Vinh, từng nhận học bổng toàn phần phát triển Australia (bậc đại học) và học bổng toàn phần từ Hiệp hội thủy sản Úc (tiến sĩ) và từng làm việc tại Viện nghiên cứu ASTAR – Singapore (2012-2013) và trường đại học Arizona và trường Ohio State – Mỹ (2013-2015). Đến nay, anh có 14 bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế.

Anh từng nhận giải thưởng công trình nghiên cứu sinh viên xuất sắc thứ 2 tại Úc và chứng nhận sinh viên nghiên cứu tiêu biểu bang Nam Úc. Anh chia sẻ những giải thưởng sẽ là nguồn khích lệ rất lớn để các bạn học sinh theo học ngành thủy sản.

Tiến sĩ Đặng Toàn Vinh chia sẻ về tiềm năng của thủy sản và nguồn nhân lực chất lượng cao đang rất thiếu tại Quảng Ninh.

“Trái ngọt” từ sự thúc đẩy đam mê cho học sinh

Để thúc đẩy học sinh hình thành đam mê với ngành thủy sản, những năm qua Tiến sĩ Đặng Toàn Vinh đã trực tiếp hướng dẫn nhiều đề tài học sinh THPT đạt giải cấp quốc gia và quốc tế ở kì thi khoa học kỹ thuật.

Điển hình đó là đề tài sinh học: “Cải thiện chẩn đoán bệnh hoại tử gan tụy cấp tính cho tôm chân trắng và sản xuất chế phẩm sinh học để ngăn chặn dịch bệnh” và dưới sự hướng dẫn của Tiến sĩ Đặng Toàn Vinh, hai em Lê Tuấn và Mạnh Tuấn Hưng, học sinh trường THPT Chuyên Hạ Long, đã xuất sắc giành giải nhất KHKT cấp Tỉnh, và huy chương Bạc tại Triển lãm Sáng chế quốc tế tại Cao Hùng (Đài Loan).

Đây là một phần trong đề tài nghiên cứu cấp Tỉnh do tiến sĩ Đặng Toàn Vinh là chủ nhiệm. Nghiên cứu này giúp phát hiện mầm bệnh vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy ở tôm giống và nguồn nước dù chỉ có 1-10 vi khuẩn/ mẫu mà phương pháp thông thường PCR/ realtime PCR hiện nay chưa đủ độ nhạy để phát hiện.

Việc phát hiện mầm bệnh sớm sẽ giúp đánh giá chất lượng giống và nguồn nước, bên cạnh đó sẽ có phương pháp phòng bệnh kịp thời. Nghiên cứu này cũng tạo ra chế phẩm vi sinh Lactobacillus từ ruột tôm (chọn từ mẫu tôm to và ruột đầy nhất tại ao semifloc có năng suất cao nhất) giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính. Chế phẩm vi sinh Lactobacillus hoàn toàn có thể tự nhân sinh khối 30-45 ngày tại trại tôm dùng các nguyên liệu sữa, mật rỉ đường, bột đầu nành, cám cạo, qua đó giảm chi phí hơn 6 lần so với các chế phẩm vi sinh đang được bán thương mại hiện nay. Chế phẩm vi sinh Lactobacillus đã được thử nghiệm tại 15 trang trại nuôi tôm ở Quảng Ninh và nhiều trại ở các tỉnh thành khác như Thái Bình, Nam Định, Quảng Ngãi….

Hai học sinh Lê Tuấn và Mạnh Tuấn Hưng, trường THPT Chuyên Hạ Long, giành Huy Chương Bạc tại Triển lãm Sáng chế quốc tế tại Cao Hùng (Đài Loan)

dưới sự hướng dẫn của tiến sĩ Đặng Toàn Vinh.

Tiến sĩ Đặng Toàn Vinh đã tham gia hướng dẫn đề tài khoa học ở một số trường THPT trên địa bàn Quảng Ninh như trường THPT Chuyên Hạ Long, trường THPT Bạch Đằng và các đề tài đạt giải KHKT cấp Tỉnh (giải nhất) và cấp quốc gia (giải nhì và giải khuyến khích) về lĩnh vực thủy sản.

Hiện nay, anh đang tiếp tục hướng dẫn nghiên cứu khoa học về lĩnh vực tảo xoắn Spirulina – được quốc tế công nhận là sản phẩm giàu dinh dưỡng nhất trên trái đất và có tính chống oxy hóa cao nhất. Đề tài này không chỉ giúp sản xuất tảo tươi cho mục đích ăn/uống mà còn tối ưu quy trình tách chiết chất chống oxy hóa C-phycocyanin (hiện giá hàng nghìn đô/gram) cho mục đích làm đẹp và chống lão hóa da.

Học sinh THPT chuyên Hạ Long kiểm tra môi trường nuôi tảo xoắn dưới sự hướng dẫn của tiến sĩ Đặng Toàn Vinh (tại Hà Khẩu, Hạ Long)

Kết nối  với nhà khoa học quốc tế để tạo môi trường trải nghiệm cho học sinh THPT

Tiến sĩ Vinh cho biết, qua các chuyến đi lấy và phân tích mẫu, học sinh có được những trải nghiệm quý giá tại các doanh nghiệp thủy sản được đầu tư bài bản hàng tỷ đồng/ha, như mô hình nuôi tôm trong nhà kính 2-3 giai đoạn tại Công ty CP Thủy sản Tân An (TX Quảng Yên), Công ty CP Thủy sản và Thương mại Hạ Long (huyện Hoành Bồ).

Các em học sinh được trải nghiệm qua các chuyến đi hỗ trợ lấy mẫu cùng với nhà khoa học trên thế giới như Giáo Sư Kirsten Benkendorff, Trường Southern Cross (Úc), Giáo Sư Matthew Sullivan, Trường Ohio State (Mỹ), và các đoàn nghiên cứu của Đức….

Như học sinh Lê Tuấn và Mạnh Tuấn Hưng của trường chuyên Hạ Long đã tham gia cùng Giáo Sư Kirsten Benkendorff đi lấy mẫu tôm và phân tích các chỉ số vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật trong nguồn nước có thể ảnh hưởng đến tôm nuôi tại Quảng Yên, Hoành Bồ, Tiên Yên, Móng Cái. Qua các chuyến đi, các em dần hình thành sự tự tin trao đổi với chuyên gia bằng tiếng Anh.

Tiến sĩ Đặng Toàn Vinh cùng giáo sư Kirsten Benkendorff và học sinh thu mẫu tôm tại Công ty CP Thủy sản và Thương mại Hạ Long (tại huyện Hoành Bồ – Quảng Ninh).

Qua những chuyến đi trải nghiệm, các em cũng biết rằng, nếu kiểm soát được dịch bệnh, nguồn lợi nhuận từ nuôi tôm công nghiệp là rất lớn, từ hàng chục tỷ đến trăm tỷ đồng/năm tùy quy mô sản xuất. Để nuôi tôm đạt hiệu quả thì nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao là quan trọng nhất, do đó, họ có thể nhận mức lương rất cao (hàng chục triệu/tháng) cùng với việc chia lợi nhuận khoảng 10% hàng năm. Tuy nhiên nguồn nhân lực kỹ sư chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và một số tỉnh lân cận đang rất thiếu, đây chính là một trong những điểm hạn chế cho sự phát triển ngành thủy sản.

Tiến sỹ Vinh đau đáu: “Tôi hy vọng có thể trở thành cầu nối để thúc đẩy sự hợp tác trải nghiệm khoa học giữa trường Đại học với các trường THPT trên địa bàn tỉnh, cùng với sự kết nối với các chuyên gia uy tín ở nước ngoài”.

Tại trường Đại học Hạ Long, anh Vinh đặc biệt quan tâm đến việc hướng dẫn sinh viên Khoa Thủy sản, các em đã đạt giải nhì ý tưởng sáng tạo KHKT cấp Tỉnh. Chương trình đào tạo của Khoa Thủy sản gắn lý thuyết với thực tiễn, tạo điều kiện cho sinh viên tham gia sản xuất chế phẩm vi sinh, nuôi tảo xoắn, nuôi thủy sản theo công nghệ tuần hoàn nước/aquaponic. Sinh viên được đi thực tế và thực tập từ cuối năm thứ 2, tổng thời gian lên đến 9 tháng – đây cũng là điều kiện thuận lợi để các em tích lũy kinh nghiệm thực tế, phục vụ cho công việc sau khi ra trường.

“Điều quan trọng nhất là phải phát triển nguồn nhân lực đủ để đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành. Theo kết quả điều tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ninh năm 2013, tỉnh có đến 94% lao động trong Thủy sản (trên tổng số 51 nghìn lao động) chưa qua đào tạo. Cả tỉnh chỉ có 73 người (chiếm 0,15%) có trình độ đại học trở lên. Qua đây cho thấy, nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Nuôi trồng Thủy sản đang khan hiếm như thế nào”- Tiến sĩ Vinh bộc bạch.

Trường đại học Hạ Long được thành lập với sự quan tâm, đầu tư của tỉnh Quảng Ninh để kỳ vọng phát triển Trường thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh và hướng tới trở thành cơ sở đào tạo có uy tín của cả nước, trong đó khoa Thủy sản sẽ là địa chỉ cung cấp nguồn nhân lực có chuyên môn tốt để ngành thủy sản Quảng Ninh phát triển ổn định và bền vững.

Tiến sĩ Đặng Toàn Vinh cho biết, khoa Thủy sản trường Đại học Hạ Long thực hiện cam kết, trong năm học 2019-2020, khi đăng ký học ngành Nuôi trồng thủy sản, 20 nam sinh viên sẽ có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp với mức lương tối thiểu là 9.000.000 đồng/tháng cùng % lợi nhuận (thỏa thuận sau thời gian thử việc).

 

Nguyễn Hùng (dantri.com.vn)

 

BÌNH LUẬN